Sôang của người Gia Rai: Đặc trưng và giá trị

Nghệ thuật Sôang của người Gia Rai - Ảnh: Trần Phong

Gia Rai là một trong những tộc người bản địa sinh sống ở Tây Nguyên từ rất sớm, thuộc nhóm ngôn ngữ Mã Lai - Đa Đảo và có dân số lớn nhất Tây Nguyên hiện nay (1). Họ cư trú trên địa bàn rộng lớn, từ Kon Tum đến Đắk Lắk, miền núi các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, một bộ phận ở tỉnh Natarakiri (Campuchia) nhưng tập trung đông nhất tại tỉnh Gia Lai, chiếm khoảng 90% tổng số người Gia Rai ở Việt Nam (2). Sống trong cảnh quan đa dạng, người Gia Rai canh tác nương rẫy với cây trồng chính là lúa, nhưng do kỹ thuật thấp nên năng xuất bấp bênh. Chăn nuôi và thủ công nghiệp chủ yếu phục vụ cuộc sống thường ngày và hoạt động nghi lễ. Xã hội truyền thống Gia Rai là đơn vị quần cư gồm nhiều gia đình mẫu hệ, vận hành theo phương thức công xã láng giềng tự quản (plơi, buôn), được gắn kết trên cơ sở luật tục, tín ngưỡng chung. Trong đời sống tinh thần của đồng bào vạn vật hữu linh đều có ảnh hưởng, do đó họ thường xuyên tổ chức các buổi cúng tế, đánh cồng chiêng và sôang trong những sinh hoạt cộng đồng đó.

Trong tiếng Gia Rai, sôang là từ chỉ các động tác, điệu bộ hình thể, diễn tả tư tưởng và tình cảm của con người theo điệu nhạc. Theo quan niệm này, sôang tương đồng với múa. Đối với đồng bào Gia Rai, sôang đã trở thành một nhu cầu tự nhiên, một hình thức sinh hoạt cộng đồng và ở mức độ nào đó, nó như một tục lệ của buôn làng. Đã là người Gia Rai, ai cũng biết múa và múa giỏi, đôi khi nó như một tiêu chí để đánh giá con người. Theo họ, “chưa biết múa thì chưa biết hát, chưa thành người” (3). Vì được tiếp xúc với âm nhạc cồng chiêng từ khi còn trong bụng mẹ nên những đứa trẻ Gia Rai đã có sẵn nhịp điệu trong nhạc cảm, lên ba đã biết sôang, lên năm đã tập chơi chiêng và thường xuyên được tiếp cận loại hình nghệ thuật này trong các nghi lễ, lễ hội của cộng đồng. Hơn thế, sôang không chỉ nhằm thoả mãn nhu cầu giải trí mà còn mang ý nghĩa tâm linh (4), để hòa nhập, gắn kết thành viên buôn làng cũng như thể hiện nội tâm, ý chí, ước vọng của con người trong cuộc sống thường nhật.

1. Đặc trưng sôang của người Gia Rai

Sôang của người Gia Rai đa dạng về hình thức

Sôang của Gia Rai có nhiều hình thức khác nhau, có sôang mà tất cả mọi thành viên trong cộng đồng đều có thể tham gia, nhưng cũng có sôang chỉ dành riêng cho nữ giới hoặc nam giới. Không kể các hình thức đã có kết cấu tương đối ổn định, sôang còn bao gồm cả nghệ thuật của cá nhân, mang tính ứng tác. Người Gia Rai thường không phân biệt rõ ràng các hình thức sôang, như: sôang có kết cấu ổn định hay ứng tác tự do; sôang có đạo cụ hay không dùng đạo cụ; sôang dùng trong tang lễ, trong hội mừng mùa hay mừng khách đến thăm làng… Tất cả đều được gọi một cách đơn giản là: sôang. Những hình thức sôang có tên gọi như: Tung Tai, K’dung khắc, Quần vũ, Xgơr, Pơ thi… đều do các nhà sưu tầm, nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Gia Rai đặt ra, thường căn cứ vào tên lễ hội mà hình thức sôang đó gắn bó (sôang Pơ thi); hoặc dựa theo đặc điểm động tác múa (sôang Tung tai, Vuốt tranh, Vỗ tay, Khiêl, K’dung khắc...); theo hình múa tập thể (sôang quần vũ) hoặc đề cao tính ứng tác cá nhân (sôang tự do)… Tuy không xuất phát từ quan niệm của người Gia Rai nhưng ít nhiều các hình thức sôang này cũng sát với các đặc điểm và cách dùng của họ trong thực tế. Một số hình thức sôang phổ biến của người Gia Rai như sau:

