ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975, ĐỈNH CAO CỦA NGHỆ THUẬT CHIẾN TRANH NHÂN DÂN

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã kết tinh một hệ thống đa giá trị, trong đó có giá trị văn hóa, nghệ thuật quân sự được biểu hiện hết sức phong phú, đa dạng và độc đáo, được lớp lớp con cháu lưu giữ, kế thừa, phát huy lên tầm cao mới nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Đó là sự kế thừa có chọn lọc, phát triển bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam - giá trị nhân đạo, nhân văn vì con người và do con người. Đại thắng mùa xuân 1975 là một trong những đỉnh điểm tỏa sáng giá trị, nghệ thuật quân sự Việt Nam kết tinh từ lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước, sự tỏa sáng được thể hiện ở tính chất, sức mạnh và phương thức chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trải qua hàng nghìn năm dựng nước gắn liền với giữ nước, dân tộc Việt Nam đã đoàn kết, kiên cường, anh dũng, bền bỉ đấu tranh chống các thế lực xâm lược, đô hộ để giành và giữ nền độc lập, giải phóng dân tộc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, cuộc sống của nhân dân. Trong suốt chiều dài lịch sử, dân tộc Việt Nam sáng tạo, đúc kết, lưu giữ và phát triển các giá trị văn hóa, nghệ thuật quân sự - một bộ phận hợp thành nền văn hóa  và sức mạnh dân tộc. Đó là truyền thống dựng nước đi đôi với giữ nước; giá trị nhân đạo, nhân văn trong hoạt động quân sự; là mục đích, phương pháp, nghệ thuật sử dụng bạo lực cách mạng; là truyền thống dựa vào dân, toàn dân đánh giặc.

Đại thắng mùa xuân 1975 đã kết thúc toàn thắng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại, đó “là thành quả tổng hợp của một loạt nhân tố tạo nên sức mạnh vô địch của cách mạng Việt Nam”(1). Thắng lợi đó mở ra một bước ngoặt trong lịch sử dân tộc, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, thắng lợi đó đã chứng minh một cách hùng hồn về một chân lý: “Một dân tộc đất không rộng người không đông, song đoàn kết chặt chẽ và đấu tranh kiên quyết dưới sự lãnh đạo của một Đảng Mác - Lê nin và có đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, lại được sự đồng tình ủng hộ và giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, các lực lượng cách mạng và nhân dân tiến bộ trên thế giới thì hoàn toàn có thể đánh bại mọi thế lực đế quốc xâm lược” (2). Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc như một trong những trang sử chói lọi nhất, đi vào lịch sử nhân loại như một trong những chiến công thần kỳ của cuộc đấu tranh chống áp bức dân tộc của nhân dân toàn thế giới trong TK XX.

Chiến công oanh liệt của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã chứng minh đường lối và phương pháp cách mạng của Đảng là hoàn toàn đúng; sự lãnh đạo và chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương rất chính xác, kịp thời, kiên quyết, táo bạo, sắc bén. Đại thắng mùa xuân 1975 là đại thắng của chiến tranh nhân dân chính nghĩa, đại thắng của khối đại đoàn kết toàn đảng, toàn quân và toàn dân, đại thắng của sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, trong đó, chiến lược quân sự cách mạng đúng đắn của Đảng là hạt nhân cốt lõi. Trên cơ sở đường lối chính trị đúng đắn của Đảng về thực hiện đồng thời hai chiến lược cách mạng là cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, chiến lược quân sự cách mạng là sự thể hiện nguyện vọng cháy bỏng của toàn thể dân tộc Việt Nam: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, “không có gì quý hơn độc lập tự do”. Dù cho kẻ thù xâm lược và bè lũ tay sai bán nước có sức mạnh đến đâu, sử dụng những thủ đoạn thâm độc, nham hiểm như thế nào thì cũng không thể xóa nhòa  được những giá trị thiêng liêng của nhân dân Việt Nam: đất nước được độc lập, hòa bình và thống nhất, nhân dân được tự do. Toàn bộ các hoạt động quân sự cách mạng của chiến sĩ, đồng bào cả nước, từ tạo lập và phát triển thế trận, xây dựng, sử dụng lực lượng, tổ chức và vận dụng các hình thức nghệ thuật quân sự… cũng đều nhằm đạt tới giá trị thiêng liêng đó.

