Tăng cường giá trị tri thức văn hóa trong phát triển dịch vụ đêm tại Việt Nam

Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1129/QĐ-Ttg phê duyệt đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Trong đó, đề án nêu rõ quan điểm “phát triển kinh tế ban đêm nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước và phát triển du lịch, thông qua tập trung phát triển lĩnh vực dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm và du lịch diễn ra từ 18 giờ tối đến 6 giờ sáng”, “… phục vụ tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của người dân, người nước ngoài, đặc biệt là khách du lịch”. Đồng thời, đề án cũng xác định “… Xây dựng sản phẩm du lịch đêm dựa trên yếu tố văn hóa bản địa, tạo điểm nhấn theo đặc trưng địa phương (lựa chọn các loại hình dịch vụ, các địa điểm mang tính biểu tượng để thu hút khách du lịch)”.

Đối với Việt Nam, một quốc gia Đông Nam Á mang những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng, bề dày lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, với cùng sự tiếp thu, giao lưu văn hóa phương Tây trong TK XIX-XX, cùng công cuộc xây dựng và phát triển đất nước từ năm 1975 đến nay và đặc biệt hội nhập mạnh mẽ từ khi đổi mới đến nay, chính là sự kết hợp hài hòa, đan xen giữa cũ và mới, xưa và nay, truyền thống và hiện đại để tạo nên nét đẹp văn hóa đặc trưng riêng có. Đó chính là những giá trị tri thức cần được khai thác để đem đến cho du khách những trải nghiệm mới mẻ, ấn tượng khi đặt chân đến Việt Nam. Năm 2020, dù đại dịch COVID-19 đã đóng băng ngành Du lịch toàn cầu, song, Việt Nam vẫn được quốc tế vinh danh với những giải thưởng du lịch gắn với những giá trị văn hóa nổi bật như: Điểm đến Di sản hàng đầu châu Á, Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á, Điểm đến ẩm thực hàng đầu thế giới, Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới (Hà Nội), Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu thế giới (Hội An)… Ngay trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng xác định rõ ràng quan điểm “chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc”. Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 cũng nhấn mạnh phát triển du lịch văn hóa. Bài viết tập trung chỉ rõ những giá trị tri thức về văn hóa, nghệ thuật, lịch sử nổi bật cần khai thác trong phát triển dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch; đồng thời đưa ra một số giải pháp trên cơ sở nhận định chung về thực trạng để khai thác hiệu quả chiều sâu những giá trị văn hóa, nghệ thuật, lịch sử trong các hoạt động, dịch vụ đêm trong nước, đưa nó trở thành một hướng đi sáng tạo và hình thành nên những đặc trưng riêng có cho du lịch Việt.

1. Không gian tri thức văn hóa về đêm

Dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch mang những đặc điểm riêng, làm nên sự khác biệt và đòi hỏi phải có cách thức tổ chức, vận hành và quản lý cũng như hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện cho các loại hình dịch vụ này phát triển. Đó là một trong những thực tế không thể phủ nhận. Điều làm nên sự khác biệt đó chính là khoảng thời gian “đặc biệt”. Khoảng thời gian vốn từ xưa vẫn ít khi diễn ra các hoạt động du lịch nói riêng, cũng như các hoạt động dịch vụ nói chung. Nhưng thực tế, đây lại là khoảng thời gian mà hoạt động nghỉ ngơi, giải trí, thư giãn của con người  diễn ra mạnh nhất. Việc làm sao đưa những hoạt động nghỉ ngơi của con người hướng tới sự lành mạnh, và nâng tầm lên không chỉ là giải trí đơn thuần mà hơn thế là sự kết hợp với tiếp nhận những giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, thẩm mỹ và những giá trị nhân văn tốt đẹp mới là nhiệm vụ đầy thách thức của những người làm du lịch dịch vụ về đêm.