Sôang Tung tai (hay Dung dai) là một hình thức múa cổ còn lưu truyền trong đời sống cộng đồng Gia Rai đến ngày nay. Đây cũng là hình thức sôang phổ biến nhất trong sinh hoạt văn hóa của người Gia Rai, do cộng đồng vùng Ayun Pa sáng tạo. Tung tai có nghĩa là dung dẩy, đưa đi đưa lại, là hình thức múa tập thể, được xây dựng theo nguyên tắc múa đồng điệu, có kết cấu động tác đơn giản, mọi người cùng thực hiện một tổ hợp động tác tay, chân như nhau, cùng liên kết trong một đội hình múa chung. Đây là hình thức sôang mà ai cũng có thể tham gia, nhưng phần đông là thanh niên, ban đầu là những vòng sôang của các thiếu nữ, sau đó các chàng trai lựa thời điểm thích hợp chen vào đúng chỗ, nắm được tay cô gái mình thích để cùng sôang. Sôang diễn ra trên nền nhạc chiêng, theo nhịp 4/4, xếp thành vòng tròn khép kín, hướng tâm, chuyển dịch ngược chiều kim đồng hồ. Bước cơ bản đi ngang, bước tới thì dài, bước lùi thì ngắn, người nọ nắm tay người kia, đưa tay từ trên xuống dưới. Khi bước lùi thì nhún đưa mông theo nhịp thong thả của bài chiêng Arap. Sôang Tung tai rất đa dụng, được sử dụng trong các lễ thức khác nhau, như: tang lễ, lễ mừng chiến thắng, lễ ăn trâu tạ ơn thần linh, lễ mừng sức khoẻ, lễ ăn trâu mừng làng mới, nhà rông mới...

 Bên cạnh sôang Tung tai cổ người Gia Rai còn có sôang Tung tai cải tiến, là những sáng tạo mới ảnh hưởng văn hóa ngoại nhập, xuất hiện thời Mỹ -Ngụy. Nó vẫn mang bản sắc Gia Rai bởi sự kế thừa những tạo hình cơ bản của Tung tai cổ, nhưng nhịp điệu vận động chân tay nhanh gấp hai lần nhờ các bước chân đi rung và vận động đa dạng của cánh tay. Tung tai cổ truyền thường gắn với tín ngưỡng, phong tục còn Tung tai cải tiến được sử dụng khi cộng đồng giao tiếp với bên ngoài ở các khu vực như thị trấn, thị xã.

Sôang Vỗ tay là điệu múa dành cho nữ giới mà động tác chủ đạo là vỗ tay. Đội hình trình diễn được sắp xếp theo hàng ngang, chuyển động vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ. Sôang Vỗ tay được cách điệu từ hoạt động sản xuất, khi lúa rẫy chín các cô gái Gia Rai vỗ tay đuổi chim ăn lúa. Động tác này là sự mô phỏng đàn sếu mỏ dài (chim sưng) bay theo đàn, hạ cánh xuống đất kiếm ăn: hai cánh tay nhẹ nhàng nâng lên ngang tầm ngực, rồi đập lại hai bàn tay vào nhau, tạo thành một vòng cung nhỏ. Sự hấp dẫn của sôang Vỗ tay là ở sự phối hợp khéo léo toàn thân giữa đầu, đôi tay, những nhịp nhún đưa mông nhanh gọn. Nhịp điệu sôi nổi của thân hình người múa, kết hợp với màu sắc váy kơteh, áo hdrui có đính tua dài nhiều màu sắc thả từ vai xuống gót chân đem lại cho động tác múa một vẻ đẹp riêng của người Gia Rai (5). Âm nhạc của sôang Vỗ tay thường có tiết tấu nhanh, thích hợp với điệu nhạc chiêng vui Kkuh Pơtao Yuan (điệu nhạc chiêng chào vua Kinh). Điệu sôang này thường được sử dụng trong đám tang và lễ bỏ mả (pơ thi). Sau khi trình diễn cho người chết điệu Tung tai và các bản nhạc cồng chiêng, đồng bào sôang Vỗ tay quanh nhà mồ để hồn người chết vui vẻ về thế giới tổ tiên.

