Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Cần phát triển các sản phẩm báo chí chất lượng cao, mang tính phân tích, có thu phí

Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sáng ngày 8-11, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng đã trả lời đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về vấn đề định mức kỹ thuật và nguồn thu trong lĩnh vực báo chí.

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn tại Quốc hội

Chất vấn Bộ trưởng Bộ TTTT, ĐBQH Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) đặt câu hỏi: Chính phủ hiện đang thúc đẩy mạnh mẽ công tác truyền thông chính sách. Tuy nhiên, hiện nay, cơ chế đặt hàng đang gặp khó khăn do định mức kinh tế- kỹ thuật trong lĩnh vực báo chí; đặc biệt là với phát thanh, truyền hình theo Thông tư 03 và Thông tư 09 của Bộ TTTT. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ trưởng Bộ TTTT giải quyết vấn đề này trong quý III/2023 thể hiện ở Văn bản số 274 của Văn phòng Chính phủ nhưng đến nay việc này vẫn chưa thực hiện được. Tôi xin hỏi Bộ trưởng, khi nào thì hoàn thành sửa toàn diện các quy định điều chỉnh định mức kinh tế- kỹ thuật phù hợp với các cơ quan báo chí theo chỉ đạo của Thủ tướng? Về lâu dài thì cần những chính sách đột phá gì để các cơ quan báo chí vừa làm tốt nhiệm vụ truyền thông chính sách, vừa đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của Nhân dân?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Trước đây, đối với các cơ quan báo chí thì nguồn thu gần như 100% là dựa trên quảng cáo, cho nên các cơ quan báo chí không quan tâm nhiều đến chuyện đặt hàng. Đến khi truyền thông xã hội, mạng xã hội tham gia, đã lấy mất 70% nguồn thu của báo chí từ quảng cáo, chỉ còn 30%, giảm 3 lần, lúc đấy thì các cơ quan báo chí mới thấy vấn đề đặt hàng trở nên quan trọng. Khi bắt tay vào công tác đặt hàng,  thì liên quan đến 3 thông tư của Bộ TTTT đã ban hành trước đây,  liên quan đến định mức kinh tế kỹ thuật, các đơn vị mới thấy làm khó khăn.

Theo Bộ trưởng, Bộ TTTT đã nhận ra vấn đề này và cũng nhận trách nhiệm là ban hành những thông tư đưa vào thực tế khó thực hiện. Đích thân Bộ trưởng cũng đã làm việc với các cơ quan báo chí, các đơn vị của Bộ và đã có hướng giải quyết, xử lý.

ĐBQH Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ TTTT

Bộ trưởng cho biết: Bộ TTTT sẽ sửa 3 thông tư này, theo hướng ban hành hướng dẫn để cho các cơ quan báo chí chủ động thực hiện việc định mức kinh tế- kỹ thuật. Ngoài ra, sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để sửa Nghị định 60, liên quan đến ban hành giá cụ thể, theo hướng giảm các thủ tục hành chính, các bước để đơn giản hóa. Trong quý I-2024, Bộ TTTT sẽ sửa xong 3 nghị định này.  

Đề cập đến giải pháp lâu dài, căn cơ đối với các cơ quan báo chí, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Thứ nhất, căn cơ là phải thay đổi cơ cấu nguồn thu của báo chí thay vì chỉ dựa trên quảng cáo,  phải bổ sung thêm phần đặt hàng của các cơ quan chủ quản, của xã hội. Cơ quan báo chí là cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản, cho nên cơ quan chủ quản phải có trách nhiệm tạo điều kiện cho cơ quan báo chí hoạt động.

Thứ hai, phát triển các sản phẩm báo chí chất lượng cao, mang tính phân tích, có thu phí. Đây cũng là một xu hướng lớn của báo chí thế giới.

Thứ ba, mạng xã hội thu đến 70% quảng cáo nhưng sử dụng khá nhiều các sản phẩm báo chí, vi phạm bản quyền báo chí. Cho nên, trong công tác sửa đổi thể chế sắp tới, Bộ TTTT sẽ đưa vào quy định: các mạng xã hội khi sử dụng các sản phẩm báo chí phải có thỏa thuận với cơ quan báo chí.

NGỌC BÍCH - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

 

;