Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường văn hóa tại điểm đến du lịch cộng đồng ở Việt Nam là một trong những nội dung của nhiệm vụ “Xây dựng môi trường văn hóa gắn với phát triển bền vững tại các điểm du lịch cộng đồng” thuộc Chương trình Xây dựng môi trường văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước do Bộ VHTTDL chủ trì. Việc xây dựng môi trường văn hóa được triển khai ở nhiều khía cạnh, nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống, trong đó xây dựng môi trường văn hóa tại các điểm đến du lịch là một trong những nội dung quan trọng của Chương trình này. Bài viết trình bày một số kết quả nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường văn hóa tại điểm du lịch cộng đồng đã được nhóm nghiên cứu triển khai trên cơ sở kết quả những cuộc khảo sát thực tiễn tại các điểm du lịch cộng đồng cũng như qua nhiều nghiên cứu cả định tính và định lượng đã được triển khai.
1. Môi trường văn hóa tại các điểm du lịch cộng đồng
Khái niệm môi trường văn hóa
Môi trường văn hóa là khái niệm tương đối rộng và được sử dụng phổ biến hiện nay trong nhiều nghiên cứu về văn hóa cũng như trong các văn bản của những cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa. Đến nay, cũng giống như khái niệm về văn hóa, các nhà khoa học cũng như những nhà quản lý chưa đưa ra được một khái niệm thống nhất về môi trường văn hóa, nhưng khái niệm môi trường văn hóa vẫn đang tồn tại một cách độc lập trong mối tương quan với các môi trường khác như môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, môi trường kinh tế, môi trường chính trị… Bàn về khái niệm môi trường văn hóa, một số tác giả đã đưa ra các quan điểm riêng như: Chu Xuân Diên (1999) cho rằng môi trường sống của con người không chỉ là môi trường tự nhiên, mà còn gồm môi trường văn hóa hay môi trường nhân tạo: “Văn hóa là cái phần của môi trường do con người tạo ra”. Môi trường này được tạo ra do con người lợi dụng tự nhiên và cải tạo tự nhiên mà thành. Vì vậy, các đặc điểm môi trường tự nhiên của một cộng đồng là những nhân tố quan trọng quyết định đặc điểm môi trường văn hóa, quyết định đặc điểm của cộng đồng ấy. Nhấn mạnh vai trò của con người trong khái niệm về môi trường văn hóa, Đỗ Huy (2001) khẳng định: “Môi trường văn hóa chính là sự vận động của các quan hệ của con người trong các quá trình sáng tạo, tái tạo, đánh giá, lưu giữ và hưởng thụ các sản phẩm vật chất và tinh thần của mình”. Đinh Xuân Dũng (2004) nhận định: “Môi trường văn hóa là giới hạn có thể xác định trong mối quan hệ biện chứng giữa môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Nói cụ thể hơn, môi trường văn hóa là tổng hòa những thành tố vật chất và tinh thần tương đối ổn định, trong một thời gian và không gian cụ thể, ở đó, các cá nhân tác động lẫn nhau, nơi đó có vai trò quyết định đến nhân cách con người trong quá trình sống”. Tác giả xác định con người và quan hệ trực tiếp của con người với con người là nhân tố quan trọng nhất. Môi trường văn hóa là sự đan bện lẫn nhau giữa môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Vì vậy, muốn xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tốt đẹp, phong phú, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân cách con người hình thành và phát triển, trước hết phải bảo vệ và xây dựng đồng thời cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.