 Sôang Vuốt tranh cũng là một điệu múa được trình diễn trong lễ bỏ mả. Động tác vuốt tranh gợi cho linh hồn người chết nhớ lại những lúc lên rẫy cùng bạn bè, người thân phải gạt những vạt cỏ tranh che khuất lối đi. Khi sôang điệu này, các cô gái vuốt dọc những tua áo hdrui nhiều màu chạy dài từ vai xuống gót, dùng chân trái làm trụ, người múa đưa nhẹ chân phải ra đằng trước rồi gập chéo trước chân trụ, thân trên hơi đổ về phía trước. Sau đó bước chân phải lên một bước, đưa hai cánh tay lên cùng lúc với chân trái rút về cạnh chân phải, nhún đưa mông kết hợp với chắp tay trước ngực. Đưa mông, sau đó đưa hai cánh tay ra đằng trước rồi thả tay dọc theo người. Sôang Vuốt tranh được múa theo tiết tấu chậm rãi, sâu lắng của dàn nhạc chiêng (6).

 Sôang Khiêl là điệu múa dành riêng cho nam giới, gợi nhớ hình ảnh của các chiến binh Gia Rai xưa, được thể hiện trong hình thức múa của hai hay nhiều tráng đinh, đồng điệu, có tuyến hoạt động rất đa dạng. Người múa Khiêl tay phải cầm kiếm dài, tay trái cầm khiên, với những động tác múa phức tạp, có nhảy cao, nhảy tới, xoay khiên, gạt kiếm của đối phương, có múa ngồi, múa nằm (7). Hiện nay, sôang Khiêl được sử dụng như một nghi thức trong lễ ăn trâu, phối hợp cùng sôang Tung tai nhằm trình diễn sức mạnh của buôn làng trước các vị thần bảo trợ. Các cặp thường múa cạnh nhau hoặc đối xứng nhau qua cây nêu, trình diễn theo nhịp chiêng, động tác thể hiện thần thái dũng mãnh của các chiến binh, như: thị uy, tấn công, tự vệ...

Sôang Kdung khắc (múa trống) là điệu múa đơn của nam giới theo nhịp trống thúc dồn dập, với những động tác mang tính hài hước, gây cười cho người xem. Người múa thường bắt chước thói quen của các con vật, chó, gà, khỉ (chân nhảy lò cò, tay gãi mình mẩy, gà mẹ xù lông bảo vệ con...). Trên thực tế, rất ít khi gặp Kdung khắc thể hiện riêng lẻ mà thường múa trong lễ ăn trâu tạ ơn thần linh, lễ cúng bến nước trên nhà rông hay ngoài một khoảng trống nào đó, được bố trí bên ngoài vòng sôang, nhạc chiêng, múa Khiêl bao quanh cây nêu. Múa Kdung khắc mang nhiều tính ứng biến về bài bản, cho phép người múa có thể bắt đầu và kết thúc bằng bất cứ động tác nào cũng như chuyển đổi các động tác theo cảm hứng riêng.

 Sôang tự do là hình thức ứng diễn cá nhân, kết cấu đa dạng và phụ thuộc vào cảm xúc của người thực hiện. Trong buổi sôang, về nguyên tắc, người đánh trống dẫn đầu đội chiêng chỉ có nhiệm vụ hòa âm trống vào âm điệu của chiêng chứ không cần thể hiện cảm xúc của mình bằng động tác và điệu bộ. Tuy nhiên, trong tất cả các cuộc trình diễn, chỉ sau ít phút dạo đầu nhạc công trống đã tự biến mình thành người múa trống có tính cách mạnh mẽ. Anh ta lắc lư thân hình, người hơi ngả ra sau, nhảy lò cò một chân, quay sang phải, sang trái, quay tròn trên một chân trụ. Cảm hứng nhảy múa của nhạc công trống nhanh chóng lan sang nhạc công chiêng cái, anh ta đi nghiêng, cúi thấp người, thả chiếc chiêng dọc theo thân, dùng đùi trái đỡ, hất chiêng ra mỗi khi đánh chiêng hoặc ngắt âm, người nhấp nhổm, dịch chuyển lên phía trước từng bước một. Sau đó là sự thể hiện các trạng thái của người tham gia sôang.

