Áp dụng kỹ thuật thanh nhạc trong thể hiện một số ca khúc Việt Nam cho giọng Soprano

Để trở thành người hát tốt, người học thanh nhạc cần được cung cấp, rèn luyện các kỹ thuật hát để có thể hình thành các kỹ năng hát, cũng như thể hiện bài hát. Một trong những đỉnh cao trong nghệ thuật hát chuyên nghiệp của nhân loại là lối hát Bel Canto (hát đẹp) của Ý được hình thành phát triển nhiều thế kỷ qua. Trường phái thanh nhạc này đã và đang tiếp tục ảnh hưởng lớn tới các hoạt động đào tạo hát chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp tại các trường âm nhạc trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Giọng soprano hay còn gọi là giọng nữ cao, có màu sắc trong sáng, có thể hát được những giai điệu có nốt cao nhất trong tác phẩm thanh nhạc. Giọng soprano có tính linh hoạt, được chia thành ba loại: nữ cao kịch tính, nữ cao trữ tình và nữ cao màu sắc. Do đó, giọng soprano thể hiện tốt các tính chất, cảm xúc của con người. Người có giọng soprano cần luyện tập phong phú các kỹ thuật, thể loại thanh nhạc, trong đó có ca khúc Việt.

Trong chương trình đào tạo thanh nhạc cấp đại học, ca khúc Việt Nam chiếm một vị trí quan trọng, đặc biệt đối với giọng nữ cao. Học hát ca khúc Việt Nam cần đảm bảo những yêu cầu về kỹ thuật thanh nhạc để người nghe cảm nhận được cái hay, cái đẹp của ca khúc đó. Cuốn Thuật ngữ và ký hiệu âm nhạc thường dùng có đề cập đến khái niệm ca khúc: “Ca khúc là bài hát ngắn, có bố cục mạch lạc” (1). Còn trong cuốn Thể loại âm nhạc, tác giả Nguyễn Thị Nhung nhận định: “Ca khúc là danh từ dùng để gọi những tác phẩm thanh nhạc khác nhau: ca khúc dân ca và ca khúc của các nhạc sĩ chuyên nghiệp. Những tác phẩm này được thể hiện bằng giọng người” (2).

Các ca khúc Việt Nam tiêu biểu cho giọng soprano có thể kể tên như: Những cánh chim Hồng Gấm (Phạm Tuyên), Du kích sông Thao (Đỗ Nhuận), Sông Lô (Văn Cao), Nổi lửa lên em (Huy Du), Cánh chim báo tin vui (Đàm Thanh)… Mỗi ca khúc đều có những đặc điểm riêng về thể loại, cấu trúc, lời ca, thang âm điệu thức…, việc sử dụng các kỹ thuật thanh nhạc vào các ca khúc Việt Nam cần được nghiên cứu, áp dụng trong từng thể loại, từng tác phẩm cụ thể để học tập và thể hiện ca khúc Việt Nam đạt hiệu quả cao.

Có thể nói, kỹ thuật thanh nhạc trong dạy học các ca khúc Việt Nam rất phong phú và đa dạng. Dưới đây xin được nêu các kỹ thuật thanh nhạc giúp rèn luyện giọng hát nâng cao khả năng thể hiện ca khúc Việt Nam tiêu biểu cho giọng soprano trong đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp.

Kỹ thuật hát legato

Hát legato là kiểu hát liền tiếng, cách hát chuyển tiếp liên tục, đều đặn, tự nhiên từ âm nọ sang âm kia. Hát liền tiếng là cách hát để đáp ứng tính chất mềm mại, uyển chuyển, mượt mà của giai điệu. Muốn đạt được điều đó, người học phải có sự luyện tập các cơ quan phát âm cũng như kết hợp hài hòa nhiều yếu tố với nhau mới tạo nên một âm thanh đạt tiêu chuẩn.

Trong chương trình dạy học ngành thanh nhạc có rất nhiều ca khúc Việt Nam dành cho giọng soprano sử dụng kỹ thuật hát legato như: Làng tôi (Văn Cao), Những bông hoa trong vườn Bác (Văn Dung), Khúc hát ru của người mẹ trẻ (nhạc: Phạm Tuyên, thơ: Lâm Thị Mỹ Dạ), Địu con đi nhà trẻ (Đào Ngọc Dung), Lời ru trên nương (nhạc: Trần Hoàn, thơ: Nguyễn Khoa Điềm), Bài ca hy vọng (Văn Ký), Lời anh vọng mãi ngàn năm (Vũ Thanh)… Để vận dụng kỹ thuật hát legato vào thể hiện tốt những ca khúc này sinh viên cần lên kế hoạch tập luyện hơi thở, các kỹ thuật một cách thường xuyên, liên tục, đều đặn và nghiêm túc.

