CÓ MỘT NỀN VĂN MINH NGA

Liên bang Nga là quốc gia rộng lớn nhất thế giới, trải dài từ Đông Âu đến phía bắc châu Á. Tuy nhiên, đất rộng, người đông, trữ lượng tài nguyên giàu có nhưng chưa tạo được một nền văn minh sánh ngang với các nước lớn. Phải có một nền văn hóa lâu đời, tiềm lực khoa học phát triển, những phát kiến vĩ đại, với những nhân vật lỗi lạc có năng lực xoay thời đổi thế… mới nói đến một nền văn minh hàng đầu hai châu lục Âu - Á. Một trong nhiều cột mốc đánh dấu nền văn minh của nước Nga sau Cách mạng tháng Mười là chính sách kinh tế mới (NEP) - 1921 - 1928 được nhiều học giả phương Tây ca ngợi. Đó là bản lĩnh và tầm nhìn của V.I.Lenin và những người cộng sản khi nội chiến chấm dứt, nạn đói hoành hành, những ngành dịch vụ đều tan rã, mức sản xuất nông nghiệp và công nghiệp rơi vào khủng hoảng trầm trọng, loạn lạc nổi lên khắp nơi, đặc biệt là vụ bạo loạn ở quân cảng Krontardt (3-1921), nhưng nước Nga vẫn đứng vững nhờ bước nhảy của một nền văn minh mới.

Những cải cách của Pie đại đế (1672 - 1725) là động lực văn minh của hai thế kỷ

Đến TK XVIII, nước Nga chuyên chế lâu đời, rộng lớn, giàu tài nguyên, nhưng vẫn là một nước lạc hậu, phát triển chậm so với nhiều nước phương Tây. Là một vị vua trí tuệ, Pie đại đế ý thức sớm điều đó bằng nhiệt huyết và ý thức thời đại, đề xướng công cuộc cải cách toàn diện nhằm mục tiêu cao cả: đưa đất nước lên trình độ văn minh mới, sánh ngang với các nước châu Âu hiện đại. Trước hết, xác định mối quan hệ giữa Giáo hội và Nhà nước, cả hai đều vì nước Nga tiến bộ; củng cố quốc phòng trên cơ sở cải cách kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, việc liên minh với Đan Mạch để gìn giữ vùng biển Ban Tích, sách lược hòa hoãn với Thổ Nhĩ Kỳ… Nhưng bấy giờ cái ưu tiên hàng đầu của nhà cải cách là tầm nhìn qua khung cửa sổ hướng về phương Tây để mở mang thương mại, hàng hải, chìa bàn tay ngoại giao với Đức và các nước Trung Âu. Để thực hiện đường lối đã đề ra, trong hai năm 1697 - 1698, Pie tự mình cải trang làm doanh nhân với mật danh Pie Mikhailốp sang Đức học kỹ thuật sản xuất vũ khí, đến Hà Lan khám phá kỹ thuật đóng tàu, sang Anh nghiên cứu tổ chức cơ cấu nhà nước. Ý thức tầm quan trọng của cương vực phía Bắc, nếu nước Nga tránh khỏi biển Ban Tích, nên ngay sau khi về nước, Pie cho xây thành đắp lũy ở Saint Peterbua như thành Petropavơlopca, lập nhà máy đóng tàu, củng cố hệ thống đường thủy trên sông Nêva. Nhờ vậy mà trong cuộc chiến tranh 1707, quân Nga đã đại phá 20.000 quân của Thụy Điển dưới triều vua Sarle XII, phần đất vịnh Riga và Phần Lan được giải phóng.

Từ đây bộ mặt và tiềm lực nền kinh tế Nga thay đổi đáng kể: công nghiệp đóng tàu, đúc đồng, luyện kim, kỹ thuật nhuộm da, len dạ… có bước tiến mới, mạng lưới mậu dịch phát triển, chính sách thương mại của nhà nước theo xu hướng trọng thương.

