CHUYỆN THÁNH GIÓNG VÀ THẦN KÊ HẬU TẮC

Giữa thánh Gióng (1) và thần kê Hậu Tắc có khá nhiều tương đồng kỳ lạ trong cuộc đời của hai vị thần cũng như trong các lễ tế và lễ hội (hội Gióng và tế Xã Tắc). Chúng tôi nêu ra giả thuyết là hai vị thần này có cùng một nguồn gốc, do tổ tiên người Việt sáng tạo ra. Trong bài này chúng tôi bàn về vết chân ông khổng lồ mà mẹ các vị thần ướm chân mình vào và mang thai đẻ ra các ngài.

Theo huyền thoại, mẹ thánh Gióng một hôm nhân đi du xuân, thấy một vết chân rất lớn. Bà ướm chân mình vào vết chân ấy tự nhiên tinh thần bà phát sinh cảm động và mang thai. Sau đó bà sinh ra thánh Gióng.

Mẹ thần kê Hậu Tắc theo thần thoại Trung Hoa là bà Khương Nguyên (2). Một lần đi dạo chơi ngoài đồng “dẫm vào vết chân một ông khổng lồ rồi mang thai và sinh ra thần Hậu Tắc. Nhờ đó thần can đảm vững vàng như núi, sánh được với sự cường mạnh của một ông khổng lồ”(3).

Motip “mang thai vì dẫm vào vết chân” được bắt gặp trong nhiều huyền thoại về thần linh hay các đấng anh hùng dân tộc vĩ đại. Vài ví dụ: bà Hoa Tư, vợ Đế Cốc, dẫm lên vết chân của Lôi Thần ở Lôi Trạch mang thai và đẻ ra Phục Hy (4).

Theo thần thoại Trung Quốc thì Đế Cốc ( hay lầm lẫn với Đế Tuấn hay Đế Thuấn) họ Cao Tân Thị, là một ông vua có lúc ở trên thiên giới, có lúc lại sống ở trần gian. Khi Đế Cốc ở hạ giới thì ngài là con của Hoàng đế (5). Đế Cốc có 4 người vợ. Bà vợ cả là Khương Cơ đẻ ra thần Hậu Tắc, mang thai vì đã dẫm lên vết chân ông khổng lồ (6). Huyền thoại Bách Việt nhận Đế Cốc làm tổ tiên mình, được đồng hóa với Phục Hy (cũng được đồng hóa với thần nông còn gọi là Đế Khôi), ông tổ của Lộc Tục Kinh Dương Vương, cha của Lạc Long Quân (7). Đế Khôi là con của Đế Viêm mà các học giả Đức gọi là Yên ti (Viêm Đế) cũng là một thần kê như thần Hậu Tắc (8). Bà Đinh Thị Hoa (bà Đen), không có chồng, một “lần đi cấy, dẫm phải chân to” mà mang thai. Sau 14 tháng sinh ra một con trai đặt tên là Nguyễn Tuấn, sau này là thần núi Tản Viên (9).

Vết chân, dấu chân mang nhiều biểu tượng.

Sự hiện diện của thần linh hay tổ tiên

Ngày xưa khi phát hiện dấu chân con vật trong vườn, người ta biết là thú vật đến kiếm ăn, qua đó nhận ra sự hiện diện của thú vật. Chữ Việt (trong từ Bách Việt) được viết bằng bộ túcqua có ý nói rằng: dân Việt này đã có mặt tại nơi đây (miền bắc Trung Hoa cổ đại). Tổ tiên Bách Việt đã sáng tạo ra những ý tưởng và nét chữ đầu tiên làm cơ sở cho Hán tự sau này (10). Các ngài thể hiện sự hiện diện của tổ tiên với chữ ghi dấu chân như sau:

Hình vẽ này có thể hiểu như sau: trước sự hiện diện (túc, bàn chân) của tổ tiên xin dâng lễ vật gồm có thịt sống, rượuđồ dệt (11). Vết chân to ngoài vườn khẳng định rằng: thần linh đã đến đây, đã ở lại nơi đây.