Khoảng thời gian đặc biệt này kéo theo sự khác biệt về không gian diễn ra các hoạt động. Thực tế, không phải những địa điểm nào diễn ra các dịch vụ du lịch ban ngày đều có thể phát huy thế mạnh về đêm, nhất là các khu vực thiên nhiên thiếu điều kiện chiếu sáng, cũng như hạ tầng, kỹ thuật cần thiết, điều kiện an toàn về đêm hay những khu vực đông đúc dân cư. Trái lại, cũng có những không gian ban ngày không thật sự đặc sắc hoặc khó tổ chức các hoạt động, dịch vụ như các khu vực đường phố với nhu cầu đi lại cao của các phương tiện giao thông, nhưng lại có tiềm năng khai thác về đêm phục vụ du khách nhờ vào cách sắp xếp, bố trí, điều tiết giao thông và hệ thống chiếu sáng phù hợp cũng như những ý tưởng sáng tạo độc đáo. Bên cạnh đó, những khoảng không gian hoàn toàn thuận lợi trong việc khai thác các dịch vụ cả ngày lẫn đêm dựa vào việc lựa chọn phù hợp loại hình, cách thức bố trí, tổ chức hoạt động giữa hai khoảng thời gian trong ngày để đem đến trải nghiệm hai lần khác biệt trong cùng một không gian.

Chính việc vận dụng linh hoạt và sáng tạo không gian là cơ sở để những giá trị tri thức văn hóa thực sự làm điểm nhấn nổi bật về đêm, đem lại cho du khách những cảm nhận mới mẻ, sống động và tiếp nhận được nhiều hơn kiến thức cho chuyến đi. Những không gian tri thức chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật và lịch sử về đêm mà bài viết gọi tắt là không gian tri thức văn hóa tiêu biểu như:

Bảo tàng, thư viện, phòng trưng bày, nhà văn hóa, các không gian trong nhà: nơi có thể diễn ra các hoạt động tham quan, tìm hiểu văn hóa, nghệ thuật, lịch sử, những giá trị độc đáo của địa phương thông qua kéo dài thời gian mở cửa về tối và đêm với các hoạt động trải nghiệm tăng cường tính sáng tạo, phù hợp với không gian và thời gian.

Rạp hát, rạp chiếu phim: nơi có thể diễn ra các hoạt động biểu diễn, trình chiếu văn hóa, nghệ thuật truyền thống cũng như hiện đại, thu hút sự tham gia của nhiều đối tượng khách ở những độ tuổi khác nhau.

Các quán café, nhà hàng, không gian ẩm thực: những địa điểm này không chỉ nhằm mục đích kinh doanh, cung cấp các dịch vụ ăn uống mà hoàn toàn có thể khai thác những giá trị văn hóa từ ẩm thực, nghệ thuật như biểu diễn nhạc, tham quan và trải nghiệm nghệ thuật trình diễn ẩm thực, học hỏi văn hóa ẩm thực…

Các khu resort, khu vui chơi giải trí: không gian rộng lớn với đầy đủ những điều kiện về cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật tại các khu resort, khu vui chơi giải trí cũng là một trong những thế mạnh để mang những giá trị văn hóa, nghệ thuật, tri thức đến cho du khách thông qua các hoạt động như tham quan các công trình nghệ thuật, phòng trưng bày, hoạt động biểu diễn và hướng dẫn nghệ thuật ẩm thực địa phương, các show diễn mang màu sắc văn hóa, nghệ thuật, phòng chiếu phim, các buổi giao lưu, lễ hội tái hiện văn hóa địa phương…

Các điểm đến di tích lịch sử, văn hóa, công trình kiến trúc: khai thác những giá trị văn hóa, lịch sử, thẩm mỹ trong không gian về tối và đêm dưới góc nhìn mới lạ để đem đến cảm nhận khác biệt cho du khách dựa vào sự sáng tạo trong phát triển sản phẩm du lịch đêm của các nhà cung cấp dịch vụ. Từ đó, du khách hoàn toàn có thể trải nghiệm hai lần tại cùng một không gian mà vẫn có những cảm nhận ấn tượng, mới lạ.