Dưới thời Pie, văn hóa dân tộc Nga phát triển tương ứng với sự phát triển xã hội, đồng thời văn hóa được coi là nền tảng tinh thần của xã hội. Trước hết, về ngôn ngữ: thay đổi mẫu tự Slavơ bằng một hệ thống mẫu tự thế tục đơn giản và dễ đọc. Kinh thánh được tôn trọng và thay thế bằng chữ viết mới. Những sự kiện lịch sử cũ của giáo hội bị bãi bỏ thay bằng lịch sử được phổ biến ở châu Âu. Các loại sách khoa học, kỹ thuật, học thuật được dịch, xuất bản và phổ biến rộng. Theo sáng kiến của nhà khoa học M.V.Lomonosov, trường đại học tổng hợp đầu tiên được thành lập tại Matxcơva. Thời Pie, văn chương, nghệ thuật còn chậm phát triển. Nói như Bielinski, trước A.Puskin, nghệ thuật Nga chỉ là “một người học trò thông minh và nhanh nhẹn của nàng thơ châu Âu”. Nhưng bù lại, nghệ thuật sân khấu đối với các đề tài xã hội được mở rộng. Nhà hát kịch Đền hý kịch được khai trương với những kịch mục mang bản sắc, tâm hồn Nga được thay thế những vở kịch trước đó thường dựa theo kịch bản của Pháp và Italia. Đó là chưa kể những nhà hát ở hoàng cung và ở các đô thị lớn.

M.V.Lomonosov (1711-1765) - cây đại thụ rợp bóng khoa học Nga TK XVIII

Văn minh là trình độ đạt được trong sự phát triển cả vật chất và tinh thần của loài người qua từng giai đoạn lịch sử. Nền văn minh hiện đại gắn liền với cách mạng công nghiệp là một giai đoạn trong sự phát triển trí tuệ của loài người. Vào TK XVIII, khi cuộc cách mạng trong tư duy được coi là sự giải phóng ý thức con người khỏi mọi công thức giáo điều là bước quá độ từ tư duy tôn giáo sang tư duy trần thế, thì ở Nga đã xuất hiện nhiều nhà khoa học, danh tiếng nhất là nhà bác học vĩ đại, người có công lớn khai sáng nền văn minh Nga M.V.Lomonosov.

Nói đến M.V.Lomonosov là nói đến tài năng bách khoa và sự ứng dụng những thành tựu của khoa học tự nhiên và khoa học xã hội vào thực tiễn đời sống. Những năm du học ở Đức về khoa mỏ địa chất đã giúp ông tích lũy nhiều kinh nghiệm, để về sau xây dựng các cơ sở khoa học mang tính dân tộc Nga: Đại học Tổng hợp Peterbua, Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Tư duy đổi mới mở cửa về phía Tây và nhiều bất đồng khác không được Nữ hoàng Ecaterina II bằng lòng, kết cục là ông bị cách chức viện sĩ hàn lâm.

Đối với viện sĩ M.V.Lomonosov, học phương Tây là cần thiết nhưng cách làm không sao chép của họ. Dự án mở đường hàng hải xuyên qua Bắc Băng Dương, đi qua Nhật Bản, qua châu Mỹ là một công trình khoa học lớn, được coi là dự báo thiên tài của nhà bác học mà phải đến năm 1871 mới được đoàn thám hiểm người Áo xác nhận và mãi đến thời kỳ Xô Viết mới thành hiện thực. Từ đó, ông đã khẳng định vai trò thực tiễn của thiên văn học, mỏ địa chất, địa lý học trong việc khảo sát khoáng sản ở Bắc Cực. Chính ông là người đấu tranh để các trường đại học trở thành cơ sở nghiên cứu khoa học với chương trình giảng dạy tiến bộ, chống giáo lý phản khoa học của giáo hội và đặt nền tảng cho Đại học Tổng hợp Moscow. Chính M.V.Lomonosov đã phát minh ra định luật bảo tồn vật chất và vận động góp phần xây dựng thuyết động lực học phân tử, định luật bảo tồn năng lượng trong các phản ứng khoa học, nghiên cứu điện khí quyển, chế tạo máy quang học, phát hiện bầu khí quyển bao phủ kim - tinh.

