Với sự quan tâm của Nhà nước và cộng đồng xã hội, việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống Chăm ở Bình Thuận được thể hiện qua những nét đặc trưng của bản sắc văn hóa với những biểu hiện và đóng góp tích cực của chính đồng bào Chăm.
Điệu múa quạt truyền thống của người Chăm
Trao truyền cho thế hệ trẻ
Bên cạnh các chủ trương, chính sách, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Chăm, trước hết phải từ chính chủ thể văn hóa đó, nghĩa là bản thân cộng đồng người Chăm phải có trách nhiệm cao trong bảo vệ, gìn giữ di sản văn hóa của dân tộc mình. Các chức sắc tôn giáo, nghệ nhân, trí thức, già làng... am hiểu và nắm giữ vốn văn hóa phi vật thể như nghệ thuật trình diễn dân gian (dân ca, dân vũ, dân nhạc), nhạc cụ truyền thống (trống Ghinang, trống Baranưng, kèn Saranai, Chiêng, Lục lạc, đàn Kanhi)- không thể thiếu trong các lễ nghi, lễ hội, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng Chăm - chính là những người truyền lửa, truyền dạy, hướng dẫn cho thế hệ trẻ để tạo nên sự kết nối trong kế thừa, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, tránh nguy cơ thất truyền, biến thể trong tương lai.
Thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong năm 2023 và tính đến tháng 8-2024, Bảo tàng tỉnh Bình Thuận nhận được sự thống nhất, đồng thuận cao của các chức sắc, già làng, nghệ nhân, người uy tín… tại địa phương đã tổ chức thành công 6 lớp truyền dạy nhạc cụ truyền thống (đánh trống Ginăng, thổi kèn Saranai) và 2 lớp hát ngâm Aryia cho thế hệ trẻ tại các thôn, xã thuần Chăm là Hàm Trí (huyện Hàm Thuận Bắc), Phú Lạc và Phong Phú (huyện Tuy Phong), xã Phan Hiệp, Phan Thanh và Phan Hòa (huyện Bắc Bình) với hơn 150 học viên theo học và trên 20 nghệ nhân trực tiếp truyền dạy. Dù thời gian ngắn, song các học viên đều đạt yêu cầu đặt ra, nắm được các kỹ năng để thực hành và tiếp tục rèn luyện, trau dồi sau khi lớp học kết thúc.
Một lớp truyền dạy nhạc cụ truyền thống Chăm - Ảnh: Bảo tàng tỉnh Bình Thuận
Trong những năm qua, ở các thôn, xã thuần Chăm và DTTS, trào lưu văn hóa hiện đại chiếm ưu thế khiến lớp trẻ dần ít quan tâm đến văn hóa truyền thống, cuộc sống hiện đại cũng phá vỡ không gian sinh hoạt cộng đồng theo lối truyền thống. Trong khi các nghệ nhân ngày càng già đi, hoặc qua đời. Do đó, tổ chức các lớp truyền dạy rất có ý nghĩa, bởi còn tạo được sự phấn khởi ở các nghệ nhân, chức sắc tôn giáo, tác động tích cực đến lớp trẻ. Địa phương, nơi tổ chức truyền dạy cũng phát hiện ra nhiều người trẻ có tố chất, tham gia vào đội văn nghệ quần chúng hay phục vụ trong các lễ hội cộng đồng như Katê...
“Làm tốt những việc này là chúng ta đã góp phần khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS, tránh nguy cơ mai một”- ông Đoàn Văn Thuận, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Thuận, Trưởng Ban tổ chức các lớp học đánh giá. Ngoài ra, Bảo tàng tỉnh còn mở lớp truyền dạy kỹ thuật làm gốm Chăm ở thôn Bình Đức (xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình) cho 35 học viên.
Sở VHTTDL và Bảo tàng tỉnh Bình Thuận cũng rất chú trọng đến hoạt động ngoại khóa cho học sinh tìm hiểu về di sản văn hóa tại các bảo tàng, di tích trên địa bàn trong giai đoạn 2020-2025. Ban Quản lý di tích tháp Pô Sah Inư (thuộc Bảo tàng tỉnh) thường xuyên phối hợp với các trường học trưng bày, giới thiệu tác phẩm đạt giải của học sinh tiểu học, trung học cơ sở trong hội thi sáng tác tranh “Bảo tồn di sản văn hóa địa phương”; Trung tâm trưng bày Văn hóa Chăm kết nối với các trường đưa học sinh đến tham quan, trải nghiệm những trò chơi dân gian, thực hành làm gốm thủ công, dệt thổ cẩm, thi viết chữ Chăm, làm bánh gừng và khám phá ẩm thực Chăm... Thông qua các buổi ngoại khóa, các em học sinh, nhất là học sinh dân tộc Chăm được biết về những nét đẹp văn hóa Chăm, bồi đắp ở các em ý thức giữ gìn và phát huy giá trị của di sản.
Người Chăm giữ gìn bản sắc dân tộc
Người Chăm ở Bình Thuận giữ gìn bản sắc của dân tộc mình toát lên từ nếp sống, trang phục, giao tiếp hàng ngày đến phong tục, lễ nghi, tín ngưỡng đặt trong bối cảnh xã hội hiện đại và hội nhập quốc tế.