Sôang tự do thường xuất hiện giữa các khoảng trống trong nghi lễ ăn trâu mừng lúa mới, lễ bỏ mả... khi đội sôang Tung tai tạm nghỉ. Lúc này dàn trống, chiêng tiếp tục hoạt động, kéo mọi người rời các ghè rượu cần ra sân nhảy múa. Họ liên kết thành cặp, thành nhóm, hoặc một mình khi đã say. Sôang tự do phần nào phản ánh được hoàn cảnh người tham gia. Người có cuộc sống yên bình, no đủ thường thể hiện niềm vui khi múa, nắm tay nhau dàn hàng ngang, người nghiêng ngả, mỗi bước một lần nhún giật, tay vung vẩy những dải hơ đrui. Người không may thường múa để nhớ về quá khứ tươi đẹp. Có người đứng một chỗ nhún nhảy, xoay người, sát hai còng tay vào nhau, vào thắt lưng. Kẻ vừa đi uốn éo vừa múa tay, người múa ngồi nghiêng ngả, người khác lại vỗ tay một mình...

Sôang của người Gia Rai luôn gắn với nhạc cụ và mang đặc điểm giới

Trong nghệ thuật sôang của người Gia Rai nói riêng và người Tây Nguyên nói chung đều gắn với các nhạc cụ, như trống, chũm chọe, đặc biệt là chiêng (chinh) bởi “người đánh chiêng phải hay, phải giỏi thì mới mang lại cảm xúc cho người múa sôang múa hay, múa đẹp được” (8). Có những hình thức sôang như Kdung khắc, một số kiểu sôang tự do không có nhạc đệm hoặc nhạc đệm riêng, nhưng trên thực tế nhạc chiêng vẫn chi phối. Nhạc chiêng có nhiều bài khác nhau, mỗi nhóm Gia Rai lại có những bài chiêng riêng. Nhìn chung, bản nhạc chiêng nào cũng có thể dùng làm nhạc đệm cho múa bởi giai điệu mượt mà, nhịp điệu rành mạch và nhịp sôang được điều chỉnh theo nhịp chiêng. Nhạc chiêng dùng cho sôang Tung tai ăn trâu, Khiêl, Kdung khắc có âm điệu hùng tráng, tiết tấu nhanh; nhạc chiêng dùng cho sôang tang lễ (Bơ xát, Pơ thi) có âm điệu sâu lắng, tiết tấu chậm rãi, buồn bã như tiếng khóc than thương tiếc người đã khuất; nhạc chiêng dùng cho sôang Vỗ tay có tiết tấu trung bình, âm diệu nhẹ nhàng; nhạc chiêng dùng cho sôang Tung tai cải tiến có âm điệu vui tươi, sôi nổi, tiết tấu nhanh... Trong các lễ thức cúng Yang hoặc tang lễ, sau khi trình diễn các điệu sôang nghi lễ, các đội nhạc chiêng, sôang thường chơi đan xen các bản nhạc vui, như lên rẫy, hái lá… của loại hình sôang Vỗ tay.

Sôang Gia Rai mang đặc điểm giới rất rõ nét. Loại hình sôang dành cho nữ giới thì nhẹ nhàng, uyển chuyển như sôang Vỗ tay, Vuốt tranh... trong khi sôang dành cho nam giới lại thể hiện sự mạnh mẽ, nam tính như: sôang Khiêl, Kdung khắc... Múa Khiêl diễn ra xung quanh con trâu bị cột ở cây nêu (còn gọi là múa “xây cột”). Các chàng trai khi múa Khiêl thường buộc khăn đỏ, thả hai đuôi khăn xuống trước trán, mặc áo blo, đóng khố kơ tếch, tay trái cầm khiên, tay phải cầm kiếm. Động tác múa được cách điệu và biến hóa từ những thao tác chiến đấu như xoay khiên, gạt kiếm của đối phương, nhảy tới, nhảy lui, múa ngồi, lăn khiên. Để thử tài các chàng trai, các cô gái té nước và người múa phải dùng Khiêl đỡ, ai múa giỏi thì người vẫn khô, ai vụng múa quần áo ướt sũng và bị chê cười (9).

