Văn học dấn thân của Jean Paul Sartre

Văn sử triết bất phân là một hiện tượng đặc thù trong tiến trình phát triển của xã hội, văn hóa và nghệ thuật không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới. Hiện tượng này bắt đầu từ thời trung đại, tuy nhiên, đến thời hiện đại thì sự gắn kết và ảnh hưởng lẫn nhau của từng yếu tố ấy cũng rất chặt chẽ. Ở miền Nam giai đoạn 1954-1975, sự du nhập của triết học hiện sinh đã tác động không nhỏ đến sự phát triển của một bộ phận trí thức bấy giờ. Tác động đó còn in lại trong những tác phẩm của họ, đặc biệt là tinh thần dấn thân của J.P.Sartre.

Khái niệm dấn thân trong triết học hiện sinh của J.P.Sartre

Dấn thân là một khái niệm quen thuộc trong triết học hiện sinh của J.P.Sartre hình thành trong tiểu thuyết Buồn nôn (1938), khẳng định trong Hữu thể và hư vô (1943) và sau đó, ông làm rõ hơn trong Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản (1945). Trên cơ sở lý giải về sự tồn tại của con người: buồn nôn, phóng thể, ưu tư, tự quyết, vươn lên…, ông tìm thấy ý nghĩa đặc biệt tích cực của con người với khái niệm dấn thân.

Khái niệm dấn thân đi từ khái niệm mang tính trung tâm Hữu thể cho ta của ông trong Hữu thể và hư vô. Bên cạnh khái niệm Hữu thể tự nó, khái niệm Hữu thể cho ta nhấn mạnh nhiều hơn đến tính tích cực của tâm thế con người. Theo ông, tự do là phương thức phù hợp với hữu thể người. Nhờ ý thức được sự khác biệt, không dừng lại, không thỏa mãn với những cái bản thân mình đạt được, có nhu cầu vượt lên mà con người có khả năng sáng tạo và thường xuyên làm ra những giá trị mới. Trong tâm thế ấy, con người tách mình ra khỏi những cái đã và đang hiện hữu, liên tục hướng tới cái khác, biết lựa chọn và tự mình lựa chọn, hoàn toàn chịu trách nhiệm về thế giới do họ tạo ra và tất cả những gì diễn ra trong thế giới ấy. Tất cả những điều ấy, J.P.Sartre gọi là thái độ và hành động dấn thân. Dấn thân là một hoặc những lựa chọn tự nguyện, tràn đầy ý thức, vì vậy nó mang tinh thần tự do từ chủ thể đến đối tượng, từ khởi điểm đến kết thúc. Con người dấn thân phải có năng lực ý thức và tự ý thức, luôn tra vấn, tự mình tìm kiếm và lựa chọn những giá trị mới, hướng đến tự do, vượt thoát giới hạn.

Trong Hữu thể và hư vô, ông viết: “Tự do, chính là khắc khoải lựa chọn”. Khắc khoải không phải do mình sợ lựa chọn đúng hay sai, mà vì mình phải tìm ra lý do sao cho đủ để giải thích sự lựa chọn đó trong hoàn cảnh và điều kiện sống khác nhau. Khi đứng trước vực thẳm, phải lựa chọn hoặc bổ đầu xuống, hoặc quay lại và có trách nhiệm với lựa chọn thì con người đã tạo ra bản chất của mình. Bản thân việc lựa chọn cũng biểu thị sự dấn thân như: “Khi con người lựa chọn có nghĩa là họ đã dấn thân để tạo ra giá trị cho chính mình” (1). Chính tinh thần dấn thân đã đưa ông đến việc vừa chấp nhận tư tưởng vô thần (con người phải tự cứu lấy mình, tự làm cho mình trở thành con người, phải “nhập cuộc” với môi trường xã hội mà anh ta đang sống), vừa phê phán chủ nghĩa Mác (đã quên mất con người). Có thể thấy, J.P.Sartre tư duy về triết học bằng một bản thể triết thuyết không hề tĩnh tại với những định nghĩa về con người bằng hành động của họ.

Tóm lại, dấn thân theo ông là sự lựa chọn, hành động và thái độ của con người vì tự do và tự chủ của cá nhân theo một mục đích, chủ trương nhất định. Dấn thân là đi tìm ý nghĩa của sự tồn tại, là khẳng định ý nghĩa tồn tại của hữu thể trên trần thế. Với cách hiểu này, khái niệm dấn thân của J.P.Sartre đã góp phần làm nên ý nghĩa nhân bản tích cực của triết học hiện sinh. Đây cũng chính là khái niệm góp phần quảng bá triết học hiện sinh trên thế giới. Bên cạnh là một triết gia, ông còn là một nhà văn từng được giải Nobel năm 1964 (nhưng ông đã từ chối) với hàng loạt tác phẩm văn học nổi tiếng, từ sáng tác đến lý luận, tinh thần dấn thân cũng được ông thể hiện rõ trong thế giới văn chương.

