Đạo diễn - NSƯT Vũ Trường Khoa trở lại với đề tài hôn nhân gia đình

Ghi dấu ấn đậm nét với dòng phim về hôn nhân gia đình qua hàng loạt bộ phim, trong đó có những “bom tấn” của màn ảnh nhỏ như Hôn nhân trong ngõ hẹp, Khi đàn ông góa vợ bật khóc, Sống chung với mẹ chồng, Thương ngày nắng về, Hướng dương ngược nắng…, đạo diễn - NSƯT Vũ Trường Khoa tiếp tục khai thác đề tài sở trường này với bộ phim có tựa đề gây ấn tượng: Trạm cứu hộ trái tim.

“Mất bao lâu để quên một người hay quên một cuộc hôn nhân? Khi nào không còn nhớ nữa thì sẽ quên thôi!” - Lời tự sự của Ngân Hà trong trailer như dự báo cho những giông bão sắp đến trong cuộc đời của người phụ nữ tưởng chừng đang rất hạnh phúc này.

Ngay từ đầu phim, bi kịch đã xuất hiện bởi mầm mống hận thù trong một gia đình, mối hận khá hiếm gặp giữa bà mẹ và cô con gái. Sau vết thương lòng bởi chứng kiến chồng mình ngoại tình với mối tình đầu, bà Lan bị ngã và liệt một bên chân. Vốn là một nghệ sĩ múa nổi danh, bà phải chấm dứt sự nghiệp và nỗi đau càng thêm lớn khi con gái nhỏ không đứng về phía mình. Bà cảm thấy bị cả chồng và con phản bội nên ngày càng trở nên nghiệt ngã. Trở lại màn ảnh trong một vai diễn khá nặng về tâm lý, NSND Thu Hà một lần nữa cho thấy nội lực diễn xuất của mình. Chị chia sẻ lần tái ngộ và tiếp tục làm mẹ Hồng Diễm trong một bi kịch gia đình, vai bà Lan tuy vẫn phảng phất đâu đó vẻ quyền uy, nét sắc sảo bà Bạch Cúc trong Hướng dương ngược nắng nhưng lại nghiệt ngã và độc đoán với chính chồng và con mình. Mối hận trong lòng không hóa giải được đã khiến bà Lan trở nên cay nghiệt. Nhưng dù uất hận có bộc lộ ra ngoài làm tổn thương những người thân, nỗi đau vẫn còn đó, khuất sâu trong tâm can làm bà luôn bị dày vò trong đau khổ. Có những lúc, chị đã nhập vai tới mức quên cả gậy, quên cả chân của bà Lan đang bị liệt, thăng hoa cùng nhân vật của mình.

Ngay từ đầu phim, bi kịch đã xuất hiện bởi mầm mống hận thù trong một gia đình

Trong vai cô con gái Ngân Hà, Hồng Diễm một lần nữa vào vai người vợ bị chồng phản bội sau bộ phim Hành trình công lý. Chủ trì chương trình phát thanh mang cái tên rất ấn tượng Trạm cứu hộ trái tim, Ngân Hà muốn tạo dựng một nơi để những trái tim thương tổn, những tâm hồn rạn vỡ có chỗ giãi bày. Nhưng rồi cuộc đời quả lắm trái ngang, “một chiếc xe cứu thương cũng có ngày phải gọi xe cứu hộ”, một chuyên gia cứu hộ như Ngân Hà cũng có lúc chới với khi biến cố ập đến và trớ trêu thay, những tổn thương này lại đến từ những người cô yêu thương nhất. Điềm tĩnh đón nhận bất hạnh với niềm tin vào sự tử tế và lẽ công bằng, tôn trọng những giá trị đạo đức, Ngân Hà lựa chọn hướng về phía trước dù con đường mà cô trải qua vẫn đầy biến cố và không hề dễ dàng. Nhưng hành trình ấy đã giúp cô hiểu rằng: mỗi người trước tiên hãy là một trạm cứu hộ của chính mình thì mới có thể mạnh mẽ vượt qua những biến cố trong đời.