Ở khía cạnh quản lý, Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội” (Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, năm 1998 của Đảng Cộng sản Việt Nam). Đến năm 2014, Nghị quyết 33 NQ-TW ngày 6-9-2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã xác định rõ: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước”. Trong đó, “xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng. Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế”. Bộ VHTTDL được Chính phủ giao làm đầu mối triển khai Chương trình Xây dựng môi trường văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã xác định khái niệm môi trường văn hóa trong việc triển khai Chương trình này như sau: Môi trường văn hóa là không gian gắn với 3 nhóm yếu tố chính gồm: Các yếu tố vật thể, liên quan đến cảnh quan, các công trình, các thiết chế văn hóa; Các yếu tố phi vật thể liên quan đến các giá trị, các quy tắc, các phong tục tập quán, lối sống, lễ hội, hành vi ứng xử…; Các hoạt động và sản phẩm văn hóa như các lễ hội, các hoạt động văn hóa được tổ chức trong cộng đồng, các dịch vụ văn hóa được cung cấp để phục vụ đời sống cộng đồng”. Ở khái niệm môi trường văn hóa này, cả 3 nhóm yếu tố hình thành nên môi trường văn hóa đều liên quan đến chủ thể chính cộng đồng địa phương, bao gồm cả người dân và cơ quan quản lý tại địa phương. Đây là khái niệm được sử dụng trong toàn bộ chương trình do Bộ VHTTDL chủ trì.
Về môi trường văn hóa tại các điểm du lịch cộng đồng
Du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch khá phổ biến và được phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đến nay, có nhiều nghiên cứu và cách hiểu khác nhau về du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, khái niệm du lịch cộng đồng được nhiều quốc gia và nhà nghiên cứu về du lịch đang sử dụng là khái niệm du lịch cộng đồng của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO): Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch mà ở đó cộng đồng địa phương có sự kiểm soát và tham gia chủ yếu vào sự phát triển, quản lý các hoạt động du lịch và phần lớn lợi nhuận thu được từ hoạt động du lịch được giữ lại cho cộng đồng.
Tại các điểm du lịch cộng đồng, môi trường văn hóa vẫn bao gồm 3 nhóm các yếu tố đặc trưng của khái niệm môi trường văn hóa, nhưng có sự biến đổi, tương thích với các yêu cầu và điều kiện phát triển du lịch tại cộng đồng, đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch cộng đồng cũng như bị chi phối và tác động bởi hoạt động phát triển du lịch tại địa phương. Mối quan hệ giữa môi trường văn hóa với phát triển du lịch cộng đồng được thể hiện ở một số điểm: Môi trường văn hóa được xem là tài nguyên, là cơ sở cho việc phát triển các hoạt động, dịch vụ du lịch tại những điểm đến du lịch cộng đồng. Các yếu tố của môi trường văn hóa như cảnh quan, di tích lịch sử, phong tục tập quán, lối sống, lễ hội, các hoạt động văn hóa trong cộng đồng đều có thể khai thác phục vụ khách du lịch. Môi trường văn hóa làm tăng tính cạnh tranh, sự trải nghiệm, tính độc đáo và sức hấp dẫn của điểm đến đối với khách du lịch nhờ vào sự khác biệt về văn hóa giữa các điểm đến du lịch cộng đồng. Môi trường văn hóa hỗ trợ việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại cộng đồng bằng việc bảo tồn nguồn tài nguyên và mang lại sinh kế cho cộng đồng địa phương. Môi trường văn hóa lành mạnh, hấp dẫn tại cộng đồng chính là lực hấp dẫn thu hút khách du lịch đến cộng đồng, tiêu dùng các sản phẩm do cộng đồng sản xuất hoặc có nguồn gốc tại cộng đồng, đóng góp vào việc xuất khẩu tại chỗ, mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng. Phát triển du lịch cộng đồng một cách bền vững có tác động tích cực trở lại đối với việc xây dựng môi trường văn hóa tại cộng đồng. Điều này thể hiện mối quan hệ hai chiều giữa môi trường văn hóa và phát triển bền vững tại các điểm du lịch cộng đồng. Chính sự phát triển du lịch tạo ra nhận thức và nguồn lực cho việc xây dựng môi trường văn hóa tại cộng đồng địa phương, thể hiện ở các hoạt động cụ thể như bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống (bao gồm giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể).