Không gian mở công cộng như: phố đi bộ, quảng trường, công viên, vườn hoa… với các hoạt động lễ hội, giao lưu văn hóa, nghệ thuật đường phố; các công trình nghệ thuật công cộng cố định hay tạm thời; không gian vui chơi giàu văn hóa và tri thức…

Với những không gian này, các hoạt động mang tính trải nghiệm, sáng tạo, giàu tính tri thức về đêm hoàn toàn có thể diễn ra, tạo nên những dấu ấn khác biệt so với các hoạt động ban ngày. Để khai thác hiệu quả chiều sâu những giá trị văn hóa, nghệ thuật và lịch sử tại những không gian này, không chỉ đòi hỏi sự đầu tư nghiên cứu, thấu hiểu đặc trưng, bản sắc của không gian, đối tượng tham quan, sự chủ động, sáng tạo của nhà tổ chức sự kiện, cung ứng dịch vụ, ban quản lý điểm, mà trước hết cần đến sự quy hoạch bài bản, ban hành những quy định, chính sách thông thoáng tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các hoạt động, dịch vụ sáng tạo về đêm, mang đến và nâng tầm giá trị tri thức, đồng thời xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh cho việc tổ chức, quản lý các dịch vụ đêm, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật biểu diễn về đêm.

2. Hiện trạng khai thác những giá trị văn hóa, nghệ thuật và lịch sử trong các hoạt động du lịch về đêm tại một số thành phố ở Việt Nam

Đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã xác định rõ: “Không khuyến khích phát triển hoạt động kinh tế ban đêm sau 22 giờ tối một cách đại trà mà phát triển có trọng tâm, trọng điểm…”, đồng thời “cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau tại một số điểm, khu du lịch đêm ở một vài thành phố/ trung tâm lớn như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, TP.HCM, Đà Nẵng, Hội An, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, Phú Quốc”. Với chủ trương đó, cho đến nay do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các hoạt động về đêm tại những tỉnh/ thành được phép thí điểm đang dần tái khởi động trở lại. Tuy nhiên, một số địa phương đã xây dựng riêng đề án phát triển kinh tế ban đêm, hay những định hướng cho phát triển các dịch vụ về đêm, trong đó, hướng tới khai thác những giá trị tri thức văn hóa địa phương.

Quảng Ninh: Hiện nay, các hoạt động dịch vụ về đêm của tỉnh chủ yếu tập trung tại 2 trung tâm du lịch là thành phố Hạ Long và thành phố Móng Cái. Các hoạt động về đêm gồm: chợ đêm Hạ Long     Marina; Phố đi bộ tại phường Trần Phú; festival Âm nhạc quốc tế Hạ Long, các show diễn, âm nhạc đường phố, Carnaval Hạ Long, các chương trình ẩm thực như: Lễ hội ẩm thực quốc tế Hạ Long, “Phở show” tại khu Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm; Hệ thống rạp chiếu phim; các show diễn múa rối nước tại các phường Hùng Thắng, Bãi Cháy, Yên Đức, Đông Triều; hoạt động ẩm thực ăn uống tại các tuyến đường ven biển Trần Quốc Nghiễn, Hạ Long - Bãi Cháy… phố ẩm thực Giếng Đồn, Bến Đoan…

 Hà Nội: Hoạt động du lịch về đêm tập trung chủ yếu diễn ra ở khu vực trung tâm các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, trong đó phải kể đến không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, không gian đi bộ trong khu phố cổ, không gian ẩm thực đêm tại chợ đêm Đồng Xuân, tuyến phố Tống Duy Tân - ngõ Hàng Bông với những hoạt động chủ yếu là giao lưu văn hóa nghệ thuật ngoài trời; ngoài ra còn có hệ thống rạp hát, rạp chiếu phim; tour du lịch buổi tối tại Nhà tù Hỏa Lò mang tên Đêm thiêng liêng sáng ngời tinh thần Việt, Đền Ngọc Sơn, Hoàng Thành Thăng Long… Trong thời gian tới, thành phố dự kiến tiếp tục phát triển tuyến phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Tống Duy Tân - Cấm Chỉ; phát triển không gian văn hóa, dịch vụ, thương mại, du lịch Phùng Hưng - Gầm Cầu; quy hoạch, sắp xếp ngành hàng, phát triển các tuyến phố chuyên doanh, phố nghề truyền thống gắn với đặc điểm lịch sử, văn hóa của từng tuyến phố trong khu phố cổ.

