“Đi cùng năm tháng 2023”- Chương trình nghệ thuật xiếc đặc sắc

Tối ngày 17-7-2023, Liên đoàn Xiếc Việt Nam ra mắt chương trình nghệ thuật “Đi cùng năm tháng 2023” nhân kỷ niệm 76 năm Ngày thương binh liệt sĩ 27-7. Đây là lần thứ năm Liên đoàn Xiếc Việt Nam dàn dựng một tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao, có chủ đề hướng về cội nguồn, đền ơn đáp nghĩa thông qua ngôn ngữ của nghệ thuật xiếc.

Chương trình có sự tham dự của rất nhiều cựu chiến binh, Anh hùng quân đội, các gia đình có công với cách mạng, các gia đình chính sách cùng đông đảo các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức xã hội

Đi cùng năm tháng do NSND Tống Toàn Thắng - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam viết kịch bản và dàn dựng, với sự tham gia của các nghệ sĩ thuộc 3 đoàn biểu diễn của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Đây là chương trình nghệ thuật ý nghĩa nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ, những người có công với cách mạng. Ngôn ngữ của nghệ thuật xiếc đã khéo léo khắc họa hình tượng anh bộ đội, các cô gái thanh niên xung phong, các chiến sĩ hải quân, cảnh sát biển trên sân khấu xiếc một cách chân thực và đầy cảm động.

Phát biểu tại lễ khai mạc, NSND Tống Toàn Thắng - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết: “Các chương trình Sống mãi với Điện Biên, Ký ức Trường Sơn, Biển đảo là quê hương, Vùng trời bình yên đã để lại nhiều cảm xúc và ý nghĩa sâu sắc cho đông đảo quần chúng khán giả. Phát huy ý nghĩa cao đẹp đó, Ban lãnh đạo Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã đưa ra kế hoạch tổ chức Chương trình nghệ thuật mang tên Đi cùng năm tháng, được dàn dựng nhân kỷ niệm 76 năm ngày thương binh liệt sĩ 27/7/1947 – 27/7/2023. Đây là lần thứ năm Liên đoàn Xiếc Việt Nam dàn dựng một tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao, có chủ đề hướng về cội nguồn, đền ơn đáp nghĩa, qua ngôn ngữ xiếc giúp cho thế hệ trẻ cảm nhận sâu sắc tinh thần hy sinh, chấp nhận gian khổ của người chiến sĩ quân đội trong kháng chiến. Thông qua chương trình cũng là dịp để các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, trực tiếp trao tặng nhiều phần quà tới tận tay những cựu chiến binh, các gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, các thương bệnh binh, các nạn nhân chất độc màu da cam…”.

Chương trình gồm hai phần: Phần I là hoạt động tặng quà các gia đình thương binh, liệt sĩ, các cựu chiến binh, thương binh; Phần II là chương trình nghệ thuật với các tiết mục, hoạt cảnh được dàn dựng công phu, hấp dẫn: Cúc ơi!, Lê Anh Nuôi, Vết chân tròn trên cát, Huyền thoại mẹ…

Ấn tượng hoạt cảnh "Cúc ơi" - tác phẩm đoạt Giải Xuất sắc tại Liên hoan Các trích đoạn hay Nghệ thuật Sân khấu Toàn quốc năm 2023

Ấn tượng nhất có lẽ là hoạt cảnh Cúc ơi!, tưởng nhớ 10 nữ thanh niên xung phong, hy sinh tại Ngã Ba Đồng Lộc. Trên nền giai điệu bài hát Cô gái mở đường với tiết tấu âm nhạc sôi nổi và hào hung, các nữ nghệ sĩ trong trang phục bộ đội xuất hiện trên sân khấu, trên vai vác những cây tre cùng nhau vui vẻ vừa ca hát, vừa lao động, tạo dựng những chiếc lán trú bom đạn, dùng những cây tre tạo thành cây cầu đi qua con suối. Hoạt cảnh thể hiện cuộc sống lạc quan không sợ nguy hiểm, không sợ hy sinh của các nữ thanh niên xung phong. Các cô gái trổ tài nhào lộn, uốn dẻo, thăng bằng đi dây, đu dây… tất cả được nghệ thuật hóa bằng ngôn ngữ xiếc.

Các cô gái hăng say, vui vẻ miệt mài mở đường… Tiếng máy bay gầm rít, tiếng bom nổ phá tan không gian tĩnh lặng. Các cô gái lao ra mặt đường giữ vững cây cầu. Rồi từng người gục xuống. Lần lượt những dải lụa xanh bay lên, các cô gái tạo hình trên dây lụa bay trong không gian. Chỉ có 9 dải lụa cùng các cô hòa quện với nhau, mọi người ngóng trông và chờ đợi một đồng đội của mình.

