"Phát triển văn hóa đọc đối với đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Bắc Việt Nam – Thực trạng và giải pháp"

Ngày 16-4-2024 tại Hà Nội, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển văn hóa đọc đối với đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Bắc Việt Nam - Thực trạng và giải pháp”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Phát triển văn hóa đọc đối với đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Bắc Việt Nam" và cũng là hoạt động thiết thực chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21-4. Chủ trì Hội thảo có: Ths Hoàng Hà - Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật- Chủ nhiệm đề tài; Ths Nguyễn Hữu Giới - Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam, thành viên nhóm nghiên cứu đề tài.

Quang cảnh hội thảo

Hội thảo có sự tham gia của: TS Vũ Dương Thúy Ngà, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện; đại diện: Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL), Vụ Dân tộc thiểu số (Ủy ban dân tộc), thư viện một số tỉnh Tây Bắc; đại biểu đến từ Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Quân đội; các chuyên gia, nhà nghiên cứu, của Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội...

Về phía Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật còn có các Phó Tổng biên tập: Ngô Thị Minh Nguyệt, Đặng Xuân Mã; các thành viên của nhóm nghiên cứu đề tài.

Ths Hoàng Hà, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật trình bày Báo cáo đề dẫn Hội thảo

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật Hoàng Hà nhấn mạnh: Vùng Tây Bắc của nước ta gồm 6 tỉnh: Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, và Lào Cai, giữ vị trí quan trọng về kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đa số đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc còn nhiều khó khăn, thiếu thốn cả về đời sống vật chất và  tinh thần, đặc biệt là thiếu thốn về sách báo, tri thức, thông tin. Vì vậy, việc duy trì hoạt động thư viện và phát triển văn hóa đọc cho cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc nơi đây, sẽ góp phần quan trọng để đạt được các mục tiêu thiết thực và có ý nghĩa, nhằm góp phần nâng cao dân trí, bồi đắp tri thức cho người dân, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế, văn hóa - xã hội ngày càng phát triển và đảm bảo giữ vững chính trị, an ninh - quốc phòng khu vực biên giới của Tổ quốc.

Trong thời gian qua, thư viện các tỉnh Tây Bắc đã có nỗ lực về hoạt động thông tin tuyên truyền, triển lãm sách, báo mà chủ yếu do cấp tỉnh thực hiệnTriển lãm Báo xuân, chào mừng các sự kiện lớn của đất nước và của địa phương, ngày Đại đoàn kết dân tộc, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4... đã được các thư viện ở các tỉnh Tây Bắc đặc biệt quan tâm. Hình thức tuyên truyền, thông tin  phong phú và hiệu quả: pa-nô, áp phích, tờ rơi, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương, qua mạng interrnet... Trong Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4 hằng năm, các thư viện tỉnh còn tổ chức giao lưu tác giả - tác phẩm, mời diễn giả nói chuyện chuyên đề ; tổ chức thiếu nhi vẽ tranh theo sách, thi đọc sách và viết cảm nhận về sách. Một số cuộc tuyên truyền, thông tin và trưng bày sách, báo đã được các thư viện tổ chức phục vụ các Lễ hội Du lịch, Hội chợ, Tuần lễ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ở các địa phương, vùng miền v.v... Tại nhiều vùng đồng bào thiểu số ở Tây Bắc, các thư viện đã áp dụng hình thức phát tờ rơi, thông tin bằng sách, báo chữ to, sách chữ dân tộc thiểu số cho đồng bào ở nơi đông người.

Đồng thời, các địa phương tích cực hưởng ứng cuộc thi  Đại sứ văn hóa đọc, thi đọc sách trực  Bộ VHTTDL phát động; cố gắng để tổ chức phục vụ người đọc,  tăng cường lượt sách luân chuyển trên địa bàn tỉnh, phát huy mô hình xe ôtô thư viện lưu động phục vụ bạn đọc...