Chiến lược quân sự cách mạng của Đảng về giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thể hiện nhất quán quan điểm tiến hành chiến tranh nhân dân giải phóng. Tính chất chính nghĩa của chiến tranh nhân dân giải phóng cho phép chúng ta quy tụ được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Cũng từ tính chất chính nghĩa của chiến tranh mà Việt Nam đã trở thành lương tri của toàn thể nhân loại tiến bộ, được anh em, bè bạn quốc tế ủng hộ. Đây là sức mạnh, là nghệ thuật quân sự Việt Nam được đúc kết từ lịch sử dựng nước và giữa nước của dân tộc, được phát triển lên tầm cao mới. Bởi, nghệ thuật chiến tranh nhân dân không chỉ là sự tham gia, ủng hộ của nhân dân trong nước mà chúng ta đã tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ của nhân dân các nước bầu bạn, anh em, trong đó có cả nhân dân những nước trực tiếp tiến hành xâm lược Việt Nam. Đây là đỉnh cao về nghệ thuật quy tụ lực lượng tiến hành chiến tranh nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh, đã kết hợp chặt chẽ được sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.

Quan điểm tiến hành chiến tranh nhân dân giải phóng thực sự là một sáng tạo lớn của Đảng, vừa thể hiện sự trung thành với lý luận Mác - Lê nin về vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong lịch sử, vừa kế thừa và phát triển lên đỉnh cao truyền thống dĩ dân vi bản xuyên suốt lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc. Sức mạnh quân sự Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trước hết và trên hết là sức mạnh vĩ đại của nhân dân. Các lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam đều “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, được nhân dân chở che, đùm bọc, nuôi dưỡng và tạo mọi thuận lợi cho bộ đội đánh giặc cứu nước, cứu dân. Thực tiễn sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cho thấy, ở bất cứ giai đoạn lịch sử nào, thì quan điểm chiến tranh nhân dân giải phóng cũng đóng vai trò nền tảng trong việc hoạch định, thực hiện chiến lược quân sự cách mạng, làm cho chiến lược ấy trở nên có sức mạnh vô địch. Từ việc xác định đúng kẻ thù xâm lược, chuẩn bị hậu phương và căn cứ địa kháng chiến, huy động toàn dân đánh giặc, xây dựng, sử dụng lực lượng vũ trang… đến việc tiến hành các chiến dịch lớn, vận dụng các hình thức chiến thuật đều có sự thấm nhuần quan điểm tiến hành chiến tranh nhân dân giải phóng. Đó là quá trình phát huy truyền thống nghệ thuật quân sự Việt Nam trong tình hình mới. Tuy nhiên, khác với tính chất của nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong lịch sử dân tộc, chiến tranh nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ, mà đỉnh cao là đại thắng mùa xuân năm 1975, là nghệ thuật chiến tranh nhân dân do dân và vì dân.

 “Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta”(3). Ý thức độc lập dân tộc đã thấm sâu vào mỗi người dân nước Việt, trở thành cốt cách văn hóa mang tính truyền thống. Thực tiễn lịch sử các giá trị văn hóa  truyền thống đặc sắc đó đã tỏ rõ sức sống bền vững và phát triển mạnh mẽ qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Với người dân nước Việt, lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc đã trở thành ý thức thường trực, là động lực để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là sức mạnh để dân tộc ta chiến đấu, chiến thắng các thế lực xâm lược, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc. Trong suốt tiến trình lịch sử, các thế hệ người Việt Nam đều nhận thức rõ vấn đề này để từ đó, hình thành nên một phương thức tiến hành chiến tranh mang đậm bản sắc Việt Nam - chiến tranh nhân dân giải phóng và bảo vệ đất nước.