Do đó, có thể thấy, môi trường văn hóa tại các điểm đến du lịch cộng đồng được hình thành trên cơ sở môi trường văn hóa bản địa của cộng đồng nhưng ở phạm vi hẹp hơn và cô đọng hơn với những đặc điểm riêng có liên quan đến hoạt động du lịch tại cộng đồng. Điểm khác biệt giữa môi trường văn hóa ở một cộng đồng không có hoạt động du lịch và ở một điểm du lịch cộng đồng chính là sự tham gia của các chủ thể khác ngoài cộng đồng địa phương. Đó chính là khách du lịch, các doanh nghiệp du lịch, các nhà cung cấp dịch vụ du lịch cũng như nhiều tổ chức, đối tác khác ngoài cộng đồng, trong đó khách du lịch và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch bên ngoài cộng đồng có ảnh hưởng quan trọng đến việc xây dựng môi trường văn hóa tại điểm du lịch cộng đồng.
2. Các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường văn hóa tại điểm du lịch cộng đồng
Sự hình thành, tồn tại và biến đổi của môi trường văn hóa tại cộng đồng nói chung và tại các điểm du lịch cộng đồng nói riêng gắn liền với sự phát triển của cộng đồng, sự biến đổi trong lối sống, trong nhận thức và tư duy của cộng đồng cũng như sự biến đổi của môi trường sống, cảnh quan thiên nhiên. Để xác định được các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường văn hóa tại điểm du lịch cộng đồng, nhóm nghiên cứu đã tiến hành phỏng vấn 20 chuyên gia và nhà nghiên cứu về văn hóa và du lịch, triển khai thu thập thông tin từ 42 Sở Du lịch, Sở VHTTDL trong cả nước cũng như thực hiện nhiều cuộc khảo sát thực tế tại một số điểm du lịch cộng đồng tại một số tỉnh khu vực Tây Bắc và điều tra lấy ý kiến của 455 khách du lịch về môi trường văn hóa tại các điểm du lịch cộng đồng tại Việt Nam mà họ đã trải nghiệm. Kết quả của các phương pháp này đã chỉ ra 4 nhóm yếu tố ảnh hưởng đến môi trường văn hóa tại các điểm du lịch cộng đồng.
Nhóm các yếu tố thuộc về hành vi của cộng đồng địa phương
Cộng đồng địa phương trong các khảo sát thực tế tại nhiều điểm du lịch cộng đồng bao gồm người dân thường sinh sống trong cộng đồng và một bộ phận nhỏ người làm trong các cơ quan quản lý, công quyền tại địa phương. Với tư cách là chủ thể chính của môi trường văn hóa tại cộng đồng, hành vi của cộng đồng địa phương có tác động lớn đến chất lượng của môi trường văn hóa tại cộng đồng. Nhóm các hành vi của cộng đồng địa phương ở các điểm du lịch cộng đồng được thể hiện ở một số nội dung:
Các hành vi trong ngôn ngữ giao tiếp và văn hóa ứng xử giữa chính quyền địa phương với người dân địa phương, giữa người dân địa phương với nhau, giữa cộng đồng địa phương (bao gồm cả chính quyền địa phương, người dân địa phương, những người tham gia cung cấp dịch vụ du lịch tại địa phương, các hướng dẫn viên du lịch địa phương...) với khách du lịch, với các doanh nghiệp hoặc với đối tác bên ngoài địa phương. Đây là nhóm các hành vi mang tính chất bề nổi của môi trường văn hóa, có thể nhìn thấy, nghe thấy và cảm nhận được và tạo ấn tượng đầu tiên cho khách du lịch đến với cộng đồng.
Các hành vi trong việc giữ gìn môi trường cảnh quan sạch, đẹp tại điểm đến du lịch, tại nhiều cơ sở lưu trú du lịch trong cộng đồng như việc không xả rác bừa bãi, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, ý thức giữ gìn vệ sinh chung ở nơi công cộng, hạn chế sử dụng các sản phẩm tạo ra rác thải nhựa, không thân thiện với môi trường, ý thức trong việc sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc địa phương trong việc phục vụ khách du lịch. Nhóm các hành vi này tạo ra tâm lý thoải mái và sự tiện nghi không chỉ cho khách du lịch trong thời gian lưu trú tại cộng đồng mà còn cho chính sinh hoạt của cộng đồng địa phương.