Ví dụ: Đoạn trích trong Miền xa thẳm (Đức Trịnh)

Miền xa thẳm là một trong những ca khúc rất hay về chủ đề người lính. Bài hát được viết ở nhịp 4/4, tính chất âm nhạc tự sự, chậm, giai điệu có nhiều nốt ngân dài, thể hiện sự đau thương, bi hùng nhưng cũng không kém phần lãng mạn của những người lính năm xưa. Đặc biệt, trong bài xuất hiện 2 đoạn nhạc vocal đã thể hiện rõ nỗi niềm ly biệt và sự hy sinh của những người lính, họ đã nói lời chia xa với gia đình, với người mình yêu để bước chân ra chiến trường vì tiếng gọi của Tổ quốc với khát vọng đất nước được hòa bình. Ở đoạn nhạc thứ hai, câu vocal cuối cùng là đường nét giai điệu ở các âm khu cao, được tiến hành đi lên từ nốt e2, f2, g2, a2, h2, cùng với các dấu nối của kỹ thuật legato. Luyện tập câu hát này rất tốt cho việc phát triển hơi thở, mở rộng âm vực của giọng hát và âm thanh trở nên mềm mại, liền tiếng. Khi hát ca khúc này với kỹ thuật hát liền tiếng, đòi hỏi sinh viên phải hít hơi sâu, nén chắc hơi và đẩy hơi một cách nhẹ nhàng, nhấc cao hàm ếch mềm, giữ chắc vị trí âm thanh, đều đặn nguyên âm “a” ở tất cả các nốt nhạc trong cùng một câu, thể hiện sự lắng đọng, chứa chan cảm xúc về sự đau thương và hy sinh thầm lặng của những người lính đã ngã xuống.

Kỹ thuật hát lướt nhanh (passage)

Để thực hiện tốt kỹ thuật hát passage, khi luyện tập hát nhanh chú ý lấy hơi sâu và nhanh, nhẹ nhàng, bởi, nếu lấy hơi chậm sẽ ảnh hưởng đến tốc độ của bài và âm thanh dễ bị nặng nề. Khi hát luôn chú ý đến sự chuẩn xác về cao độ, không bỏ nốt, âm thanh phải rõ ràng, hàm dưới buông lỏng, vị trí âm thanh cao và không hút vào sâu. Những mẫu âm passage đều là những mẫu âm dài đi liền bậc, muốn đạt hiệu quả cao người học phải có sự điều tiết hơi thở một cách đều đặn từ đầu tới nốt cuối cùng của mẫu âm, không được đẩy hơi đột ngột, bởi nếu làm điều đó âm thanh phát ra không có sự liền mạch. Khi tập kỹ thuật này nên sử dụng nhiều nguyên âm “a”, bởi đây là nguyên âm mở, có tính chất sáng, rất thuận lợi cho việc luyện tập kỹ thuật hát nhanh.

Kỹ thuật hát nhanh được sử dụng trong nhiều ca khúc Việt Nam. Đó có thể là một đoạn, một câu hoặc cũng có thể là một vài nốt nhạc trong một câu nhưng cũng đủ tạo nên sự đa dạng về kỹ thuật trong bài hát đó và cần sự nghiên cứu, thể hiện một cách tinh tế của người hát. Tiêu biểu có các bài: Cánh chim báo tin vui (Đàm Thanh), Chiếc khăn Piêu (Doãn Nho), Nổi trống lên rừng núi ơi (Hoàng Vân), Người Châu Yên em bắn máy bay (Trọng Loan), Cùng hành quân giữa mùa xuân (Hoàng Hà), Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng (Hoàng Vân)…

