Chuỗi Hội thảo “Tái thiết di sản công nghiệp 2022 - đổi mới và bền vững”

Vào ngày 14 và 15-10-2022, hội thảo chuyên đề: “Thảo luận kế hoạch chuyển đổi bền vững sáng tạo cho 9 công trình tại Hà Nội và kiến tạo cơ hội hợp tác đa bên” và “Thiết kế, xây dựng và vận hành bền vững các dự án Tái thiết di sản công nghiệp tại Việt Nam” đã diễn ra tại 282 Workshop, Hà Nội.

Chuỗi hội thảo được hỗ trợ tổ chức bởi Quỹ Văn hóa Pháp - Đức, Viện Goethe, Viện Pháp, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan, Hội đồng Anh Việt Nam, UNESCO Việt Nam, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam phối hợp cùng Doanh Nghiệp Xã hội bền vững Việt Nam VSSE, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và 282 Workshop. Chương trình cũng nhận được sự đồng hành đến từ các tổ chức: Vì một Hà Nội đáng sống, Hanoi Ad Hoc và Heritage Space.

Phát biểu khai mạc của ông Wilfried Eckstein - Viện trưởng Viện Goethe và ông Thierry Vergon - Tùy viên văn hóa, Đại sứ quán Pháp, Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội - Ảnh: Đức Trần

Chương trình được tổ chức nhằm đẩy mạnh cơ hội phát triển các dự án tái thiết di sản công nghiệp trong bối cảnh TP Hà Nội chính thức quyết định di dời 9 cơ sở công nghiệp cũ ghi dấu nhiều giá trị văn hóa, công nghệ. Thông qua chia sẻ kinh nghiệm giữa các chuyên gia đến từ châu Âu và Việt Nam, chương trình kỳ vọng tăng cường nhận diện các di sản công nghiệp như nguồn tài nguyên góp phần kiến tạo bản sắc văn hóa riêng của khu vực, đồng thời tăng cường khả năng thực hành sáng tạo trong bảo tồn, thiết kế và quy hoạch di sản công nghiệp tại Việt Nam.

Trên thực tế, các quốc gia đi đầu về tái thiết di sản đã chứng minh được rằng công trình công nghiệp nắm giữ tiềm năng lớn để tạo ra hình ảnh tích cực, độc đáo, góp phần kiến tạo bản sắc văn hóa riêng của khu vực địa phương; đồng thời trở thành nguồn tài nguyên hiệu quả có thể mang lại lợi ích kinh tế nếu được khai thác một cách bền vững, sáng tạo.

Tại châu Âu, di sản công nghiệp được coi là yếu tố then chốt của sự phát triển bền vững về lãnh thổ, kinh tế, xã hội và đóng góp đáng kể vào sự thịnh vượng của châu Âu. Do vậy, các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại châu Âu từ đó cũng được phát triển mạnh mẽ và xoay quanh 3 mục tiêu chính: (1) Hợp tác giữa các nhóm lợi ích đối với văn hóa công nghiệp; (2) Bảo vệ và khai thác di sản công nghiệp; (3) Nâng cao nhận thức tích cực về di sản công nghiệp. Trong khi nhóm hoạt động (1) tập trung thúc đẩy hợp tác giữa các nhóm chuyên gia, chính trị gia, vận động xã hội hướng tới lợi ích chung phát triển các mô hình quản lý, bảo tồn, chuyển đổi di sản công nghiệp; nhóm hoạt động (2) và (3) tập trung khai thác và tôn vinh các di sản công nghiệp như một nguồn tài nguyên giàu giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc địa phương và có tiềm năng mang lại lợi ích kinh tế cho nhà đầu tư. Dựa vào các tài nguyên di sản sẵn có, các khu vực công nghiệp đang nắm giữ những cơ hội độc đáo để phát triển kinh tế như: cơ sở hạ tầng đã được xây dựng, kiến trúc thiết kế riêng biệt, truyền thống và văn hóa lâu đời của cư dân tại khu công nghiệp… Nói cách khác, ngoài việc bị phá bỏ để xây dựng các khu trung tâm thương mại, khu công nghiệp mới thì di sản công nghiệp cũng có thể được khai thác cho các mục đích bảo tồn và tôn vinh giá trị di sản mà vẫn đảm bảo lợi ích kinh tế đem lại cho nhà đầu tư như nhà văn hóa, bảo tàng, khu phức hợp nghệ thuật…

Khu phức hợp văn hóa Friche La Belle De Mai (Pháp) - Nguồn: Friche La Belle De Mai

Một ví dụ điển hình cho mô hình chuyển đổi sáng tạo này là khu phức hợp văn hóa Friche La Belle De Mai tái thiết từ nhà máy thuốc lá SEITA, một trong những nhà máy sản xuất lớn nhất tại Pháp. Từ năm 1991-2000, nhà máy được chuyển đổi thành khu phức hợp văn hóa với không gian công cộng rộng 45.000m² bao gồm năm không gian biểu diễn, sân chơi, không gian thể thao, nhà hàng, hiệu sách, 2.400m² không gian triển lãm và một tầng mái rộng 8.000m². Hiện tại La Friche cung cấp không gian làm việc cho khoảng 350 nghệ sĩ, nhà sản xuất và nhân viên mỗi ngày. Đây cũng là địa điểm biểu diễn công cộng với 600 đề xuất nghệ thuật công cộng mỗi năm với doanh thu khoảng 2 triệu euro/năm và thu hút 450.000 du khách/năm.