Đội văn nghệ Bản Lác, Mai Châu (Hòa Bình) - Ảnh: Nguyễn Thanh Hà
Lòng tự hào về bản sắc, về các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng và ý thức, hành vi tham gia quản lý, bảo tồn những di sản văn hóa của địa phương trong phát triển du lịch. Bản sắc và các giá trị, di sản văn hóa của cộng đồng là một trong những yếu tố chính tạo nên môi trường văn hóa của cộng đồng, tạo ra sự khác biệt về môi trường văn hóa tại điểm đến của cộng đồng này với điểm đến của cộng đồng khác, là yếu tố quan trọng hấp dẫn khách du lịch. Việc nhận thức và tham gia vào công tác bảo tồn giá trị các di sản văn hóa của cộng đồng địa phương có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng môi trường văn hóa tại điểm đến.
Các hành vi thể hiện trong văn hóa kinh doanh tại điểm đến du lịch của cộng đồng địa phương như việc thể hiện sự hiếu khách trong đón tiếp, phục vụ khách tại điểm đến, niêm yết công khai và bán đúng giá, không bán hàng giả, hàng kém chất lượng, đồ lưu niệm, dịch vụ mua sắm, giải trí phong phú, giàu bản sắc văn hóa địa phương, luôn sẵn sàng và cung cấp nhiều dịch vụ hỗ trợ khách du lịch đầy đủ và tiện lợi. Đây cũng là yếu tố khác biệt trong môi trường văn hóa tại điểm du lịch cộng đồng so với môi trường văn hóa ở các điểm đến khác.
Nhóm các hành vi của cộng đồng địa phương trong việc bảo đảm an toàn, an ninh cho khách du lịch như đảm bảo việc an toàn về ăn uống, trong di chuyển hoặc trong quá trình tham quan trải nghiệm tại điểm đến. Nhóm các yếu tố liên quan đến an toàn, an ninh của khách du lịch hoặc tại điểm đến du lịch trên thực tế thuộc môi trường xã hội nhiều hơn so với môi trường văn hóa. Tuy nhiên, đây là nhóm các hành vi có tác động đến cảm nhận chung về hình ảnh điểm đến của khách du lịch, có ảnh hưởng đến quyết định quay trở lại hoặc thương hiệu điểm đến trong tương lai.
Nhóm các yếu tố về thể chế và quản lý
Những yếu tố này bao gồm chính sách, các quy định pháp lý về quản lý văn hóa, quy định về hành vi, trách nhiệm của cộng đồng địa phương và các bên liên quan trong việc xây dựng môi trường văn hóa tại cộng đồng. Một số yếu tố về thể chế và quản lý có ảnh hưởng đến môi trường văn hóa như: các quy định về xây dựng, bảo vệ kiến trúc truyền thống và cảnh quan thiên nhiên trong cộng đồng; các quy chế, hương ước liên quan đến việc bảo tồn, duy trì các di sản văn hóa, các giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng được truyền lại qua nhiều thế hệ; các quy định liên quan đến hành vi ứng xử như: quy định về hành vi ứng xử văn minh nơi công cộng và trong gia đình cho cộng đồng địa phương. Quy định về hành vị, chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử giữa chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý du lịch với cộng đồng địa phương, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tại điểm đến. Quy định về văn hóa kinh doanh giữa các hộ, với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trong cộng đồng với nhau và với khách du lịch. Quy định liên quan đến việc bảo vệ môi trường, vệ sinh nơi công cộng (quy định về vệ sinh, đổ rác theo giờ, quy định phân loại rác thải, bố trí thùng rác tại các điểm đến, điểm tham quan trong cộng đồng…). Quy định về thời gian tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật, hạn chế gây tiếng ồn ảnh hưởng đến sinh hoạt của khách du lịch và cộng đồng cũng như khách du lịch tại điểm đến. Các quy định về đảm bảo an ninh trật tự của điểm đến, quy định an toàn cho khách du lịch trong quá trình lưu trú tại điểm đến.
