Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở Viêng Chăn (Lào)

Trong quá trình học tập, đào tạo ở Việt Nam, được đọc nhiều tài liệu lý luận viết về văn hóa và trải nghiệm thực tế tại Thủ đô Hà Nội, tôi nhận thấy có nhiều vấn đề khả dĩ có thể đem vận dụng sáng tạo hữu hiệu và phù hợp với thực tiễn xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở Thủ đô Viêng Chăn, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Bài viết nêu lên thực trạng xây dựng đời sống văn hóa ở Thủ đô Viêng Chăn, những thành tựu đã đạt được và những bất cập, hạn chế trong công tác xây dựng đời sống văn hóa. Từ đó, tìm ra nguyên nhân và đề xuất các giải pháp, vận dụng kinh nghiệm của Thủ đô Hà Nội vào công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở Thủ đô Viêng Chăn.

Đứng trước những thử thách của tình hình thế giới, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Thủ đô cùng với sự cố gắng vượt bậc của nhân dân, kinh tế Viêng Chăn đã có nhiều chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng cao nhất so với cả nước. Trong giai đoạn 2010-2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm của Viêng Chăn là 9,79%/năm. Từ 2016-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 12,10%/năm, chiếm 28,05% GDP toàn quốc, bình quân hằng năm GDP tăng 12,17%/ năm. Thu nhập bình quân 5 năm thực hiện được 1.755 USD/năm vượt qua chỉ tiêu đề ra 455 USD/năm. Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng và trình độ phát triển kinh tế chưa cao, tốc độ tăng trưởng chậm, chưa tương xứng với các tiềm năng và thế mạnh của Thủ đô.

Sự phát triển nhanh chóng của các ngành kinh tế đã tạo ra lượng cầu nhất định về nguồn nhân lực, từ đó kéo theo sự thay đổi của cơ cấu lao động theo hướng giảm dần lao động nông nghiệp, tăng dần lao động công nghiệp và dịch vụ.

 Xây dựng tư tưởng chính trị

Trong thời gian qua, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn tồn tại một số vấn đề cần tiếp tục giải quyết: Nhận thức, hiểu biết của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng về vấn đề xây dựng văn hóa cơ sở chưa thực sự sâu sắc; chưa tích cực đổi mới tư duy; việc nghiên cứu cụ thể hóa đường lối của Đảng thành chương trình, dự án, tổ chức thực hiện còn chậm. Việc củng cố tổ chức đảng ở một số nơi chưa tốt, phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” và phong trào “Gia đình văn hóa” chưa sôi nổi, liên tục và chưa thực sự trở thành phong trào của quần chúng.

Xây dựng nếp sống văn minh, kỷ cương xã hội, sống và làm việc theo pháp luật

Đó là xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh trong các gia đình, cơ quan, doanh nghiệp, đội ngũ cán bộ, công chức, lao động và lực lượng vũ trang, gương mẫu chấp hành kỷ cương pháp luật, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, có tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh, đi đầu thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm, làm gương cho nhân dân noi theo.

Về việc cưới, trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố Viêng Chăn, phần lớn các đám cưới được thực hiện theo đúng quy định về Luật Hôn nhân và Gia đình, các đám cưới đều được tổ chức sau khi cặp đôi đăng ký kết hôn, lễ cưới được tổ chức đơn giản, không rườm rà, kéo dài thời gian, gây tốn kém; trong đám cưới không mời thuốc lá, một số đám cưới hạn chế khách mời, số lượng phù hợp, không phô trương; nhiều hủ tục lạc hậu đã được xóa bỏ. Việc tổ chức đưa đón dâu đã chấp hành theo quy định pháp luật, đảm bảo an toàn giao thông và trật tự công cộng. Những hủ tục thách cưới, tảo hôn… hầu như không còn xảy ra.

Về việc tang, trong năm qua, thành phố Viêng Chăn có 100% số làng, bản đã đưa việc tang thành điều khoản trong quy ước của thôn, khu dân cư và tổ chức thực hiện có hiệu quả. 100% các đám tang đều có Ban tang lễ hỗ trợ, thể hiện rõ vai trò của bản làng và các tổ chức xã hội, phụ nữ, thanh niên… trong điều hành tang lễ, duy trì được thuần phong mỹ tục, tiếp thu có chọn lọc những nét mới, tiến bộ. Các nghĩa trang đã được xây dựng theo quy hoạch, vị trí đều ở xa khu dân cư, được phân khu hung táng, cát táng riêng, đảm bảo tiện lợi cho việc chôn cất, phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang. Việc sử dụng lễ viếng bằng vòng hoa, bức trướng trong đám tang đã giảm đi rất nhiều. Một số nơi đã thực hiện bỏ tiếp thuốc lá trong lễ tang. Các gia đình có người mất đã không tổ chức ăn uống linh đình.

