Cử tri kỳ vọng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua

Ngày 29-5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận phiên toàn thể về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024… Đa số các ý kiến cơ bản nhất trí với Báo cáo kinh tế - xã hội do Chính phủ trình Quốc hội, trong đó một số đại biểu Quốc hội cho rằng cần quan tâm và đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, du lịch.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận

ĐBQH Nguyễn Văn Huy: Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa được triển khai sẽ tạo nên bước chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) thống nhất cao với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội về đánh giá, bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024. Trong tình hình khó khăn của năm 2023, mức tăng trưởng GDP 5,05%, trong khi chỉ tiêu đặt ra là 6,5% và mức tăng trưởng quý 1/2024 ước đạt 5,66% so với cùng kỳ, mặc dù cao nhất trong các năm từ năm 2020 trở lại đây nhưng vẫn chưa đủ để tạo ra những bước đột phá cho phát triển bền vững. Một trong những điểm sáng rất đáng ghi nhận là khu vực nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh lương thực quốc gia. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang chuyển mình trong công cuộc xây dựng nông thôn mới và có những đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng.

Quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới cùng với sự tăng trưởng và phát triển kinh tế, từng bước xây dựng hạ tầng cơ sở, đời sống văn hóa vùng nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực, văn hóa truyền thống tiếp tục được khai thác theo hướng phát huy giá trị tốt đẹp, gắn với nhu cầu văn hóa của người dân.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Huy, tuy nhiên, nhìn vào bức tranh toàn cảnh về văn hóa vùng nông thôn hiện nay vẫn còn những mảng màu tối, để lại không ít những băn khoăn, đâu đó vẫn còn những biểu hiện lệch chuẩn văn hóa, quan niệm văn hóa chỉ là cờ, đèn, kèn, trống, là đóng đinh leo thang, là múa may, hát sướng với ý nghĩa không mấy tích cực, tình trạng coi nhẹ văn hóa, đặt văn hóa thấp hơn kinh tế… Biến đổi rõ nhất của văn hóa nông thôn là sự thay đổi diện mạo không gian, cảnh quan làng xã, nhiều không gian thuộc về di sản, di tích lịch sử, văn hóa, không gian sinh hoạt cộng đồng bị thu hẹp, không gian văn hóa nông thôn ngày càng xuất hiện nhiều hơn những ngôi nhà cao tầng khép kín, sống trong không gian mở với nhiều loại hình văn hóa, giải trí, tiện ích mới trên không gian mạng. Bên cạnh những thông tin, hình ảnh tích cực là những luồng tư tưởng xấu độc đã và đang tác động, chi phối đến lối sống của người dân khu vực nông thôn… Bên cạnh nhiều tấm gương đẹp, giàu lòng vị tha, thiện tâm trong thiên tai, dịch bệnh, sẵn sàng chia sẻ với đồng bào, chung tay cùng đất nước vượt qua khó khăn, lại có một số người ích kỷ, tham lam, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi. Lối sống thực dụng, cực đoan như một dịch bệnh, có nguy cơ lan rộng trong xã hội, nhất là đối với lớp trẻ.

ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình): Cử tri và nhân dân rất trông đợi chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa

Để góp phần tiếp tục thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới nói chung, hoàn thiện các tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới nói riêng, cụ thể hóa quan điểm xây dựng nông thôn có đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, đại biểu Nguyễn Văn Huy kiến nghị Quốc hội giao cơ quan chức năng tiếp tục tập trung nghiên cứu, tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng các dự án luật trực tiếp liên quan đến văn hóa cũng như các dự án luật chuyên ngành khác có liên quan.

Đối với phát triển văn hóa, đại biểu Nguyễn Văn Huy cho rằng, trước đây đầu tư cho văn hóa chủ yếu được thực hiện thông qua chương trình mục tiêu quốc gia. Có thể thấy, nguồn vốn đầu tư từ chương trình có tính chất vốn mồi đã đem lại hiệu quả thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch và nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân. Sau năm 2015, nguồn lực đầu tư cho văn hóa chủ yếu thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn kinh phí sự nghiệp hằng năm nhưng luôn ở mức thấp và thiếu chính sách xã hội hóa đầu tư cho lĩnh vực này. Những khó khăn về nguồn lực đầu tư đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển văn hóa, nhiều di sản, di tích văn hóa lịch sử bị mai một, xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Sau Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, cử tri và nhân dân rất phấn khởi trông đợi chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, kỳ vọng rất lớn tại kỳ họp lần này, Quốc hội xem xét, quyết định để khi được triển khai thực hiện sẽ tạo nên bước chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy cũng kiến nghị với Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, rà soát để quy định cụ thể hơn nữa, chuẩn hóa rõ hơn về nông thôn mới, nhất là các tiêu chí liên quan đến văn hóa theo hướng hài hòa giữa những yêu cầu của thực tế đời sống với bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống, để mỗi địa phương có những cách thức thể hiện sự khác biệt, độc đáo riêng có để có thể kể câu chuyện của mình một cách đẹp đẽ, ấn tượng nhất, người xa quê thì luôn tự hào, mong ước được trở về và khách phương xa thì tìm đến để khám phá những nét tinh hoa.