Sôang hiện diện trong mọi khía cạnh đời sống tinh thần người Gia Rai

Có thể thấy sôang luôn hiện hữu trong mọi khía cạnh của đời sống tinh thần người Gia Rai, trong nghi lễ vòng đời, trong các mùa lúa, mùa lễ hội. “Họ nhảy múa trong những ngày lễ hội truyền thống của buôn làng, như: hội mừng lúa mới, mừng sức khỏe, hội đâm trâu cộng đồng, hội bỏ mả (pơ thi), trong đám cưới, đón khách quý... Họ nhảy múa trước nhà Rông, ngoài bến nước, bên nhà mồ ở nghĩa địa phía tây của làng... Sau khi ra đời, từ tuổi thứ 3 đứa trẻ đã bắt đầu hát, lên 5 bắt đầu nhảy múa. Và trong hành trình cuộc đời, họ tham gia nhảy múa cho đến khi nhắm mắt xuôi tay mới thôi” (10). Bởi vậy, trong plơi cứ có nghi lễ, có tiếng cồng chiêng vang lên là có vũ điệu sôang. Những điệu sôang được thực hiện trong phần nghi lễ gọi là sôang nghi thức có nội dung nhất định đối với từng nghi lễ và sau đó là sôang tự do với sự tham gia tùy hứng và trình diễn kĩ thuật cá nhân của các thành viên trong cộng đồng.

Trong nghi lễ chu kỳ đời người của người Gia Rai cũng như cư dân Tây Nguyên thì chiêng và sôang “gắn với niềm vui, nỗi buồn của các cộng đồng tộc người ở trên núi, từ lễ “thổi tai” mời thần linh và cộng đồng chứng giám sự ra đời của đứa bé đến tiếng chiêng “mong” dẫn linh hồn ngươi chết về thế giới bên kia” (11). Đặc biệt, trong lễ bỏ mả người Gia Rai vẫn lưu giữ và trình diễn những tinh túy nhất của nghệ thuật chiêng sôang. Những điệu múa đó gợi cho linh hồn người chết nhớ lại cuộc sống sinh hoạt thường ngày, những cuộc đưa tiễn, chia ly và tái sinh. Các cô gái vuốt dọc những tua áo hdrui nhiều màu, cả thân hình chuyển động nhịp nhàng theo nhịp chiêng chậm rãi.

Sôang Gia Rai cũng gắn liền với nghi lễ nông nghiệp, đặc biệt là lễ mừng lúa mới, được tổ chức vào khoảng tháng 10, 11 âm lịch hằng năm, khi mùa màng đã xong, lúa đã vào kho để tạ ơn thần linh, đặc biệt là thần lúa (Yang Hri) đã ban cho dân làng mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no và cầu xin thần linh tiếp tục phù hộ cho dân làng mùa sau thắng lợi. Sau phần lễ cúng Yang ở rẫy lúa, chòi lúa và nhà chủ lúa là phần hội, mọi người vừa uống rượu cần, vừa hòa mình vào tiếng cồng chiêng và các điệu sôang. Trong lễ mừng lúa mới thì sôang Vỗ tay, sôang Vuốt tranh là những điệu múa chính.

Bên cạnh đó, người Gia Rai còn tổ chức các lễ hội cộng đồng, như lễ tẩy uế, lễ cúng xả xui, lễ cúng thần sấm, lễ cúng bến nước, lễ cầu mưa... Lễ cầu mưa là một trong những nghi lễ cộng đồng quan trọng của người Gia Rai, được thực hiện vào khoảng tháng 4, tháng 5 dương lịch khi thời tiết đang hạn hán để cầu mong thần linh mang mưa về cho dân làng canh tác, mong một mùa bội thu, no đủ. Sau phần nghi lễ được tổ chức ở nhà rông, bên bờ suối thì lễ hội được kết thúc bằng màn trống, chiêng, sôang nhịp nhàng, rộn rã cho đến khi mặt trời lặn.

Sôang tái hiện lại cuộc sống thường nhật, là cầu nối giữa con người với thần linh, giữa quá khứ với tương lai

Sôang là sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa tiêu biểu của người Tây Nguyên nói chung, người Gia Rai nói riêng. Nghệ thuật sôang dù được diễn ra trong những dịp khác nhau nhưng mỗi động tác đều trực tiếp hay gián tiếp mô phỏng, tái hiện đời sống thường nhật của đồng bào. Từ các hoạt động đi đứng, phát đốt, chọc, trỉa (sôang Tung tai, Vỗ tay, Vuốt tranh...) đến săn bắn, hái lượm, chiến đấu (sôang Khiêl), các hoạt động tín ngưỡng, vui chơi giải trí (sôang Khiêl, Kdung khắc, Tung tai...) thậm chí cả tình cảm yêu ghét, thân phận giàu nghèo, sướng khổ cũng được đưa vào các điệu sôang (sôang tự do, Kdung khắc...). Khi trình diễn, các điệu sôang cũng luôn chuyển biến, từ nhẹ nhàng, uyển chuyển sang nhiệt tình, hồ hởi, đôi khi là trầm lắng, u buồn...

