Xây dựng môi trường văn hóa nhìn từ một số thiết chế bảo tàng trên thế giới và bài học kinh nghiệm ở Việt Nam

Xây dựng môi trường văn hóa (MTVH) là một khái niệm mới được sử dụng gần đây ở Việt Nam, đề cập đến những vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội hiện đại. Trong đó, cảnh quan văn hóa là một trong các thành tố của một tổng thể các sản phẩm văn hóa: chương trình, hành vi, thiết chế, phương tiện… Bài viết tìm hiểu một số khái niệm, quan niệm về cảnh quan - không gian văn hóa, những ví dụ về vấn đề này tại một số thiết chế bảo tàng có kiến trúc độc đáo trên thế giới; rút ra một số bài học kinh nghiệm thực tiễn xây dựng cảnh quan văn hóa tại các thiết chế bảo tàng ở Việt Nam hiện nay.

1. Khái niệm MTVH và cảnh quan văn hóa

Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành Trung ương Khóa XI về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã đặt ra một trong những vấn đề trọng tâm: xây dựng MTVH, trong đó xác định mỗi địa phương, mỗi cộng đồng, cơ quan, đơn vị, tổ chức phải là một MTVH lành mạnh, gắn các hoạt động văn hóa với phát triển kinh tế, xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền, giai tầng… phát huy các giá trị, nhân tố tích cực trong văn hóa, tín ngưỡng… bảo đảm quyền hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của mỗi người dân và của cộng đồng.

Theo định nghĩa từ một số học giả nghiên cứu văn hóa và sinh thái nhân học, MTVH là tổng hòa những thành tố vật chất và tinh thần tương đối ổn định, trong một thời gian và không gian cụ thể, ở đó các cá nhân tác động đến nhau, mà con người là yếu tố quan trọng nhất. Tuy nhiên, khi xem xét từ góc độ văn hóa, MTVH được hiểu một cách cụ thể hơn như một tổng thể các sản phẩm, chương trình, hành vi, thiết chế, phương tiện, cảnh quan văn hóa… (1). Hiểu theo một cách khác, MTVH chính là môi trường chứa đựng các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, bao gồm các giá trị di sản văn hóa truyền thống, các giá trị văn hóa sáng tạo mới, các quan hệ văn hóa ứng xử, hoạt động sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của con người (2). Sự đồng bộ các thành tố vật thể (cảnh quan văn hóa, phương tiện, thiết chế…) với các yếu tố phi vật thể (hành vi văn hóa, sản phẩm văn hóa…) trong MTVH sẽ góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống; gắn kết xây dựng văn hóa với bảo vệ môi trường sinh thái…

Cảnh quan văn hóa đại diện cho sự kết hợp giữa thiên nhiên với con người, có thể là cảnh quan tái tạo, cảnh quan văn hóa liên kết hay cảnh quan được tạo ra do sự thiết kế tạo dựng của con người (3). Được hình thành từ cảnh quan tự nhiên bởi một nhóm văn hóa, trong đó, văn hóa vừa là tác nhân, vừa là phương tiện và cảnh quan là kết quả của phương tiện, tác nhân đó. Có thể thấy, bất kỳ mối tương tác nào giữa hoạt động của con người và môi trường sống tự nhiên đều được coi là cảnh quan văn hóa. Chính vì vậy, cảnh quan văn hóa đã trở thành công cụ pháp lý quốc tế đầu tiên, được UNESCO đưa vào danh mục để công nhận và bảo vệ trong Công ước Di sản Thế giới của Ủy ban Di sản Thế giới, đồng thời xác định cảnh quan văn hóa còn thể hiện sự tiến hóa và tồn tại của xã hội loài người dưới tác động của vật chất và môi trường tự nhiên, của các lực lượng xã hội, kinh tế, văn hóa bên trong và bên ngoài. Cảnh quan văn hóa được chia thành 3 loại: Do con người thiết kế và tạo ra có chủ đích (cảnh quan vườn và công viên được xây dựng vì lý do thẩm mỹ); Phát triển hữu cơ (kết quả của yêu cầu xã hội, kinh tế, hành chính hoặc tôn giáo để phát triển hình thức, kết hợp và đáp ứng với môi trường tự nhiên dưới hai dạng: tái tạo và kéo dài); Liên kết (liên kết giữa văn hóa, nghệ thuật và yếu tố tự nhiên). Như vậy, cảnh quan văn hóa còn gắn với một cái gì đó mang tính thẩm mỹ, chú trọng tính tự nhiên, được ngưỡng mộ và gìn giữ. Không phân biệt giữa cảnh quan thiên nhiên và cảnh quan văn hóa, mà hướng đến sự đa dạng trong quan điểm cho rằng, cảnh quan văn hóa chính là một “tác phẩm nghệ thuật” thể hiện sự kết hợp giữa thiên nhiên và con người, giữa văn hóa các dân tộc với môi trường tự nhiên. Công ước Cảnh quan châu Âu năm 2000 cho rằng, cảnh quan văn hóa là sự kết nối giữa nhận thức văn hóa và xã hội của con người. Theo đó, cảnh quan văn hóa đề cập đến môi trường xung quanh và sức hấp dẫn của ý tưởng xây dựng, kết hợp các yếu tố công việc trong mối quan hệ với môi trường xung quanh. Đây là cơ sở nền tảng cho sự ra đời của một loạt những công trình kiến trúc đẹp, lạ và độc đáo cả về ý tưởng xây dựng lẫn sự hài hòa với yếu tố môi trường xung quanh của một số thiết chế bảo tàng trên thế giới. Trong đó, giải quyết tốt mối quan hệ giữa cảnh quan - không gian văn hóa với con người, công việc và thiên nhiên xung quanh.