ĐBQH Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn)

ĐBQH Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn): Cần sớm xây dựng, ban hành định mức tiêu chuẩn kinh tế kỹ thuật và tính giá các loại dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bá Mạc tán thành, nhất trí cao đối với hồ sơ báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước trình tại kỳ họp Quốc hội lần này… Theo đại biểu Lưu Bá Mạc, lĩnh vực phát triển văn hóa cũng đã được chú trọng. Lĩnh vực phát triển du lịch đã được quan tâm thúc đẩy và có sự phục hồi mạnh mẽ.

Chia sẻ thêm ý kiến về hai lĩnh vực này, đại biểu Lưu Bá Mạc nhấn mạnh, về lĩnh vực văn hóa,  kiến nghị với Chính phủ cần có cơ chế, chính sách và có giải pháp đối với đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên đã hết tuổi nghề nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu. Đồng thời cần có cơ chế, chính sách để thu hút, đãi ngộ đối với người làm trong lĩnh vực này, từ đó có thể góp phần nâng cao được chất lượng các chương trình nghệ thuật, vừa là thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng là vừa đáp ứng tốt hơn đối với yêu cầu ngày càng cao về hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của mỗi người nghệ sĩ như là diễn viên. Đồng thời, cần tiếp tục điều chỉnh, nâng mức phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng đối với người làm trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật.

Theo đại biểu Lưu Bá Mạc, cần sớm xây dựng, ban hành định mức tiêu chuẩn kinh tế kỹ thuật và tính giá các loại dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Hiện nay, việc trẻ hóa đội ngũ diễn viên luôn gặp khó khăn, số lượng diễn viên hết tuổi nghề cũng đang chiếm số đông ở trong các trung tâm văn hóa, nghệ thuật hoặc là các đoàn nghệ thuật ở các địa phương. Họ đã trải qua thời kỳ đỉnh cao về thanh, sắc cũng như là sức khỏe để biểu diễn. Do vậy, nếu vẫn tiếp tục giao nhiệm vụ để biểu diễn trên sân khấu thì phần nào cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nghệ thuật của các chương trình. Mặt khác, việc bố trí, luân chuyển họ sang vị trí công tác khác thì cũng hết sức khó khăn, số lượng cần chuyển đổi thì đông mà số lượng, vị trí công tác khác phù hợp với trình độ, năng lực của họ thì cũng còn hạn chế. Theo đó, công tác tuyển dụng thêm biên chế mới lại không thể thực hiện được nữa. Hơn nữa, cũng không thể ký thêm hợp đồng lao động chuyên môn khi số lượng biên chế đã đủ.

Về lĩnh vực du lịch, đại biểu Lưu Bá Mạc cho biết, Chính phủ đã đề cập đến vấn đề là giá vé máy bay tăng cao. Cụ thể, số máy bay thương mại giảm mạnh, tính đến cuối tháng 3-2024 còn khoảng 170 máy bay, đã giảm 40 máy bay và tương đương là khoảng 20% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp trong nước tái cấu trúc khiến đường bay trong nước cắt giảm hoặc là giảm tần suất, đồng thời giá nhiên liệu tăng cao, theo đó đã góp phần làm tăng giá vé máy bay, ảnh hưởng đến phát triển du lịch nội địa và nhu cầu đi lại của nhân dân. Đại biểu Lưu Bá Mạc kiến nghị với Chính phủ, cần cân nhắc có giải pháp để giảm giá máy bay nội địa, từ đó giảm chi phí đi lại cho người dân. Đồng thời, góp phần thu hút thêm khách du lịch trong nước, quốc tế, kích cầu hoạt động du lịch và dịch vụ nội địa, tăng tính cạnh tranh của các tour du lịch so với tour du lịch nước ngoài...

NGỌC BÍCH - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

;