Trên thực tế, tùy từng địa phương, cộng đồng cụ thể, các quy định này có thể được thể hiện bằng những văn bản quản lý hành chính hoặc có thể được thể hiện dưới dạng hương ước, thỏa thuận mang tính khuyến khích thực hiện trong cộng đồng. Nhóm các yếu tố này thường có tác động tích cực đến môi trường văn hóa tại cộng đồng, bắt buộc hoặc hướng dẫn người dân và các bên liên quan tuân thủ, thực hiện hành động bảo vệ, xây dựng môi trường văn hóa theo hướng tích cực, lành mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển tại cộng đồng. Đối với các cộng đồng có hoạt động du lịch phát triển, ngoài những quy định đối với việc bảo tồn và phát triển các yếu tố của môi trường văn hóa thông thường, quy định, quy chế hoặc nhiều văn bản điều chỉnh hành vi của các chủ thể bên ngoài cộng đồng như khách du lịch, các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh liên quan đến cộng đồng hoặc điều chỉnh mối quan hệ giữa cộng đồng địa phương với những chủ thể bên ngoài.
Nhóm các yếu tố liên quan đến khách du lịch
Các yếu tố liên quan đến khách du lịch như nhận thức, trình độ học vấn, các đặc điểm về văn hóa, lối sống của khách du lịch. Các yếu tố này quy định hành vi của khách du lịch tại điểm đến du lịch.
Nhận thức và trình độ học vấn của khách du lịch liên quan đến việc xác định mục đích chuyến đi của khách du lịch, các giá trị hoặc sản phẩm văn hóa tại điểm đến mà khách mong muốn được trải nghiệm. Nhận thức và trình độ học vấn của khách du lịch càng cao thì khách càng có nhu cầu trải nghiệm các sản phẩm du lịch, dịch vụ có hàm lượng văn hóa cao tại cộng đồng, đóng góp tích cực vào việc bảo tồn giá trị văn hóa bản địa hay nói cách khác là môi trường văn hóa của cộng đồng ít bị ảnh hưởng hoặc tác động tiêu cực bởi khách du lịch. Ngược lại, đối với các đối tượng khách có trình độ học vấn và nhận thức thấp, những giá trị, sản phẩm và dịch vụ do cộng đồng cung cấp trong nhiều trường hợp không đáp ứng được hoặc không phù hợp với mong muốn và mục đích đi du lịch đến điểm đến du lịch cộng đồng. Do đó, trong một số trường hợp có thể xuất hiện các hành vi không phù hợp hoặc có ảnh hưởng không tốt tới môi trường văn hóa tại cộng đồng như xả rác bừa bãi, gây tiếng ồn nơi công cộng, không tuân thủ các quy định của địa phương trong thời gian lưu trú và tham quan tại điểm đến.
Văn hóa và lối sống của khách du lịch ảnh hưởng đến môi trường văn hóa của cộng đồng theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực. Sự khác biệt về văn hóa, lối sống của cộng đồng địa phương tại điểm đến và văn hóa, lối sống của khách du lịch thường là yếu tố hấp dẫn, độc đáo cuốn hút khách du lịch đến thăm, trải nghiệm và lưu trú lâu hơn tại điểm đến, nhất là đối với khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sự khác biệt về văn hóa, lối sống nếu không được hướng dẫn hoặc thông tin một cách đầy đủ cho khách du lịch trước hoặc trong suốt chuyến đi, các xung đột về văn hóa có thể xảy ra giữa khách du lịch và cộng đồng địa phương.