Những người đàn ông trong phim, từ ông Trường - chồng bà Lan hay Nghĩa - chồng của Ngân Hà - mỗi người đều có những góc khuất trong lòng, những tham vọng, những sai lầm khiến người thân đau khổ. Thậm chí những lỗi lầm của họ còn khiến cho bạn thân tự tử - từ đó nuôi mầm thù hận trong lòng một đứa trẻ khác hay ngoại tình đẩy vợ của mình vào đau khổ uất hận đến cùng cực. Nhưng cuộc đời không chỉ có đắng cay mà những dịu ngọt vẫn luôn còn đó. Vẫn còn có những bà mẹ chồng thiện lương, nhân hậu như bà Xinh, những người bạn tốt và là người đàn ông đáng tin cậy như Vũ là chỗ dựa giúp Ngân Hà không gục ngã. Hay Nam - chàng trai ấm áp bao dung bên cạnh cô nàng “giàu xổi, thích thể hiện” Mỹ Đình. Mỗi nhân vật đều có một vết thương quá khứ và cách họ tự chữa lành vết thương, xoa dịu người mà họ yêu quý đã tạo cho câu chuyện những ngã rẽ bất ngờ đầy thú vị.

Trong vai cô con gái Ngân Hà, Hồng Diễm một lần nữa vào vai người vợ bị chồng phản bội sau bộ phim Hành trình công lý

Đặc biệt, sự có mặt của các diễn viên như NSND Mỹ Uyên, Thúy Diễm, Trương Thanh Long là sự điểm xuyết đầy hấp dẫn của những gương mặt diễn viên phía nam trong một bộ phim của VFC. Đạo diễn - NSƯT Vũ Trường Khoa thừa nhận, anh muốn mở rộng đối tượng khán giả cho bộ phim của mình bằng cách mời các diễn viên mà anh thấy hợp vai những vẫn còn ít xuất hiện trong phim truyền hình của VFC để khán giả cảm thấy tươi mới hơn.

Đạo diễn Vũ Trường Khoa cũng chia sẻ, đã có rất nhiều bộ phim đề cập đến đề tài hôn nhân gia đình, ngoại tình, người thứ ba. Khi anh được học về biên kịch, chỉ có 36 tình huống kịch để xây dựng lịch bản nhưng điều quan trọng là cách kể chuyện khác nhau. Xoay quanh câu chuyện chữa lành những thương tổn, chuyện ngoại tình chỉ là một yếu tố tạo nên các xung đột trong phim và việc làm mới một đề tài cũ trong một câu chuyện nhiều màu sắc luôn hấp dẫn anh.

Trở lại màn ảnh trong vai bà Lan, NSND Thu Hà một lần nữa cho thấy nội lực diễn xuất của mình

Biên tập Nguyễn Thu Thủy cho biết, đây là kịch bản của nhóm biên kịch trẻ Lưu Ly, Nguyễn Nhiệm, Thùy Dương, Đỗ Lê - cũng chính là các tác giả của kịch bản phim Thương ngày nắng về. Ban đầu câu chuyện xoay quanh nhóm bạn ở một trạm cứu hộ động vật nhưng về sau đã mở rộng ý tưởng sang “trạm cứu hộ của trái tim” - một đề tài rộng lớn hơn. Để đến mức cần cứu hộ trái tim, trước tiên người ta phải chịu tổn thương, khi ấy mới thấy giá trị của một bàn tay chìa ra đúng lúc. Hành trình số phận đẩy Ngân Hà đến thời điểm mà tất cả những bất hạnh ập đến cùng một lúc, một người tưởng như đang đi cứu hộ người khác chợt nhận ra rằng cần phải cứu hộ mình đầu tiên. Hành trình cứu hộ trái tim trong phim là câu chuyện chứa đựng nhiều kịch tính, nỗi đau và tổn thương. Những nhân vật trong phim dù là nạn nhân hay thủ phạm đều có vết thương lòng, quan trọng nhất là cách mà mỗi nhân vật hành xử, cách họ chữa lành chính mình và những người xung quanh sẽ vẽ nên chân dung và số phận của chính họ.

NSƯT Phạm Cương trong vai ông Trường và Quang Sự trong vai Nghĩa đều là những người đàn ông gây thương tổn cho người thân của mình

VŨ MINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 562, tháng 2-2024

;