Ví dụ: Đoạn trích trong Người Châu Yên em bắn máy bay

Ở ví dụ trên, tác giả sử dụng chủ yếu là những nốt móc đơn, nốt móc kép, các dấu lặng đơn cùng tính chất nhanh, vui tươi thể hiện tinh thần sẵn sàng đứng lên bảo vệ Tổ quốc của người dân Châu Yên “Ta quyết giữ cái rẫy cái nương...”. Để thể hiện tốt đoạn nhạc trên sinh viên cần chủ động lấy hơi sâu, nén chắc, mở khẩu hình rộng, miệng cười, tươi vui, âm thanh hát nhanh, linh hoạt, vị trí âm thanh bám ở đầu môi trên. Chú ý hát hết câu, đến chỗ lấy hơi cần hít hơi nhanh bằng mũi, giữ hơi thở, đẩy hơi đều đặn để âm thanh rõ ràng, không bị mờ và mất nốt. Ban đầu tập có thể hát chậm để ghép lời đúng cao độ, tiết tấu. Sau đó tăng dần tốc độ theo đúng yêu cầu của tác phẩm.

Kỹ thuật hát âm nảy (staccato)

Kỹ thuật staccato nhằm diễn tả tình cảm rộn ràng, vui tươi như tiếng cười, tiếng chim hót. Mẫu âm staccato được vận dụng nhiều trong luyện thanh với mục đích phát triển giọng hát và mở rộng âm khu nhờ vào tính linh hoạt, nhẹ nhàng, thuận lợi cho việc bật âm thanh đúng khi vận dụng vào hát liền giọng, âm thanh phát ra sẽ gọn gàng, sáng, linh hoạt, đặc biệt đối với giọng soprano. Nếu giọng soprano khi sử dụng kỹ thuật hát legato hoặc passage thì sẽ lên được nốt a2, h2 thì khi dùng kỹ thuật staccato có thể lên tới c3, d3 hoặc e3. Ngoài ra, kỹ thuật staccato rất thuận lợi để khắc phục những âm thanh sâu, mờ, yếu, gằn cổ của giọng hát.

Trong các ca khúc Việt Nam có khá nhiều đoạn sử dụng kỹ thuật hát staccato. Đó có thể là một đoạn, một câu hoặc cũng có thể là một vài nốt nhạc trong một câu nhưng cũng đủ tạo nên sự đa dạng về kỹ thuật trong bài hát đó và cần sự nghiên cứu, thể hiện một cách tinh tế của người hát. Tiêu biểu có các bài: Cùng hành quân giữa mùa xuân (Hoàng Hà), Cô gái vót chông (nhạc Hoàng Hiệp, thơ: Môlôyclavi), Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng (Hoàng Vân), Bến cảng quê hương tôi (Hồ Bắc), Đường chúng ta đi (nhạc: Huy Du, lời: Huy Du - Xuân Sách), Có một dòng suối trong lành (An Thuyên), Qua bến đò Quan (Thái Cơ), Tiếng chim hót trên đỉnh Fansipan (Lưu Hà An)…

Ví dụ: Đoạn trích trong Cánh chim báo tin vui (Đàm Thanh)

Trong câu hát trên, giai điệu được tiến hành chủ đạo là nốt móc kép, có một vài nốt móc đơn, kết hợp những nốt ở âm khu cao e2, f2, g2, h2, c3. Sinh viên giọng soprano cần chủ động hít hơi nhanh, nén hơi sâu xuống bụng, điều tiết hơi thở, hàm dưới buông lỏng, hàm trên ngáp, treo cao để âm thanh bật chắc, rõ ràng, gọn và nhẹ nhàng. Đặc biệt lưỡi phải hoạt động nhanh và linh hoạt.

Kỹ thuật hát sắc thái to, nhỏ

Kỹ thuật hát sắc thái to, nhỏ là kỹ thuật hát bằng sự thay đổi độ mạnh, nhẹ, to nhỏ của một nốt nhạc hoặc cả câu nhạc để bộc lộ những thay đổi trong nội dung, tư tưởng, tình cảm của tác phẩm âm nhạc.

Kỹ thuật hát này là một trong những kỹ thuật hát khó, đòi hỏi tất cả các loại giọng (nam, nữ, cao, trung, trầm) đều phải luyện tập một cách nghiêm túc thì mới đạt được hiệu quả trong ca hát.

Khi hát nhỏ dần đi hoặc to dần lên: cần hít hơi thở sâu, nén chắc, hơi đẩy ra đều đặn, liên tục, nhẹ nhàng. Cơ bụng phía dưới có cảm giác co dần lên. Miệng mở rộng phía trong, hàm ếch mềm hơi nhấc lên, hàm dưới buông lỏng. Âm thanh phải được đưa ra liên tục, không gãy, không ngắt quãng, khống chế để không làm thay đổi vị trí âm thanh. Lưu ý, cần điều tiết hơi theo đúng yêu cầu của câu nhạc, đoạn nhạc.

