Chiều 25-11, tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo
Điều hành nội dung Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh: Lĩnh vực quảng cáo được xác định là 1 trong 12 ngành công nghiệp văn hóa của nước ta, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế.
Trong giai đoạn hiện nay, hoạt động quảng cáo đang có sự dịch chuyển từ quảng cáo trên các phương tiện truyền thống như quảng cáo ngoài trời, quảng cáo trên báo chí sang quảng cáo trên không gian mạng. Sự phát triển mạnh mẽ của quảng cáo trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ một cách dễ dàng, nhanh chóng; đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý nhà nước.
Nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, quan điểm của Đảng, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Quảng cáo hiện hành, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã rất tâm huyết, trách nhiệm trong nghiên cứu, xây dựng và thẩm tra dự án luật. Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhiều lần cho ý kiến về dự án luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, tại phiên thảo luận Tổ đã có 86 lượt ý kiến phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội. “Đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục tập trung thảo luận về 5 vấn đề gợi ý thảo luận đã nêu trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm” – Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Nên để cơ quan báo chí tự quyết định diện tích quảng cáo theo nhu cầu bạn đọc và nhu cầu của thị trường
Thảo luận tại Hội trường, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) tán thành với Ban soạn thảo về việc bổ sung quy định yêu cầu về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt đã nêu trong dự thảo Luật. Tuy nhiên trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nếu có vấn đề phát sinh thêm các loại quảng cáo hàng hóa khác thì đề nghị giao cho Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể nội dung này.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị để cơ quan báo chí tự quyết định diện tích quảng cáo theo nhu cầu bạn đọc và nhu cầu của thị trường
Về quảng cáo trên báo in, đại biểu cho rằng, hiện nay thị phần quảng cáo trên báo in giảm mạnh, việc điều chỉnh diện tích quảng cáo trên báo in sẽ giải quyết căn bản khó khăn cho các cơ quan báo chí trong việc thực hành tự chủ tài chính. Vì vậy, đại biểu đề nghị nghiên cứu phương án lược bỏ các quy định giới hạn về tỉ lệ diện tích quảng cáo trên báo, tạp chí truyền thống để cơ quan báo chí tự quyết định diện tích quảng cáo theo nhu cầu bạn đọc và nhu cầu của thị trường.
Về quảng cáo trên báo nói, báo hình, đại biểu đề nghị đánh giá tác động chính sách nhằm tăng tính thuyết phục để quảng cáo trên truyền hình tăng từ 5-10%, đồng thời cần xem xét quảng cáo trong thời điểm nào cho phù hợp.
Liên quan đến quảng cáo trên mạng, “hiện nay có những hình ảnh, sản phảm quảng cáo không phù hợp với thực tế cuộc sống. Do đó, cần quan tâm hơn nữa đến quảng cáo trên mạng, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo (gồm cả trên mạng, trên phim ảnh, truyền hình, trên báo) cần chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo của mình và sản phẩm mà mình đang quảng cáo. Đồng thời cần quy định rạch ròi, cụ thể những đối tượng chịu trách nhiệm cụ thể về hành vi quảng cáo” – đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Về cấp phép xây dựng công trình quảng cáo, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, quy định này là cần thiết nhưng cần có sự thống nhất với Luật Xây dựng, Luật Đường bộ.
Cần quy định chi tiết hóa các nội dung quảng cáo nhắm vào trẻ em
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) nhấn mạnh về vấn đề bảo vệ trẻ em trước quảng cáo, đặc biệt quảng cáo trên mạng xã hội.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) nhấn mạnh về vấn đề bảo vệ trẻ em trước quảng cáo, đặc biệt quảng cáo trên mạng xã hội.
Theo đại biểu, quảng cáo trên mạng rất đa dạng và khó kiểm soát, đặc biệt quảng cáo hiển thị trên các trang web không chính thức, các nhà quảng cáo luôn tìm kiếm những cách thức mới để thu hút sự chú ý của trẻ em. Đôi khi vượt quá giới hạn cho phép của pháp luật. “Nhiều phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ tác hại của quảng cáo đối với trẻ em dẫn đến việc không có sự giám sát chặt chẽ. Vì vậy, đề nghị cần quy định trong dự thảo Luật về việc bổ sung định nghĩa rõ ràng về quảng cáo nhắm vào trẻ em, bao gồm cả quảng cáo trực tiếp và quảng cáo gián tiếp” – đại biểu Trịnh Tú Anh nhấn mạnh.
Đại biểu cho rằng, cần quy định chi tiết hóa các nội dung quảng cáo nhắm vào trẻ em, tăng cường các biện pháp xử phạt đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định. Xây dựng một cơ chế giám sát hiệu quả để phát hiện và xử lý các vi phạm. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế với các quốc gia khác để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm; cùng nhau xây dụng các tiêu chuẩn chung về quảng cáo nhắm vào trẻ em trên các nền tảng xuyên biên giới.
Về thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền, đại biểu đề nghị giữ nguyên quy định của Luật hiện hành với thời lượng là 5%. Mặc dù việc tăng thời lượng quảng cáo có thể mang lại lợi nhuận lớn hơn cho nhà đài, tuy nhiên đồng nghĩa với việc nhà tiêu dùng phải đối mặt với nhiều phiền toái và bất tiện hơn.
Cần cân nhắc quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo
Bày tỏ tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo hiện hành, đồng thời đại biểu Sùng A Lềnh (Lào Cai) cho rằng, để hoàn thiện dự thảo Luật, cần cân nhắc quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo...