Bên cạnh những ưu điểm, hoạt động thư viện và văn hóa đọc cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc vẫn còn có một số hạn chế, bất cập, đó là:  Việc đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở, trang thiết bị thư viện, nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế do hoàn cảnh, điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn, cũng như ở một số nơi, nhận thức, sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, chính quyền chưa đầy đủ. Trụ sở nhiều thư viện cấp huyện, xã, thị trấn chật hẹp, có nơi đóng chung với đơn vị khác; sách báo, tài liệu ít, và cũng chưa bảo đảm việc bảo quản nguồn tài nguyên thông tin. Do đi lại khó khăn nên sách báo luân chuyển từ thư viện tỉnh tới nhiều địa bàn cơ sở không thường xuyên. Kinh phí dành cho thư viện ở địa phương còn thấp, nhiều thư viện huyện không có tiền mua sách báo... Trong khi đó, cán bộ thư viện nhất là ở cơ sở, vừa thiếu, vừa yếu về nghiệp vụ v.v...Khó khăn nữa là nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc còn mù chữ (không biết tiếng Việt), sách bằng tiếng dân tộc thiểu số còn ít, mặt khác, người dân tộc ít có thói quen đọc sách, phải đi làm nương rẫy mất nhiều thời gian. Nhiều hủ tục lạc hậu, mê tín, di đoan, tà đạo... còn ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống văn hóa đồng bào các dân tộc.

Cùng với đó, hoạt động của các thư viện khu vực Tây Bắc thời gian cũng còn nhiều vấn đề cần quan tâm, tìm hướng cải thiện: trong đó, chưa xây dựng được hệ thống thư viện công cộng hiện đại, có vốn tài liệu phong phú; các hình thức tuyên truyền, giới thiệu sách ở nhiều nơi còn đơn điệu, chưa hấp dẫn, nên chưa thu hút đông đảo đồng bào đến thư viện như mong muốn; công tác chuyển đổi số trong  thư viện, vẫn còn chậm so với tiến độ của cả nước; tính liên kết giữa các thư viện tỉnh trong khu vực chưa đồng bộ, khả năng hội nhập và phát triển với hệ thống thư viện cả nước còn yếu. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có cả những điểm nghẽn về cơ chế, chính sách mà công tác xã hội hóa thư viện còn nhiều bất cập, chưa phát huy được các nguồn lực cho sự nghiệp thư viện và văn hóa đọc.

Ông Hoàng Hà nhấn mạnh: Việc duy trì, củng cố và phát triển thư viện và nâng cao văn hóa đọc đối với đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) vùng Tây Bắc là một nhiệm vụ rất quan trọng và cấp thiết trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng hiện nay, góp phần nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển văn hóa - kinh tế - xã hội địa phương. Đây cũng là lý do mà Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật lựa chọn Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Phát triển văn hóa đọc đối với đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Bắc Việt Nam”.

Hội thảo đã nhận được 21 bài tham luận; gần 10 tham luận, ý kiến, trao đổi sôi nổi tại hội thảo tập trung  đánh giá thực trạng, làm rõ những kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, tồn tại và nguyên nhân trong công tác phát triển văn hóa đọc đối với đồng bào DTTS các tỉnh Tây Bắc Việt Nam; đồng thời đề xuất các giải pháp phát triển văn hóa đọc cho đồng bào DTTS các tỉnh Tây Bắc Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Mạnh Trưng - Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Hòa Bình phát biểu

