Trong những năm qua, công tác xã hội hóa (XHH) các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch ở Đắk Nông đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đã và đang từng bước mang lại một luồng sinh khí mới, phù hợp với xu thế phát triển, hội nhập, góp phần tích cực vào việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống văn hóa mới, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.
Văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa được gìn giữ, phát huy - Nguồn: baodaknong.vn
Nội dung XHH các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch được mở rộng không chỉ trong xây dựng cơ sở vật chất, phong trào văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng, mà còn tổ chức sự kiện, hội nghị, lễ hội... Qua đó, thời gian qua, tỉnh đã tổ chức thành công các hoạt động, sự kiện có quy mô lớn, nổi bật như: Chương trình “Đắk Nông - Mùa Bơ chín”, Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I năm 2018 và lần thứ II năm 2020, Cuộc thi Miss Tourism VietNam 2020, Cuộc thi “Hoa hậu Doanh nhân toàn cầu năm 2023”, Giải dù lượn Tà Đùng - Đắk Nông mở rộng tranh cúp Phú Cường năm 2022, Giải vô địch dù lượn quốc gia lần thứ III năm 2023... đặc biệt là Chương trình nghệ thuật “Đắk Nông- Âm vang đại ngàn” chào mừng Lễ Kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh Đắk Nông. Ngoài ra, các Sở, ngành chuyên môn đã chủ động, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai vận động kinh phí tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Nông chủ đề "Đắk Nông - Tiềm năng và cơ hội đầu tư", Hội nghị giới thiệu, quảng bá hình ảnh và kêu gọi đầu tư Du lịch tỉnh Đắk Nông..., góp phần đã giới thiệu tiềm năng, thế mạnhvề phát triển kinh tế xã hội, các giá trị di sản văn hóa các dân tộc của tỉnh Đắk Nông, đặc biệt là đầu tư phát triển du lịch trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Song song với XHH tổ chức các sự kiện, hội nghị, lễ hội..., công tác bảo tồn, sưu tầm tài liệu, hiện vật văn hóa trong thời gian qua cũng có những chuyển biến tích cực, việc liên kết, tiếp cận, hợp tác với các nhà sưu tập tư nhân và các tầng lớp nhân dân để kêu gọi, vận động ủng hộ, hiến tặng hiện vật đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Qua đó, đã sưu tầm được hơn 2.000 tư liệu, hiện vật có giá trị, trong đó có nhiều cổ vật có niên đại rất sớm, từ 500 đến 700 năm trước Công nguyên, một số cổ vật có niên đại từ thế kỷ X đến thế kỷ XX, thuộc các nền văn hóa Sa Huỳnh, Đồng Sơn, Óc Eo... cùng với các cổ vật thời nhà Lý, Trần, Lê, Nguyễn, kể cả các cổ vật liên quan đến vùng đất Đắk Nông, Tây Nguyên... do Nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Ẩn cùng nhiều sưu tập gia khác trao tặng. Đây là một trong những bộ sưu tập có giá trị quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, và là cơ sở để xây dựng không gian trưng bày về văn hóa Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử dựng nước và giữ nước.
Việc đẩy mạnh XHH trong hoạt động thư viện luôn được quan tâm, nhiều tổ chức, quỹ văn hóa trong nước và quốc tế đã hỗ trợ trang thiết bị, sách báo... giúp hệ thống thư viện trên địa bàn tỉnh phát triển phong phú về vốn tài liệu cũng như trang thiết bị. Hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh được Dự án“Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam” tài trợ 160 bộ máy vi tính, phục vụ bạn đọc sử dụng máy tính, truy nhập internet miễn phí. Dự án “Xe thư viện lưu động đa phương tiện” của Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) và Quỹ Thiện tâm (Tập đoàn VinGroup) đã hỗ trợ cho Thư viện tỉnh 1 xe ô tô thư viện lưu động mang tên “Ánh sáng tri thức”. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, cá nhân trao tặng nhiều tủ sách có giá trị, như: Tủ sách nhân ái, Tủ sách Nền tảng đổi đời do chương trình “Hành trình từ trái tim” của Tập đoàn Trung Nguyên Legend trao tặng, qua đó đã đem đến cho bạn đọc những nguồn tri thức từ những cuốn sách quý.
Cùng với XHH trên lĩnh vực văn hóa và du lịch, chủ trương XHH hoạt động trên lĩnh vực thể dục thể thao (TDTT) ngày càng được đông đảo các tổ chức và tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Số người luyện tập TDTT thường xuyên và số gia đình thể thao ngày càng tăng. Các cơ sở tập luyện, các Liên đoàn, Câu lạc bộ thể thao như: Liên đoàn quần vợt, bóng bàn, cầu lông, câu lạc bộ thể dục thể hình, thể dục thẩm mỹ, bóng đá mini,... được hình thành và hoạt động thường xuyên, góp phần thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia tập luyện thân thể nâng cao sức khỏe. Toàn tỉnh hiện có 4 khu xã hội hóa TDTT, 113 sân bóng đá, 25 sân quần vợt, khoảng 538 sân bóng chuyền, 36 bể bơi và 62 nhà tập luyện các loại... Nguồn kinh phí huy động để tổ chức các giải thể thao ngày càng tăng, trung bình mỗi năm cấp tỉnh huy động hơn 2 tỷ đồng, cấp huyện huy động từ 300 - 400 triệu đồng để phục vụ tổ chức các giải thể thao.
Xã hội hóa trong phát triển du lịch gắn với việc khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào du lịch được chú trọng, nhằm tạo ra hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, sản phẩm đa dạng và mang tính chuyên nghiệp cao, qua đó đã có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư, nhằm hình thành nên các khu, điểm du lịch, tạo bước đột phá cho du lịch phát triển. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 10 dự án kinh doanh du lịch được tỉnh cấp chủ trương đầu tư, trong đó có một số dự án đi vào hoạt động, thu hút du khách trong nước và quốc tế như: Khu du lịch - di tích lịch sử văn hóa thắng cảnh cụm thác Đ'ray Sáp - Gia Long tại xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô; Khu nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái Phước Sơn tại xã Đắk Wer, huyện Đắk R'lấp; Thiền viện Trúc Lâm Đạo Nguyên tại xã Nâm N'Jang, huyện Đắk Song; Dự án đầu tư khu du lịch sinh thái Đắk G'lun tại xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống, khu điểm vui chơi giải trí được xây dựng, đầu tư nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Đắk Nông. Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng và có dấu ấn sâu đậm trong lòng du khách thì công tác xã hội hóa du lịch nhằm huy động các nguồn lực cho phát triển là điều cần thiết.
Mặc dù công tác XHH các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua có những chuyển biến tích cực, song vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, đó là các cơ chế, chính sách về công tác XHH trong quá trình triển khai còn nhiều bất cập, việc khuyến khích và kêu gọi các cá nhân, tổ chức, các thành phần kinh tế tham gia phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch còn nhiều hạn chế.... Thế nhưng, với kết quả bước đầu đạt được, tin tưởng rằng từ chủ trương đúng đắng, hoạt động XHH sẽ từng bước đi vào nề nếp và hiệu quả, góp phần quan trọng cho sự phát triển của ngành VHTTDL tỉnh nhà.
Các giải thể thao đỉnh cao được tỉnh Đắk Nông đăng cai tổ chức góp phần nâng cao đời sống tinh thần nhân dân -
Nguồn: baodaknong.vn
ĐÌNH TOÀN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 585, tháng 10-2024