Bế mạc Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII, năm 2024

Chiều 18-11, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đã diễn ra Lễ Bế mạc Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII, năm 2024 tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, Trưởng ban Tổ chức dự buổi lễ.

Các đại biểu tham dự buổi lễ

Tham dự buổi lễ còn có: Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Nguyễn Thị Hải Nhung- Phó Trưởng ban Tổ chức; Quyền Trưởng ban Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam Trịnh Ngọc Chung- Phó Trưởng ban Tổ chức; Phó Cục trưởng Cục Di sản Bộ VHTTDL Nông Quốc Thành- Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật; PGS, TS Nguyễn Thị Yên- Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL; nghệ nhân, diễn viên của 14 tỉnh, thành phố tham dự Liên hoan; cùng đông đảo người dân và du khách.

Sau 3 ngày Liên hoan, từ ngày 16 đến 18-11-2024, Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII, năm 2024 với nhiều hoạt động ý nghĩa đã diễn ra thành công, để lại nhiều ấn tượng đối với công chúng. Đây là dịp để đánh giá, ghi nhận công tác bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại về “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” đã được UNESCO ghi danh, đồng thời giới thiệu, quảng bá, tôn vinh, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Tày, Nùng, Thái trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Nguyễn Thị Hải Nhung đánh giá, tổng kết Liên hoan

Phát biểu đánh giá, tổng kết Liên hoan, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Nguyễn Thị Hải Nhung- Phó Trưởng ban Tổ chức cho biết, Liên hoan diễn ra theo đúng kế hoạch, thực hiện đầy đủ các nội dung trong Liên hoan, đảm bảo an toàn về mọi phương diện, tạo được không khí phấn khởi đoàn kết, lòng tự hào về giá trị văn hóa truyền thống để đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái nâng cao được nhận thức, sự hiểu biết và ý thức trách nhiệm giữ gìn di sản văn hóa quý báu của dân tộc mình.

Tham gia Ngày hội có hơn 400 nghệ nhân, diễn viên quần chúng các dân tộc Tày, Nùng, Thái 14 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Đắk Nông, Đắk Lắk và Lâm Đồng). Về phía Bộ VHTTDL có các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ và 14 Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành phố là những đơn vị trực tiếp tổ chức thực hiện Liên hoan.

Liên hoan là dịp giới thiệu, quảng bá những giá trị di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc đến bạn bè trong nước và quốc tế, từ đó tôn vinh hình ảnh văn hóa nghệ thuật đặc sắc của các dân tộc Tày, Nùng,Thái; góp phần nâng cao ý thức gìn giữ, phát huy, phát triển và không ngừng sáng tạo những giá trị văn hóa mới trong thời kỳ phát triển bền vững đất nước, mở rộng hội nhập quốc tế, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đặc biệt, Liên hoan đã tạo ấn tượng tốt đẹp đến du khách về các giá trị di sản Việt Nam nói chung, nghệ thuật hát Then, đàn Tính nói riêng.

Các đoàn nghệ thuật biểu diễn tại buổi lễ

Về các hoạt động chính của Liên hoan, bà Nguyễn Thị Hải Nhung cho biết, biểu diễn, giới thiệu nghệ thuật hát then đàn tính có sự tham gia của 14 đoàn với hơn 400 nghệ nhân, diễn viên tham gia liên hoan đã biểu diễn 56 tiết mục đặc sắc thể hiện rõ ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị di sản “Then” trong giai đoạn hiện nay; những nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái đã được tái hiện qua các làn điệu then cổ, then mới, hòa tấu đàn tính, múa then... của các nghệ nhân tham gia biểu diễn với giai điệu, nghi thức của Then cùng những cung bậc âm thanh đàn tính đã đưa người xem đắm say trong một không gian văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa truyền thống của địa phương, mỗi đoàn một phong cách, một sắc thái nhưng qua không gian trưng bày cho thấy một tiềm năng kinh tế di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc Tày, Nùng, Thái, các tỉnh trưng bày hiện vật, hình ảnh về nghệ thuật hát then, đàn tính, hình ảnh những nghệ nhân tiêu biểu, trang phục, các loại nhạc cụ, dược liệu, nông sản, dệt thổ cẩm, chế tác đàn tính, ẩm thực truyền thống của các tỉnh tham gia Liên hoan, phản ánh những nét đặc trưng văn hóa và tiềm năng du lịch của từng địa phương đã góp phần làm cho không gian Liên hoan thêm phong phú đậm đà màu sắc.