2. Cảnh quan - không gian văn hóa ở các thiết chế bảo tàng

Thiết chế bảo tàng là không gian văn hóa công cộng (không gian vật chất), được con người thiết kế, xây dựng đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, thẩm mỹ của người dân, nơi người dân có thể sử dụng các giác quan như thị giác, thính giác, xúc giác để cảm nhận không gian, hình dạng xung quanh. Định nghĩa về bảo tàng đã xác định rằng: bảo tàng về cơ bản là không gian triển lãm trống để chứa đựng đồ vật (bộ sưu tập). Chính vì vậy, không gian và cảnh quan văn hóa trong nhiều bảo tàng đã tạo cho người xem những ấn tượng bất ngờ trong cách bài trí hay trong những hình dáng kiến trúc độc đáo đến bất ngờ. Không gian bảo tàng được thiết kế để hướng khách tham quan xem các hiện vật, tác phẩm theo thứ tự, theo dòng tư duy hoặc theo hình thức nghiên cứu, khám phá… khách đến xem sẽ được thưởng thức từ màu sắc đến ánh sáng và không gian thiên nhiên bao quanh.

Trên thế giới, ngay từ TK XIX, không gian, cảnh quan văn hóa ở các bảo tàng đã được quan tâm với những thiết kế đẹp, cho phép khách tham quan trải nghiệm sự tĩnh lặng của trưng bày có trật tự, có tính thẩm mỹ để đối lại với sự ồn ào, rối loạn của nhịp sống công nghiệp nơi đô thị. Theo tinh thần đó, nhiều bảo tàng đương đại đã tìm ra các thiết kế mới lạ kết hợp trong những cảnh quan, không gian văn hóa tương hỗ với môi trường tự nhiên theo nhiều hình thức khác nhau, tạo thành các điểm đến để học tập và du lịch văn hóa. Thành công của các bảo tàng này thể hiện qua các công trình kiến trúc như những tác phẩm nghệ thuật độc đáo và đáng nhớ, nơi cân bằng mối quan hệ giữa con người tạo ra và môi trường tự nhiên, nơi khách đến thăm có những trải nghiệm thú vị về nhận thức và sáng tạo. Trải nghiệm của khách tham quan đã trở thành nền tảng công việc của nhiều bảo tàng hiện đại, trong đó, các chương trình lấy khách làm trung tâm, triển lãm có nguồn gốc từ cộng đồng, có sự tham gia, cá nhân hóa và phương tiện truyền thông xã hội đã làm cho trải nghiệm bảo tàng trở nên thú vị hơn và dễ tiếp cận hơn.

