Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh (hay còn gọi là Dân ca ví, giặm xứ Nghệ), do cộng đồng hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo, lưu truyền trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt. Hiện nay, việc thực hành, truyền dạy Dân ca ví, giặm luôn được các địa phương quan tâm, đẩy mạnh.
Trong dịp công tác mới đây, đoàn công tác của chúng tôi đã có dịp đến với xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, được các nghệ nhân nơi đây chia sẻ về những hoạt động của Câu lạc bộ (CLB) Dân ca ví, giặm xã Hưng Tân và CLB làng Phan (xã Hưng Tân) trong góp phần bảo tồn, trao truyền và phát huy những giá trị di sản văn hóa nghệ thuật truyền thống này.
Các nghệ nhân biểu diễn trong ngày ra mắt Câu lạc bộ
Sự quan tâm của các cấp chính quyền
Huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An hiện có 18 CLB Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh hoạt động, trong đó, xã Hưng Tân có 2 CLB, đó là 1 CLB của xã và 1 CLB của làng Phan. CLB Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh xã Hưng Tân được thành lập năm 2012 theo sự chỉ đạo của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), hoạt động dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, UBND xã Hưng Tân. Khi mới bắt đầu thành lập, CLB có 25 thành viên, đến nay, CLB đã có tổng số 45 thành viên, số lượng có thể biến động, vào những lúc rảnh rỗi thì người dân tham gia sinh hoạt đông hơn.
Phó Chủ nhiệm CLB Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh xã Hưng Tân Nguyễn Trọng Tâm vui mừng cho biết: Trước đây, Dân ca ví, giặm tồn tại nhờ sự đam mê của người dân, từ khi có chủ trương của Nhà nước, công tác quảng bá, tuyên truyền, nâng cao nhận thức rất được quan tâm. Cả hệ thống chính trị cơ sở cũng nhận thấy đây là một việc làm rất quan trọng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản, do đó xem như một nhiệm vụ chính trị và đặc biệt là trong xây dựng đời sống văn hóa ở cộng đồng dân cư.
Tạo dựng môi trường diễn xướng mới
Dân ca ví, giặm xứ Nghệ được thực hành trong cuộc sống, lúc ru con, khi làm ruộng, chèo thuyền, lúc dệt vải, xay lúa. Các lối hát, vì vậy, được gọi tên theo các hình thức lao động và sinh hoạt như: Ví phường vải, Ví phường đan, Ví phường nón, Ví phường củi, Ví trèo non, Ví đò đưa, Giặm ru, Giặm kể, Giặm khuyên,… Hai lối hát dân ca này thường được hát xen kẽ cùng nhau nên có tên ghép là Dân ca ví, giặm.
Theo ông Nguyễn Trọng Tâm, trước đây Dân ca ví, dặm sinh ra từ trong lao động, có những không gian diễn xướng ngay tại môi trường sản xuất, ví như bà con đi cấy ruộng thì sản sinh ra “phường cấy”, làm bánh trong thôn xóm thì sinh ra “phường bánh”, đi hái lượm củi thì sinh ra “phường củi”, trèo non thì sinh ra “trèo non”. Bây giờ không gian diễn xướng đó không còn nữa, nhưng hiện nay, tỉnh Nghệ An đã tổ chức tái tạo lại những không gian diễn xướng đó.
Định kỳ hằng tuần, tại Quảng trường Hồ Chí Minh hoặc phố đi bộ TP Vinh, các không gian diễn xướng được hình thành cho các câu lạc bộ bài trí, trưng bày, ứng tác ngay tại đó, từ quang cảnh, đạo cụ, phục trang cũng như bối cảnh để cho người dân và du khách thấy được một phần không gian diễn xướng xưa. Các nghệ nhân CLB cũng như được sống lại trong không gian sinh hoạt đó, kích thích niềm đam mê sáng tạo của họ.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Hưng Tân Nguyễn Trọng Tâm - Phó Chủ nhiệm CLB Dân ca ví, giặm xã Hưng Tân- Ảnh: Văn Chính
Bảo tồn, trao truyền và phát huy di sản dân ca ví, giặm
Các CLB ra đời thường có nhiệm vụ sưu tầm, biên soạn, viết lời mới, biểu diễn, truyền dạy các tác phẩm dân ca ví, giặm đồng thời đẩy mạnh phong trào hát Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh trong các tầng lớp Nhân dân; tích cực tham gia các Hội thi, hội diễn, các hoạt động giao lưu quảng bá di sản văn hóa.