Sôang Gia Rai mang tính cộng đồng cao, ai cũng có thể tham gia. Vòng sôang là biểu tượng sức mạnh đoàn kết của cộng đồng, luôn chiến thắng trước thiên tai, dịch bệnh và kẻ thù. Trong cuộc sống thường ngày, vòng sôang là sự nâng đỡ, che trở, bao bọc các thành viên trong cộng đồng, nhất là những số phận bất hạnh, mồ côi, yếu thế trong buôn làng.

Như trên đã trình bày, đời sống hiện hữu của sôang luôn gắn với cồng chiêng và các nghi lễ, lễ hội nên sôang cũng là một phương thức để con người giao tiếp với thần linh, là nghi thức mời thần linh về dự lễ hội và phù hộ cho buôn làng. Từng vòng sôang diễn ra trước nhà Rông hoặc quanh cột đâm trâu, vận hành theo vòng quay của vũ trụ, của mặt trời, của vòng đời người: đội hình sôang xếp hình vòng tròn hướng tâm quanh cột nêu, di chuyển ngược chiều kim đồng hồ, theo hướng mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn, từ phương của sự sống (phía đông) sang phương của cái chết và thế giới tổ tiên (phía tây)...

Những điệu sôang của người Gia Rai còn là sự hiện diện của dòng chảy lịch sử từ quá khứ đến tương lai. Xét về hình thức, sôang Khiêl là loại múa võ trang có lịch sử xa xưa nhất còn tồn tại đến ngày nay trong diễn xướng nghi lễ, thể hiện tinh thần thượng võ, tài năng và lòng dũng cảm của các chàng trai Gia Rai. Điệu múa này đã được các già làng miêu tả khi kể khan trong trường ca Xinh Chơ Ngă: đó là điệu múa khiên dũng mãnh của anh hùng thần thoại Xinh Chơ Ngă: những bước nhảy của chàng, “cao hơn ngọn cây”, “cao hơn cánh chim bay”, “cao quá nguồn mưa gió” (12), đã làm cho Jơ Rơ Bú khiếp sợ. Cấu trúc hệ thống động tác múa Khiêl dường như còn giữ nguyên trạng những kĩ thuật chiến đấu cá nhân của các chiến binh Gia Rai bảo vệ buôn làng trước sự tấn công của kẻ thù. Ngày nay, sôang Khiêl được sử dụng như một nghi thức của lễ ăn trâu. Trước khi múa, người chỉ huy làm lễ cúng Yang, các võ sĩ xếp hàng tại nhà Rông để ăn thuốc Chrek-Chrul (thuốc anh hùng để tăng sức mạnh), phải trải qua một bài kiểm tra tài năng và kĩ thuật. Xong nghi thức này các dũng sĩ tỏa ra quanh cột nêu, biểu diễn kĩ thuật giao đấu và tự vệ theo điệu chiêng Arap.

Sôang là loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo được đồng bào Gia Rai sáng tạo và lưu truyền đến ngày nay, là giá trị văn hóa tiêu biểu góp phần hình thành bản sắc văn hóa tộc người. Đối với họ, sôang không đơn thuần là một loại hình nghệ thuật dân gian mang tính giải trí mà nó còn là một nghi thức quan trọng trong các lễ hội, là cách thức để con người kết nối với thế giới tâm linh. Không những thế, người Gia Rai còn phải biết sôang để hoà nhập, kết nối với cộng đồng cũng như bày tỏ ý chí, tình cảm, ước vọng của đồng bào về một cuộc sống ấm no, yêu thương và đoàn kết. Với sự đa dạng về hình thức và giai điệu, sôang đã phản ánh khả năng sáng tạo nghệ thuật tuyệt vời cũng như khẳng định vai trò của nó trong đời sống tinh thần người Gia Rai nói riêng và người Tây Nguyên nói chung.

