Đặc sắc ẩm thực Điện Biên

Tại Lễ hội Văn hóa, du lịch, ẩm thực quốc tế lần thứ I - năm 2024 tại tỉnh Hà Giang, các nghệ nhân tỉnh Điện Biên đã mang đến cho du khách nhiều món ăn đặc sắc của các đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc.

Đó là món xôi ngũ sắc, một món ăn dân dã và không thể thiếu khi lễ Tết, xuân về và cả trong những dịp hội họp quan trọng của đồng bào dân tộc Thái. Với màu sắc rực rỡ và hạt xôi to, dài, căng bóng, mâm xôi ngũ sắc luôn mang đến cho người thưởng thức sự thích thú và những ấn tượng khó quên.

Ban Giám khảo chấm thi ẩm thực tại gian hàng tỉnh Điện Biên

Đối với dân tộc Thái, chế biến các món ăn trong những ngày trọng đại luôn được coi trọng. Nguyên liệu chế biến ẩm thực của họ là sự kết hợp giữa nông nghiệp và các loại cây, cỏ tự nhiên. Và xôi ngũ sắc được chế biến từ gạo nếp và màu sắc từ các cây, cỏ trong thiên nhiên.

Để món xôi hấp dẫn, với những hạt gạo to, căng tròn nhìn sáng bóng, hương thơm, độ dẻo và có màu sắc bắt mắt, các cô gái Thái đã dùng các loại lá cây, loài hoa đun lấy nước và ngâm với gạo. Sau khi gạo xôi lên màu sắc, vớt ra rổ để ráo nước và đưa vào chõ đồ khoảng 45 phút, rồi đưa ra ngoài để nguội. Tiếp theo, sau khi xôi nguội lại cho vào chõ gỗ đồ lại lần hai khoảng 30 phút.

Đặc biệt, để món xôi ngũ sắc đẹp mắt, thơm, ngon, thì phương pháp đồ xôi cách thủy bằng chõ của dân tộc Thái rất khéo léo. Chính vì thế, xôi được đựng vào ép khẩu hoặc giỏ cơm đậy kín, ủ ấm, giữ được độ dẻo lâu. Với hai lần đồ, xôi có hương thơm, ngon và dẻo, đặc biệt khi dùng nóng hay nguội, nắm trong lòng bàn tay không bị dính.

Tiếp theo là món gà đen đồ bí ngô của dân tộc Mông. Người dân Điện Biên có câu: “rượu Mông pê/ dê núi đá/ cá sông Đà/ gà xương đen”, nên gà đen là 1 trong 4 loại đặc sản của vùng đất này. Giống gà đen của đồng bào dân tộc Mông huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên là giống gà đặc biệt, có mắt viền đen, da đen, vân thịt đen, phủ tạng đen, xương cũng nhuốm đen. Trải qua hàng ngàn năm với cuộc sống du canh người dân vẫn giữ được giống gà đen cho đến ngày nay. Gà đen được đồng bào Mông coi trọng, là tài sản quý, luôn có mặt trong danh mục tài sản thừa kế cho tặng, dựng vợ gả chồng. Chính vì vậy, gà đen đồ bí ngô được coi là món ăn quý.

Để chế biến món này, không thể thiếu nguyên liệu chính là gà đen Tủa Chùa và bí ngô. Gà được chặt thành từng miếng nhỏ vừa ăn, ướp gia vị khoảng 15-20 phút để ngấm gia vị rồi cho vào quả bí ngô. Sau đó, để cả quả bí ngô vào chõ gỗ đồ khoảng 40 phút. Khi món ăn chín, gà sẽ có độ dai, thơm, ngọt và hòa quyện vào vị béo ngậy của bí ngô. Đây là món ăn bổ dưỡng, hấp dẫn, được nhiều người yêu thích.

Một món nữa được các nghệ nhân tỉnh Điện Biên mang đến lễ hội, đó là nước uống có sự kết hợp của các lá cây, loài hoa, mang hương vị đặc trưng. Màu sắc của loại nước này có màu vàng của hoa bjoóc phón, đậm mùi thơm của lá nếp dổi. Với các loại lá, hoa, nước uống có tác dụng thanh lọc, giúp cơ thể giải nhiệt trong những ngày nắng nóng.

Sau phần thi ẩm thực, tại gian hàng tỉnh Điện Biên, du khách đã được thưởng thức các món ăn đặc sản của dân tộc Thái như: xôi, thịt xiên nướng, thịt hun khói, đặc biệt là món thịt băm gói lá nướng - tinh hoa ẩm thực của người Thái.

Thịt băm gói lá nướng có hương vị đặc trưng, là một trong những món ăn tiêu biểu cho món nướng và dễ làm. Nguyên liệu cho món ăn thịt lợn với phần thịt vai, thịt mông và mỡ. Sự pha trộn cả thịt nạc và sẽ làm cho món ăn béo ngậy, khi nướng không bị khô. Mùi vị của món ăn đặc biệt hấp dẫn, tạo cảm giác khó quên cho du khách khi thưởng thức.

Để có món thịt băm gói lá nướng, thịt sẽ được băm nhỏ, trộn với gia vị gồm có: hạt tiêu rừng (mắc khén), hành tươi, hành khô vừa đủ để giữ được sự nguyên chất của thịt lợn, một chút xả, ớt, rau cải xanh để món ăn không bị ngấy, trứng trộn lẫn để các nguyên liệu được hòa quyện, kết dính với nhau. Tất cả nguyên liệu được ướp khoảng 10 phút, rồi gói trong lá dong tươi. Thịt được gói từ 2 đến 3 lá dong để khi nướng thịt không bị bung ra. Khi nướng điều chỉnh lửa than sao cho phù hợp. Khâu nướng món này cần được để ý kỹ, lật qua, lật lại liên tục với độ lửa vừa phải để sao cho thịt chín đều, lớp lá dong chỉ cháy khô bên ngoài.

Thời gian nướng mất khoảng 30 phút là thịt chín. Sau đó, các lớp lá được bỏ hết ra, chỉ còn lại thịt, và tiếp tục đem nướng thêm trên than hồng để thịt có màu vàng ươm, tăng thêm hương vị. Thịt được bày trên đĩa với màu vàng đều, cùng với mùi thơm của các loại gia vị, khi thưởng thức du khách cảm nhận được vị ngọt, mềm của thịt, đậm đà, thơm của gia vị, hương liệu. Đặc biệt, món ăn này thưởng thức khi còn nóng, ăn với xôi nếp nương càng thêm ngon và hấp dẫn.

Là du khách đến với Lễ hội Văn hóa, du lịch, ẩm thực quốc tế lần thứ I, chị Mai Hoài Thu đến từ TP.HCM chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng với Lễ hội này, tôi nhận thấy người dân Hà Giang cũng như du khách trong nước và quốc tế đến đây rất đông. Họ cũng như tôi đã được thưởng thức nhiều món ăn đặc biệt của đồng bào các dân tộc. Tôi thật sự ấn tượng với gian hàng của Điện Biên, bởi thu hút khá đông du khách. Tôi được thưởng thức món xôi tím nếp nương thật dẻo, cùng với món thịt nướng gói lá có mùi vị hấp dẫn, rất là ngon. Tôi cho rằng cần có thêm nhiều hoạt động về ẩm thực hơn nữa để người dân trong cả nước cũng như du khách quốc tế có thể hiểu biết hơn về các món ăn đặc sắc của các đồng bào dân tộc, đó cũng chính là những nét văn hóa đặc sắc của đất nước ta”.

Bài, ảnh: NGỌC BÍCH

;