Về lễ hội, việc tổ chức lễ hội của Thủ đô Viêng Chăn đã đi vào nề nếp và theo hướng xã hội hóa cao. Các cấp, ngành đã đẩy mạnh công tác quảng bá thông tin, cung cấp những thông tin hiệu quả nhằm nâng cao đời sống dân cư trong bản, đồng thời chú trọng giáo dục cho con cháu hiểu biết các phong tục tập quán của người Lào như: cách ăn, mặc, ở, đi lại, giữ gìn bản sắc văn hóa quê hương mình. Đặc biệt là lễ hội - một sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo không thể thiếu trong đời sống cộng đồng cư dân Lào, tiêu biểu là: lễ hội Bun Pha Vết (lễ hội của sư sãi), Bun Băng Phay (pháo hoa), Bun Khao Phăn Sa (lễ vào chay).

Xây dựng môi trường văn hóa sạch đẹp, an toàn

Xây dựng đời sống văn hóa, văn minh tại Thủ đô Viêng Chăn trong những năm qua thể hiện ở nhiều phương diện như: bến xe, bến cảng, chợ, trường học… mọi người có ý thức giữ gìn trật tự, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp. Ở những nơi công cộng, cửa hàng hoặc quán ăn, để giữ gìn vệ sinh, an toàn sức khỏe của cộng đồng, Sở Y tế đã tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm. Nếu có bán thức ăn ngoài đường hoặc tại quán, tất cả đồ ăn phải được để trong tủ kính và có nắp đóng lại sạch sẽ, có thùng rác để giữ gìn, bảo vệ môi trường và tránh ô nhiễm trong không khí, nước.

Vườn tượng Phật ở Viêng Chăn (Lào)
Ảnh tư liệu của Nguyên Trường

Các làng, bản, khu dân cư đã chủ động, nỗ lực cải tạo, xây dựng, nâng cấp hạ tầng cơ sở, cải thiện môi trường vừa đảm bảo sinh thái tự nhiên, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân tiến hành các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí lành mạnh.

Xây dựng các thiết chế văn hóa

Nhận thức được tầm quan trọng của các yếu tố, điều kiện về đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống thiết chế văn hóa, thông tin tuyên truyền, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần cho người dân, thành phố Viêng Chăn đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn quy hoạch, xây dựng các thiết chế theo tinh thần nhà nước và nhân dân cùng làm, với chủ trương: “đổi đất lấy công trình phúc lợi”. Tính đến hết năm 2018, Thủ đô đã xây dựng 48/174 nhà văn hóa bản, làng, đạt tỷ lệ 27,5%.

Các thiết chế văn hóa cơ sở được người dân sử dụng vào việc tổ chức hội họp, luyện tập văn nghệ, tập thể dục thể thao, vui chơi giải trí. Ước tính mỗi năm, tại nhà văn hóa khu, thôn làng, tổ chức khoảng 15-20 đợt sinh hoạt chi bộ, chính quyền - ban công tác mặt trận và các cuộc họp bất thường khác của địa phương. Hằng năm, ở đây cũng thu hút khoảng vài trăm lượt người đến chơi thể thao, tập văn nghệ trong các lễ hội truyền thống…

Về hệ thống nhà văn hóa cấp bản, đến nay, Viêng Chăn đã có 35/35 nhà văn hóa bản/ làng. Nhìn chung, về cơ sở vật chất của nhà văn hóa đều được các xã quan tâm đầu tư. Không chỉ là nơi tổ chức các hội nghị của xã mà còn là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng. Tất cả các nhà văn hóa đều có ban chủ nhiệm do Trưởng ban văn hóa xã trực tiếp đảm nhiệm.

Thủ đô có 35/35 bưu điện văn hóa bản được xây dựng kiên cố, ở vị trí thuận lợi, được trang bị buồng đàm thoại, sách báo phục vụ nhân dân trong xã đến đọc miễn phí. Trên địa bàn, mỗi bản hiện nay có 1 điểm bưu điện văn hóa, hệ thống loa đài truyền thanh của Thủ đô được đầu tư nâng cấp, đảm bảo thông suốt.