2. Giá trị của nghệ thuật Sôang Gia Rai

Giá trị lịch sử: Sôang là những sáng tạo tập thể, xuất hiện trong sinh hoạt văn hoá của buôn làng Gia Rai ở những thời kỳ khác nhau trong lịch sử tộc người. Qua các hình thức sôang còn lưu truyền tới ngày nay, có thể nhận ra những dấu ấn của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội Gia Rai trong quá khứ cho đến hiện nay. Tung tai cổ còn bảo lưu dấu vết thờ mặt trời của cư dân nông nghiệp cổ. KhiêlKdung khắc gợi nhớ hình ảnh các chiến binh xưa trong đấu tranh bảo vệ cộng đồng. Vỗ tay, Vuốt tranh phản ánh đời sống lao động, sinh hoạt thường ngày, Tung tai cải tiến mang hơi thở của nhịp sống mới trên cao nguyên. Thậm chí có người tìm trong sôang Gia Rai những gợi mở để giải mã các hình ảnh múa trên hoa văn trống đồng Đông Sơn của người Việt cổ cũng như tìm hiểu về vai trò của nhảy múa và các hình thức nhảy múa trong thời kì săn bắt, hái lượm.

Giá trị nghệ thuật: Có thể thấy, những động tác và điệu bộ trong các hình thức sôang của người Gia Rai được thiết kế dựa trên những vận động tự nhiên của con người trong sinh hoạt và lao động sản xuất: co, duỗi, nâng lên, hạ xuống, đưa ra trước, kéo vào trục thân, kiễng gót, nhún chùng gối, bước sang phải, sang trái... Trong sôang rất ít các vận động quay tròn (trừ người đánh trống) và các động tác chi tiết của bàn tay, ngón tay, nhưng khi xử lý các vận động nói trên, người Gia Rai đã tạo ra những điểm nhấn trong sự phối hợp hài hoà giữa các động tác tay và chân. Đó là cách nhún bật gối, những bước đi rung, nẩy thân hình trên đôi bàn chân kiễng gót, những cái giật khuỷu tay có lực. Đây là những đặc trưng khiến sôang Gia Rai có những khác biệt so với sôang của các dân tộc ở Tây Nguyên mặc dù chúng có rất nhiều điểm tương đồng.

 Nghệ thuật sôang Gia Rai có ngôn ngữ động tác đơn giản, dễ bắt chước, nhưng lại biểu lộ năng lực tổ chức không gian mang hiệu quả cao, có sức biểu đạt sâu tình cảm và tư tưởng con người. Trong những lễ hội lớn, các nghệ nhân Gia Rai đã phô diễn khả năng thiết kế không gian múa vừa có vẻ đẹp hoành tráng, vừa có chiều sâu, nhiều lớp, nhiều hình khối không trùng lặp, tính từ vòng tròn lớn bên ngoài vào trung tâm (cây nêu). Đây là ngôn ngữ sôang đặc sắc bởi sự phong phú về kiểu dạng, hình khối chuyển động, đa ngôn ngữ và tương tác hài hòa.

Giá trị xã hội: Trong xã hội Gia Rai, sôang có vai trò rất lớn trong đời sống cá nhân và cộng đồng. Nhịp sống trên cao nguyên ngoài thời gian diễn ra nghi lễ, lễ hội còn lại khá trầm lắng. Vào mùa mưa, người dân tập trung canh tác trên nương rẫy, đến mùa khô cũng là lúc nông nhàn, họ đan lát, dệt vải, làm gốm, tham gia trao đổi và thăm thú đó đây. Đây cũng là thời gian dành cho các sinh hoạt văn hóa cá nhân và cộng đồng. Thanh niên thường tập trung tại nhà rông để nghe kể khan hoặc hát đối đáp, chơi nhạc cụ cá nhân hoặc tìm nơi tình trai gái. Lúc này, các plơi thường tổ chức lễ hội và chiêng, sôang được trình diễn, nó đã trở thành những phương tiện kết nối cộng đồng cũng như thể hiện sức mạnh của plơi trước các sự kiện quan trọng, như: mừng mùa, mừng chiến thắng kẻ thù, mừng các thành viên mới trưởng thành, tiễn biệt các linh hồn về thế giới các Atâu...