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Trưng - Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Hòa Bình  đã nêu những khó khăn, hạn chế, vướng mắc trong phát triển văn hóa đọc tỉnh Hòa Bình trong đó có thực trạng nhiều thư viện chỉ còn phòng sách, không có trụ sở riêng; "sách dân tộc đã ít, người biết chữ dân tộc cũng ít". Ông Trưng cho biết:Thư viện tỉnh Hòa Bình đang có đề án kiểm kê sách chữ Tày, Thái để bảo tồn vốn cổ. Trước những khó khăn về cơ chế tài chính, Thư viện tỉnh Hòa Bình đã tích cực tổ chức phối hợp với các sở ngành tổ chức các sự kiện tuyên truyền sách báo; triển khai chuyển đổi số vào cuối năm nay từ nguồn kinh phí được đầu tư, trong đó ưu tiên số hóa địa chí. Ngoài ra, ông cũng chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong phát triển văn hóa đọc của tỉnh Hòa Bình: phối hợp với các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch (các homestay, các khu nghỉ dưỡng trong khu vực DTTS) luân chuyển sách hoặc cho mượn để phục vụ nhu cầu đọc sách của khách du lịch. Từ thực trạng hoạt động thư viện của tỉnh, ông mong muốn Nhà nước quan tâm và tăng cường đầu tư cho hoạt động của các thư viện, trong đó có phụ cấp cho cán bộ thư viện cơ sở cũng như đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở để thư viện có không gian riêng phục vụ bạn đọc.

Bà Bùi Thị Lan Anh – Trưởng Phòng Nghiệp vụ công nghệ và truyền thông Thư viện tỉnh Lào Cai phát biểu tại hội thảo

Bà Bùi Thị Lan Anh – Trưởng Phòng Nghiệp vụ công nghệ và truyền thông Thư viện tỉnh Lào Cai chia sẻ những kinh nghiệm của tỉnh Lào Cai: Trong nhiều năm qua thư viện tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, xe thư viện lưu động  nhiều thời gian kín lịch. Hoạt động của thư viện rất được tỉnh quan tâm, có sự phối hợp với hoạt động của bảo tàng, đoàn nghệ thuật. Thư viện sẽ có một khu riêng để trưng bày sách, ngoài sách về Lào Cai, sách về đồng bào dân tộc, còn có sách về các sự kiện. Ngoài ra, duy trì các chuyến xe thư viện lưu động phục vụ tốt nhu cầu đọc của đồng bào. Thư viện tỉnh cùng với các trường học đề ra kế hoạch mới, đó là tổ chức các tiết học dành cho học sinh, đưa học sinh đến thư viện tỉnh tham quan và học tập…

Từ hoạt động thực tiễn, bà Lan Anh cũng đề xuất: Trung ương cần ban hành các văn bản pháp quy , tạo hành lang pháp lý về thư viện và văn hóa đọc, trong đó cần có sự phối hợp giữa các Bộ: VHTTDL, Tư pháp và Nông nghiệp và phát triển nông thôn trong việc tích hợp 3 tủ sách ở cơ sở; đồng thời quan tâm cơ sở vật chất và nguồn nhân lực cho thiết chế thư viện. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền; chú trọng đổi mới phương thức phục vụ; có sự liên kết giữa các ngành; đổi mới các sản phẩm dịch vụ của thư viện; đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra các tủ sách cơ sở.

TS Vũ Dương Thúy Ngà – Nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện phát biểu tại hội thảo

TS Vũ Dương Thúy Ngà – nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện, trong tham luận cũng đã chỉ ra những thuận lợi và khó khăn trong phát triển văn hóa đọc ở vùng Tây Bắc. Về thuận lợi, đó là chính sách, sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước; sự quan tâm của chính quyền địa phương và các cơ quan tổ chức có liên quan; công tác xã hội hóa. Nhờ có những điều kiện thuận lợi này, văn hóa đọc vùng Tây Bắc có điều kiện phát triển. Về khó khăn: điều kiện tự nhiên và xã hội; nhận thức của người dân về việc đọc và điều kiện để đọc; môi trường đọc và các dịch vụ có liên quan đến phát triển văn hóa đọc.