Xác định tầm quan trọng của việc gìn giữ những tư liệu cổ, những giá trị được trao truyền trong cộng đồng, CLB Dân ca ví, giặm xã Hưng Tân thường xuyên thực hành công tác sưu tầm các vốn cổ như các làn điệu, trích đoạn, tuồng tích dân ca xứ Nghệ trong nhân dân. Đặc biệt là việc gặp gỡ, nắm bắt, ghi chép những giá trị cổ từ các cụ cao niên. Từ năm 2012 đến nay, CLB đã sưu tầm được 15 tác phẩm dân gian có giá trị, bổ sung vào kho tư liệu ví, giặm của tỉnh. Trong đó có 3 tác phẩm đi tham gia biểu diễn đạt giải A, giải B tại các kỳ liên hoan toàn tỉnh. Bên cạnh đó, CLB đã sáng tác, biên soạn, biểu diễn được 38 tác phẩm dân ca mới có giá trị.
Hiện nay, tại xã Hưng Tân, Dân ca ví, giặm được bảo tồn, phát huy dựa trên cơ sở những làn điệu bài bản gốc, thay vào đó bằng lời mới và chủ đề mới hơn. Theo ông Nguyễn Trọng Tâm, có thể làn điệu đó, nếu hát lời cổ thì giới trẻ khó ngấm bởi vì những từ Hán Việt, có những lời cổ, người hát phải tìm hiểu rất kỹ mới hiểu được rõ nghĩa của từ. “Các thanh niên, thiếu niên hát như vậy nhưng cũng không hiểu được từ mình hát là gì thì sẽ khó ngấm, cho nên phải cải biến, phải làm nó phù hợp với cái mới nhưng trên nền cổ. Giọng ru vẫn giữ nguyên giọng ru, giọng kể phải là giọng kể, ví vẫn phải là ví, chứ không thể phá vỡ nó đi, nhưng lời thì mình làm mới cho phù hợp với hơi thở của hiện tại”- Phó Chủ nhiệm CLB xã Hưng Tân cho biết.
Từ khi thành lập đến nay, CLB Dân ca ví, giặm xã Hưng Tân định kỳ mỗi tháng 1 lần, tổ chức các lớp truyền dạy dân ca ví, giặm cho thế hệ trẻ, đặc biệt là các em thiếu niên nhi đồng. Hiện CLB có hơn 20 em thiếu niên, nhi đồng thường xuyên theo học và đã biết hát cơ bản các làn điệu dân ca ví, giặm. Ngoài ra CLB còn định kỳ xuống các khu dân cư tổ chức biểu diễn, nói chuyện và truyền dạy cho phụ nữ, thanh niên nhân các dịp lễ, tết...
Hiện tại, CLB Dân ca ví, giặm xã Hưng Tân đang phối hợp với trường học trong xã, đưa dân ca ví, giặm vào trong những buổi học ngoại khóa để truyền dạy cho học sinh. Bên cạnh đó, truyền dạy cho tất cả mọi tầng lớp nhân dân thông qua các đợt sinh hoạt, quảng bá rộng rãi hoàn toàn miễn phí. Mỗi năm mở từ một đến hai lớp truyền dạy miễn phí cho tất cả các tầng lớp nhân dân đặc biệt là phụ nữ và thanh niên.
Những lớp học miễn phí được người dân hưởng ứng, tham gia rất đông. Đối với các cụ cao niên thì dân ca ví, giặm đã trở thành máu thịt, là dòng chảy ngấm vào trong mỗi con người. Theo ông Nguyễn Trọng Tâm, trong các CLB của xã, hơn một nửa là các bạn trẻ, độ tuổi từ 18 đến khoảng 30 rất nhiều.
