Ra mắt bộ sưu tập lụa “Khơi dậy tinh hoa, Nối dài di sản”

Lấy cảm hứng từ 9 bảo vật quốc gia của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, bộ sưu tập mang đến một dấu ấn mới trong nghệ thuật thời trang và văn hóa Việt Nam bởi sự kết hợp giữa tinh thần nghệ thuật từ các bảo vật và những sáng tạo đương đại. Bộ sưu tập không chỉ tôn vinh các bảo vật quốc gia mà còn đưa chúng vào đời sống hiện đại qua các tác phẩm lụa tinh xảo.

Bộ sưu tập thu hút đông đảo người yêu nghệ thuật và thời trang bởi sự kết nối độc đáo từ quá khứ tới hiện tại

Được sự ủng hộ và đồng hành của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, ngày 15-11-2024, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, thương hiệu lụa De Silk mang đến bộ sưu tập lụa cao cấp “Khơi dậy tinh hoa, Nối dài di sản” nhằm tôn vinh giá trị văn hóa, di sản và nghệ thuật Việt Nam qua từng mẫu thiết kế lụa độc đáo. Đây không chỉ là một bộ sưu tập thiết kế lụa cao cấp mà còn là một hành trình nghệ thuật, một sự kết nối từ quá khứ tới hiện tại, mang lại trải nghiệm mới mẻ cho những người yêu nghệ thuật và thời trang.

Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh phát biểu tại buổi lễ ra mắt bộ sưu tập

Phát biểu tại buổi ra mắt Bộ sưu tập, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, TS Nguyễn Anh Minh cho biết: “Đây là một hoạt động ý nghĩa hướng tới ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23-11. Các bộ sưu tập trước đây, phần lớn là đưa các tác phẩm một cách đơn thuần vào trong lụa nhưng lần này, nhà thiết kế đã đưa những ý tưởng về màu sắc, về những câu chuyện kể về những bảo vật quốc gia vào trong bộ thiết kế lần này. Đây là điều khác biệt và rất đặc biệt của bộ sưu tập. Việc kết hợp giữa bảo vật quốc gia Việt Nam vào lụa là sự kết hợp mang giá trị mới nhằm đưa di sản văn hóa đến gần hơn tới công chúng. Đây cũng là mục tiêu của Bảo tàng để quảng bá, lan tỏa tình yêu nghệ thuật và đưa bảo vật quốc gia đến gần hơn tới công chúng và lan tỏa, phát huy giá trị văn hóa không chỉ đối với người Việt Nam mà còn với bạn bè trên thế giới”.

Cùng với lễ ra mắt Bộ sưu tập, phần trình diễn trang phục áo dài và khăn lụa không chỉ là một show thời trang mà còn là một lễ hội của nghệ thuật, nơi các thiết kế độc đáo được thể hiện trong một không gian sáng tạo và đầy cảm hứng.

Nhà thiết kế Minh Phạm, Giám đốc Nghệ thuật thương hiệu De Silk chia sẻ với báo chí về quá trình sáng tác bộ sưu tập

Giám đốc Nghệ thuật thương hiệu De Silk Minh Phạm chia sẻ: “Mỗi tác phẩm trong bộ sưu tập là sự tôn vinh đối với những kiệt tác nghệ thuật vô giá của dân tộc. Chúng tôi đã chuyển hóa tinh thần của các bảo vật thành những thiết kế đương đại trên nền lụa, tạo nên sự gắn kết mạnh mẽ giữa nghệ thuật trong quá khứ và ngôn ngữ thị giác hiện đại”.

