"Bản quyền trong chuyển đổi số ngành Thư viện"

Ngày 12-7, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL tổ chức Hội thảo “Bản quyền trong chuyển đổi số ngành Thư viện” nhằm đánh giá thực trạng về chuyển đổi số và vấn đề thực thi bản quyền trong thư viện hiện nay; làm rõ những kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn tồn tại và nguyên nhân trong quá trình xử lý vấn đề bản quyền vào thực tiễn chuyển đổi số thư viện; đề xuất phương hướng, giải pháp để khắc phục các rào cản trong việc thực thi các quy định của pháp luật về quyền tác giả trong chuyển đổi số đối với từng loại hình thư viện đáp ứng mục tiêu chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy tới dự và chỉ đạo Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo

Cùng tham dự Hội thảo có đại diện: Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội, một số bộ, ngành; Sở VHTTDL, Sở VHTT một số tỉnh, thành phố; thư viện  tỉnh, thành phố, thư viện chuyên ngành, thư viện đại học; các chuyên gia, nhà khoa học về giáo dục đào tạo lĩnh vực công nghệ thông tin, thư viện, chuyển đổi số và sở hữu trí tuệ.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Ngày 16-6-2022, Luật số 07/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 3, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023, trong đó có nhiều quy định mới liên quan đến quyền tác giả trong hoạt động thư viện và được Chính phủ cụ thế hóa tại Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26-4-2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan (Nghị định số 17/2023/NĐ-CP).

Việc thực thi Luật Sở hữu trí tuệ mới ban hành cùng các hướng dẫn liên quan đã có tác động đến việc triển khai “Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng ban hành tại Quyết định 206/QĐ-TTg ngày 11-2-2021, tạo ra những thuận lợi và thách thức đối với ngành Thư viện. Do vậy, việc nghiên cứu nắm vững, hiểu rõ các nội dung mới của Luật Sở hữu trí tuệ, đặc biệt là quyền tác giả trong hoạt động thư viện trở thành yêu cầu cấp thiết hiện nay để xây dựng giải pháp phát triển nguồn tài nguyên số, thực thi quyền tác giả trong phục vụ người sử dụng thư viện.

Chủ trì Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đánh giá cao những thay đổi tích cực của toàn ngành Thư viện sau 3 năm thực hiện Chương trình chuyển đổi số: nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy của các cấp, các ngành; từng bước đổi mới phương thức hoạt động thư viện từ truyền thống sang hiện đại trên nền tảng ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ; khuyến khích thu hút mọi nguồn lực trong xã hội tham gia phát triển thư viện, tạo điều kiện cho người dân tham gia sử dụng dịch vụ thư viện, phục vụ học tập suốt đời, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Đồng thời, Thứ trưởng cũng đề nghị các đại biểu, các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác thư viện tập trung thảo luận, trao đổi cần đánh giá khách quan thực trạng về chuyển đổi số và thực thi bản quyền trong thư viện hiện nay, làm rõ những kết quả đạt được, khó khăn tồn tại và nguyên nhân trong quá trình xử lý vấn đề bản quyền trong thực tiễn chuyển đổi số thư viện; nhận diện những hành vi vi phạm để đề xuất phương hướng, xác định các giải pháp khắc phục các rào cản trong việc thực thi các quy định của pháp luật về quyền tác giả, giúp các thư viện phát huy được lợi thế, cơ hội, thúc đẩy sự nghiệp thư viện và văn hóa đọc phát triển trong bối cảnh mới.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Thư viện Kiều Thúy Nga cho rằng, việc đánh giá đúng thực trạng thực thi bản quyền tác giả trong hoạt động thư viện nói chung, chuyển đổi số ngành Thư viện nói riêng thời gian qua và nghiên cứu, nắm vững, hiểu rõ nội dung mới của Luật Sở hữu trí tuệ, đặc biệt là quyền tác giả trong hoạt động thư viện là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Đây là căn cứ để xây dựng giải pháp phát triển nguồn tài nguyên thông tin đặc biệt - nguồn tài nguyên số và phục vụ người dân góp phần thực hiện các mục tiêu đặt ra trong chương trình chuyển đổi số, tiến tới xây dựng thư viện hiện đại phục vụ người dân.