Các hoạt động văn hóa

Công tác văn hóa, văn nghệ được coi trọng. Đó là khai thác và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống như Khắp Thụm, Lăm Lương, Ly Hê của các làng, bản văn hóa; Múa Lăm Vông là điệu múa truyền thống của người Lào, múa Nàng Kẹo, với các nhạc cụ như khèn, cồng chiêng, đàn nhị, lạ nạt… trong những ngày lễ hội truyền thống và tham gia biểu diễn, đã góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị của Thủ đô đạt kết quả tốt.

Duy trì và phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, hình thành các câu lạc bộ hoặc nhóm sở thích như: câu lạc bộ khuyến nông, hội làm vườn, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông… tạo điều kiện sinh hoạt lành mạnh, tạo không khí vui vẻ, đoàn kết, khuyến khích các tài năng văn hóa, văn nghệ phát triển.

Cùng với những mặt tích cực và kết quả nêu trên, công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở trên địa bàn Thủ đô Viêng Chăn còn một số vấn đề yếu kém cần khắc phục:

 Công tác tuyên truyền về xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở chưa được tiến hành thường xuyên, đúng với kế hoạch đề ra, chủ yếu tập trung vào giai đoạn phát động phong trào. Một số cơ quan, đơn vị, trường học chưa thật sự quan tâm đến đời sống tinh thần cho cán bộ, công chức, người lao động. Kinh phí cho các hoạt động phong trào quá ít, ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát động phong trào và công tác thi đua, khen thưởng. Một số quận/huyện, địa phương ở cơ sở chưa thấy tầm quan trọng của việc xây dựng đời sống văn hóa mới cũng như việc xây dựng gia đình văn hóa và làng văn hóa. Vì thế, chưa huy động được nguồn kinh phí cho việc đầu tư xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

Ngành Văn hóa ở địa phương chưa kịp thời tổng kết, rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả phong trào. Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa ở nhiều nơi vẫn còn lỏng lẻo, thiếu đồng bộ.

Việc xây dựng các thiết chế văn hóa trên địa bàn Thủ đô chưa được quy hoạch theo tổng thể có tính chiến lược. Nhiều thiết chế văn hóa ở cơ sở chưa phát huy hết công suất trong hoạt động, các nhà văn hóa ở khu dân cư hầu như chỉ là nơi tổ chức họp hội nhiều hơn là để nhân dân đến sinh hoạt văn hóa.

Nguyên nhân của những hạn chế:

Mặt trái cơ chế thị trường tác động lên đời sống xã hội, làm nảy sinh một số tệ nạn, làm tha hóa đạo đức, tư tưởng của một bộ phận cán bộ, nhân dân.

Nền kinh tế xã hội của Thủ đô Viêng Chăn có bước phát triển mới, đời sống nhân dân được nâng lên, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn nên chế độ chính sách cho cán bộ văn hóa và việc đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho hoạt động văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu.

Mặt bằng dân trí còn thấp, nhất là các bản làng ngoài thủ đô Viêng Chăn, đa số dân cư là người dân tộc thiểu số nên tệ nạn xã hội, hủ tục vẫn lạc hậu, mê tín dị đoan còn đeo đẳng. Sự hiểu biết về pháp luật còn hạn chế của người dân dẫn đến việc triển khai Nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước, các kế hoạch, chương trình công tác văn hóa chưa được hiệu quả.

Một số cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể ở quận/huyện cũng như ở các bản làng nhận thức về vai trò, vị trí của văn hóa còn hạn chế, nên công tác xây dựng, nâng cao đời sống văn hóa ở một số nơi còn yếu, phong trào chưa mạnh, thiếu nội dung chương trình cụ thể, không chuyển biến kịp với tình hình.

 Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chưa được quan tâm đúng mức. Một số nơi vẫn còn tình trạng thiếu cán bộ văn hóa, chưa ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ phát triển văn hóa của thành phố trong tình hình mới.

Một bộ phận cán bộ, đảng viên còn thiếu gương mẫu, không làm gương cho nhân dân noi theo, nhất là việc thực hiện quy ước, quy chế xây dựng nếp sống văn hóa.