Chia sẻ về quá trình lên ý tưởng và hình thành các mẫu thiết kế, Giám đốc Nghệ thuật Minh Phạm cho biết: “Đầu tiên cần xem xét chi tiết phức tạp của tác phẩm nghệ thuật và đưa chi tiết vào trung tâm bố cục. Sau đó tiếp cận các báu vật quốc gia dưới một góc nhìn mới. Mục tiêu là khi ta nhìn vào hoặc mặc một trong những thiết kế này, ta sẽ thấy điều gì đó mới mẻ - một chi tiết phức tạp, một họa tiết ẩn, một đặc điểm tinh tế mà có thể trước đây ta bỏ qua. Và điều quan trọng nhất là mỗi người nhìn thấy được vẻ đẹp của những bảo vật quốc gia theo cách vượt lên cả hình thái thông thường. Cuối cùng là tính linh hoạt của các loại vải. Cấu trúc thành phần của thiết kế vải cho phép mỗi thiết kế có hình thức khác nhau. Mặc những bộ trang phục này là mang theo một phần lịch sử, một phần di sản nghệ thuật và văn hóa Việt Nam”.

Mẫu thiết kế lụa Song Long Chầu Nhật là một tác phẩm nghệ thuật số tinh tế, lấy cảm hứng từ cánh cửa chạm khắc hình rồng tại chùa Keo (Thái Bình) - một kiệt tác chạm khắc gỗ TK XVII, được công nhận là bảo vật quốc gia của Việt Nam năm 2017. Trong bản tái hiện trừu tượng trên nền lụa, tác phẩm vẫn tôn vinh kỹ thuật chạm khắc truyền thống của Việt Nam, đồng thời khoác lên mình sắc thái hiện đại với phong cách nghệ thuật số. Sự đối xứng của bố cục trong thiết kế lụa cũng phản ánh nét hài hòa của nghệ thuật tại cánh cửa chùa Keo. Các hình dạng hình học chính xác gợi lên sự cân bằng trong nghệ thuật thủ công Việt Nam, mang đến vẻ trang nghiêm và sống động dưới góc nhìn hiện đại.

Mẫu thiết kế lụa "Song Long Chầu Nhật" lấy cảm hứng từ cánh cửa chạm khắc hình rồng tại chùa Keo (Thái Bình)

Thiết kế "Thiên thần" được lấy cảm hứng từ tác phẩm "Em Thúy" của danh họa Trần Văn Cẩn

Mẫu thiết kế Ánh dương được lấy cảm hứng từ bức tranh Bác Hồ ở Chiến khu Việt Bắc, 1980, sơn mài, được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2017. Hành trình chuyển hóa bức tranh sơn mài nổi tiếng Bác Hồ ở Chiến khu Việt Bắc của danh họa Dương Bích Liên thành một thiết kế trừu tượng, lấy cảm hứng từ vẻ đẹp đối xứng của hoa hướng dương, là sự tiếp nối của tinh thần nghệ thuật Việt. Phiên bản kỹ thuật số tái hiện lại kiệt tác của Dương Bích Liên, tiếp nối vẻ đẹp vượt thời gian của hình ảnh người lãnh tụ hòa quyện với vẻ đẹp thiên nhiên.

Thiết kế Thiên thần lấy cảm hứng từ bức tranh sơn dầu nổi tiếng mang tên Em Thúy của danh họa Trần Văn Cẩn, được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2013. Khi chuyển thể phong cách của Trần Văn Cẩn, nơi nét vẽ tinh tế và tỉ mỉ diễn tả sinh động gương mặt của Thúy, thiết kế Thiên thần được sử dụng kỹ thuật số mô phỏng hiệu ứng màu nước mềm mại. Phương pháp này chuyển trọng tâm từ chi tiết hiện thực sang ấn tượng không khí, truyền tải cảm xúc qua những hình thức mờ ảo và kết cấu tinh tế.

Có thể thấy bộ sưu tập “Khơi dậy tinh hoa, Nối dài di sản” không chỉ làm sống lại nét thẩm mỹ của các bảo vật từ quá khứ mà còn mở ra một góc nhìn mới, nơi nghệ thuật và thời trang hòa quyện để kể nên câu chuyện trường tồn của tinh thần và văn hóa Việt.

Bài, ảnh: LIÊN HƯƠNG

;