Xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới ở Huyện Trà Cú

Trà Cú (Trà Vinh) là huyện có đông đồng bào dân tộc Khmer, cách trung tâm tỉnh 34 km về hướng Tây Nam; gồm 15 xã, 2 thị trấn, 124 ấp, khóm, diện tích tự nhiên 31.752,8 ha; dân số 156.341 người, trong đó dân tộc Khmer chiếm 62,88% dân số. Những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh thông qua các chương trình, chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, các chính sách đặc thù đối với đồng bào dân tộc thiểu số... huyện đã có một hệ thống cơ sở hạ tầng khá toàn diện, đáp ứng cơ bản yêu cầu phục vụ sản xuất và đời sống cho đồng bào. Nông nghiệp chuyển dịch từng bước theo chiều sâu với mô hình làm ăn có hiệu quả thông qua áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đang được nhân rộng trên địa bàn huyện Trà Cú; kinh tế hàng năm tăng trưởng 14%, thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 40,52 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,63%.

Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” , huyện Trà Cú đã đạt được những kết quả thiết thực và tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, các tầng lớp nhân dân ở địa phương. Trong đó, không thể không nói đến phong trào xây dựng Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới.

Lực lượng chức năng tham gia hỗ trợ các xã chặt tỉa cây xanh lập lại trật tự hành lang giao thông

8 năm triển khai và thực hiện Thông tư số 17/2011/TT-BVHTTDL ngày 2/12/2011 của Bộ VHTTDL quy định chi tiết về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, hàng năm, Huyện ủy, UBND huyện Trà Cú đều ban hành các Nghị quyết, kế hoạch, chương trình cụ thể về xây dựng xã văn hóa nông thôn mới. Nhờ đó, lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển, tiến bộ. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa - nông thôn mới được quan tâm, củng cố, nâng cao chất lượng. Đến nay, đã có 37.126/39.523 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa nông thôn mới, đạt tỷ lệ 93,93% trên tổng số hộ đăng ký; 31 ấp đạt chuẩn ấp nông thôn mới; 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới; hoàn thành 34/40 tiêu chí huyện văn hóa; các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao tiếp tục phát triển; phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp được giữ gìn, phát huy tốt, đáp ứng cơ bản đời sống tinh thần của nhân dân. Lĩnh vực giáo dục - đào tạo cũng có nhiều tiến bộ; 100% phòng học được xây dựng cơ bản; chất lượng dạy và học ngày càng cao; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62,58% so với lao động trong độ tuổi. Lĩnh vực y tế, dân số, gia đình và trẻ em tiếp tục được quan tâm sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, tăng cường đội ngũ y, bác sĩ, nâng cao ý thức chất lượng khám, chữa bệnh... Hiện 100% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, trên 80% đồng bào Khmer được cấp thẻ bảo hiểm y tế, đáp ứng yêu cầu cơ bản khám và điều trị bệnh cho nhân dân. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định; 17/17 xã, thị trấn được công nhận vững mạnh về quốc phòng - an ninh; 12/17 xã, thị trấn được công nhận an toàn về an ninh trật tự.

Ngày 17/12/2019, Trà Cú có thêm 2 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới là xã Hàm Tân và xã Phước Hưng, nâng tổng số “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” lên 8/15, chiếm tỷ lệ 53,3%.

Bà con nhân dân tham gia dọn dẹp cảnh quan môi trường

Theo bà Thạch Kim Hạnh - Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Trà Cú đạt được kết quả như trên do có sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy-UBND huyện (đầu tư các cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống cho người dân để đạt được các tiêu chí về văn hóa, kinh tế, an ninh)…; bên cạnh đó là sự hưởng ứng tích cực của người dân từ các địa phương và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện các tiêu chí xây dựng Xã văn hóa nông thôn mới cùng kế hoạch xây dựng Xã văn hóa nông thôn mới cụ thể từng quý, năm và sự phối hợp chặt chẽ của Ban Chỉ đạo huyện trong việc kiểm tra, đánh giá kịp thời những mặt được và chưa được để có sự tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Năm 2020, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã tiếp tục tham mưu Huyện ủy-UBND huyện, xây dựng thêm 2 xã văn hóa nông thôn mới Long Hiệp, Tân Hiệp, đồng thời cố gắng phấn đấu xây dựng các xã còn lại đạt xã chuẩn văn hóa nông thôn mới trong thời gian sớm nhất.

Tác giả: Kim Sơn

Nguồn: Tạp chí VHNT số 450, tháng 1-2021

 

;