Học sinh tham gia trải nghiệm ở Trung tâm trưng bày Văn hóa Chăm - Ảnh: Bảo tàng tỉnh Bình Thuận
Già làng Thông Minh Phương (thôn Hiệp Nghĩa, Tân Thuận, Hàm Thuận Nam) cho biết: Thôn chúng tôi có đình Cậu Chúa là nơi người dân tập trung về trong ba đợt lễ, Tết của người Chăm trong năm. Chúng tôi giữ phong tục, mỗi năm đều cúng đất cúng ruộng cầu nguyện cho mùa màng bội thu. Ở thôn, con ai nấy dạy, biết nói tiếng Chăm từ nhỏ. Tôi là thầy cúng, nghệ nhân trang trí lễ vật trên Thônla và Cổ bồng dâng cúng trong Lễ hội Katê. Giờ lớn tuổi nên truyền dạy cho thanh niên trang trí lễ vật trên Thônla và Cổ bồng. Các cháu chịu khó, nghiêm túc học hỏi, khéo léo thực hành theo đúng nghi thức truyền thống, lễ vật dâng cúng trang trí rất đẹp.
Theo ông Thông Văn Trinh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hàm Trí (Hàm Thuận Bắc): Xã có thôn Lâm Giang tập trung đông đồng bào Chăm Bàlamôn và Bàni. Trong sinh hoạt hằng ngày, đồng bào vẫn giữ y phục truyền thống, nói và viết bằng tiếng Chăm, tôn thờ các thần linh theo tín ngưỡng. Ngoài các lễ hội truyền thống Chăm, ở thôn, xã có các hoạt động văn hóa gắn liền với cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Hằng năm thôn, xã đều tổ chức các Ngày hội đoàn kết toàn dân tộc, trong chương trình văn nghệ chào mừng có những tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa Chăm để tăng phần long trọng cho ngày hội đa sắc màu dân tộc, thu hút được nhiều người dân tham gia.
“Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ở những xã đông người Chăm, có tổ chức dạy chữ Chăm ở bậc tiểu học. Trường Tiểu học xã Hàm Trí được Phòng Giáo dục bố trí giáo viên người Chăm dạy chữ và tiếng Chăm, hằng năm tổ chức hội thi viết chữ Chăm đẹp... Những năm qua, chúng tôi rất phấn khởi được Đảng và Nhà nước quan tâm tạo điều kiện, có nhiều chủ trương để đồng bào DTTS nói chung, đồng bào Chăm nói riêng tiếp tục gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống” - ông Thông Văn Trinh cho biết.
Nghệ nhân Mã Thị Thuận trình diễn dệt vải thủ công ở Lễ hội Katê 2024
Nghệ nhân Mã Thị Thuận (thôn Lâm Giang, xã Hàm Trí) chia sẻ: Thôn tôi còn ba gia đình giữ nghề dệt thổ cẩm thủ công. Đây là nghề truyền thống của gia đình tôi. Bà cố truyền cho bà già (mẹ) tôi, bà già dạy cho tôi học nghề từ năm 12 tuổi. Lớn lên tôi làm nông nghiệp, nhưng không bỏ nghề dệt thủ công. Hiện tại, tôi ở nhà chăm cháu, có dịp vẫn dệt vải thủ công để con cháu sử dụng cho trang phục truyền thống Chăm hay trình diễn cho khách tham quan ở lễ hội. Bây giờ có dệt vải bằng máy, lớp trẻ bận đi làm công ty, nhà máy nên không theo nghề dệt thủ công nữa. Mừng là tỉnh có mở lớp truyền dạy cho lớp trẻ để bảo tồn nghề dệt thủ công Chăm phục vụ du lịch.
Với nhóm các em học sinh Thông Thị Thơ, Thông Thị An Thy, Đồng Thị Nguyệt Giao ở xã Hàm Phú (Hàm Thuận Bắc) tự hào cho biết: Từ nhỏ ở nhà nghe cha mẹ nói tiếng Chăm, chúng em học nói theo, ra ngoài gặp bạn nói chuyện với nhau bằng tiếng Chăm. Đến trường, chúng em được nói tiếng Chăm, học viết chữ Chăm; trong giờ học hay ra chơi, nói chuyện với bạn là người Kinh thì chúng em nói tiếng Kinh. Chúng em học múa Chăm từ năm 9-10 tuổi, được tham gia biểu diễn trong Lễ hội Katê vui lắm, thích lắm.
Theo chị Bùi Thị Kim Ngọc (huyện Hàm Thuận Bắc)- Người dạy múa Chăm: Tôi là người Kinh sống ở thôn, xã thuần Chăm, thời trẻ mê văn hóa Chăm và các điệu múa Chăm mà trở thành diễn viên quần chúng, nay dạy múa cho đội văn nghệ. Học múa dân gian, tham gia đội múa là truyền thống của người Chăm. Người Chăm học múa ở các độ tuổi: tiểu học, cấp 2, cấp 3, đi làm công ty, có chồng, có con... Cứ nói tham gia đội múa là các bạn đăng ký ào ào. Đi tập múa, tham gia đội múa không có thù lao, ban ngày phải đi làm công ty, đi học... tối về các bạn vẫn không bỏ múa, nhiều bạn đi tập múa bồng theo đứa con, rồi một tay múa, một tay dắt con, con khóc um xùm vẫn vừa dỗ con vừa múa... Múa Chăm đặc sắc và đẹp mắt nên sẽ được giữ gìn và lưu truyền, dù có hội nhập vào đời sống hiện đại thì các bạn vẫn cháy bỏng đam mê các điệu múa truyền thống của dân tộc mình.
XUÂN HƯỚNG