Giá trị văn hóa: Vì sôang có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của cộng đồng, nên trải qua thời gian nghệ thuật sôang vẫn được người Gia Rai trân trọng gìn giữ và không ngừng bồi đắp những sáng tạo mới. Nó đã trở thành một di sản văn hóa tiêu biểu của tộc người, bởi nói đến văn hóa Gia Rai không thể không nhắc đến sôang. Đây không chỉ là một loại hình nghệ thuật dân tộc truyền thống mà còn thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan, là biểu tượng của văn hóa tộc người tiêu biểu, là cầu nối giữa quá khứ - hiện tại - tương lai.

 Trên cả bốn bình diện (lịch sử, nghệ thuật, xã hội, văn hóa), các giá trị của sôang đã và đang phát huy giá trị trong cuộc sống cộng đồng người Gia Rai. Hiện nay, các sáng tạo truyền thống của người Gia Rai đã và đang được bảo tồn, phát huy, góp phần làm phong phú cuộc sống tinh thần của đồng bào và quảng bá các giá trị của nghệ thuật Việt Nam ra thế giới. Năm 2003, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO ghi danh là kiệt tác của nhân loại (nay được gọi là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại), trong đó nghệ thuật sôang Gia Rai là một thành tố quan trọng làm nên văn hóa cồng chiêng, góp phần khẳng định các giá trị nhân loại của văn hóa cồng chiêng. Sôang đã và đang đi vào đời sống văn hóa thế giới.

3. Kết luận

Sôang là kiệt tác của người Gia Rai nói riêng và của người Tây Nguyên nói chung. Nó có mặt rất sớm trong sinh hoạt cộng đồng, có quá trình phát triển lâu dài, gắn liền với lễ hội, âm nhạc, mỹ thuật và phong tục tập quán, tín ngưỡng của tộc người. Sôang góp phần gắn kết cộng đồng, phản ánh năng lực sáng tạo nghệ thuật, tâm hồn phong phú và những khát vọng của con người trong cuộc sống.

Sôang Gia Rai rất phong phú về loại hình và môi trường diễn xướng, trở thành di sản văn hóa nghệ thuật có giá trị nhiều mặt trong cuộc sống người Gia Rai nói riêng và của nghệ thuật múa dân tộc Việt Nam nói chung. Những năm gần đây, nghệ thuật biểu diễn truyền thống Gia Rai nói chung và sôang nói riêng có nhiều biến đổi do bị tác động bởi các yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Các thế hệ trẻ ít tham gia các sinh hoạt văn hóa truyền thống, như nhảy, múa, hát, đánh cồng chiêng, nghe kể khan... Các nghệ nhân có tâm huyết với nền văn hóa truyền thống ngày càng thưa dần, nguy cơ mai một luôn hiện hữu. Vì vậy, để bảo tồn và lưu giữ các giá trị văn hóa của nghệ thuật sôang cần phải có những chính sách cần thiết và phù hợp để sôang thực sự sống trong cộng đồng Gia Rai, sống trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, cũng như biến nó trở thành một nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững tộc người thông qua các hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm văn hóa.

__________________

1. Tổng cục Thống kê, Kết quả toàn bộ tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Nxb Thống kê, 2020, tr.53.

2. Theo thống kê năm 2019, người Gia Rai ở Gia Lai chiếm hơn 90% (459.738 người) tổng số người Gia Rai ở Tây Nguyên (506.372 người).

3, 5, 7, 9, 10, 12. UBND tỉnh Gia Lai, Địa chí Gia Lai, Nxb Văn hóa dân tộc, 1999, tr.619, 632, 625, 624-625, 619, 624.

4. Theo truyền thống của người Gia Rai, chiêng và sôang chỉ được sử dụng khi tiến hành các lễ thức cúng thần linh. Vô cớ nổi nhạc cồng chiêng sẽ làm kinh động đến các Yang và có thể gặp bất trắc. Do vậy, việc sử dụng cồng chiêng để vui chơi, giải trí thuần túy bị luật tục nghiêm cấm.

6. Lâm Tô Lộc, Xoang trên cao nguyên, Tạp chí Dân tộc và thời đại, số 74, 1-2005.

8. Liễu Hạnh, Vũ điệu xoang, baokontum.com.vn, 9-2-2015.

11. Phạm Đức Dương, Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống Tây Nguyên, Tạp chí Di sản văn hóa, 2006, số 4 (17), tr.49.

Ths ĐẶNG TRẦN HIẾU

Nguồn: Tạp chí VHNT số 545, tháng 9-2023

;