Chiến tranh nhân dân trong đại thắng mùa xuân 1975 là sự tiếp nối tất yếu các cuộc chiến tranh toàn dân nói trên, đồng thời có sự phát triển nhảy vọt về chất bởi sự tích hợp giá trị trong suốt chiều dài mấy nghìn năm lịch sử, cũng bởi những thay đổi căn bản về nền tảng kinh tế xã hội và chế độ chính trị có sự phát triển mới về chất mang lại. Cũng như suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc Việt Nam, các cuộc chiến đấu chống xâm lược, giành và giữ nền độc lập dân tộc đều huy động được toàn dân tham gia, dựa trên nền tảng nhân dân, được nhân dân đóng góp, ủng hộ, tạo thuận lợi… cho cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ, giải phóng đất nước; lợi ích chung của dân tộc được giành lại và gìn giữ khi tìm thấy chiến thắng. 

Vượt lên trên những giá trị đó, chiến tranh nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là Đại thắng mùa xuân năm 1975 là sự hòa quyện hữu cơ giữa các khía cạnh của dân, do dân và vì dân. Bởi vì, “nhân dân ta rất anh dũng, Đảng ta có đường lối đúng đắn, cuộc kháng chiến của chúng ta được các nước anh em, nhân dân thế giới đồng tình, ủng hộ và hết lòng giúp đỡ, cho nên chúng ta nhất định giành được thắng lợi. Cuộc kháng chiến của ta là toàn dân, thực sự là cuộc chiến tranh nhân dân”(4). Chiến tranh nhân dân trong đại thắng mùa xuân năm 1975 là cuộc chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, “biết sử dụng các hình thức đấu tranh cách mạng tùy theo tình hình cụ thể của phong trào, đặc biệt là kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân lâu dài, gian khổ và anh dũng để đánh thắng quân xâm lược”(5). Hơn nữa, nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh là giá trị văn hóa đặc thù, có dòng chảy tương đối độc lập, nên chiến tranh nhân dân có sự phát triển nhảy vọt cả về nghệ thuật chiến tranh (nhân dân tham gia chuẩn bị chiến tranh ngay trong thời bình) cũng như về nghệ thuật quân sự (phương thức tác chiến của nhân dân hiện đại hơn, hiệp đồng chiến đấu, kết hợp giữa tiến công của các binh đoàn chủ lực với nổi dậy rộng khắp của nhân dân…). Đồng thời, trong những trận quyết chiến chiến lược đều kết hợp chặt chẽ, huy động sức mạnh toàn dân tham gia, kết hợp với sức mạnh những “quả đấm thép” của các binh đoàn chủ lực.

Hiện nay, “Tình hình chính trị, an ninh thế giới thay đổi nhanh chóng, diễn biến rất phức tạp, khó lường... Những biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền áp đặt, chủ nghĩa thực dụng ngày càng nổi lên trong các quan hệ quốc tế”(6). Cùng với đó, các thế lực thù địch, phản động đã và đang đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” kết hợp với âm mưu, thủ đoạn bạo loạn lật đổ, răn đe sử dụng sức mạnh quân sự bằng chiến tranh công nghệ cao đang đặt ra yêu cầu mới rất cao đối với sự nghiệp bảo vệ tổ quốc.

Bài học thành công của Đảng ta về xây dựng và thực hiện chiến lược cách mạng nói chung, sự vận dụng sáng tạo nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói riêng là kinh nghiệm quý báu cần được phát triển, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với thời kỳ mới. Trong đó, quan điểm về tiến hành chiến tranh nhân dân vẫn là quan điểm cơ bản hàng đầu chỉ đạo chiến lược quân sự cách mạng, đồng thời có sự phát triển mới từ chiến tranh nhân dân giải phóng sang chiến tranh nhân dân bảo vệ tổ quốc.

Từ kinh nghiệm qua 30 năm đổi mới, Đại hội lần thứ XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế...”(7) trong xây dựng và bảo vệ đất nước. Từ lịch sử dựng nước gắn liền với giữ nước của dân tộc, có thể thấy, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân đã trở thành một quy luật giành thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

_____________

1, 2. Văn kiện Đảng, Toàn tập, tập 37, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.472, 471.

3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.38.

4. Hồ Chí Minh, sđd, tập 15, tr.23.

5. Hồ Chí Minh, sđd, tập 13, tr.396.

6, 7. Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.71, 147.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 394, tháng 4-2017

Tác giả : NGUYỄN ĐÌNH TƯƠNG

;