Ngày nay, chúng ta vẫn dùng ý niệm cái chân để nói lên sự có mặt, sự hiện diện của mình. Khi nói có chân trong hội đồng (nghĩa là ta tham gia, sự ta hiện diện trong hội đồng). Chúng ta nói mời bác ghé chân thăm cháu nghĩa là sự có mặt của bác tại nhà cháu là một niềm vui cho cháu. Cái chân thay cho con người, như câu thơ Kiều còn cha gót đỏ như son. Cha còn sống, người con gái được chăm sóc, no đủ, không phải làm lụng khó nhọc, gót chân còn đẹp, nghĩa là người con gái còn nhan sắc, no đủ.

Biểu hiện sự uy quyền của thần linh hay nhà vua

Trong câu nói chỉ dụ vua ban, thì chữ chỉ (chỉ dụ) gồm có chữ túc (cái chân) và chữ khẩu (cái miệng) để nói sự có mặt của mệnh lệnh từ miệng nhà vua phán ra (12).

Bài vị thần táo quân trong nhà bếp có câu “định phước táo quân” có nghĩa là táo quân tại vị ban phúc. Chữ định gồm có chữ túc (chân), và chữ miên (mái nhà) (13) có nghĩa là táo quân ở dưới mái nhà (gia đình) này với phước đức uy quyền của ngài do gia chủ ăn ở phải đạo (14).

Cũng trong ý niệm sự có mặt ấy, sau này trước khi về trời, thánh Gióng lưu lại dấu chân trên đá như ông Bành Tổ sống 800 năm, để lại dấu chân trên đá (15).

Biểu tượng sự hợp thức hóa, một sự sở hữu hợp pháp

Thời xưa người ta dùng dấu chân, ngày nay chúng ta dùng con dấu, cái triện của các cấp trên như vua chúa, quan quyền và các cơ quan có thẩm quyền để hợp thức hóa một công văn hay một hợp đồng mua bán. Thánh kinh của người Do Thái kể lại một phong tục của phương Đông cổ đại rằng: Sau khi ông Bô ô mua đất của ông Na ô mi có cử chỉ xác nhận… một hợp đồng trao đổi đất đai: đặt chân xuống một thửa ruộng hoặc ném dép xuống đó, tức là được sở hữu thửa đất ấy. “Như thế, vết chân dẫm lên ruộng vừa mới mua trở thành biểu tượng của quyền sở hữu, hoặc là đồng ý một sự giao ước” (16). Người Việt Nam ta ngày nay, sau khi mua mảnh đất thì đóng một cái cọc đánh dấu biên giới mảnh đất ấy đã thuộc quyền sở hữu của mình (17).

Theo tập tục cổ truyền người Nga, khi làm lễ thành hôn tại nhà thờ “cô dâu cố đặt chân trước lên chiếc thảm bằng xatanh đỏ, nơi làm lễ tuyên thệ theo nghi thức đạo chính thống, mong làm chủ được người chồng mình” (18).

Người Thái Mường Tấc (Tày Tấc) thuộc dòng Thái trắng (Tày Đõn) có tục “dẫm vết chân lên nhà chồng”(nhăm tạt hướu) trong lễ cưới hỏi như sau: “Sau lễ ăn hỏi, cô dâu về thăm nhà trai, gọi là lễ “nhăm tạt hướu” (dẫm vết chân lên nhà chồng, người Thái đen gọi là “dẫm sàn nhà chồng”). Với lễ này cô dâu trình diện ông bà nội, bố mẹ chồng và họ hàng nhà trai (19). Sau đám cưới, ngày thứ ba sau khi cưới, đôi vợ chồng trẻ mang lễ vật đến nhà gái để làm lễ coi mặt, được gọi là tảo hỏi tin (quay dấu chân) (20).

Vết chân ở đây thay cho sự có mặt, sự hiện diện của mình và sự sở hữu hợp pháp của chồng đối với vợ, và của vợ đối với chồng. Người Việt Nam chúng ta gọi là lễ lại mặt, ngày lại mặt, đồng thời nói lên rằng cô dâu đã làm chủ người chồng, một tàn dư chế độ mẫu hệ. Cử chỉ dẫm chân lên nhà sàn của người Thái Mường Tấc trên đây là biểu hiện ý niệm về quyền lực người phụ nữ trong xã hội, tương ứng với cái chùm chìa khóa, hòm tiền của bà nội tướng trong xã hội người Kinh nắm kinh tế gia đình (21).