Lời bài hát Cúc ơi được cất lên, một cô gái trong bộ quần áo trắng bay ra hòa mình cùng các đồng đội, nằm trong vòng tay của đồng đội. Thông qua nghệ thuật đu dây lụa, 9 dải lụa lần đầu kết hợp khéo léo, đẹp mắt trên sân khấu xiếc đem lại ấn tượng và cảm xúc mạnh mẽ trong lòng khán giả.

Tác phẩm này đã được trao Giải Xuất sắc tại Liên hoan Các trích đoạn hay Nghệ thuật Sân khấu Toàn quốc năm 2023. Thông qua ngôn ngữ của nghệ thuật xiếc, cùng giọng hát truyền cảm, cách diễn xuất tự nhiên, chân thực của các nghệ sĩ xiếc, Cúc ơi! đi vào lòng người xem đầy cảm động, tái hiện sự hy sinh anh dũng của 10 nữ thanh niên xung phong.

Hoạt cảnh "Huyền thoại mẹ" tôn vinh sự hy sinh của những người mẹ Việt Nam trong kháng chiến

Hoạt cảnh "Vết chân tròn trên cát"

Hoạt cảnh Lê Anh Nuôi tạo nên không khí sôi nổi, vui vẻ, miêu tả những đóng góp của lực lượng anh nuôi, tiếp phẩm trong kháng chiến. Tiết mục được lồng ghép, sử dụng nhiều thể loại trò khéo của xiếc như: tung hứng, thăng bằng trên con lăn... Xiếc thú lợn, dê, chó… đã đem đến sự hài hước, dí dỏm cho người xem.

Hoạt cảnh Vết chân tròn trên cát thể hiện hình tượng người chiến sĩ bộ đội Cụ Hồ với tinh thần “tàn nhưng không phế”. Anh thương binh lạc quan, hàng ngày vẫn đi tới làng, dạy các em nhỏ tập xiếc. Màn tung hứng, ảo thuật, đi xe đạp một bánh… vô cùng hấp dẫn.

Hoạt cảnh Nơi đảo xa khắc họa hình ảnh chiến sĩ hải quân canh giữ biển đảo Tổ quốc, thể hiện bằng các màn biểu diễn leo cột, nhào lộn…

Hoạt cảnh "Nơi đảo xa"

Hoạt cảnh Huyền thoại mẹ tôn vinh sự hy sinh của những người mẹ Việt Nam trong kháng chiến, qua màn biểu diễn dây da đôi đặc sắc. Cuộc gặp gỡ giữa mẹ và người đồng đội của con trai được thể hiện qua diễn xuất và động tác kết hợp hình tượng xiếc. Người đồng đội của con cảm thấy được yêu thương trong vòng tay mẹ, với tình thương của mẹ, người chiến sĩ được trao thêm sức mạnh tiếp tục chinh phục những khó khăn phía trước. Đặc biệt ấn tượng là động tác tạo hình người mẹ vẫn cầm đèn thắp sáng cho con hướng về phía trước.

Hoạt cảnh Những người lính biển thể hiện tinh thần luyện tập, rèn luyện thể lực của những chiến sĩ hải quân. Chiếc cột (đạo cụ biểu diễn xiếc) được trang trí hình tượng hóa như những chiết cột buồm trên con tàu. Thông qua các kỹ năng và kỹ thuật xiếc, người xem thực sự thán phục trước tài nghệ và sức mạnh của các chiến sĩ hải quân. Các chiến sĩ luyện tập thể lực, leo trèo trên cột, thực hiện các kỹ năng nhào lộn, đu nhảy, xoay người trên cột, các động tác thể hiện sức mạnh như một người trụ kéo ba người…

Tiết mục "Những người lính biển" thể hiện tinh thần luyện tập, rèn luyện thể lực của những chiến sĩ hải quân

Chương trình có sự tham dự của rất nhiều cựu chiến binh (đến từ Hội Cựu chiến binh Thành phố Hà Nội; Hội Cựu chiến binh Quận Hai Bà Trưng, Hội Cựu chiến binh Bộ VHTTDL…), Anh hùng quân đội, các gia đình có công với cách mạng, các gia đình chính sách cùng đông đảo các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức xã hội, cùng các phóng viên, báo chí.

Chương trình Đi cùng năm tháng 2023 sẽ tiếp tục diễn ra vào 16 giờ 30 ngày 22-7 và 10 giờ ngày 23-7.

Bài, ảnh: LIÊN HƯƠNG

;