Bảo hộ bản quyền trên không gian mạng trong tiến trình Việt Nam hội nhập quốc tế

Trong tiến trình hội nhập quốc tế, vấn đề bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan (sau đây gọi là: bản quyền) ngày càng được quan tâm, chú trọng. Việc thực thi bảo hộ bản quyền có hiệu quả sẽ góp phần quan trọng vào việc khuyến khích sáng tạo, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của quốc gia. Quyền tác giả, quyền liên quan (bản quyền) là một trong ba bộ phận cấu thành của quyền sở hữu trí tuệ. Bảo hộ bản quyền là một trong những công cụ hữu hiệu nhằm khuyến khích sáng tạo, làm phong phú và truyền bá, phổ biến các tài sản văn hóa quốc gia và tài sản văn hóa của nhân loại. Việc bảo hộ bản quyền đóng vai trò quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đồng thời là một trong những điều kiện để hội nhập vào hệ thống kinh tế, thương mại quốc tế.

1. Vấn đề bản quyền trên không gian mạng

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân, đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước. 

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật, mạng thông tin toàn cầu và thương mại điện tử đã và đang tác động mạnh mẽ đến hoạt động sáng tạo, khai thác, sử dụng thành quả sáng tạo và bảo hộ bản quyền các thành quả sáng tạo đó.

Công nghệ kỹ thuật số, đặc biệt là internet đã tạo nên cuộc cách mạng hóa về cách thức các tác phẩm nhạc, phim, sách, bản ghi cuộc biểu diễn... của tác giả, nhà soạn nhạc và nghệ sĩ... được tái tạo, truy cập, truyền thông và phân phối. Các công nghệ mới đã cho phép và khuyến khích nhiều tác phẩm được hoàn thiện hơn dưới dạng các sản phẩm kỹ thuật số và được phân phối thông qua mạng truyền thông ảo trên internet, không gian mạng. Các công nghệ máy tính đã và đang tạo nên làn sóng trong thế giới kỹ thuật số để phân phối nội dung đến người nghe và người xem qua internet. Những công nghệ này đã làm thay đổi đáng kể cấu trúc và tính kinh tế của các mô hình kinh doanh mà theo đó, các tác phẩm có bản quyền được xuất bản và phân phối tới công chúng.

Một thị trường ảo dành cho các sản phẩm âm nhạc, phim ảnh và giải trí hiện đang tồn tại trên không gian mạng. Sự tồn tại của nó không bị giới hạn bởi biên giới quốc gia và nó thách thức các quy tắc bảo vệ pháp lý truyền thống như luật bản quyền quốc gia thường có bản chất lãnh thổ. Nhiệm vụ khó khăn đối với các nhà lập pháp đến nay là việc ban hành quy định về việc sử dụng hoặc lạm dụng các sản phẩm kỹ thuật số có bản quyền được truy cập thông qua internet.

Đối với chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan, khả năng loại trừ người khác truy cập trái phép vào các tác phẩm kỹ thuật số của họ trên internet là rất quan trọng đối với lợi nhuận thương mại và khả năng tồn tại của doanh nghiệp. Trong bối cảnh hành vi vi phạm bản quyền trên không gian mạng có sự tham gia, góp sức của nhiều chủ thể từ các quốc gia khác nhau gây khó khăn cho việc xác định và xử lý hành vi vi phạm trong thẩm quyền tài phán quốc gia.

Việc sáng tạo, truyền bá và lưu trữ tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng trên môi trường kỹ thuật số dần trở nên phổ biến, tuy nhiên việc vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng cũng ngày một nghiêm trọng. Do vậy phải có các quy định bảo hộ và phòng chống vi phạm quyền tác giả trên môi trường kỹ thuật số không chỉ trong phạm vi quốc gia mà cả quốc tế. Việc Việt Nam gia nhập các Hiệp ước về internet của WIPO (WCT, WPPT) góp phần giải quyết những thách thức đặt ra bởi công nghệ kỹ thuật số hiện nay, đặc biệt là đối với yêu cầu bảo hộ các tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, được sáng tạo, lữu trữ, phổ biến và sử dụng trên không gian mạng.