Huế: Hoạt động du lịch về đêm hướng tới khai thác chiều sâu các giá trị tri thức, văn hóa địa phương, hiện tại có không gian phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, Chu Văn An - Võ Thị Sáu - Phạm Ngũ Lão; khu vực các công viên, quảng trường; bảo tàng thêu XQ; trung tâm giới thiệu thủ công mỹ nghệ, ẩm thực Huế, Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán, Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng; cầu gỗ Lim trên sông Hương và cầu Tràng Tiền… Các hoạt động gắn với văn hóa nghệ thuật chủ yếu là thưởng thức ẩm thực, chương trình nghệ thuật quần chúng, tham quan tìm hiểu làng nghề truyền thống, chiêm ngưỡng và cảm nhận những tác phẩm nghệ thuật, các hoạt động lễ hội, festival… Trong tương lai, thành phố Huế sẽ phát triển những không gian văn hóa, nghệ thuật được định hướng như:

Đêm sông Hương với hệ thống các công viên và tuyến đường đi bộ dọc hai bờ sông Hương; nâng cao chất lượng tuyến phố đi bộ hiện hữu Phạm Ngũ Lão - Chu Văn An - Võ Thị Sáu; đường Nguyễn Đình Chiểu - khu trải nghiệm các loại hình văn hóa nghệ thuật đường phố, thưởng thức ẩm thực Âu - Á, mua sắm hàng lưu niệm.

Đêm Hoàng cung với các tuyến đường xung quanh Hoàng Thành Huế mang đậm nét văn hóa Hoàng Cung - Đại Nội về đêm nhằm đem đến cho du khách những khám phá sâu về các giá trị văn hóa Huế.

Ẩm thực Huế: không gian trải nghiệm văn hóa ẩm thực với cụm tuyến đường quanh khu vực cầu Gia Hội, tuyến đường Trương Định.

Không gian trình diễn, giới thiệu nghề truyền thống: tại khu làng nghề đúc đồng, trung tâm giới thiệu hàng thủ công mỹ nghệ, giới thiệu ấn phẩm nghề và làng nghề truyền thống Huế, không gian thưởng thức nghệ thuật tranh ảnh, đọc sách kết hợp giải khát tại đường Phạm Hồng Thái…

Ngoài ra, còn có các điểm tham quan du lịch đêm như Đại Nội, Bảo tàng cung đình, không gian văn hóa đường Lê Lợi, nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp…

Đà Nẵng: không gian về đêm gắn với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, lịch sử tiêu biểu là không gian 2 bên bờ sông Hàn; không gian phố đi bộ đêm tại An Thượng (đang hình thành), đường Bạch Đằng (tự phát); các tụ điểm ca nhạc; không gian ẩm thực đêm Phạm Hồng Thái, Lê Thanh Nghị; không gian chợ đêm, mua sắm như chợ đêm Sơn Trà, Helio, tuyến phố chuyên doanh thời trang Lê Duẩn; hệ thống rạp chiếu phim… Tại những không gian này, chủ yếu diễn ra các hoạt động văn hóa như thưởng thức âm nhạc, nghệ thuật, ẩm thực, tham quan tìm hiểu kiến trúc của cầu Rồng, cầu Nguyễn Văn Trỗi, cầu Tình yêu. Trong tương lai, nhằm khai thác chiều sâu những giá trị tri thức văn hóa về đêm, thành phố Đà Nẵng xây dựng đề án phát triển kinh tế ban đêm. Trong đó, thành phố định hướng tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ và các hoạt động du lịch về đêm của hệ thống phố đi bộ, hình thành tuyến đường ven biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa với các hoạt động văn hóa nghệ thuật kết hợp ăn uống, sân khấu ngoài trời, chiếu phim trên bãi biển; nâng cấp và tổ chức các show diễn ban đêm, các lễ hội sự kiện quy mô quốc tế tại những khu du lịch lớn Sun World Bà Nà Hills, Công viên Sun World Đà Nẵng Wonder…

Hội An: Đa phần các hoạt động, dịch vụ tập trung ở khu phố cổ như tham quan, tìm hiểu kiến trúc nhà cổ Hội An về đêm; ngồi thuyền trên sông, thả đèn hoa đăng; chợ đêm với các sản phẩm thủ công, ẩm thực địa phương và những loại hình nghệ thuật, trò chơi dân gian truyền thống; đặc biệt phải kể đến show diễn thực cảnh Ký ức Hội An… là những trải nghiệm về đêm mang đậm màu sắc văn hóa đặc trưng của địa phương.