Từ những khó khăn, thách thức, để phát triển văn hóa đọc cho đồng bào DTTS các tỉnh Tây Bắc , cần phải giải quyết đồng bộ các giải pháp như: đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về văn hóa đọc; tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách của nhà nước về đầu tư, hỗ trợ và đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển công tác xuất bản, phát hành, thư viện; hình thành và hoàn thiện môi trường đọc thân thiện, hiện đại và nhiều tiện ích cho người sử dụng; đẩy mạnh xã hội hóa; tích hợp, tổ chức sử dụng hợp lý các nguồn sách, báo được trang bị từ các chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình trang bị sách pháp luật, đề án trang bị sách xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, bà cũng đánh giá cao đề tài nghiên cứu khoa học “Phát triển văn hóa đọc đối với đồng bào DTTS các tỉnh Tây Bắc Việt Nam - Thực trạng và giải pháp” của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, vì có ý nghĩa thời sự, cung cấp một hệ thống, giải pháp thiết thực có thể áp dụng vào thực tiễn.

Ths Hoàng Thị Thu Trang - Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ và Nghiên cứu khoa học Thư viện Quốc gia Việt Nam phát biểu

Ths Hoàng Thị Thu Trang - Phó Trưởng phòng Nghiên cứu Nghiệp vụ và Nghiên cứu khoa học Thư viện Quốc gia Việt Nam đã  đề xuất các giải pháp về phát triển văn hóa đọc vùng đồng bào Tây Bắc: tăng cường xây dựng phương hướng và chiến lược tại các thư viện; tăng cường nguồn lực thông tin; phát triển các hoạt động học; tích cực bồi dưỡng đội ngũ người làm thư viện cơ sở qua nhiều hình thức; tăng cường phát triển các kênh thông tin để dễ dàng tuyên truyền, phổ biến thông tin, giới thiệu sách cho đồng bào; tiếp tục phát huy hình thức xe ô tô thư viện lưu động và các hình thức xe lưu động phù hợp như xe máy, túi sách để có thể cơ động đến được với các điểm phục vụ ở vùng sâu, vùng xa.

Đồng thời, bà Hoàng Thị Thu Trang  kiến nghị: Bộ VHTTDL tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ tốt hơn việc phát triển văn hóa đọc cho những khu vực miền núi và vùng khó khăn, tăng cường sự gắn kết giữa các thiết chế văn hóa của Bộ với các ngành, cơ quan liên quan; Thư viện Quốc gia Việt Nam nghiên cứu định hướng, hỗ trợ các công tác nghiệp vụ, tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho người làm công tác thư viện cơ sở để kịp thời nắm bắt các xu hướng trong hoạt động thư viện thực tế, triển khai tốt các hoạt động thư viện cơ sở, các hoạt động phát triển văn hóa đọc cho đồng bào DTTS.

TS Nguyễn Chí Trung, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu

TS Nguyễn Chí Trung, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã chia sẻ về  nghiên cứu của nhóm tác giả PGS, TS Trần Thị Quý, Trần Thị Thanh Vân, Nguyễn Chí Trung về chính sách phát triển văn hóa đọc cho DTTS các tỉnh Tây Bắc Việt Nam. Theo tác giả, chủ trương, chính sách phát triển văn hóa và văn hóa đọc cho các DTTS của Đảng, Nhà nước luôn được quán triệt và triển khai thực hiện nhất quán theo nguyên tắc: bình đẳng, đoàn kết, tương trợ trên tinh thần tôn trọng giúp đỡ lẫn nhau, hướng tới mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển văn hóa đọc được thể chế hóa, cụ thể hóa trong các văn bản chính sách khác nhau và đã được triển khai vào thực tế. Trong đó, nhóm tác giả đã liệt kê được 26 văn bản (nghiên cứu các chính sách ban hành từ năm 2017 đến nay – năm Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030) của Đảng và Nhà nước được ban hành liên quan đến chính sách phát triển kinh tế, xã hội cho các DTTS, trong đó có đề cập đến chính sách phát triển văn hóa nói chung và văn hóa đọc cho DTTS nói riêng. Trong số các chính sách trên, có 6 chính sách chuyên đề liên quan trực tiếp đến phát triển văn hóa đọc và văn hóa đọc cho đồng bào thiểu số. Từ thực trạng nghiên cứu, đã đưa ra những kiến nghị để phát triển văn hóa đọc và văn hóa đọc cho đồng bào thiểu số.