Đại biểu Sùng A Lềnh (Lào Cai) cho rằng, để hoàn thiện dự thảo Luật, cần cân nhắc quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo
Về quảng cáo trên mạng, đại biểu tán thành bổ sung quy định cụ thể những yêu cầu mà hoạt động quảng cáo trên mạng và người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, người phát hành quảng cáo ở trong nước và ngoài nước tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng phải tuân thủ. Đại biểu cho rằng, những quy định này sẽ góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý hoạt động quảng cáo trên mạng thời gian qua…
Cùng với đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định cụ thể hơn đối với hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam. Theo đại biểu, việc quảng cáo xuyên biên giới có tính đặc thù, đòi hỏi phải được kiểm soát chặt chẽ hơn, nhất là với quảng cáo về thực phẩm dược, hóa chất, đặc biệt là hóa chất độc hại, nguy hiểm.
Ngoài ra, đại biểu cho biết, một số nền tảng xem video trực tuyến như YouTube, Facebook đang chèn quảng cáo một hoặc nhiều lần trong quá trình xem video, nhưng người xem không thể tắt quảng cáo nếu chưa hết thời lượng video quảng cáo được chèn. Đại biểu đề nghị nghiên cứu để có quy định điều chỉnh trường hợp này, không tạo lỗ hổng pháp lý đối với hoạt động quảng cáo trên nền tảng xem video trực tuyến, tạo sự bất bình đẳng giữa hoạt động quảng cáo trên các nền tảng này với các hoạt động quảng cáo trên các kênh khác.
Bộ VHTTDL sẽ phối hợp chặt chẽ với Cơ quan chủ trì thẩm tra để tiếp tục hoàn thiện và đảm bảo chất lượng của dự thảo Luật
Phát biểu giải trình tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng bày tỏ cảm ơn các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về Luật Quảng cáo và sẽ nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến hợp lý…
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu giải trình tại phiên thảo luận
Khẳng định lĩnh vực quảng cáo là lĩnh vực khó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, so với Luật Quảng cáo hiện hành, dự thảo Luật có nhiều điểm mới, trong đó đặc biệt có nội dung về quảng cáo trên không gian mạng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, sẽ chưa thể lường hết được hình thức quảng cáo này sẽ phát triển như thế nào trong bối cảnh khoa học công nghệ đang phát triển nhanh như vũ bão hiện nay.
Bộ trưởng nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật, việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là một yêu cầu lớn. Bên cạnh đó cũng phải đáp ứng được cả yêu cầu hội nhập…
Đối với các góp ý của đại biểu Quốc hội liên quan đến giải thích từ ngữ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp thu, nghiên cứu lại để đảm bảo các quy định được dễ hiểu, dễ thực hiện. Liên quan đến quy định về quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết sẽ tính toán lại và đề xuất quy định giao Chính phủ hướng dẫn.
Về quảng cáo trên báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết sẽ làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo chí lớn để nghiên cứu các nội dung liên quan nhằm đảm bảo quyền lợi của các cơ quan báo chí.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, Bộ VHTTDL sẽ phối hợp chặt chẽ với Cơ quan chủ trì thẩm tra để tiếp tục hoàn thiện và đảm bảo chất lượng của dự thảo Luật.
Đa số đại biểu Quốc hội đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra trong chuẩn bị hồ sơ dự án luật
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, qua thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra trong chuẩn bị hồ sơ dự án luật; kịp thời báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thảo luận tại tổ của các vị đại biểu Quốc hội ngay trong Kỳ họp thứ 8. Các ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu rất sôi nổi, tâm huyết, trách nhiệm, đi thẳng vào vấn đề, với tinh thần trách nhiệm cao, làm cơ sở chính trị hoàn thiện dự thảo luật cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu kết luận Phiên thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, các ý kiến phát biểu cơ bản tán thành, thống nhất về sự cần thiết sửa đổi một số điều của Luật Quảng cáo và bày tỏ kỳ vọng luật sẽ được sửa đổi, bổ sung với quan điểm và cách thức quản lý mới, góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có ngành Quảng cáo, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Quảng cáo hiện hành, góp phần xây dựng thị trường quảng cáo ở Việt Nam phát triển phù hợp với xu thế phát triển chung của quảng cáo trên thế giới.
Nhiều đại biểu nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm tính đồng bộ, tương thích, khả thi giữa dự thảo luật với các luật chuyên ngành một số quy định của luật cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng trên cơ sở bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, trách nhiệm của người tiêu dùng của doanh nghiệp, của công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực quảng cáo, như quy định về diện tích quảng cáo trên báo in, thời lượng quảng cáo trên báo hình, trên phim truyện, cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo…
Về quảng cáo trên không gian mạng, nhiều đại biểu nhấn mạnh đây là một trong những nội dung sửa đổi quan trọng để đảm bảo phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới, khắc phục những tồn tại, hạn chế và quảng cáo, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của hoạt động quảng cáo trên mạng, trên các nền tảng xuyên biên giới, tạo điều kiện tốt hơn cho hoạt động quảng cáo phát triển.
Nhiều đại biểu cơ bản tán thành với việc bổ sung khái niệm quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, trong đó có người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng; đồng thời đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ ràng hơn, tách biệt giữa người chuyển tải sản phẩm quảng cáo thông thường và người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng.
Đại biểu cũng quan tâm cho ý kiến đối với yêu cầu về nội dung quảng cáo sản phẩm hàng hóa dịch vụ đặc biệt; đồng thời một số ý kiến cho rằng không nên liệt kê các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đặc biệt như trong dự thảo luật, vì các sản phẩm trên sẽ thay đổi theo từng thời điểm, mà nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết, để phù hợp với tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật hiện nay và phù hợp với đặc điểm của Luật Quảng cáo…
“Ngay sau kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội trường hôm nay và các ý kiến phát biểu thảo luận tại Tổ, để xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến các vị đại biểu Quốc hội hoàn chỉnh dự thảo luật để báo cáo tại kỳ họp tới” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh.
NGỌC BÍCH - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội