Nhân dịp đến với huyện Thọ Xuân chuẩn bị đón Bằng công nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, đoàn công tác của chúng tôi về với làng Xuân Phả (xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) và trực tiếp được nghe, được xem, thưởng thức một trò diễn đặc sắc và độc đáo, phải nói là “có một không hai” do các nghệ nhân Đoàn nghệ thuật Truyền thống Xuân Phả biểu diễn ngay tại chốn linh thiêng của làng - Nghè thờ Thần Hoàng làng (Nghè Xuân Phả).
Nói đến làng Xuân Phả không ai là không nghĩ tới trò Xuân Phả. Với những giá trị đặc sắc, độc đáo của tích trò, trò Xuân Phả đã vượt khỏi không gian của một làng để có mặt ở nhiều sự kiện văn hóa lớn của tỉnh Thanh Hóa và trong cả nước. Tháng 9-2016, trò Xuân Phả đã được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là viên ngọc quý trong kho tàng lịch sử dân tộc Việt Nam. Hiện nay, Đoàn nghệ thuật Truyền thống Xuân Phả là đoàn nghệ thuật duy nhất biểu diễn được trò Xuân Phả cổ tại xã Xuân Trường.
Trưởng Đoàn nghệ thuật Truyền thống Xuân Phả, nghệ nhân Bùi Văn Hùng - người đánh trống
Theo nghệ nhân Bùi Văn Hùng, Trưởng Đoàn nghệ thuật Truyền thống Xuân Phả cho biết, múa Xuân Phả là một bộ môn nghệ thuật trình diễn dân gian có giá trị đặc sắc trong kho tàng văn hóa của dân tộc Việt Nam. Theo truyền thuyết kể rằng: trò Xuân Phả có từ lâu đời, vào đầu thế kỷ thứ X, gắn với việc Thần Hoàng làng Xuân Phả giúp Vua Đinh dẹp loạn 12 sứ quân, đưa đất nước trở lại thanh bình. Để tỏ lòng biết ơn Thần Hoàng làng Xuân Phả, Vua đã tổ chức lễ hội ăn mừng tại miếu thờ Thần Hoàng làng Xuân Phả và ban cho nhân dân làng Xuân Phả 5 điệu múa bao gồm: Chiêm Thành, Hoa Lang, Ngô Quốc, Ai Lao và Lục Hồn Nhung (Tú Huần), các điệu múa được gọi là “Ngũ Quốc lân bang đồ tiến cống". Đây là một trong những điệu múa vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính văn hóa cao trong cộng đồng dân cư. Nhân dân làng Xuân Phả đã gìn giữ, truyền từ đời này qua đời khác và lưu truyền tới ngày hôm nay.
Trò Chiêm Thành mô phỏng việc nước Chiêm Thành đến tiến cống vua đất Việt
Mở đầu chương trình là điệu múa trò Chiêm Thành: Đây là điệu múa mô phỏng việc nước Chiêm Thành đến tiến cống vua đất Việt. Điệu múa không có lời hát, nhưng mang đậm nét dân gian rất riêng biệt, trò múa lôi kéo, cuốn hút người xem vào nội dung câu chuyện trong nhịp trống thậm thình và tài hoa của người vũ công.
Trò Hoa Lang diễn tả cảnh thanh bình, trù phú
Trò Hoa Lang diễn tả cảnh thanh bình, trù phú và cuộc sống đầy nhân văn của một miền cư dân lúa nước. Nội dung lời hát của trò Hoa Lang: Trò tôi ở bên Hoa Lang/ Tôi nghe Đức Chính tôi sang chèo chầu/ Khoan là khoan, chúc mừng văn võ thăng quan từ rầy/ Chúng tôi mừng cả 7 thôn/ Mở tiệc khôi hài vui thật là vui/ Hay là hay, mấy khi vui vẻ thế này chèo chơi/ Chúng tôi hát chúc đã rồi/ Nay xin đánh trống chèo chơi Huê tình/ Xinh là xinh, mỗi năm làm cuộc sân đình chèo chơi/ Từ ngày anh chống thuyền vào/ Mặt em hớn hở như đào trên cây/ Từ ngày anh chống thuyền ra/ Mặt em rười rượi như hoa gãy cành/ Dô huậy dô! Ta nghe tiếng hô ta đẩy thuyền ra.
Cũng như trò Chiêm Thành, trò Ai Lao mô phỏng việc nước Ai Lao sang tiến cống vua đất Việt. Trò Ai Lao còn vẽ nên bức tranh những nét đặc sắc trong sinh hoạt lao động, sản xuất của người Ai Lao thời xa xưa.
Trò Ai Lao thể hiện những nét đặc sắc trong sinh hoạt lao động, sản xuất của người Ai Lao xưa
Trò Ngô Quốc vui nhộn với các động tác ngẫu hứng của ông Lang, ông thầy địa lý và cả người bán kẹo rong... Trò diễn không chỉ bằng động tác của người vũ công mà còn bằng tiếng hát (lời cổ): Một đêm có năm trống canh/Têm trầu cuốn thuốc cùng anh trong nhà/ Năm trống canh anh ngủ có ba/ Còn hai canh nữa anh ra trông trời/ Gió tăm tắp buồm chạy ra khơi... Mưa đâu chớp đấy cho cam/ Mưa qua Thành Lạng chớp ngàn mây xanh/ Anh khuyên em bốn chữ dành dành/ Có thân thời giữ cháy thành vạ lây/ Đừng có trách quở anh đây...
Trò Ngô Quốc vui nhộn với các động tác ngẫu hứng
Trò Tú Huần theo truyền thuyết là điệu múa của nhân dân bộ tộc ở Cao ly – Triều Tiên, điệu múa này thể hiện cảnh sinh hoạt trong một gia đình có nhiều thế hệ, các nghệ nhân đeo mặt nạ miêu tả cụ, ông, bà và những người con, trong đó có con nhiều tuổi và con ít tuổi, được thể hiện trên hàm răng của mặt nạ nghệ nhân biểu diễn. Bên cạnh đó trò Tú Huần còn được biểu diễn cùng bài hát lời cổ: Tú huần là tú huần ta/ Sớm dậy rửa mặt cài hoa ăn trầu/ Tú huẩn kia hỡi tú huần/ Mẹ đi đánh trống lấy phần con ăn/ Huê tình kia hỡi Huê tình/ Yêu kẻ một mình ghét kẻ có đôi...
Trò Tú Huần với những chiếc mặt nạ thể hiện độ tuổi theo hàm răng được vẽ
Chia sẻ về việc bảo tồn và phát huy di sản trò Xuân Phả, nghệ nhân Bùi Văn Hùng cho biết, các tích trò khi được diễn trong chương trình lớn, dù có số lượng đông nhưng động tác vẫn phải giữ được nguyên bản của tích trò, và múa trên cùng một nền nhạc, chỉ có hình khối đội hình có thể thay đổi để đáp ứng được với yêu cầu của chương trình đề ra. Nghệ nhân cũng cho biết thêm, các tích trò khi biểu diễn của đoàn phải giữ được đặc trưng nguyên bản của tích trò cổ, vừa là bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa của trò Xuân Phả, cũng nhằm đáp ứng nhu cầu của đông đảo du khách muốn xem tích cổ của trò Xuân Phả là gì, cái gốc của trò là cái gì, đó là điều quan trọng nhất.
Bài, ảnh: THANH DANH