3. Một số thiết chế bảo tàng và cảnh quan văn hóa trên thế giới

Hầu hết các thiết chế bảo tàng trên thế giới đều tuân thủ những yêu cầu mà Hội đồng Bảo tàng Quốc tế (ICOM) đã khuyến nghị (về bảo tàng và cảnh quan văn hóa), ở đó, bảo tàng không chỉ có trách nhiệm đối với những sưu tập mà còn với MTVH xung quanh (đô thị, làng và cộng đồng). Bảo tàng có trách nhiệm phát huy và giao tiếp về bộ sưu tập, di sản văn hóa và tự nhiên xung quanh mình. Mọi bảo tàng có thể đóng góp vào phát triển bền vững bằng việc tăng cường mối liên hệ giữa con người và môi trường của họ.

Nghiên cứu về sự hình thành và phát triển về cảnh quan và không gian văn hóa ở các bảo tàng, Daniele Jalia, trong báo cáo về cảnh quan văn hóa và bảo tàng cho thấy sự quan tâm đến cảnh quan - không gian văn hóa của các bảo tàng đã được chú trọng từ khá lâu. Trải qua những giai đoạn phát triển về cảnh quan văn hóa ở bảo tàng, giai đoạn đầu coi mục đích và chức năng của bảo tàng là tổ chức, bảo quản chăm sóc và trưng bày các bộ sưu tập; đến sự xuất hiện của cảnh quan xung quanh thay thế các bức tường trong bảo tàng, tạo ra các bảo tàng điện tử, bảo tàng “mở”, hướng đến kết nối với không gian địa lý, lãnh thổ, cộng đồng và di sản văn hóa, tăng khả năng tương tác trực tiếp với địa điểm, di tích, đặc trưng văn hóa của bảo tàng, không đơn thuần chỉ là bộ sưu tập của bảo tàng như trước đây. Từ những năm 1980, cảnh quan văn hóa hướng đến các định hướng bảo tàng, không hoài cổ, đề cao vai trò của công chúng. Do đó, giai đoạn này, các bảo tàng đã phát triển truyền thông và tạo động lực mới cung cấp giáo dục, giảng dạy... các kết quả thu được khá tích cực, tạo được sự chú ý của công chúng đến với bảo tàng. Có thể nói, cảnh quan bảo tàng ngày càng hòa nhập hơn với tổng thể cảnh quan văn hóa, bên cạnh việc phát triển và trưng bày các bộ sưu tập còn là công tác tạo dựng đối thoại với cộng đồng để phát triển di sản văn hóa, coi di sản như một thứ có ích cho sự phát triển bền vững, nền tảng cho sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của bảo tàng điện tử và bảo tàng mở trong xã hội hiện nay.

Theo xu thế đó, nhiều bảo tàng đã chú trọng đến các yếu tố về cảnh quan nội, ngoại thất với thiết kế độc đáo, khác biệt như Bảo tàng Guggenheim ở New York, không gian được thiết kế giống như một dải băng màu trắng cuốn thành một chồng hình chóp ngược, tạo ra hình dạng cong đều, tạo tương phản với những công trình hình chữ nhật xung quanh. Guggenheim là bảo tàng nghệ thuật sở hữu bộ sưu tập tranh trừu tượng, hiện đại và trường phái tối giản, hậu tối giản, với cảnh quan và không gian văn hóa độc đáo này, bảo tàng đang là điểm đến ấn tượng và thu hút khách du lịch.

Cùng theo xu thế về sự kết hợp giữa kiến trúc với cảnh quan văn hóa, tạo sự khác biệt, Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại San Francisco (Modern Art Museum in San Francisco) có hình thức khác lạ ở chính mặt trước của bảo tàng, được làm từ hàng trăm tấm đúc màu trắng, kết hợp với sự dàn trải theo chiều ngang của những tấm kính trên suốt 10 tầng nhà, làm cho bảo tàng trở nên nổi bật với không gian xung quanh. Không gian nội thất rộng lớn khiến cho phần trưng bày có những dấu ấn riêng biệt và gây ấn tượng mạnh.

Tạo ấn tượng ở cảnh quan văn hóa bên ngoài, Bảo tàng Thiết kế Holon là bảo tàng thiết kế đầu tiên ở Israel, trưng bày các bộ sưu tập thiết kế và gây ấn tưởng mạnh mẽ bởi đường nét, bố cục, hình khối và màu sắc kiến trúc ngoại thất, biểu đạt ngôn ngữ tạo hình đầy tính hình tượng, là thành công trong tạo dựng cảnh quan văn hóa của bảo tàng trong xã hội đương đại. Cùng có kiến trúc độc, lạ, có thể kể đến Viện Bảo tàng Ngày mai ở Rio de Janeiro, Brazil (nơi sở hữu nhiều bộ sưu tập nghệ thuật lớn nhất Brazil), hay Bảo tàng Vatican, Ý, ấn tượng trong hình thức của cầu thang hình xoắn ốc và những mái vòm cong được trang trí bởi hàng trăm bức họa cầu kỳ. Những hình thức thiết kế ngoại thất độc đáo và ấn tượng này còn có thể thấy ở các công trình bảo tàng khác như:

Bảo tàng Museo Soumaya tại Plaza Carso ở Thủ đô Mexico, mặt tiền xung quanh bảo tàng phủ 16.000 tấm nhôm hình lục giác để trang trí cho một hình khối mềm mại, khiến bảo tàng trở nên đẹp lung linh và nổi bật trong không gian, cảnh quan văn hóa xung quanh; Bảo tàng Dali tại khu trung tâm St Petersburg, bang Florida, Mỹ do nghệ sĩ nổi tiếng Salvador Dali thuộc trường phái nghệ thuật siêu thực thiết kế, tạo nên một cảnh quan văn hóa lung linh, phản ảnh, gắn kết không gian kiến trúc với thiên nhiên, môi trường. Bầu trời xanh được phản ảnh trong những mái vòm khum tròn, tập hợp từ nhiều miếng kính tam giác trong suốt gắn kết để tạo nên tổng thể đó.

Bảo tàng Hoàng gia Ontario, Toronto, Canada có từ TK XX nằm gần công viên Queen Park (năm 1914), được đánh giá là bảo tàng văn hóa thế giới và lịch sử tự nhiên lớn nhất Canada. Đây là bảo tàng lớn thứ năm ở khu vực Bắc Mỹ với hơn 6 triệu hiện vật và 40 khu triển lãm được trưng bày. Năm 2007, Bảo tàng được trùng tu theo dự án mang tên Michael Lee-Chin Crystal (Công trình pha lê), theo đó xây dựng thêm 5 khối lăng trụ bất định bằng thủy tinh và thép bọc nhôm nhô ra theo các hướng khác nhau của tòa nhà. Hình ảnh công trình kiến trúc cho thấy sự hoành tráng và độc đáo của cảnh quan Bảo tàng, đã tạo nên những ấn tượng khó quên đối với du khách đã đến tham quan và thưởng thức các giá trị nghệ thuật mà nó mang lại.

4. Bài học kinh nghiệm về cảnh quan, không gian văn hóa ở các bảo tàng Việt Nam

Nhìn từ những mô hình cảnh quan văn hóa của một số bảo tàng trên thế giới, có thể rút ra những bài học như sau:

Ở Việt Nam, điểm qua một số bảo tàng nghệ thuật và lịch sử, tự nhiên, cho thấy không gian và cảnh quan văn hóa đã và đang được từng bước nâng cao, từ nhận thức, cho đến những hoạt động cụ thể, hướng tới mục tiêu: phát triển nhóm công chúng tiềm năng; tăng cường vai trò của bảo tàng với sự phát triển của xã hội; tăng cường hợp tác chuyên môn và mở rộng các hợp tác tài trợ; xây dựng các chương trình hoạt động đặc biệt; Phát triển kế hoạch chiến lược truyền thông các hoạt động của bảo tàng. Tuy nhiên, với các cơ sở vật chất phần lớn là sử dụng các công trình kiến trúc từ thời Pháp thuộc để lại (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Bảo tàng Lịch sử quốc gia…), nên việc tạo dựng cảnh quan, không gian văn hóa hầu hết tập trung ở công tác đổi mới hình thức trưng bày, cung cấp dịch vụ liên quan đến giáo dục thẩm mỹ và chỉnh trang cảnh quan vốn có ở mức độ cho phép, nhằm thu hút khách tới tham quan nhiều hơn.