Vụ trưởng Vụ Thư viện Kiều Thúy Nga trình bày Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo

12 tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã tập trung vào những vấn đề cơ bản như: Phát huy giá trị và lợi thế, những điểm mới của pháp luật về quyền tác giả trong Luật sửa đổi một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đối với hoạt động chuyển đổi số ngành Thư viện nói chung, phát triển tài nguyên số nói riêng; Kinh nghiệm trong nước và quốc tế trong thực thi quyền tác giả, và về vận dụng các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ trong quá trình chuyển đổi số thư viện; chia sẻ các mô hình và cách làm hay, hiệu quả trên thực tế; Giải pháp khắc phục các rào cản trong việc thực thi các quy định của pháp luật về quyền tác giả trong chuyển đổi số thư viện: Kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong việc bảo vệ quyền tác giả đối với tài nguyên thông tin dạng số và liên thông thư viện; chia sẻ, liên thông thư viện với các nước và tổ chức hội nghề nghiệp về thư viện quốc tế; các nguồn lực bảo đảm cho việc thực thi; Nhận diện các hành vi vi phạm quyền tác giả trong hoạt động thư viện, giải pháp khắc phục; Vấn đề bản quyền trong hoạt động thư viện phục vụ người khuyết tật…

Thông qua các ý kiến trao đổi và tham luận, Hội thảo  góp phần giúp các nhà quản lý từ thực tiễn hoạt động để sửa đổi, bổ sung các quy định ngoại lệ về quyền tác giả trong thư viện khắc phục những thách thức đặt ra trong tổ chức thực hiện của thư viện từ đó giúp cho quá trình chuyển đổi số trong thư viện được tổ chức thực hiện có hiệu quả trên thực tế.

Tại Hội thảo, một số công ty cung cấp giải pháp công nghệ về lĩnh vực thư viện đã trưng bày các thiết bị phục vụ việc số hóa tài liệu và giới thiệu phần mềm quản lý thư viện thông minh.

Sau Hội thảo, nhằm phổ biến, hướng dẫn triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực thư viện; nâng cao năng lực, nhận thức và trách nhiệm cho cơ quan quản lý nhà nước về thư viện, người làm công tác thư viện về quyền tác giả trong hoạt động chuyển đổi số ngành Thư viện; phát triển kỹ năng nhận diện hành vi vi phạm và biện pháp thực thi quyền tác giả trong chuyển đổi số ngành thư viện... từ ngày 13 đến 14-7, Bộ VHTTDL sẽ tổ chức chương trình Tập huấn “Thực thi quyền tác giả trong chuyển đổi số ngành thư viện” với sự tham gia của gần 300 đại biểu, học viên là đại diện của Thư viện Quốc gia Việt Nam, Hội Thư viện Việt Nam, Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh/thành phố, công chức của Sở được phân công theo dõi công tác thư viện; lãnh đạo và viên chức chuyên môn của hệ thống thư viện công cộng cấp tỉnh/thành phố, thư viện đại học, thư viện chuyên ngành, thư viện lực lượng vũ trang trong cả nước.

Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Phạm Thị Kim Oanh trình bày chuyên đề tại buổi tập huấn

Chương trình tập huấn tập trung vào các chuyên đề: Những điểm mới về quyền tác giả trong Luật sửa đổi một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 và tác động đến chuyển đổi số ngành Thư viện; Trách nhiệm pháp lý các thư viện trong thực thi quyền tác giả và vấn đề bảo đảm, tôn trọng quyền tiếp cận, sử dụng thông tin của người sử dụng thư viện; Nhận diện khó khăn; thuận lợi và giải pháp thực thi quy định của pháp luật về quyền tác giả trong chuyển đổi số ngành thư viện… do Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) Phạm Thị Kim Oanh và Chủ tịch Hiệp hội sáng tạo và Bản quyền tác giả Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) Bùi Nguyên Hùng trực tiếp truyền đạt.

Tin, ảnh: HỒNG VÂN

;