“Vườn ươm” khởi nghiệp lớn nhất thế giới Station F - Nguồn ảnh: Station F

Hay một ví dụ điển hình khác là Station F - “Vườn ươm” khởi nghiệp lớn nhất thế giới được xây dựng trên nền của nhà ga xe lửa cũ Halle Freyssinet rộng 34.000m² ở vùng Đông Nam nước Pháp - nơi quy tụ của hơn 1000 doanh nghiệp trên thế giới. Công trình đáp ứng những tiêu chuẩn tiện nghi hiện đại trong khi vẫn giữ được nhiều nét kiến trúc nguyên bản mang dấu ấn của thời đại công nghiệp hóa với những khối bê tông và container được cải tạo thành các phòng làm việc. Station F cung cấp cho các doanh nghiệp những nguồn lực cần thiết về dịch vụ và không gian làm việc; tạo cơ sở cho sự hợp tác cùng phát triển của các doanh nghiệp; đồng thời biến Paris trở thành điểm hẹn của các start-up thế giới, thu hút vốn đầu tư cho các công ty khởi nghiệp tại đất nước này. 

Tại Việt Nam, có rất nhiều cơ sở, nhà máy sản xuất công nghiệp ghi dấu nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, xã hội không thể tái tạo, tuy nhiên, chưa có bất kỳ một công trình nào được công nhận là di sản công nghiệp. Điều này dẫn đến thực tế nhiều công trình bị “xóa sổ” không còn dấu vết khi còn chưa được công nhận giá trị. Ví dụ như: Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo (Hà Nội), nhà máy Dệt 8-3 (Hà Nội), nhà máy Dệt Nam Định (Nam Định), Nhà máy đóng tàu Ba Son (TP.HCM)… Chính những can thiệp chưa phù hợp này cho thấy di sản công nghiệp tại Việt Nam chưa được nhận diện như một nguồn tài nguyên có giá trị lịch sử, văn hóa, kinh tế của khu vực.

Bà Phạm Thị Lan Anh chia sẻ về phát triển di sản công nghiệp văn hóa trên địa bàn thủ đô Hà Nội - Ảnh: Đức Trần

Chia sẻ tại hội thảo, bà Phạm Thị Lan Anh, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết ở Việt Nam hiện nay, khái niệm di sản công nghiệp vẫn là khái niệm mới. Hà Nội mới đây đã ban hành Nghị quyết liên quan đến phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn. Chính bởi vậy, các công việc liên quan đến phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo… đang được đẩy mạnh và đang trong quá trình tích lũy kinh nghiệm. “Hà Nội quan tâm và hy vọng di sản công nghiệp trở thành một phần của di sản văn hóa thành phố. Tuy nhiên, thực tế là do chưa có nhiều kinh nghiệm tới vấn đề liên quan nên cơ chế, chính sách chưa được triển khai sâu rộng và chưa đạt được những kết quả như mong muốn”.

KTS Huy Phạm – Sáng lập 282 Design chia sẻ kinh nghiệm phát triển dự án tái thiết di sản từ góc nhìn nhà đầu tư - Ảnh: Đức Trần

Trên thực tế, trong thời gian gần đây, Việt Nam đã xuất hiện một vài công trình chuyển đổi thành không gian công cộng và sáng tạo từ các nhà máy sản xuất công nghiệp cũ quy mô nhỏ do các nhà đầu tư tư nhân triển khai. Mặc dù nhận được sự ủng hộ đông đảo của cộng đồng nghệ sĩ, văn hóa và thế hệ trẻ, các công trình vẫn còn rất non trẻ với quy mô nhỏ lẻ, tự phát và còn gặp nhiều thách thức. Cụ thể, các nhà đầu tư vẫn gặp khó khăn và hạn chế trong chính sách hỗ trợ, đồng thời thiếu kinh nghiệm trong việc phát triển chiến lược, vận hành dự án. Không những vậy, việc xây dựng mô hình kinh tế, hoạch định, thiết kế đảm bảo hiệu quả về tài chính, đồng thời phát huy giá trị văn hóa sáng tạo cũng đang là thách thức lớn đối với các chủ công trình chuyển đổi.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc nghệ thuật của Heritage Space chia sẻ ý kiến về sự tham gia của các tổ chức văn hóa, xã hội và vai trò của cộng đồng trong dự án Tái thiết di sản - Ảnh: Đức Trần

Hướng tới mục tiêu phát triển thành phố sáng tạo và tiến tới thành phố “xanh, thông minh, hiện đại” vào 2030, Hà Nội đang nắm giữ các cơ hội thuận lợi để thực hành thiết kế, xây dựng và vận hành bền vừng các dự án tái thiết di sản công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam. Tuy nhiên, để đặt nền tảng cho quá trình tái thiết di sản, Việt Nam cần đổi mới chính sách, chiến lược quy hoạch nhằm đảm bảo cho quá trình chuyển đổi di sản công nghiệp đáp ứng mục tiêu văn hóa, kinh tế và môi trường. Đồng thời, Việt Nam cũng cần học tập, trao đổi với các quốc gia tiên phong để tích lũy các bài học chuyển đổi đi trước và học tập các mô hình tái thiết, vận hành từ các công trình quốc tế tương quan với bối cảnh địa phương.

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham gia hội thảo - Ảnh: Đức Trần

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, nếu đầu tư quy hoạch, xây dựng và phát huy tốt các khu di sản công nghiệp sẽ là “mũi nhọn” cho sự phát triển công nghiệp văn hóa, một hướng đi quan trọng đến phát triển bền vững. Thông qua chia sẻ kinh nghiệm giữa các chuyên gia đến từ châu Âu và Việt Nam, chương trình kỳ vọng tăng cường nhận diện các di sản công nghiệp như nguồn tài nguyên góp phần kiến tạo bản sắc văn hóa riêng của khu vực, đồng thời tăng cường khả năng thực hành sáng tạo trong bảo tồn, thiết kế và quy hoạch di sản công nghiệp tại Việt Nam.

LIÊN HƯƠNG

;