Trong trường hợp vết chân to trong vườn mà bà Khương Nguyên, mẹ thần Hậu Tắc dẫm lên là biểu tượng không những sự có mặt mà còn nhấn mạnh đến sự ở lại của thần linh tại nơi đó. “Bà mẹ của Young tsen đã sinh ra Heou tsi (Hậu Tắc) hoàng tử kê, vì đã dẫm lên một dấu chân của chúa tể nhà trời… Khi in dấu chân của mình, không phải chỉ là để nói rằng ta đã tới đây mà là khẳng định rằng ta ở đây, ta ở lại nơi đây. Đôi khi điều này được xác nhận bằng lời ghi bên trong dấu chân, nói lên ý muốn của thần linh là luôn luôn có mặt” (22).

Biểu tượng ảnh hưởng để lại

Khi chúng ta nói theo dấu chân thày, theo dấu chân Phật… có nghĩa là làm theo, đi theo con đường đạo đức của thày, của Phật, đồng thời mong ước nhận lãnh ảnh hưởng tốt lành của đấng mình đi theo, mình bắt chước.

Khi chúng ta bước đi một bước, cái chân của ta bắt đầu động tác bước và kết thúc cũng ở bàn chân. Đó là biểu tượng của mọi hoạt động: sự ra đi và sự tới nơi mình đến là cuộc đời hoạt động của mình với quyền lực, ảnh hưởng của mình để lại. “Bàn chân của con người để lại dấu vết trên mọi nẻo đường tốt đẹp hoặc xấu xa mà con người đã chọn theo quyền tự quyết của mình” (23).

Người Dao Họ ở Lào Cai có tục thu lại những vết chân trong lễ tang như sau: “Trong đám tang, thày cúng phải làm lễ gọi hồn vía về, bắt hồn người chết phải đi thu lại những vết chân nơi dương thế mà khi còn sống người đó đã đến, rồi hồn đó sẽ biến thành ma, bị giam cầm và xét hỏi nơi địa ngục, xem có đủ tuổi hay phạm tội gì không ?” (24)

Ảnh hưởng, quyền lực của hai vị thần Hậu Tắc và thánh Gióng rất to lớn bởi đó là hai vị anh hùng dân tộc: Hậu Tắc là anh hùng văn hóa bảo vệ mùa màng, đem lại no ấm cho dân tộc, thánh Gióng là anh hùng chống ngoại xâm, bảo vệ giang sơn đất nước, mảnh đất ngọn đồi cung cấp lương thực nuôi dân.

Đặc điểm của các vị anh hùng vĩ đại được tôn làm thần thánh đều có những sự kiện sau đây:

Thụ thai kì diệu: dẫm vào vết chân của thần linh nói lên sự kết hợp giữa các lực lượng trên trời và dưới đất. Anh hùng là kết quả sự giao phối giữa thần linh và con người.

Cho nên các anh hùng này có tính chất hai mặt: vừa thiên giới (đến từ trời, thụ thai qua vết chân, chết lại về trời, thánh Gióng và thần Hậu Tắc biến mất trên núi); vừa hạ giới (ăn cơm cà, chơi với trẻ, sinh hoạt như người trần có vợ con…).

Dũng cảm trong thử thách:

Hậu Tắc sau khi sinh bị ném ra ngoi đường cho trâu dẫm, bị ném vô rừng cho thú dữ ăn thịt, bị ném vào hồ nước đá để cho chết lạnh, nhưng đều được cứu thoát. Thánh Gióng đã ba tuổi mà không biết lật, không nói, không cười nhưng sau khi ăn no lớn lên như thổi, hô to “ta là thiên vương” rồi nhảy lên mình ngựa.

Các vị anh hùng đều có những thế lực đặc thù như can đảm, cường tráng nhờ hưởng thụ được qua vết chân ông khổng lồ, đại diện thần linh.

Rõ rệt cái chân, cái bàn chân là biểu tượng dẫn đường như cái tay biểu tượng cho sự hoạt động của con người.

Cái chân là một trong bốn “tay thợ của xã hội con người, nếu bộ phận sinh dục có bổn phận duy trì nòi giống, cái mũi đánh hơi định hướng cho lời nói phát ra từ cái lưỡi, thì cái chân dẫn hướng cho con người đường phải đi (25).

