Nét văn hóa truyền thống của dân tộc Tày (Tuyên Quang)

Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc, cách Hà Nội 130 km đường cao tốc… nơi đây có tới hơn 500 di tích và danh thắng. Đồng thời, tỉnh Tuyên Quang có nền văn hóa dân tộc phong phú, độc đáo của 22 dân tộc anh em cùng chung sống. Trong khuôn khổ Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII, đoàn nghệ nhân tỉnh Tuyên Quang đã giới thiệu với du khách không gian văn hóa đặc sắc của vùng đất này.

Là vùng đất có nhiều danh lam, thắng cảnh, nổi tiếng với Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, “Thủ đô khu giải phóng”, “Thủ đô kháng chiến”, những năm gần đây, Tuyên Quang đang là tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc. Được xác định là sản xuất hàng hóa nông nghiệp gắn với nghề rừng là thế mạnh của tỉnh, Tuyên Quang đang chú trọng phát triển du lịch, coi đây là ngành kinh tế quan trọng của địa phương.

Mâm ẩm thực đặc sắc của người Tày tỉnh Tuyên Quang với các món ăn hấp dẫn

Trong không gian trưng bày văn hóa đặc sắc của dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang, có các sản phẩm hàng hóa tiêu biểu, cũng là những vật dụng được đồng bào sử dụng hằng ngày như: sản phẩm thổ cẩm, khăn, mũ... Bên cạnh đó là các sản phẩm như ví, túi xách, móc treo chìa khóa… hiện đang được nhiều du khách yêu thích. Đây là những sản phẩm đã và đang được sản xuất và bán nhiều trong nước cũng như xuất khẩu trên thị trường quốc tế.

Tiếp theo là các mô hình hiện vật như kiến trúc nhà ở của đồng bào dân tộc Tày, mô hình cọn nước, nhạc cụ tiêu biểu của người Tày, trang phục, tranh, ảnh, sách, đồ thủ công mỹ nghệ… Trong đó, nổi bật là cây đàn Tính, một nhạc cụ gắn bó mật thiết với các làn điệu hát Then. Bên cạnh đó là trang phục thầy cúng với những hoa văn đặc trưng của núi rừng. Đặc biệt, chiếc mũ của thầy cúng, số dải tua trên mũ cho biết thầy cúng ở trình độ nào, càng nhiều dải tua thì trình độ thầy cúng càng cao...

Điểm nhấn của gian trưng bày tỉnh Tuyên Quang là mâm ẩm thực với đủ màu sắc, hương vị hấp dẫn. Điều quan trọng trong nghệ thuật ẩm thực của người Tày là dù nhiều hay ít món thì cũng có sự kết hợp giữa các vị: cay, ngọt, mặn, chua, cộng với tính năng của các loại thảo dược làm gia vị để có được những món ăn có lợi cho sức khỏe.

Nghề dệt thổ cẩm được trưng bày tại không gian của tỉnh Tuyên Quang

Thu hút du khách đầu tiên là món xôi ngũ sắc mang nét đặc trưng của người Tày, 5 màu tượng trưng cho ngũ hành (trắng- Kim; Xanh- Mộc; Tím đen- Thủy; Đỏ- Hỏa; Vàng- Thổ) đó là sự vững bền của vũ trụ. Dưới bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, từ những hạt gạo nếp căng, mọng, mẩy được trồng trên nương, qua công đoạn chế biến, tạo màu từ những cây, lá quen thuộc. Mâm xôi được tạo hình ruộng bậc thang, một hình ảnh rất quen thuộc của vùng miền núi nói chung, tỉnh Tuyên Quang nói riêng đã thu hút đông đảo du khách. Ruộng bậc thang giờ đây là một trong những sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách xa gần tới tham quan, chiêm ngưỡng.

Một trong những món ăn đặc sắc, được chế biến kỳ công là món da trâu xào khô. Để có thể chế biến món ăn này, đầu tiên là phải ngâm da trâu với nước nóng trong 2 ngày; sau tiếp tục ngâm với rượu, vớt ra rửa sạch rồi ngâm với dấm… để da trâu mềm. Công đoạn tiếp theo là đem luộc, trải qua 4 đến 5 lần rửa và luộc, sau đó mới được đem đi chế biến. Với sự chế biến cầu kỳ, mất nhiều thời gian, món da trâu là một trong những đặc sản ẩm thực của người dân Tuyên Quang.

Bên cạnh đó, trên mâm cơm còn có gà hấp, rau giảo cổ lam và các món bánh truyền thống được chế biến từ gạo nếp thơm ngon như bánh gio, bánh sừng trâu… Tất cả các sản phẩm thân thuộc của người Tày được sử dụng theo mùa, theo năm. Đặc biệt, món trái cây có vị ngọt, thơm và giòn đã thu hút nhiều du khách. Đó là dưa lưới, một loại trái cây trong những năm gần đây đã mang lại lợi ích kinh tế cho người dân Tuyên Quang…

Các công đoạn sơ chế bông, kéo sợi... trong nghề dệt thổ cẩm

Cùng trong không gian trưng bày, du khách được chiêm ngưỡng, trải nghiệm với các nghệ nhân tỉnh Tuyên Quang trong việc dệt thổ cẩm. Trải qua các công đoạn như: sơ chế bông, kéo sợi, mắc khung cửi, xử lý vải… các tấm thổ cẩm đã được ra đời với nhiều mảng sắc màu, hoa văn đẹp mắt.

Nghề dệt của người Tày ở Tuyên Quang bên cạnh sự khéo léo, còn đòi hỏi có sự tư duy, sáng tạo được tích lũy lâu dài trong quá trình lao động. Nhiều năm trở lại đây, người dân một số huyện của tỉnh Tuyên Quang đã quan tâm đến việc khôi phục, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Nhiều sản phẩm thổ cẩm được sản xuất phong phú về mặt hàng cũng như mẫu mã như khăn, gối, chăn, mặt địu... đạt chất lượng cao, được nhiều du khách trong nước và quốc tế ưa chuộng, góp phần tăng thu nhập kinh tế cho người dân cũng như bảo tồn văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Tày vùng đất này.

Bài, ảnh: AN NGỌC

;