Thêu dệt thổ cẩm là một trong những nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời của người Nùng U xã Nấm Dẩn, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang. Đến nay, nghề thêu dệt thổ cẩm vẫn được gìn giữ, phát triển, góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống của đồng bào nơi đây.
Xín Mần là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Hà Giang, cách trung tâm thành phố 150km. Vùng đất này có 16 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó dân tộc Nùng chiếm 44% dân số. Cũng như các đồng bào khác trong cộng đồng 54 dân tộc anh em, người Nùng có nền văn hóa đặc sắc, phong phú với các nghề truyền thống được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Nằm trong số đó có thêu, dệt thổ cẩm, nghề truyền thống tạo nên bản sắc riêng của đồng bào Nùng U tại Hà Giang. Trong khuôn khổ Liên hoan hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái, nghề truyền thống này đã được nghệ nhân giới thiệu đến với đông đảo du khách.
Chị Lù Thị Túy giới thiệu nghề thêu, dệt thổ cẩm của người Nùng U
Nghề thêu, dệt thổ cẩm có sự gắn bó mật thiết trong đời sống, sinh hoạt của người Nùng. Hầu hết phụ nữ Nùng đều giỏi thêu thùa, may vá vì họ được bà, mẹ dạy cho từ khi còn tấm bé, để khi lớn lên có thể tự tạo cho mình những bộ trang phục đẹp nhất. Trang phục của người Nùng không sặc sỡ, cầu kỳ nhiều họa tiết như các dân tộc khác, mà khá đơn giản, được làm bằng vải thô nhuộm với màu chàm là chủ yếu.
Phụ nữ Nùng thường mặc áo 5 thân và 4 thân: áo 4 thân có cổ áo tròn, xẻ ngực; áo 5 thân màu chàm, được may rất rộng cả phần thân và tay, giúp cho người mặc cử động thoải mái trong sinh hoạt và lao động thường ngày. Hoa văn trên cổ áo là những họa tiết hình vuông, hình quả trám, xếp thành hình tam giác liền kề nhau.
Khác hẳn với trang phục của người lớn, các bà, mẹ lại dành nhiều tâm huyết trong việc thêu, dệt những chiếc địu trẻ em. Để làm ra chiếc địu, những người mẹ đã dành nhiều thời gian, công sức, cũng như dồn hết tâm tư, tình cảm đối với đứa con của mình. Bởi vậy những chiếc địu là sản phẩm hội tụ những kỹ thuật tinh tế cùng với hoa văn đặc sắc nhất của người Nùng U.
Các sản phẩm thêu, dệt có sắc màu rực rỡ
Chia sẻ về các sản phẩm thêu, dệt thổ cẩm, chị Lù Thị Túy, 39 tuổi, tại làng nghề xã Nấm Dẩn, huyện Xí Mần, tỉnh Hà Giang cho biết: “Nghề thêu dệt thổ cẩm đối với phụ nữ người Nùng là một công việc quen thuộc, vì được mẹ dạy cho khi còn nhỏ. Cùng với công việc làm nương, rẫy, tôi tham gia hợp tác xã làm nghề từ năm 2012. Ở đây, chúng tôi làm nhiều sản phẩm như vỏ gối, túi, váy áo, những tấm thổ cẩm thêu được trang trí trong gia đình vào dịp lễ, Tết”.
Các sản phẩm thêu thổ cẩm của người Nùng U có sắc màu rực rỡ với những mảng màu tươi sáng. Đó là những mảnh vải được pha trộn các màu sắc để làm ra vỏ gối, túi đựng, tấm địu, khăn trải bàn… Để làm ra các sản phẩm này, những người thợ phải thêu trong vài ngày, thậm chí với những tấm thổ cẩm đòi hỏi các chi tiết cầu kỳ thì phải làm trong vài tháng.
“Bên cạnh những sản phẩm được sử dụng hằng ngày thì tấm thổ cẩm để làm địu cho con được làm kỳ công hơn cả. Trên mỗi chiếc địu, thường có rất nhiều hoa văn, họa tiết được các mẹ sáng tạo làm ra, vì thế phải làm mất cả năm” – chị Túy cho biết.
Sản phẩm búp bê được người dân, du khách yêu thích
Bên cạnh đó, người Nùng U còn làm nhiều sản phẩm độc đáo từ thổ cẩm, trong đó có sản phẩm búp bê đã thu hút sự chú ý của người dân và du khách. Chị Túy chia sẻ, để làm ra một búp bê phải mất nhiều thời gian, đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng chi tiết. Cái khó làm nhất là áo, vì kích thước áo cho búp bê rất bé, nên phải làm khá lâu. Các sản phẩm này được bán ở trong và ngoài tỉnh, được nhiều người yêu thích.
Những sản phẩm của phụ nữ Nùng U giờ đây, bên cạnh đáp ứng nhu cầu sử dụng hằng ngày của người dân bản địa, còn được mang đến các thị trường trong và ngoài tỉnh, nhờ đó tăng thêm thu nhập đối với người dân. Đồng thời, thông qua việc sản xuất các sản phẩm, góp phần bảo tồn, phát huy và lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống của người Nùng U tại Hà Giang.
Bài, ảnh: AN NGỌC