Thực thi các cam kết quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó có việc gia nhập các Hiệp ước về internet, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ đã đưa vào nhiều quy định liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số như quy định về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường kỹ thuật số, đảm bảo hành lang pháp lý cho hoạt động sáng tạo, truyền bá, phổ biến tác phẩm trên không gian mạng; vai trò, trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian đối với các hoạt động trên không gian mạng; về thực thi quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường kỹ thuật số; về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đối với chương trình máy tính và dữ liệu...

2. Việt Nam hội nhập quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan

Việt Nam đã và đang chủ động trong hội nhập quốc tế trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan. Đến nay, Việt Nam đã tham gia 8 Điều ước quốc tế đa phương về quyền tác giả, quyền liên quan: Công ước Berne về bảo hộ tác phẩm văn học, nghệ thuật (tham gia năm 2004); Công ước Rome về bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình và các tổ chức phát sóng (tham gia năm 2006); Công ước Geneve về bảo hộ các nhà sản xuất bản ghi âm chống lại việc sao chép trái phép bản ghi âm của họ (tham gia năm 2006); Công ước Brussel liên quan đến việc phân phối các tín hiệu mang chương trình được truyền qua vệ tinh (tham gia năm 2007); Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (tham gia năm 2007); Hiệp ước của Tổ chức sở hữu Thế giới về quyền tác giả (tham gia năm 2022); Hiệp ước của Tổ chức sở hữu Thế giới về cuộc biểu diễn và bản ghi âm (tham gia năm 2022); Hiệp ước Marrakesh về tạo thuận lợi cho người khiếm thị, người khuyết tật về thị giác và người khuyết tật khác không có khả năng đọc tiếp cận với tác phẩm đã công bố (tham gia năm 2023); đàm phán, ký kết 2 Hiệp định song phương (Hiệp định quyền tác giả và Hiệp định Bảo hộ Sở hữu trí tuệ) và 14 Hiệp định kinh tế, thương mại tự do song phương, đa phương với các quốc gia, khu vực kinh tế khác nhau trên thế giới có nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do với EU (Hiệp định EVFTA), với Hàn Quốc (Hiệp định VKFTA), với khu vực Tây Bắc Á (Hiệp định VNEAEUFTA), Hiệp định Thương mại tự do ASEAN với 6 nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand (RCEP)…

Theo các cam kết quốc tế trên, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan của Việt Nam được hưởng sự bảo hộ tại các quốc gia thành viên của các Điều ước quốc tế nêu trên và ngược lại, Việt Nam có nghĩa vụ bảo hộ quyền cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan của các quốc gia này.

Tại Việt Nam, mặc dù đã có nhiều nỗ lực từ phía các cơ quan thực thi, nhưng tình trạng xâm phạm quyền tác giả trên môi trường kỹ thuật số vẫn đang diễn ra ngày càng phức tạp. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền, gây tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, xã hội. Internet là môi trường không có biên giới, do đó cần có sự hợp tác quốc tế, sự chung tay của các nước trong việc bảo vệ quyền tác giả trên môi trường kỹ thuật số.

Vì vậy, việc gia nhập Hiệp ước WCT, WPPT phù hợp với chủ trương chủ động, tích cực tham gia chuyển đổi số cũng như hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, vừa là cần thiết để khuyến khích phát triển các hoạt động sáng tạo và sử dụng tác phẩm ở trong nước, đồng thời thực hiện có hiệu quả các nghĩa vụ quốc tế đã và sẽ cam kết.

Khi Việt Nam gia nhập Hiệp ước WCT, WPPT, Việt Nam có nghĩa vụ bảo hộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học, các bản ghi âm các cuộc biểu diễn trong môi trường kỹ thuật số có xuất xứ từ các nước thành viên tại lãnh thổ Việt Nam, đảm bảo mức độ bảo hộ tối thiểu theo Hiệp ước; đảm bảo mức độ bảo hộ tương đương với mức độ bảo hộ mà pháp luật Việt Nam dành cho các tác phẩm của công dân Việt Nam. Đồng thời, các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học của công dân Việt Nam, các cuộc biểu diễn, bản ghi âm của cá nhân, tổ chức Việt Nam được bảo hộ tại các quốc gia thành viên của Hiệp ước.

(Còn tiếp)

Ths PHẠM THỊ KIM OANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 563, tháng 3-2024

;