Hưởng ứng chủ đề "Giao lộ sáng tạo" của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, Nhà hát Tuồng Việt Nam ra mắt chương trình nghệ thuật đa giác quan "Dấu thiêng Hà Nội". Chương trình được biểu diễn liên tục trong các ngày 11, 14, 15 và 16-11-2024, thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả, đặc biệt các khán giả trẻ. Đây là cơ hội hiếm có để khán giả trở về thời vàng son của nghệ thuật tuồng, gắn liền với những dấu thiêng một thuở của Thủ đô Hà Nội.
Đông đảo khán giả đến rạp Hồng Hà thưởng thức “Dấu thiêng Hà Nội”
Rạp Hồng Hà, một ký ức Hà Nội, xưa là Đông Thành – Thăng Long, gần trăm năm trước đã dựng lên rạp hát Olanhpia, nơi hội tụ xướng ca, đào, kép… Nơi đây, với nghệ thuật tuồng như một “dấu thiêng” đã góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp, bồi dưỡng tâm hồn, trí tuệ con người Việt Nam, là một thành tố góp phần làm nên bản sắc văn hiến Thăng Long - Hà Nội.
Dấu thiêng Hà Nội mang đến cho khán giả ba trích đoạn tuồng đặc sắc: Ngũ biến, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo và Ôn Đình chém Tả (Ngọn đuốc soi đường). Tuồng Ngũ biến kể về Xuân Trầm - một nữ nghĩa quân Lê Lợi, gia đình của nàng đã bị giặc Minh sát hại. Căm hận giặc Minh, nàng đã dũng cảm, khôn khéo cải trang 5 lần để vượt qua cửa ải của quân giặc, đốt cháy kho lưu huỳnh, giết chết quan tổng quản và sau đó trở về với nghĩa quân, tiếp tục chiến đấu giải phóng quê hương.
Tuồng "Ngũ biến" kể về Xuân Trầm - một nữ nghĩa quân Lê Lợi
NSƯT Lộc Huyền thể hiện xuất sắc vai Hồ Nguyệt Cô
Cùng với câu chuyện lịch sử, tuồng Hồ Nguyệt Cô hóa cáo còn kể câu chuyện nhân sinh mang đậm triết lý sâu sắc. Hồ Nguyệt Cô, nguyên là một con cáo, sau hàng ngàn năm tu luyện đã trở thành người. Trong một lần ra trận, Hồ Nguyệt Cô bắt được Tiết Giao, một viên tướng trẻ đẹp. Chỉ vì si mê Tiết Giao, nàng đã bị chiếm đoạt viên ngọc quý. Mất ngọc, Hồ Nguyệt Cô không còn phép màu nữa, nàng dần trở lại nguyên hình kiếp cáo trong nỗi đau đớn tột cùng.
Trích đoạn Ôn Đình chém Tả (Ngọn đuốc soi đường) kể về những tấm gương trung quân ái quốc, cốt cách anh hùng phi thường, lòng trung nghĩa sắt son, tình bạn chiến đấu vào sinh ra tử của Khương Linh Tá và Đồng Kim Lân. Đây là một tình bạn cao cả, thủy chung vì nghĩa lớn. Dù bị chém rơi đầu, Linh Tả vẫn chắp đầu mình, biến thành ngọn đuốc để soi đường cho Kim Lân vượt qua đêm tối, thoát khỏi sự bủa vây, truy sát của quân thù, đưa ấu chúa tới thành Sơn Hậu, trọn niềm tôi chúa, vẹn nghĩa bạn bè.
Cảnh trong trích đoạn tuồng "Ôn Đình chém Tả"
Chương trình “Dấu thiêng Hà Nội” không chỉ qua diễn xuất tuyệt vời của các nghệ sĩ tuồng mà cả âm thanh, ánh sáng, kỹ thuật sân khấu đều được xử lý rất đặc biệt
Khán giả trẻ Lê Hồng Quân (Hà Nội) chia sẻ sau buổi diễn ngày 16-11-2024: “Đây là lần đầu tiên, em đi xem tuồng trực tiếp. Em cảm thấy rất ấn tượng với không gian của rạp Hồng Hà, và các trích đoạn tuồng được lựa chọn, biểu diễn hôm nay. Qua đó, thế hệ trẻ có thể cảm nhận được lòng trung quân ái quốc, những câu chuyện nhân sinh… được thể hiện qua nghệ thuật tuồng truyền thống. Em cảm thấy rất ngưỡng mộ trước sự tâm huyết của các nghệ sĩ tuồng. Vai diễn để lại ấn tượng nhất trong em chính là vai Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, diễn viên đã thể hiện xuất sắc, tinh tế từ cử chỉ, dáng điệu đến lời ca tiếng hát, thể hiện thành công sự đau khổ, bàng hoàng khi bị Tiết Giao lừa dối, đặc biệt phân cảnh khi biến thành cáo”.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, NSƯT Lộc Huyền - Trưởng đoàn Nghệ thuật Thể nghiệm trong vai Hồ Nguyệt Cô cho biết: “Các nghệ sĩ của Nhà hát rất vinh dự khi được tham gia biểu diễn liên tục trong chuỗi sự kiện Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội. Qua chương trình này, đã có nhiều bạn trẻ biết đến nghệ thuật tuồng, điều này có thể thấy rõ qua số lượng đăng ký vé, tương tác với Nhà hát rất lớn. Các trích đoạn hôm nay đều là những trích đoạn truyền thống nổi tiếng của nghệ thuật tuồng Việt Nam, hội tụ đủ những yếu tố hát, múa, diễn, hóa trang, phục trang…, diễn viên có cơ hội thỏa sức phô diễn, hát, múa, vận dụng hình thể. Lộc Huyền tâm đắc nhất khi vào vai Hồ Nguyệt Cô, nhất là phân đoạn hóa cáo, phải dành nhiều thời gian, sức khỏe để có thể tạo hình giống con cáo, từ tiếng ngoao, bứt lông, vuốt lông… Nhưng được diễn hết mình và thăng hoa trên sân khấu và được đông đảo khán giả, đặc biệt khán giả trẻ đến thưởng thức và ủng hộ trong suốt 4 đêm diễn là điều tuyệt vời đối với tôi và các nghệ sĩ tuồng”.
Nghệ thuật tuồng truyền thống đang làm mới mình và thu hút được nhiều khán giả trẻ đến rạp
Có thể thấy, nghệ thuật tuồng đã ra đời từ rất sớm, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, luôn gắn bó với đời sống tinh thần của nhiều thế hệ người Việt, đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa của dân tộc. Chương trình Dấu thiêng Hà Nội với bộ ba trích đoạn tuồng ấn tượng, tái hiện đầy đủ chiều sâu và sự biến tấu tinh tế của nghệ thuật tuồng, đem tới cho khán giả những phút giây trải nghiệm, tương tác nghệ thuật độc đáo. Khán giả được đắm mình vào những câu chuyện văn hóa, lịch sử đầy hào hùng của dân tộc, từ hào hùng đến bi tráng, từ phấn khích đến sâu lắng, từ đó, nghệ thuật tuồng tiếp cận đến gần hơn tới công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Sự góp mặt của đông đảo khán giả trẻ cũng chính là một tín hiệu tích cực, cho thấy người trẻ đang dần quan tâm hơn tới nghệ thuật tuồng truyền thống và nghệ thuật tuồng truyền thống cũng chủ động làm mới mình, phát triển theo dòng chảy thời gian để chạm tới trái tim khán giả ngày nay.
Bài, ảnh: LIÊN HƯƠNG