Kết quả khảo sát của nghiên cứu đã chỉ ra, 82,8% khách du lịch được hỏi đã đồng ý và rất đồng ý với nhận định rằng nhận thức và trình độ học vấn có ảnh hưởng đến môi trường văn hóa tại các điểm du lịch cộng đồng. Đối với yếu tố văn hóa và lối sống của khách du lịch, tỷ lệ này cũng đạt tới 84,8%.
Nhóm các yếu tố về truyền thông
Nhóm các yếu tố này bao gồm các chương trình, hoạt động liên quan đến truyền thông, quảng bá cho điểm đến như:
Các chương trình tuyên truyền, giáo dục khách du lịch về hành vi có trách nhiệm với môi trường văn hóa ở các điểm du lịch. Các hoạt động và chương trình tuyên truyền này có thể được thực hiện, được thông tin đến khách du lịch trước chuyến đi hoặc khi khách mới đến điểm du lịch với mục đích vừa làm tăng sự hấp dẫn đối với điểm đến, đồng thời nâng cao nhận thức của khách du lịch đối với việc bảo vệ và xây dựng môi trường văn hóa tại điểm đến. Trên thực tế, các chương trình này có thể được triển khai độc lập hoặc có thể được lồng ghép với nhiều chương trình xúc tiến, quảng bá điểm đến được thực hiện thường xuyên hoặc theo định kỳ.
Các chương trình kêu gọi sự tham gia của khách du lịch thực hiện các hoạt động đóng góp vào việc bảo vệ môi trường văn hóa và môi trường tự nhiên tại điểm đến (như đóng góp quỹ bảo tồn di sản của địa phương, các hoạt động bảo vệ môi trường ở điểm đến như nhặt và phân loại rác, làm sạch môi trường…). Các chương trình này được thực hiện với mục tiêu lan tỏa ý thức, trách nhiệm của tất cả những bên liên quan đến hoạt động du lịch về bảo vệ môi trường văn hóa tại cộng đồng.
Việc thực hiện các chương trình, hoạt động liên quan đến truyền thông điểm đến có thể được thực hiện bởi chính quyền địa phương, cơ quan quản lý điểm đến, bởi người dân địa phương trong quá trình đón tiếp và phục vụ khách du lịch, bởi các doanh nghiệp du lịch trong quá trình chào bán sản phẩm và phục vụ khách du lịch tại cộng đồng cũng như có thể được thực hiện bởi cơ quan, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước trong quá trình hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.
Trong phạm vi khảo sát của nghiên cứu, các nhóm yếu tố trên có thể chưa bao gồm toàn bộ những yếu tố ảnh hưởng đến môi trường văn hóa tại điểm du lịch cộng đồng ở Việt Nam hiện nay, nhưng có thể nói đây là các yếu tố chính, gắn với hoạt động du lịch, có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến môi trường văn hóa cũng như sự phát triển du lịch bền vững tại điểm đến. Việc hạn chế các yếu tố tác động tiêu cực đến môi trường văn hóa có ý nghĩa lớn đối với việc phát triển du lịch cộng đồng bền vững, làm gia tăng sự hài lòng cũng như lòng trung thành của khách du lịch đối với điểm đến. Theo kết quả khảo sát của nghiên cứu, tỷ lệ khách du lịch hài lòng và rất hài lòng với môi trường văn hóa tại các điểm du lịch cộng đồng ở Việt Nam hiện nay chỉ đạt 54,5%. Điều này cho thấy yêu cầu đối với việc xây dựng môi trường văn hóa tại các điểm du lịch cộng đồng là cần thiết để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
3. Một số gợi ý cho việc xây dựng môi trường văn hóa tại các điểm đến du lịch cộng đồng
Du lịch cộng đồng vốn được coi là một trong những loại hình của du lịch bền vững. Việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp và đáp ứng được các yêu cầu phát triển du lịch và phát triển bền vững tại cộng đồng là vấn đề đang được quan tâm tại nhiều địa phương ở Việt Nam hiện nay. Để phát huy mặt tích cực và giảm thiểu tác động tiêu cực của các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường văn hóa tại nhiều điểm đến du lịch cộng đồng, một số gợi ý sau có thể được cân nhắc sử dụng.