Trí tuệ đa năng tưởng như thiên về thuần lý, nhưng M.V.Lomonosov lại là một nhà thơ độc đáo, sớm tư duy về một nền văn học Nga bằng tiếng mẹ đẻ, mang bản sắc Nga. Trong lời tựa cho cuốn Ngữ pháp Nga (in lại 1955) có đoạn: “Trong tiếng Nga có sự mỹ lệ của tiếng Tây Ban Nha, sự linh hoạt của tiếng Pháp, sự cường tráng của tiếng Đức, sự dịu dàng của tiếng Ý. Ngoài ra còn có sự phong phú, sự súc tích trong diễn tả của tiếng Hy Lạp và tiếng La Tinh”.

Đỉnh cao trí tuệ của M.V.Lomonosov đã giúp tỏa sáng cho nền khoa học Nga ở cuối TK XIX, đầu TK XX. Có thể kể đến ba nhà khoa học vĩ đại trong hai lĩnh vực: vật lý và hóa học, đó là, viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Peterbua D.I.Mendelee (1834 - 1907), nhà hoạt động xã hội, nhà hóa học nổi tiếng đã phát minh định luật tuần hoàn và lập bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học. Nhờ định luật này mà về sau, các nhà khoa học tìm ra nhiều nguyên tố hóa học mới. Kế thừa di sản của Mendeleev, một nhóm nhà khoa học Mỹ đã đặt tên cho nguyên tố hóa học thứ 101 do họ tổng hợp được vào năm 1953 có tên là Mendelevium. Tiếp đến là Lebedev P.N (1866 - 1912), nhà vật lý học xuất sắc, giáo sư Đại học Moscow, người đầu tiên đo được áp suất ánh sáng trên chất rắn (1898) và chất khí (1907). Chính ông là người sáng lập trường phái vật lý Nga, được phương Tây khâm phục. Người trẻ nhất trong số họ là viện sĩ Landau L.D (1908 - 1968), người sáng lập trường phái lý thuyết. Các công trình vật lý của ông thuộc nhiều lĩnh vực như: từ học siêu chảy và siêu dẫn, vật lý chất rắn, điện động lực học lượng tử, vật lý thiên văn, giáo trình nổi tiếng về vật lý lý thuyết được thuyết giảng nhiều năm ở Đại học quốc gia Moscow mang tên M.V.Lomonosov. Ông được tặng thưởng giải Nobel về vật lý năm 1962.

V.I.Lenin và chính sách kinh tế mới (NEP) 1921 - 1928, một thành tựu to lớn của nền văn minh hiện tại

Di sản chính trị mà V.I.Lenin để lại thật vĩ đại, môt câu hỏi không dễ trả lời được đặt ra lúc đó là: tại sao một nước nghèo đói, lạc hậu, bị hai cuộc chiến tranh vắt kiệt mà lại táo bạo vạch kế hoạch xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thế đơn độc của quan hệ quốc tế. Nếu không ảo tưởng, phiêu lưu thì cũng thiếu tri thức, thiếu trách nhiệm đối với đất nước, nhân dân. Còn Lenin quả quyết cho rằng, nước Nga có đủ điều kiện xây dựng chế độ mới. Với những nhiệm vụ chiến lược: phát triển công nghiệp, đại công nghiệp, phải công nghiệp hóa và điện khí hóa, năng suất lao động cao, giúp nông dân xây dựng nền kinh tế tập thể và cơ khí hóa. Nhà nước vô sản là công cụ chủ yếu để hình thành chế độ mới song song với việc dạy cho công chức biết cách quản lý nhà nước, kỹ thuật điều hành công việc. Tính văn hóa, tổ chức cao là phẩm chất cần có của cán bộ lãnh đạo. Tại các cuộc họp của Hội đồng dân ủy, các thành viên không được nói dài quá 5 phút, không nói chung chung, không có thông tin mới, không nhận định mơ hồ. Người đặc biệt chê trách tệ quan liêu, nói nhiều làm ít, thờ ơ với nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Cách mạng văn hóa của chủ nghĩa Lenin là xóa nạn mù chữ, phát triển khoa học, đào tạo đội ngũ trí thức mới và sử dụng hào phóng với đội ngũ tri thức cũ, miễn là họ có tài.