TP.HCM: thành phố khai thác những giá trị tri thức, văn hóa nghệ thuật về đêm chủ yếu diễn ra ở các rạp hát, sân khấu như: À Ố Show-Lune           Production, Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng, Nhà hát giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM, sân khấu Trống Đồng, sân khấu 5B, sân khấu kịch Sài Gòn, sân khấu Thế giới trẻ, sân khấu Idecaf…; các phòng trà biểu diễn nhạc sống; phố đi bộ Nguyễn Huệ, phố Bùi Viện với văn hóa bia…; du ngoạn sông Sài Gòn bằng du thuyền tham quan tìm hiểu các công trình kiến trúc như cầu Thủ Thiêm, cầu Sài Gòn,        Landmark 81, bán đảo Thanh Đa…

Phú Quốc: các không gian khai thác những giá trị văn hóa, nghệ thuật về đêm ở đây là các khu vực như: chợ đêm Bạch Đằng, cảng tàu khách Dương Đông với hoạt động câu mực đêm; phố đi bộ quanh khu vực Dinh Cậu còn khá mờ nhạt, thiếu sự tổ chức bài bản, chưa được quy hoạch rõ ràng. Song song với đó, các khu vực như Thành phố không ngủ - Grand World được tổ chức, quy hoạch bài bản cũng có những hoạt động văn hóa, nghệ thuật quy mô về đêm phải kể đến như công trình Huyền thoại trẻ, không gian Tinh hoa Việt Nam và show diễn Tinh hoa Việt Nam, show diễn Once...; hay tại Vin      Wonder với show diễn Sắc màu Venice

Nhìn chung, hoạt động về đêm gắn với những giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật tại các thành phố ở Việt Nam đang trong giai đoạn đầu phát triển, nhưng đã thể hiện được tiềm năng, sự đa dạng trong tận dụng không gian và loại hình. Mỗi địa phương dựa vào những thế mạnh văn hóa, lịch sử để khai thác và định hình hướng phát triển riêng. Tuy nhiên, còn  nhiều vấn đề, cụ thể:

Quy hoạch là vấn đề bức thiết đối với các dịch vụ đêm nói chung và các hoạt động, dịch vụ đêm gắn với khai thác các giá trị văn hóa nói riêng. Đặc biệt là các chợ đêm, phố đi bộ và những không gian công cộng có khả năng khai thác các giá trị văn hóa tại nhiều địa phương đến nay vẫn là phát triển một cách tự phát, chưa được đưa vào quy hoạch bài bản. Nhiều địa phương vẫn chưa xây dựng và ban hành đề án phát triển kinh tế ban đêm hay chưa chủ động lồng ghép nội dung phát triển kinh tế ban đêm vào nội dung quy hoạch của thành phố.

Mặc dù đề án phát triển kinh tế ban đêm đã được ban hành và cho phép thí điểm thời gian hoạt động của các dịch vụ về đêm diễn ra từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau, nhưng cho đến nay, tại các địa phương, những hoạt động, dịch vụ về đêm, đặc biệt gắn với tri thức về văn hóa, lịch sử và nghệ thuật vẫn chỉ đóng khung đến 0 giờ đêm.