Thần kê Hậu Tắc là thần mùa màng dẫn dắt con người làm mùa vụ, lo cho dân no ấm. Thánh Gióng hướng dẫn dân làng đánh giặc, bảo vệ non sông.

Trong tinh thần đó, thi sĩ người Đức B.Brechs nói “con người không có rễ. Nó có hai bàn chân” (26).

Vết chân trong xã hội

Tổ tiên ta xưa khi nói đến chuyện mang thai vì dẫm chân lên vết chân trên đồng cỏ (hay trong vườn cà) là nói đến chuyện không gian nông nhàn, dân dã, an bình của những ngày vui xuân, mà trai gái tự do ân ái, nói lên sự kiện sinh ra theo lối dã hợp trong dịp du xuân (27). Dấu chân trên đất mềm khác với dấu chân thần để lại trên đá, sau khi Gióng về trời. Đất bùn là “biểu tượng của vật chất nguyên thủy và phì nhiêu mà từ đó con người được tạo thành, theo truyền thuyết Kinh thánh… Bùn là đất động dậy, lên men, trở nên mềm mại” (28). Dấu chân trên đất bùn trong dịp du xuân mà trai gái để lại sau những cuộc ái ân là biểu tượng phồn thực. Gs. Trần Quốc Vượng cũng khẳng định “Triết lý hội xuân căn bản là triết lý phồn thực… sự gặp gỡ, dao duyên, giao phối trai gái” (29). Và hội Gióng, cũng là lễ hội cầu mưa trong chuỗi nghi lễ nông nghiệp của cư dân Việt cổ. Có tác giả cho rằng ông khổng lồ có thể liên quan đến cặp ông Đùng, bà Đà khổng lồ cũng như cặp thần khổng lồ Nữ Oa - Tứ Tượng, đều tượng trưng cho các vị thần phồn thực trong tín ngưỡng phồn thực dân gian Việt Nam (30). Huyền thoại có lúc kể rằng bà Nữ Oa là con gái thần Kê Viêm Đế (Yen ti), là nữ thần mưa, nữ thần hôn nhân và tình yêu, cũng là nữ thần sáng tạo vũ trụ (bà Nữ Oa đội đá vá trời).

Dấu chân trong vườn cà

Có dị bản nói rằng ông khổng lồ (hoặc ông Đùng) về thăm vườn cà và để lại vết chân to lớn trong vườn cà. Vườn cà có hai biểu tượng:

Vườn là mảnh đất đã được thuần hóa nhờ làm đất (cuốc, bới) và trồng cây, hoa quả đối nghịch với đất thiên nhiên hoang dã. Do đó, vườn là đất thuần thục, sinh ra hoa quả, dưa cà để nuôi con người. Hoa quả sinh sản mãi mãi, mùa này qua mùa khác, biểu tượng sự sinh sôi nảy nở của đất (31) và bảo đảm sự no đủ cho con người, tức là nhấn mạnh sự an ninh lương thực. Qua đó, thần Hậu Tắc được phối với thần mùa màng và thần ngũ cốc (32).

Vườn là “hình ảnh bộ phận sinh dục cơ thể đàn bà”. Dấu chân ông khổng lồ trong vườn cà là biểu tượng rõ ràng của sự phồn thực (33).

Cùng trong dòng ý tưởng mang thai lối dã hợp này, cái bàn chân còn mang một ý nghĩa về giòng tộc nội ngoại. “Nếu như dương vật là công cụ của quan hệ quyết thống (bên nội) thì bàn chân là “công cụ thực hiện quan hệ thân thuộc về đàng ngoại và các quan hệ xã hội” (34). Mẹ của thần Hậu Tắc có đền thờ ở núi Lý Sơn được mệnh danh là đền bà chúa Lý Sơn (35), mẹ thánh Gióng có đền Hạ ở Sóc Sơn, nói đến vai trò đàng ngoại của người mẹ thời ấy quan trọng như thế nào. Biểu tượng cho nguồn gốc ngoại tộc của thần linh qua bàn chân, cũng có mặt trong huyền thoại người Pygmée và người Bambuti ở Congo (Phi châu). Đó là vị thần sinh ra từ ngón chân cái bàn chân phải của người mẹ (36).