Các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở Thủ đô Viêng Chăn

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân Thủ đô về vai trò của văn hóa trong phát triển. Công tác tuyên truyền cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, bằng nhiều hình thức khác nhau để văn hóa dần thấm sâu vào nhận thức của mỗi người. Phối hợp tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép với biểu diễn văn nghệ, thi tìm hiểu, viết tin bài phản ánh phong trào cùng các gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến. Đồng thời, khơi dậy ý thức, niềm tự hào dân tộc, tinh thần hiếu học, cần cù trong lao động, sản xuất, xây dựng gia đình, dòng họ, quê hương ngày càng thêm giàu đẹp.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách

Các cấp có thẩm quyền cần hoàn thiện, bổ sung cơ chế chính sách để khuyến khích sáng tạo văn hóa, nghệ thuật. Đặc biệt, phải hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt quy hoạch xây dựng và nâng cấp đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa. Tập trung nghiên cứu xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa - thông tin; sau khi được phê duyệt phải chỉ đạo triển khai sâu sát, kiên quyết.

Hoàn thiện cơ chế chính sách xây dựng các thiết chế văn hóa, các công trình văn hóa gắn với đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển văn hóa - thông tin cơ sở, phục vụ thiết thực cho nhân dân.

Huy động nguồn lực xã hội

Cần có chính sách miễn, giảm thuế, ghi công danh dự cho những cá nhân và tổ chức trong việc xã hội hóa, khuyến khích các cơ sở làm tốt việc xã hội hóa và các hoạt động văn hóa; phổ biến rộng rãi những hình thức xã hội hóa để nhiều nơi cùng học tập, làm theo. Khuyến khích các tầng lớp nhân dân đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, đồng thời vận dụng nguồn vốn hoạt động theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nhằm động viên sức người, sức của của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội để cùng xây dựng và phát triển văn hóa.

Thủ đô Viêng Chăn cần đầu tư có trọng điểm, đúng việc, đúng người, đúng chỗ thì mới thúc đẩy được quá trình xã hội hóa nhanh hơn. Có chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, vốn cho các hoạt động văn hóa. Đặc biệt, cần có chính sách thu hút nhân tài, bồi dưỡng năng khiếu cho các tài năng trong địa phương, luôn quan tâm đến văn nghệ sĩ, các câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật, bởi đây là lực lượng chủ lực trong công cuộc xây dựng đời sống văn hóa ở bản/ làng.

Hoàn thiện các thiết chế văn hóa

Xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa là góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa các cấp trở thành một nhu cầu bức thiết, một đòi hỏi chính đáng của nhân dân. Mỗi người dân, mỗi thôn, xóm... là một minh chứng sống động, trực quan của bản sắc văn hóa dân tộc. Bản sắc văn hóa này chỉ có thể hiện hữu, phát triển mạnh mẽ và trường tồn trong điều kiện thiết chế văn hóa đầy đủ, vững mạnh, hoạt động hiệu quả.

Phát huy vai trò của cộng đồng dân cư địa phương

Tuyên truyền để người dân nhận thức đầy đủ về các vai trò của cộng đồng dân cư: chủ thể tích cực tham gia vào quá trình xây dựng quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

Cần có các hình thức tôn vinh tấm gương nông dân điển hình, tiên tiến trong các phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, phong trào xây dựng nông thôn mới và xây dựng gia đình văn hóa.

Nâng cao chất lượng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn gắn với thực hiện pháp lệnh dân chủ ở xã. Xây dựng và thực hiện tốt các hương ước, quy ước cộng đồng; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra

Qua công tác thanh, kiểm tra, kịp thời phát hiện những mặt còn hạn chế cần khắc phục, tiếp thu những kiến nghị của cơ sở, phát huy những kết quả đạt được để tổ chức triển khai thực hiện phong trào đạt hiệu quả hơn. Chính vì vậy, trong thời gian tới, để nâng cao việc thanh - kiểm tra công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, cần chú trọng các nội dung kiểm tra. Phải kiểm tra cụ thể từ việc ban hành kế hoạch hoạt động, công tác kiện toàn Ban chỉ đạo và việc ban hành, thực hiện quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp cho đến việc triển khai nội dung về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Làng văn hóa” và tương đương; “Cơ quan văn hóa”, “trường học văn hóa”...

 

Tác giả: Maliya Inhaksa (CHDCND Lào)

Nguồn: Tạp chí VHNT số 470, tháng 8-2021

 

;