Về hàm lượng truyền tải tri thức, những giá trị văn hóa, nghệ thuật, lịch sử của các hoạt động, dịch vụ về đêm còn chưa sâu sắc, mờ nhạt và thiếu sức lan tỏa, ảnh hưởng đến công chúng cũng như khách du lịch. Điều này dễ dàng nhận thấy khi nhắc tới dịch vụ đêm, đa phần nhắc tới những dịch vụ vui chơi giải trí, bar, pub, vũ trường, mua sắm, casino, ăn uống, check-in sống ảo… mà những giá trị văn hóa, nghệ thuật, lịch sử của điểm đến chưa thật sự “sống” về đêm như:

Các hoạt động, dịch vụ diễn ra về đêm gắn với khai thác các giá trị tài nguyên nhân văn đang bị đóng khung trong một số không gian nhất định, chưa mạnh dạn khai thác và sáng tạo trong những không gian tiềm năng khác. Đa phần tại các phố đi bộ, chợ đêm, quán café, nhà hàng, rạp hát, rạp chiếu phim và một số khu du lịch được quy hoạch bài bản. Trong khi đó, bảo tàng, thư viện, các điểm du lịch văn hóa, lịch sử còn đang bỏ ngỏ về đêm.

Những không gian văn hóa, ẩm thực đang chủ yếu dừng ở việc kinh doanh ăn uống chưa thực sự hướng tới việc đem đến cho khách trải nghiệm thật sự qua việc chiêm ngưỡng trình diễn ẩm thực, sự tò mò muốn học hỏi, đi sâu tìm hiểu những câu chuyện,  giá trị văn hóa đời sống địa phương thông qua ẩm thực.

Những không gian nghệ thuật công cộng giúp tăng cường trải nghiệm, tìm hiểu những giá trị văn hóa, nghệ thuật gắn với đời sống, nét riêng của địa phương về đêm hầu như chưa được quan tâm. Điều này cũng gắn với những hạn chế trong quy hoạch không gian của các thành phố, đồng thời cũng là hạn chế của chính quyền địa phương khi chưa linh hoạt, chủ động và sáng tạo trong việc khuyến khích và thúc đẩy việc đưa tri thức về nghệ thuật, văn hóa, lịch sử đến gần hơn với công chúng.

Không gian chợ đêm cũng chính là không gian truyền tải những giá trị văn hóa đặc sắc bản địa thông qua sản phẩm, hàng hóa được giới thiệu và bày bán, nhưng hầu hết sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được cung cấp lại mang tính đại trà, nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng không rõ ràng, thiếu đặc sắc.

Không gian phố đi bộ gắn với những hoạt động văn hóa, nghệ thuật đường phố, những hoạt động giao lưu văn hóa từ truyền thống đến hiện đại tại nhiều địa phương chưa sôi nổi, thu hút về đêm, thiếu sự chọn lọc và hấp dẫn.

Hoạt động xúc tiến quảng bá các dịch vụ về đêm nói chung và những hoạt động về đêm gắn với truyền tải tri thức về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật còn mờ nhạt. Đa phần hoạt động xúc tiến quảng bá được triển khai riêng lẻ bởi các nhà đầu tư, các đơn vị kinh doanh, tập trung vào dịch vụ cung cấp, chưa có sự liên kết, phối hợp với nhau, thiếu sự thống nhất và định hướng của chính quyền địa phương, chủ yếu theo kiểu “mạnh gì quảng bá đó”. Việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu, chiến dịch quảng bá hướng đến nhấn mạnh những giá trị tri thức về văn hóa, lịch sử và nghệ thuật về đêm của địa phương là hầu như chưa có.

3. Giải pháp phát huy chiều sâu giá trị tri thức văn hóa trong phát triển dịch vụ đêm tại Việt Nam

Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội của đất nước gắn với các hoạt động kinh tế về đêm là một trong những nhiệm vụ cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng và là kim chỉ nam cho các           tỉnh/ thành có căn cứ xây dựng quy hoạch kinh tế đêm hay dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch nói chung và các hoạt động, dịch vụ đêm gắn với những giá trị tri thức văn hóa nói riêng. Trong đó, cần sự phối hợp của nhiều ban ngành để phân công, làm rõ trách nhiệm của các bên tham gia trong việc hình thành và quản lý các không gian tri thức văn hóa, làm sao để khai thác hiệu quả giá trị mà những không gian này mang lại, góp phần đem đến diện mạo mới, xây dựng hình ảnh du lịch địa phương về đêm, chúng tôi xin có một số đề xuất:

Bộ VHTTDL giao Tổng cục Du lịch chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc xây dựng bộ tiêu chí đánh giá khu/ điểm du lịch có các hoạt động, dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch, cùng với đó là tài liệu hướng dẫn phát triển dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch cho khu/ điểm, trong đó, cần đưa vào những tiêu chí về khai thác và phát huy những giá trị tài nguyên nhân văn, làm sao hướng tới nâng tầm giá trị tri thức về văn hóa, lịch sử và nghệ thuật của địa phương về đêm.