Ngoài việc quán triệt và áp dụng nhiều chủ trương, chính sách của nhà nước về xây dựng môi trường văn hóa, các điểm du lịch cộng đồng cần căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương xây dựng những quy định về việc bảo vệ môi trường văn hóa tại cộng đồng gắn với hoạt động phát triển du lịch. Các quy định này cần được xây dựng cụ thể, hướng vào việc điều chỉnh hành vi của cộng đồng địa phương và các bên liên quan trong đời sống hằng ngày cũng như trong hoạt động phát triển du lịch tại cộng đồng.
Cộng đồng địa phương và các bên liên quan cần được đào tạo, nâng cao nhận thức về môi trường văn hóa, xây dựng những chuẩn mực về lối sống, hành vi trong giao tiếp, trong ứng xử văn minh giữa các thành viên trong cộng đồng địa phương, trong đón tiếp và phục vụ khách du lịch cũng như trong các hoạt động kinh doanh du lịch khác tại cộng đồng. Hoạt động đào tạo, nâng cao nhận thức cần được thực hiện thường xuyên, liên tục nhằm đạt được nhận thức về tầm quan trọng của môi trường văn hóa trong việc phát triển cộng đồng cũng như trong mối tương quan với các môi trường khác như môi trường tự nhiên, môi trường kinh tế - xã hội tại cộng đồng.
Để duy trì và phát triển môi trường văn hóa bền vững, tạo điều kiện cho hoạt động du lịch cộng đồng phát triển tại địa phương, các cơ quan quản lý cần xây dựng và hướng dẫn áp dụng bộ tiêu chí về môi trường văn hóa tại các điểm du lịch cộng đồng cùng với những hướng dẫn và bộ tiêu chí, tiêu chuẩn khác đang được áp dụng như: Tiêu chuẩn quốc gia về du lịch cộng đồng - Yêu cầu về chất lượng dịch vụ (TCVN 13259:2020), Bộ tiêu chuẩn ASEAN về du lịch dựa vào cộng đồng cũng như các tiêu chuẩn, quy định khác về văn hóa và môi trường.
Cuối cùng, để thực sự phát huy được vai trò môi trường văn hóa trong phát triển cộng đồng nói chung và phát triển du lịch cộng đồng nói riêng, cần tăng cường truyền thông và huy động sự tham gia của các bên liên quan trong việc xây dựng môi trường văn hóa, nhất là phát huy vai trò của chính quyền và người dân địa phương, trong đó vai trò cá nhân của người lãnh đạo cộng đồng, có thể là lãnh đạo trong chính quyền địa phương hoặc những cá nhân có ảnh hưởng và uy tín trong cộng đồng là đặc biệt quan trọng.
Tài liệu tham khảo
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết số 33 NQ-TW ngày 6-9- 2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, 2014.
2. Chu Xuân Diên, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, 1999.
3. Dự án eu-eSRT, Sổ tay du lịch cộng đồng Việt Nam, 2015.
4. Đỗ Huy, Xây dựng môi trường văn hóa ở nước ta hiện nay - Từ góc nhìn giá trị học, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001, tr.35.
5. Đinh Xuân Dũng, Xây dựng môi trường văn hóa vì sự phát triển của nhân cách và phẩm giá con người, xây dựng môi trường văn hóa - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Hà Nội, 2004.
6. Tổng cục Du lịch, Báo cáo kết quả khảo sát thực trạng môi trường văn hóa tại các điểm du lịch cộng đồng. Nhiệm vụ Xây dựng môi trường văn hóa tại các điểm du lịch cộng đồng năm 2021.
7. Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo xác định khái niệm xây dựng môi trường văn hóa, 2021.
TS VŨ NAM
Nguồn: Tạp chí VHNT số 473, tháng 9-2021