Trong các ca khúc Việt Nam, kỹ thuật hát sắc thái to, nhỏ cũng được sử dụng phổ biến và linh hoạt. Đó có thể là một đoạn, một câu hoặc cũng có thể là một vài nốt nhạc trong một câu nhưng cũng đủ tạo nên sự đa dạng về kỹ thuật trong bài hát đó và cần sự nghiên cứu, thể hiện một cách tinh tế của người hát. Tiêu biểu có các bài: Những cánh chim Hồng Gấm (Phạm Tuyên), Nổi lửa lên em (nhạc: Huy Du, thơ: Giang Lam - Huy Du), Tháng ba Tây Nguyên (nhạc: Văn Thắng, thơ: Thân Như Thơ), Tiếng hát trên đỉnh Hoàng Liên (Trần Ngọc Quang), Tiếng hát giữa rừng Pác Bó (Nguyễn Tài Tuệ), Bóng cây Kơ-Nia (nhạc: Phan Huỳnh Điểu, lời: Ngọc Anh), Tiếng chim họa mi hót trên đỉnh Fansipan (Lưu Hà An)…       

Ví dụ: Đoạn trích trong Bài ca hy vọng (Văn Ký)

Có thể thấy, câu hát là đoạn cao trào của tác phẩm, tính chất âm nhạc mạnh mẽ, câu hát đã sử dụng những ký hiệu về kỹ thuật hát sắc thái to, nhỏ như: kỹ thuật hát f (mạnh), ff (rất mạnh), decrescendo (nhỏ dần), crescendo (to dần). Khi hát, sinh viên cần lấy hơi thở sâu của hơi thở bụng, chú ý điều tiết hơi để thay đổi âm lượng từ mạnh vừa, đẩy lên to hơn rồi lại vuốt nhẹ âm lượng xuống. Hơi thở cần đẩy đều đặn, liên tục (không đẩy hơi ồ ạt, đột ngột). Kết hợp với hơi thở, khẩu hình mở rộng khoang miệng bằng cách nhấc hàm ếch mềm và buông lỏng hàm dưới, uốn tròn từng âm, từng từ, miết từ âm này sang âm kia liền tiếng, không ngắt quãng. Khi hát lên nốt f2, nốt cao nhất, với sắc thái ff cần nén chặt hơi thở, nhấc thanh quản lên, vị trí âm thanh treo lên thanh khu đầu, đẩy âm thanh ra ngoài vang, sáng, mạnh mẽ để thể hiện tinh thần lạc quan trong câu hát. Câu cuối cần thu âm thanh nhỏ lại, sử dụng kỹ thuật liền giọng và rung, láy ở đuôi câu hát.

Có thể nói, học tập ca khúc Việt Nam là rèn luyện cho sinh viên giọng soprano đầy đủ các kỹ thuật, kỹ năng, kỹ xảo của nghệ sĩ thanh nhạc chuyên nghiệp, đồng thời giáo dục văn hóa, đạo đức, lịch sử và thẩm mỹ cho các em. Các yếu tố này giúp trang bị cho các em vốn kiến thức tổng hợp toàn diện, tự tin vươn tới những mục tiêu cao hơn về kỹ thuật mà đỉnh cao là nghệ thuật opera chuyên nghiệp đề ra.

_________________

1. Đào Trọng Từ, Đỗ Mạnh Thường, Đức Bằng, Thuật ngữ và ký hiệu âm nhạc thường dùng, Nxb Văn hóa, 1984, tr.81.

2. Nguyễn Thị Nhung, Thể loại âm nhạc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 1996, tr.12.

Tài liệu tham khảo

1. Phạm Lê Hòa, Giáo trình phân tích tác phẩm âm nhạc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 2013.

2. Nguyễn Trung Kiên, Phương pháp sư phạm thanh nhạc, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2001.

3. Hồ Mộ La, Phương pháp dạy thanh nhạc, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2007.

4. Trần Ngọc Lan, Phương pháp hát tốt tiếng Việt trong nghệ thuật ca hát, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2011.

VŨ THỊ TƯƠI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 545, tháng 9-2023

;