Chính quyền các địa phương được phép thí điểm phát triển kinh tế ban đêm cần nhanh chóng rà soát, nghiên cứu và sửa đổi những quy định về giới hạn khung thời gian hoạt động của các hoạt động về đêm, đặc biệt là các hoạt động diễn ra tại các không gian tri thức văn hóa nhằm tạo điều kiện, cơ hội để các hoạt động có tính lan tỏa tri thức văn hóa được phát huy. Đồng thời,  có cơ chế, chính sách khuyến khích để các bảo tàng, thư viện, phòng trưng bày, điểm di tích văn hóa, lịch sử, nghệ thuật xây dựng các đề án, chương trình hoạt động về đêm, hướng tới thu hút khách du lịch trải nghiệm điểm đến cả ngày và đêm.

Ban quản lý các bảo tàng, thư viện, phòng trưng bày, các điểm du lịch cần chủ động, linh hoạt và sáng tạo, phối hợp với các công ty lữ hành trong việc xây dựng sản phẩm, các chương trình tham quan, các hoạt động trải nghiệm về đêm cho du khách như: đêm trong bảo tàng, đọc sách đêm tại thư viện, các buổi trưng bày, sắp đặt nghệ thuật tại các phòng triển lãm về đêm tạo sự ấn tượng cho du khách; các chương trình tham quan điểm du lịch vào ban đêm đem đến cách tiếp cận và trải nghiệm khác lạ so với ban ngày… Cùng với đó, tăng cường ứng dụng công nghệ, kỹ thuật ánh sáng, thực tế ảo… trong việc tạo nên những trải nghiệm ấn tượng cho du khách. Quan trọng nhất là giá trị tri thức, những bài học về nhân sinh quan, về cuộc sống, giá trị nghệ thuật nào du khách có thể lĩnh hội thông qua các hoạt động trải nghiệm trong những không gian này, chứ không chỉ đơn thuần là điểm đến check-in.

Ban quản lý các rạp hát, rạp chiếu phim cần chủ động xây dựng kế hoạch kéo dài thời gian mở cửa qua 0 giờ đêm, lựa chọn những vở diễn, những buổi biểu diễn nghệ thuật, các tác phẩm đặc sắc, phù hợp với từng nhóm đối tượng để sắp xếp vào xuất chiếu/ trình diễn về đêm. Đối với riêng khách du lịch, việc xây dựng vở diễn/ buổi biểu diễn nghệ thuật mang nét đặc trưng văn hóa địa phương kết hợp với các tour du lịch đêm là hoàn toàn phù hợp, góp phần quảng bá văn hóa, nghệ thuật địa phương.

Chính quyền địa phương căn cứ vào quy hoạch không gian của thành phố, xem xét và cho phép triển khai các công trình nghệ thuật công cộng cố định hoặc tạm thời, góp phần thay đổi cảnh quan, đem đến không gian tri thức văn hóa, thu hút sự quan tâm của cộng đồng và du khách; các tác phẩm nghệ thuật công cộng phải được lựa chọn kỹ càng, đáp ứng những tiêu chí do hội đồng chuyên môn đề ra, khuyến khích sự tham gia và ý kiến, sự tương tác của cộng đồng, tôn trọng văn hóa bản địa.

