“Bản quyền và phát triển bền vững ngành công nghiệp sáng tạo nội dung số”

Ngày 17-4-2024, tại Hà Nội, Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) đã chủ trì phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam và Liên minh Sáng tạo nội dung số tổ chức buổi Tọa đàm “Bản quyền và phát triển bền vững ngành công nghiệp sáng tạo nội dung số”. Tọa đàm nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày sở hữu trí tuệ thế giới 26-4, Ngày Sách và Bản quyền thế giới 23-4.

Tham dự Tọa đàm có: đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước; đại diện lãnh đạo các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan; các chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo nội dung (điện ảnh, game, chương trình giải trí, video, phim…), có liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan và các cơ quan thông tấn báo chí.

Tọa đàm có sự tham dự của khoảng 250 đại biểu - Ảnh BTC

Tọa đàm Bản quyền và Phát triển bền vững ngành công nghiệp sáng tạo nội dung số” là dịp để giao lưu, trao đổi nhiều nội dung thú vị, bổ ích về quyền tác giả, quyền liên quan; góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo và bảo hộ thành quả sáng tạo và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa theo tinh thần của Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam, hướng tới mục tiêu xây dựng nền công nghiệp văn hóa phát triển lành mạnh, đủ sức cạnh tranh, đóng góp ngày càng nhiều vào GDP, tạo thêm việc làm và tăng kim ngạch xuất khẩu của đất nước.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Cục Trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng cho biết, đây là dịp để các nhà sáng tạo, các tổ chức và cá nhân đầu tư sáng tạo và những tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng cùng hợp tác và trao đổi về vai trò của bảo vệ bản quyền trong phát triển công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa.

Toàn cảnh buổi tọa đàm - Ảnh BTC

Theo số liệu khảo sát công bố năm 2021 của WIPO về đóng góp kinh tế của các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên bản quyền thì tại các nước phát triển như Hoa Kỳ, đóng góp này chiếm khoảng 11,99% GDP, Hàn Quốc là 9,89% GDP, Pháp: 7,02% GDP, Australia: 6,8% GDP, Singapore: 6,19% GDP, Canada: 6,15% GDP; các nước đang phát triển như Trung Quốc đóng góp này chiếm khoảng 7,35% GDP, Malaysia: 5,7% GDP và Thái Lan: 4.48% GDP, Indonesia: 4,11% GDP. Những số liệu này cho thấy việc bảo hộ hiệu quả bản quyền có vai trò quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia.

Tại Việt Nam, qua số liệu ước tính, giá trị tăng thêm (giá hiện hành) của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 ước đạt 5,82%; năm 2019 ước đạt 6,02%; năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch nên số liệu có sự sụt giảm chỉ còn khoảng 4,32% và 3,92%; đến năm 2022 các ngành đã bắt đầu phục hồi và giá trị đóng góp có sự tăng trưởng ước đạt 4,04%. Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD).

Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng phát biểu khai mạc Tọa đàm - Ảnh BTC

“Hiện nay, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã có những bước phát triển mới về mặt nghệ thuật, công nghệ và cách thức tiếp cận công chúng; khía cạnh thương mại của các ngành công nghiệp văn hóa cũng được chú trọng đầu tư, phát triển. Làm tốt công tác bảo hộ bản quyền là một trong những yếu tố quan trọng để chúng ta xây dựng nền công nghiệp văn hóa phát triển lành mạnh, đủ sức cạnh tranh; đóng góp ngày càng nhiều vào GDP, tạo thêm việc làm và tăng kim ngạch xuất khẩu của đất nước” – Cục trưởng Trần Hoàng khẳng định.

Bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan có vai trò ngày càng quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia. Ngày nay, với sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, kỹ thuật số đã đưa đến công cụ sáng tạo mới, đồng thời tạo ra môi trường lưu giữ, phương thức phân phối và các hình thức khai thác, sử dụng mới đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng.

Tuy nhiên, môi trường số cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là trên môi trường số. Để tăng cường quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số, Việt Nam đã trở thành thành viên của Hiệp ước WCT từ ngày 17-2-2022 và là thành viên của Hiệp ước WPPT từ ngày 1-7-2022. Đồng thời, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực từ ngày 1-1-2023 đã có nhiều quy định mới về các nội dung liên quan đến việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số. Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL cũng đã tích cực phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong công tác chuyển đổi số và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số.

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã được nghe những tham luận thuyết trình về các vấn đề liên quan đến chính sách bản quyền: Bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan; Chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; Các công cụ hỗ trợ thúc đẩy bảo vệ bản quyền cho ngành công nghiệp sáng tạo nội dung số.

Các chuyên gia trao đổi tại buổi tọa đàm - Ảnh: Thanh Danh

Quyền tác giả, quyền liên quan là bộ phận quan trọng của Luật Sở hữu trí tuệ, việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đồng thời là một trong những điều kiện để hội nhập vào hệ thống kinh tế thương mại quốc tế. Trao đổi, chia sẻ tại buổi tọa đàm có các chuyên gia: ông Trần Hoàng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả; ông Phạm Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Đo kiểm phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử; ông Vũ Kiêm Văn - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam; ông Hoàng Đình Chung Giám đốc Trung tâm Bản quyền số Hội Truyền thông số Việt Nam.

Các chuyên gia đã có những chia sẻ bổ ích về công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan và phát triển công nghiệp văn hóa hiện nay, trao đổi các vấn đề về bảo vệ bản quyền trên môi trường số, quyền tác giả, quyền liên quan và công nghiệp văn hóa; thực trạng vấn đề vi phạm bản quyền trên không gian mạng; việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, chủ sở hữu nội dung số và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc xử lý vi phạm bản quyền trên không gian mạng; vai trò của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Thực trạng và những vướng mắc trong hoạt động của các doanh nghiệp trên môi trường số hiện nay cũng được nêu lên như: khó khăn về nhân lực số, phân phối trên các nền tảng dịch vụ trung gian, nền tảng dịch vụ trung gian xuyên biên giới, chính sách thuế, bản quyền tác giả, đối mặt với xu hướng mới, đặc biệt xu hướng về phát triển sáng tạo nội dung bằng công nghệ AI; những định hướng, kế hoạch tiếp theo của Bộ VHTTDL để phát triển ngành công nghiệp văn hóa…

Tại tọa đàm, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng đã nêu ra một số kiến nghị giải pháp về việc: Nâng cao nhận thức từ các cơ quan nhà nước, chủ thể sáng tạo, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian; Nâng cao ý thức bảo vệ bản quyền; Tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đảm bảo thực thi các vi phạm pháp luật về bản quyền cũng như các cơ chế chính sách liên quan đến công nghiệp sáng tạo nội dung số nói riêng và công nghiệp văn hóa nói chung, cũng như các chính sách về hạ tầng công nghệ, phát triển công nghệ; Phát triển nguồn nhân lực, chính sách hỗ trợ để dần hình thành được nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành công nghiệp văn hóa…

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi tọa đàm - Ảnh: Thanh Danh

Không gian trưng bày các tác phẩm sáng tạo số - Ảnh: BTC

Cũng trong khuôn khổ chương trình Tọa đàm còn diễn ra hoạt động triển lãm, trưng bày các tác phẩm sáng tạo của các doanh nghiệp sáng tạo nội dung số.

THANH DANH

;