Ths  Nguyễn Hữu Giới - Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam phát biểu

Ths Nguyễn Hữu Giới - Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam, đã đánh giá thực trạng phát triển thư viện và văn hóa đọc ở khu vực Tây Bắc; đồng thời đề xuất 8 giải pháp nhằm nâng cao văn hóa đọc cho đồng bào các DTTS vùng Tây Bắc thời gian tới: Chính phủ và các bộ, ngành hoàn thiện về cơ chế - chính sách; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; thư viện tỉnh cần tham mưu các chiến lược phát triển văn hóa đọc; nâng cao vai trò nòng cốt của thư viện cấp tỉnh; tổ chức thư viện cấp huyện theo hướng hiện đại; Vụ Thư viện tiếp tục tham mưu cho Bộ VHTTDL trình Chính phủ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, trong đó chú trọng tăng cường đầu tư, hỗ trợ xây thư viện - tủ sách ở cơ sở và các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hình thành mô hình thư viện cơ sở dựa trên việc tích hợp các mô hình thư viện, tủ sách ở cơ sở vùng Tây Bắc; tích cực đẩy mạnh xã hội hóa công tác thư viện.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, Ths Hoàng Hà - Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật nhấn mạnh: Hội thảo đã  tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của văn hóa đọc và hoạt động thư viện đối với đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc, trong việc nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế- xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

Hội thảo cũng đã khẳng định được những kết quả đạt được của các địa phương, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn (cơ sở vật chất, kinh phí, trụ sở…). Đồng thời, Hội thảo cũng tổng kết được các bài học kinh nghiệm. đó là: sự quan tâm, đầu tư, chỉ đạo của lãnh đạo UBND các cấp để văn hóa đọc và hoạt động thư viện phát triển; tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau; sự phối hợp chặt chẽ giữa thư viện tỉnh và các sở, ban ngành; đổi mới sáng tạo, vận dụng các nguồn lực để chuyển đổi số, phát huy hiệu quả của xe thư viện; tăng cường tập huấn cho đội ngũ cán bộ thư viện.

Các đại biểu dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Qua các tham luận, Hội thảo cũng  đề xuất các giải pháp rất thiết thực: Đảng và Nhà nước tiếp tục hoàn thiện về các thể chế chính sách để thúc đẩy văn hóa đọc phát triển, trong đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục duy trì chương trình phát triển văn hóa đọc giai đoạn mới 2025-2030, Bộ VHTTDL tiếp tục triển khai chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng cho vùng đồng bào DTTS; tăng cường đầu tư cho mạng lưới thư viện công cộng, thư viện nhà trường, nhất là ở cơ sở, trong đó quan tâm đến chính sách cho đội ngũ nhân viên thư viện cơ sở, nguồn lực đầu tư tài chính cho hoạt động thư viện, nhất là chuyển đổi số; Nhà nước cần tháo gỡ các điểm nghẽn, có chính sách phù hợp để huy động các nguồn lực xã hội cho lĩnh vực văn hóa, trong đó có thư viện. Cùng với đó, bản thân hệ thống thư viện Tây Bắc cũng phải đa dạng hóa hoạt động, năng động, bám sát thực tiễn.

Các ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ được nhóm nghiên cứu đề tài tiếp thu, bổ sung, để đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Phát triển văn hóa đọc đối với đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Bắc Việt Nam” được hoàn thiện và thật sự hữu ích.

TUỆ SAM - Ảnh: TUẤN MINH

;