Tất cả đó là tiền đề để đề xướng Chính sách Tân kinh tế và những kế hoạch 5 năm để tái thiết nước Nga: 1928 - 1932; 1933 - 1937… Không phải tất cả đều được tiến hành thuận lợi và đạt được mục tiêu của kế hoạch. Song, phải thừa nhận rằng, lịch sử chứng minh bộ mặt xã hội nước Nga thay đổi rất nhiều. Các cơ quan thông tin, nghiên cứu về xã hội học phương Tây đã phải thừa nhận: “Trong vòng 12 năm, nước Nga đã thu được những kết quả mà các nước châu Âu gặt hái được sau ¾ thế kỷ” (1). Tiếp theo là kế hoạch 5 năm lần thứ ba đến khi chủ nghĩa phát xít Đức xâm lược châu Âu và Nga vào năm 1941 thì bị gián đoạn. Một vài con số sau chứng minh tiềm lực kinh tế, sức mạnh quốc phòng, đời sống nhân dân được cải thiện, lĩnh vực khoa học văn hóa được đầu tư thích đáng: trong khoảng 1928 - 1940, số lượng thép tăng 4,5 lần, điện lực tăng 8 lần, xi măng gấp đôi, than gấp 4, dầu xăng gấp 3… cùng với những mức tương tự trong các ngành công nghiệp khác (2). Tính dân chủ trong quản lý nhà nước ở nhà máy, nông trường được hỏi ý kiến giai cấp công nhân, nông dân trước khi quyết sách về mục tiêu, sản lượng… Người đứng đầu tự nhận trách nhiệm, nếu không đạt kế hoạch. Lịch sử ủng hộ nước Nga dưới thời V.I.Lenin và người kế thừa xuất sắc, con người thép J.Stalin, vị đại nguyên soái với trí thông minh, tài thao lược, người đã thừa hưởng một phần di sản của Lenin để đương đầu và chiến thắng có ý nghĩa quốc tế với chủ nghĩa phát xít Hitle, kẻ đã huênh hoang tuyên cáo: tiêu diệt cái nôi văn minh Nga, tức là tiêu diệt các dân tộc Slavơ. Lịch sử ghi công nước Nga không chỉ cứu được các dân tộc Slavơ mà còn giải phóng được cả châu Âu.

Trong lịch sử hàng nghìn năm của nước Nga, “chỉ có ba mươi năm không hề có nạn tham nhũng. Nó không đe dọa sự tồn tại của Nhà nước” (3). Đạt được thành tựu có một không hai đó, chính là nhờ pháp luật nghiêm cẩn, các quan chức cao cấp không có tài sản riêng, ở bên trên người ta không ăn cắp, lộng quyền thì bên dưới nạn trộm cắp, cướp giật sẽ giảm đáng kể. Nhờ đó mà xã hội ổn định, niềm tin được nhân lên, công nhân, cán bộ kỹ thuật dù phải ăn bánh mỳ uống nước lã mà vẫn dựng hàng trăm cây số đường tàu điện ngầm nguy nga, lộng lẫy, kiên cố mà cho đến bây giờ vẫn vượt trội nhiều nước Âu - Mỹ.

_____________

1, 2. Nhiều tác giả, Văn minh phương Tây, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1998, tr.782.

3. Xem thêm: Đừng lặp lại những sai lầm đã mắc của đạo diễn điện ảnh, nghệ sĩ nhân dân, tác giả của nhiều bộ phim nổi tiếng V.V. Bortko trả lời Báo văn học (Nga); Lê Sơn (dịch), Một nền văn hóa biết xấu hổ, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 2013, tr.195, 196.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 401, tháng 11 - 2017

Tác giả : HỒ SĨ VỊNH

;