Chính quyền địa phương triển khai hình thành các không gian văn hóa ẩm thực đêm với đa dạng hình thức trải nghiệm. Chính vì thế, dịch vụ đêm phải đa dạng với các hoạt động trình diễn chế biến ẩm thực, hướng dẫn khách làm thử, những câu chuyện xoay quanh các món ăn, những nét văn hóa gắn với món ăn, không gian thưởng thức món ăn và cả những giá trị tinh thần mà món ăn đem lại…; những trải nghiệm ẩm thực gắn với văn hóa, nếp sống người dân Việt thông qua những hoạt động tái hiện những ngày lễ truyền thống như: trải nghiệm mâm cơm ngày Tết cùng người dân địa phương; trải nghiệm đêm với hoạt động gói và luộc bánh      chưng/ tét; trải nghiệm bánh trung thu đêm trăng cùng gia đình người dân địa phương; trải nghiệm với món bánh trôi, bánh chay ngày Tết Hàn thực…

Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị, cơ quan ban ngành liên quan trong việc tăng cường quản lý xuất xứ, chất lượng nguồn hàng hóa và dịch vụ được bày bán tại các chợ đêm; khuyến khích bày bán và giới thiệu các mặt hàng mang nét đặc trưng bản địa, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng từ những nhà cung cấp uy tín trong nước, đặc biệt là các sản phẩm thủ công từ làng nghề truyền thống. Hướng dẫn viên chủ động thông tin đến du khách về những sản phẩm, hàng hóa đặc trưng của địa phương, về cách lựa chọn và kiểm tra thông tin hàng hóa, về giá trị văn hóa mà sản phẩm, hàng hóa chứa đựng...

Bộ VHTTDL chỉ đạo các đơn vị, cơ quan, ban ngành liên quan trong việc kiểm duyệt, kiểm soát các chương trình văn hóa, nghệ thuật biểu diễn tại các quán café, phòng trà, đảm bảo tính lành mạnh của  hoạt động biểu diễn tại những địa điểm tư nhân; đồng thời có hệ thống tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động biểu diễn, có cơ chế, chính sách khuyến khích đối với các quán café, phòng trà có các chương trình biểu diễn chất lượng, có giá trị nghệ thuật và có sức ảnh hưởng, lan tỏa đến cộng đồng cũng như du khách.

Chính quyền địa phương cùng với các hiệp hội, doanh nghiệp lữ hành hỗ trợ cộng đồng người dân sinh sống tại các khu vực có hoạt động về đêm tham gia cung ứng các dịch vụ phục vụ khách du lịch như cho thuê nhà làm không gian trải nghiệm văn hóa, ẩm thực địa phương; tham gia giao lưu với du khách, hướng dẫn, giao lưu, trò chuyện với du khách về những nét văn hóa địa phương; dạy khách nấu ăn; cùng khách thưởng thức món ăn…

Các doanh nghiệp lữ hành phối hợp chặt chẽ với các điểm đến về đêm, xây dựng các tour du lịch đêm nhằm gắn kết các sản phẩm, dịch vụ về đêm tại địa phương, góp phần đem đến cho du khách sản phẩm du lịch đêm hoàn chỉnh.

________________

Tài liệu tham khảo

1. Sở Du lịch Đà Nẵng, Văn bản cung cấp thông tin về dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch, 2021.

2. Sở Du lịch Quảng Ninh, Báo cáo đánh giá tình hình các hoạt động dịch vụ du lịch về đêm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, 2021.

3. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1129/QĐ-Ttg về việc phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, 2020.

4. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 147/QĐ-Ttg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.

5. Tổng cục Du lịch, Đạt giải thưởng Điểm đến hàng đầu châu Á về Di sản, Ẩm thực và Văn hóa, Việt Nam tiếp tục được đề cử hàng loạt giải thưởng hàng đầu thế giới, vietnamtourism.gov.vn, 6-11-2020.

6. UBND quận Hoàn Kiếm, Văn bản cung cấp thông tin về phát triển dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch, 2021.

7. UBND thành phố Đà Nẵng, Quyết định số 3613/QĐUBND về việc ban hành Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại thành phố Đà Nẵng, 2020.

8. UBND Thành phố Huế, Đề án Hoàn thiện và phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ về đêm của thành phố Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, 2021.

TS TRẦN PHƯƠNG MAI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 494, tháng 4-2022

;