Ngày nay con người hiện đại dùng khái niệm dấu chân sinh thái để chỉ một trong ba chỉ số hạnh phúc ngày nay (HPI). Từ ngàn đời con người vẫn mơ ước có hạnh phúc gồm ba chỉ số:

Hài lòng với cuộc sống hiện tại: có đủ ăn no ấm và có con đàn cháu lũ, nối dõi tông đường.

Sống khỏe và sống lâu.

Sống hài hòa với môi trường tự nhiên: hòa hợp giữa trời, đất, Người chung quanh ta sống.

Biểu tượng của dấu chân trong vườn cà hoặc trên cánh đồng ngày dạ hội du xuân thời huyền sử xa xưa, vẫn tồn tại vĩnh hằng trong tiềm thức sâu lắng của chúng ta ngày nay.

_______________

1. Chúng tôi viết Gióng (không viết Dóng) và xin đề nghị các tác giả nên viết Gióng cho thống nhất, xem ra hợp lý hơn và hợp với truyền thống.

2. Bà còn có tên là Khương Cơ là vợ cả của Đế Cốc.

3. Granet M, Danses et legendes de la Chine ancienne 2 vol (Khiêu vũ và truyền thuyết của Trung Hoa cổ đại), 2 tập, PUF, Paris, 1959, tr.468.

4, 6. Đinh Gia Khánh, Thần thoại Trung Quốc, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.123, 165.

5. Bùi Văn Nguyên, Việt Nam và cội nguồn trăm họ, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2001, tr.22.

7. Như vậy, thần Hậu Tắc là con của Đế Cốc, được huyền thoại Việt Nam nhận làm tổ tiên mình.

8, 33, 35. Eberhard W, Lokalkulturen im alten China 1 teil (Các nền văn hóa địa phương trong nước Trung Hoa cổ đại, phần 1), E.J.Brill, Leiden, 1942, tr.158, 509, 360.

9. Lê Thái Dũng, 99 câu hỏi đáp về thời đại Hùng Vương, Nxb Lao động, Hà Nội, 2008, tr.143.

10, 11. Wieger L, Caractères Chinois, Nxb Kuangchi Press, Taiwan, 1963, tr.5, 368.

12. Chữ chỉ gồm có chữ túc (chân) và khẩu (miệng đang nói).

13. Chữ định gồm có chữ miên (mái nhà) và chữ túc (chân).

14. Vũ Ngọc Khánh, Văn hóa ẩm thực Việt Nam, Nxb Lao động, Hà Nội, 2001, tr.134.

15. Kim Định, Việt lý nguyên tố, Nxb An Tiêm, Sài Gòn, 1975, tr.185.

16, 18, 21, 22, 23, 25, 28, 32, 34, 36. Chevalier J. & Gheerbrant A, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb Đà Nẵng, 1997, tr.358, 360, 53, 52, 606, 111, 1007, 115, 643.

17. Thần Nak Tà (Campuchia) bên lề đường hoặc nơi biên cương cũng biểu trưng sự hiện diện của thần và bảo vệ mảnh đất ấy cho dân.

19, 20. Phan Thị Kim Oanh, Lễ cưới của người Thái Mường Tấc huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, Tạp chí Dân tộc học số 3 (159), 2009, tr.27, 31.

24, 26. Phạm Văn Dương, Đời sống tín ngưỡng của người Dao Họ ở Lài Cai, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 301, 2009, tr.18, 19.

27. Kim Định, Nguồn gốc văn hóa Việt Nam, Nxb Dân chúa, New Orleans, 1982, tr.104.

29, 30. Trần Quốc Vượng, Văn hóa Việt Nam, tìm tòi và suy ngẫm, Nxb Văn hóa Dân tộc & Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội, 2000, tr.239, 240.

           31. Huyền thoại Hy Lạp kể về lễ cưới thần Zeus với thần Hera (Nữ thần hôn nhân) diễn ra trong khu vườn Hesperides kỳ diệu, biểu tượng một sức sinh sản mãi mãi tái sinh.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 320, tháng 2-2011

Tác giả : Nguyễn Tiến Hữu

;