Bát bảo lường xà

 

Ngày còn bé, lang thang quanh những ngõ phố, tôi đã thấy những người Hoa gánh hàng đi rao. Chiếc khăn dài vắt vai. Gánh hàng nhún nhảy đều đều theo bàn chân bước. Họ rao vậy nhưng tôi không biết họ bán gì. Đôi khi một vài bà ngồi xúm lại, tôi chỉ nhìn qua, thấy họ xì xụp những bát nước màu vàng đặc.

Lớn lên, do một cơ may, tôi tìm hiểu và biết thêm về Bát bảo lường xà. Bát bảo là tám vị thuốc quý, liều lượng mỗi thứ có thể điều chỉnh theo từng nhà hàng. Lường là đường, còn là tiếng trà đọc chệch đi. Đó là loại nước giải nhiệt, trà đường bát bảo, giải độc, giải khát. Toàn vị thuốc bắc, uống vào mùa đông có tác dụng chống rét. Trà thơm cả một dãy phố, hương trà bay thơm ấm cúng hương vị quê nhà. Tám vị thuốc được phân ra hai nhóm, gồm nhóm thuốc mát: lá tre, rễ cỏ tranh, kim ngân, ngưu tất. Lá tre có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, giảm sốt; rễ cỏ tranh có tác dụng thông tiểu, cầm máu, làm mát máu; kim ngân là thuốc thanh nhiệt, giải độc rất thông dụng, ngưu tất tán ứ, cường gân, tráng cốt. Nhóm còn lại gồm: thục địa, ý dĩ, cam thảo và mía. Thục địa dưỡng huyết, bổ thận, làm đen tóc; ý dĩ kiện tỳ, bổ phế, thanh nhiệt; cam thảo giải độc, nhuận phế, điều hoà các vị thuốc khác; mía giải khát, mát phổi, lợi đờm, thông tiểu, điều hòa tỳ vị, chống nôn. Thêm đường phèn có vị ngọt nhẹ, thanh mát và giải nhiệt tốt hơn.

Sau này, tôi biết các vị thuốc trong trà bát bảo đều là vị thuốc dân gian, không có độc tính, rất dễ kiếm, thu hái ngay trong vườn nhà, trên đường làng, ngõ xóm hoặc mua ở các cửa hàng thuốc Đông dược. Trường hợp địa phương không sẵn thì có thể thay bằng những vị thuốc khác có tác dụng tương tự. Người ta dùng rau má, nhân trần thay lá tre; râu ngô, lá mã đề thay rễ cỏ tranh; thổ phục linh, tỳ giải thay ngưu tất; bồ công anh, sài đất... thay kim ngân.

Cách nấu trà bát bảo cũng rất đơn giản. Sau khi thu hái hoặc mua tám vị thuốc trên tại các cửa hàng bán thuốc địa phương ta chia theo một tỉ lệ nhất định - chẳng hạn: lá tre tươi 20g, rễ cỏ tranh 5g, hoa hoặc cành lá kim ngân 5g, rễ ngưu tất 5g, thục địa 5g, cam thảo 5g, ý dĩ 5g, mía 50g… trước khi cho các dược liệu trên (trừ mía chẻ thành thanh nhỏ) vào nồi hoặc ấm nhôm cùng với một lít nước. Đun đến lúc sôi rồi giữ lửa nóng âm ỉ trong 15 - 20 phút là được. Có đường phèn thì tuyệt nếu không, uống vẫn thích. Tôi đã từng nấu để nhà dùng thay nước uống trong những năm tháng chiến tranh.        

Có thể dùng trà này thay nước uống hằng ngày. Khi dùng chắt lấy nước uống lúc còn nóng hay để nguội đều tốt tùy theo sở thích từng người. Chú ý, dùng đến đâu pha chế đến đó, không dùng nước để qua ngày. Nếu còn để sáng hôm sau dùng dễ bị tiêu chảy và mất khí. Theo Đông y, khí và huyết là hai yếu tố vô cùng quan trọng đối với cơ thể, có vai trò thiết yếu trong việc vận hành cơ thể và duy trì sức sống.

Trong các quán Bát bảo lường xà, người ta thường chế các vị thuốc theo từng gói nhỏ. Khi dùng, thuốc được cho vào chén sứ, đổ nước sôi, úp vung sứ lên. Chừng mươi mời lăm phút, để kênh nắp sứ, ta hít hà, uống dần dà từng hớp nhỏ. Ngoài giải khát, nó dùng giải rượu thật tuyệt vời. Người đang say, ngồi uống chốc lát sẽ tỉnh táo hẳn.

 

TRẦN TÂM

Nguồn: Tạp chí VHNT số 501, tháng 6-2022

 

;