Một số bảo tàng được xây mới có điều kiện chú trọng đến cảnh quan, không gian kiến trúc như Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Hà Nội, bước đầu đã tạo dựng được cảnh quan hài hòa với môi trường xung quanh, thể hiện được tính kết nối cộng đồng… Tuy nhiên, do hạn chế về kinh phí và tiềm năng con người nên các công trình kiến trúc mặc dù đã có những đổi mới, cách tân, nhưng chưa tạo được ấn tượng tốt đẹp bởi sự hạn chế của tính thẩm mỹ, đã gây ra những tranh cãi, ồn ào về hình thức thiết kế bên ngoài cũng như không gian trưng bày bên trong…

Cần làm mới không gian kiến trúc ngoại thất ở những công trình bảo tàng sử dụng các kiến trúc xưa, kiến trúc truyền thống bằng những điểm nhấn, bổ sung trong không gian bên ngoài, tạo dựng ấn tượng cho khách đến ngay từ cái nhìn đầu tiên, không chỉ hạn chế ở kế hoạch, định hướng hoạt động triển khai chương trình đặc biệt, các chuyên đề trưng bày về vấn đề xã hội để thu hút công chúng đến với bảo tàng.

Với các công trình xây mới, việc đầu tư, tìm kiếm các thiết kế độc đáo, đảm bảo sự phát triển bền vững giữa cảnh quan văn hóa với cộng đồng và MTVH trong việc thúc đẩy, tìm kiếm mối quan hệ hợp tác mới, tài trợ mang tính đa dạng trong hoạt động và phương thức hỗ trợ từ các đơn vị tài trợ.

Kết luận

Cảnh quan văn hóa bao hàm một loạt các biểu hiện của mối quan hệ tương tác giữa loài người và môi trường tự nhiên. Nó không chỉ đơn thuần phản ánh một địa danh mà còn hướng đến việc thiết lập mối quan hệ tương hỗ với môi trường tự nhiên và văn hóa của một quốc gia, một cộng đồng. Tạo dựng, duy trì hoặc nâng cao các giá trị tự nhiên và nhân tạo trong cảnh quan của một thiết chế văn hóa như bảo tàng cũng là một vấn đề đang được quan tâm từ kiến trúc đến không gian văn hóa bên trong và ngoài công trình.

Xây dựng MTVH tại các thiết chế văn hóa, trong đó, tạo dựng cảnh quan văn hóa tại mỗi thiết chế văn hóa là một vấn đề quan trọng cần được đặt ra. Do vậy, học hỏi những bài học kinh nghiệm từ một số quốc gia phát triển trên thế giới là những ví dụ điển hình, ở đó cảnh quan văn hóa có đại diện là cơ sở hạ tầng, vật chất của chính thiết chế văn hóa, thể hiện mối quan hệ, sự tương tác giữa con người (thuộc một nhóm văn hóa nào đó) với tự nhiên.

____________________

1. Phương Thảo, Một số suy nghĩ về khái niệm, cấu trúc, đặc trưng của môi trường văn hóa, vnq.edu.vn, 25-3-2013.

2. Lê Quang Trang, Nguyễn Trọng Hoàn, Những vấn đề văn hóa Việt Nam hiện đại, Nxb Giáo dục, 1998.

3. Công ước Di sản Thế giới, 1992.

Tài liệu tham khảo

1. Hội đồng châu Âu, Chuỗi Hiệp ước châu Âu, The European Lanscape Convention (Công ước về cảnh quan châu Âu), Florence, số 176, 2000.

2. PV, Bảo tàng và cảnh quan văn hóa, thegioidisan.vn, 25-3-2016.

3. Daniele Jalia, Culturel lanscapes and museums: New directions (Cảnh quan văn hóa và bảo tàng: những hướng đi mới), Những con đường văn hóa, báo cáo thực địa, Tạp chí Museum International, số 69, 2017, tr.273-274.

4. Trang web chính thức của Bảo tàng Nghệ thuật Guggenheim: guggenheim.org.

5. Trang web chính thức của Bảo tàng Nghệ thuật đương đại San Francisco: sfmoma.org.

6. Trang web chính thức của Bảo tàng Amanha: museudoamanha.org.br.

7. Bảo tàng của tương lai, architectmagazine.com, 13-1-2016.

8. Trang web chính thức của Bảo tàng Vatican: m.museivaticani.va.

PGS, TS ĐOÀN THỊ MỸ HƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 506, tháng 8-2022

;