Triển lãm ảnh “Di sản nghệ thuật hát Then – đàn Tính” do Vụ Văn hóa dân tộc thực hiện và trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa Then trong đời sống các dân tộc Tày, Nùng, Thái” do Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam thực hiện, qua đó góp phần truyền tải thông điệp về bảo vệ văn hóa nói chung và di sản Then của dân tộc Tày, Nùng, Thái nói riêng trong cuộc sống đương đại, giúp du khách tham quan có cách nhìn sâu và đa chiều về di sản Then trong đời sống văn hóa các dân tộc Tày, Nùng, Thái.

Trong khuôn khổ Liên hoan các đoàn nghệ nhân, diễn viên quần chúng của 14 tỉnh tham gia buổi diễu hành theo tuyến đường Hai Bà Trưng – Tràng Tiền – Đinh Tiên Hoàng – Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và Biểu diễn chương trình nghệ thuật, các tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Tày, Nùng, Thái, đem đến những lời ca, điệu múa, hòa tấu đàn tính,… tạo nên không khí vui tươi, ngập tràn sắc màu văn hóa của các dân tộc Tày, Nùng, Thái tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, thu hút đông đảo người dân và du khách tại Thủ đô Hà Nội, đã góp phần đưa loại hình nghệ thuật hát then, đàn tính đến gần hơn với công chúng, giúp người dân Thủ đô và du khách quốc tế có cơ hội tìm hiểu về thực hành Then đã được UNESCO ghi danh.

Theo Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Nguyễn Thị Hải Nhung, thông qua các hoạt động sôi động, giàu bản sắc văn hóa của Liên hoan, du khách gần xa đã được tham dự, chứng kiến và được thưởng thức các làn điệu then, vũ điệu then, âm nhạc then giàu bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái, giúp cho chúng ta hiểu biết, yêu quý, trân trọng và giữ gìn các di sản văn hóa quý giá của đồng bào các dân tộc nói chung, đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái nói riêng.

Qua Liên hoan này sẽ là sợi dây gắn kết, xây dựng sự đoàn kết giữa các địa phương, các đoàn nghệ nhân, diễn viên quần chúng của các tỉnh. Đây là cơ hội để bản sắc văn hóa các dân tộc được lan tỏa, chia sẻ kinh nghiệm đồng thời cũng là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước về sự cố gắng, nỗ lực của các địa phương, đặc biệt là các nghệ nhân - chủ thể văn hóa đã có nhiều cố gắng trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trong vườn hoa đa sắc 54 dân tộc anh em.

“Sau Liên hoan này tin tưởng rằng các nghệ nhân, diễn viên quần chúng có thêm động lực cùng nhau đoàn kết tiếp tục phát huy tinh thần của Liên hoan về với bản làng, có thêm kinh nghiệm trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình” – bà Nguyễn Thị Hải Nhung nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy- Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho 16 tập thể, đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác tham gia tổ chức Liên hoan.

Tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã công bố 4 hạng mục giải thưởng là các hoạt động trong khuôn khổ Liên hoan.

Biểu diễn, giới thiệu nghệ thuật hát then đàn tính: 20 giải A, 20 giải B, 16 giải C; Trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa truyền thống của địa phương: 5 giải A, 5 giải B, 5 giải C; Trình diễn nghề dệt thổ cẩm và chế tác đàn Tính: 5 giải A, 5 giải B, 2 giải C; Trưng bày, chế biến ẩm thực truyền thống: 5 giải A, 5 giải B, 2 giải C.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy- Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho 16 tập thể, đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác tham gia tổ chức Liên hoan.

NGỌC BÍCH - Ảnh: TUẤN MINH

;