Cô Cao Thị Tứ - thành viên CLB Dân ca ví, giặm làng Phan (xã Hưng Tân) chia sẻ, gia đình nhà cô có 3 thế hệ đều tham gia CLB. Trong những chương trình văn nghệ của làng, cũng như lễ hội đền làng Phan, hay giao lưu giữa các làng, các cô thường hay tham gia biểu diễn dân ca. CLB Dân ca ví, giặm làng Phan thường sinh hoạt vào ngày thứ 7, và chủ yếu hoạt động biểu diễn phục vụ trong xã, tham gia các lễ hội do xã tổ chức. “Dù có bận rộn mấy tôi cũng vẫn tham gia. Dân ca nó đã nằm trong máu thịt rồi, nên khi có chương trình, có loa đài là muốn vào hát ngay”- Cô Tứ cho biết.
Cô Cao Thị Tứ - thành viên CLB Dân ca ví, giặm làng Phan (xã Hưng Tân) - Ảnh: Văn Chính
Vẫn còn đó những khó khăn…
CLB Dân ca ví, giặm khi mới thành lập cũng còn gặp không ít những khó khăn như việc sưu tầm những lời cổ, sàng lọc, quy tụ những nghệ nhân. Từ khi có CLB, đó là nơi tập hợp, truyền dạy bài bản cho người dân. "Chính qua đó mới biết được đâu là làn điệu giặm, làn điệu ví, hay là làn điệu hò”- ông Nguyễn Trọng Tâm cho biết.
Bên cạnh đó, mặc dù các CLB Dân ca ví, giặm xã Hưng Tân đã được hỗ trợ kinh phí từ cấp tỉnh, cấp huyện hằng năm nhưng nhìn chung chưa đủ để đáp ứng được các hoạt động của CLB, trong khi điều kiện huy động nguồn xã hội hóa còn hạn chế. Theo ông Tâm: “Chính những nghệ nhân của CLB là những người sống cùng dân, và truyền dạy cho dân, khơi lại niềm đam mê trong nhân dân cho nên cần có sự đầu tư rõ nét, thỏa đáng cho các CLB. Muốn truyền dạy, muốn biểu diễn phải có đạo cụ, phục trang, phải có những điều kiện thiết yếu để CLB sinh hoạt”. Ngoài ra, CLB còn thiếu người có chuyên môn phụ trách biên đạo, dàn dựng các chương trình văn nghệ có chất lượng cao để phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương và tham gia các cuộc giao lưu, hội thi, hội diễn. Hiện nay, cả xã Hưng Tân mới chỉ có 1 nghệ nhân được phong tặng Nghệ nhân ưu tú Dân ca ví, giặm.
Cô Tứ và cô Huyền, thành viên CLB Dân ca ví, giặm làng Phan thì cho biết, các thành viên trong CLB đều là những người yêu Dân ca ví, giặm, các cô tham gia CLB cho vui và cũng là để thỏa lòng đam mê dân ca. Cô Tứ cũng cho biết thêm, gia đình cô có một anh con trai rất thích hát, tham gia cùng CLB đi biểu diễn nhiều nơi. Con trai cô nếu còn ở nhà thì cũng đạt đủ các tiêu chuẩn để xin xét tặng nghệ nhân ưu tú, anh biểu diễn điệu gì cũng được, có giọng hát hay, được nhiều người yêu mến, đã được Sở VHTT khen tặng, đạt được nhiều giải thưởng khi tham gia các kỳ liên hoan, biểu diễn. Nhưng vì mưu cầu cuộc sống, phải đi làm ăn xa, nên không còn tham gia sinh hoạt thường xuyên nữa. Đó cũng là một điều thiệt thòi.
Những năm gần đây, được sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền địa phương và cộng đồng, các CLB Dân ca ví, giặm tại xã Hưng Tân đã tích cực hoạt động và đạt được nhiều kết quả tốt, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản Dân ca ví, giặm xứ Nghệ tại cộng đồng. Mong rằng, trong thời gian tới, sẽ có nhiều sự quan tâm hơn nữa từ chính quyền và cơ quan chức năng, để Dân ca ví, giặm phát triển bền vững, lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng.
THANH DANH