Văn học dấn thân theo quan niệm của J.P.Sartre

Việc xem sáng tác nghệ thuật để thể hiện sự tự do là cái đà tiến đến quan niệm văn học dấn thân trong tư tưởng của J.P.Sartre. Nghệ thuật mang bản chất tự do: cảm hứng tự do của tác giả, khát vọng tự do của tác phẩm. Nghệ thuật phản ảnh bộ mặt của thời đại, nhưng luôn hướng về tự do cho con người. Do đó, bất cứ tác phẩm văn học nào cũng mang một giá trị gọi mời: người viết hướng về phía độc giả để gọi mời tự do và ông luôn đòi hỏi văn học phải bảo vệ dân chủ và tự do.

Theo J.P.Sartre, văn học phải có tác dụng đối với vấn đề sinh sống của xã hội đương đại, sáng tác văn học phải gắn liền với một thái độ, hành động cụ thể của người viết. Văn học dấn thân tức là vì người dân mà nói mà viết, tức là trong một nghịch cảnh mà đấu tranh cho tự do. Văn học dấn thân phải phơi bày những hiện tượng tồn tại chưa tích cực trong xã hội, phải đấu tranh xóa bỏ những tồn tại đó để biến đổi xã hội. Khi đó, văn học dấn thân phải chấp nhận đối đầu với mọi trở lực để mang lại cho dân tộc một nền văn học phù hợp với nó, vì nó. Khi đó, văn học dấn thân sẽ làm trọn cái chức năng mà nó chưa bao giờ rời bỏ: chức năng xã hội.

Khi “văn chương dấn thân”, nghĩa là phải có “nhà văn dấn thân”. Kiểu nhà văn dấn thân được viết trên tạp chí Les Temps Modernes: “Chúng tôi mong muốn (nhà văn) rằng anh ta phải theo sát chặt chẽ thời đại của mình; nó là sự may mắn duy nhất của anh ta; nó tồn tại cho anh ta và anh ta tồn tại cho nó” (2). Gắn với tình thế mà mình sống, nhà văn cần gắn sự nghiệp của mình với thời đại, góp sức vào việc thay đổi tích cực với xã hội. Về mặt này, tự bản chất dễ chuyển tải thông điệp của mình, văn xuôi là thể loại thuận lợi cho các nhà văn dấn thân. Quyền lực của chữ nghĩa là có thể hành động, biến đổi, tác động và bạo động nên nhà văn viết tức là gia nhập vào thế giới, biến đổi trước tiên bằng ngôn ngữ và ngôn ngữ đã trở thành một sứ điệp, một vũ khí. Khi đó, dấn thân cũng trở thành một định mệnh của nhà văn.

Trong Văn học là gì, ông khẳng định: “Nhà văn phải dấn thân hết mình trong các tác phẩm của anh ta” (3). Đó là một quá trình tư tưởng: “khi anh ta cố gắng có ý thức minh mẫn nhất và toàn vẹn nhất rằng mình nhập cuộc, nghĩa là khi anh ta làm cho cuộc dấn thân từ tự phát, tức thì trở thành tự giác, cho chính mình và cho những người khác” (4). Nhà văn dấn thân bóc trần thế giới, bóc trần con người để người đọc nhận thấy trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trước những tồn tại. Khi đó mọi người biết rõ thế giới và không ai có thể nói mình ngây thơ trong đó; và mọi người phải nhận lấy trách nhiệm của mình trước thế giới. Nhà văn dấn thân có thể là một nhà văn tầm thường, nhưng là người nói lên điều chưa ai dám nói, đặt tên cho cái chưa có tên. Họ dám bật ra lời yêu, ghét hay sự căm hận giữa người với người. Khi đã chọn viết, tức là chọn bắn và họ phải bắn sao cho trúng đích. Nhà văn dấn thân dùng chữ nghĩa nói như Brice Parainap (triết gia Pháp) như những “khẩu súng đã nạp đạn”. Trong cuộc tồn sinh, tự do cầm bút bao hàm tự do công dân. Khi tự do cho công dân không đủ để bảo vệ nó thì đến một ngày nào đó ngòi bút buộc phải dừng lại và lúc đó nhà văn phải cầm súng. Viết là một cách thức nhất định của khát vọng tự do và nhà văn là kẻ dấn thân bảo vệ nó.

Từ góc nhìn đặc trưng thể loại, J.P.Sartre phân biệt nhà văn dấn thân và nhà thơ dấn thân. Quyền năng của chữ khiến nhà thơ là người mất cũng chính là người được. “Nếu người ta nhất định muốn nói về sự dấn thân của nhà thơ, thì ta nói rằng đó là con người dấn thân để mà đánh mất” (5). Bởi con đường thơ ca tồn tại sẵn những “vận rủi”, những “tai họa” mà nhà thơ không đủ bản lĩnh sẽ va sập vào đó và mất vĩnh viễn ngay cả sau khi anh ta chết. Sự khác biệt giữa “cái nghĩa sáng rõ và xã hội” của văn xuôi và cái “âm vang mờ tối” của thơ là những khó khăn và khác biệt trên con đường cầm bút của nhà thơ và nhà văn. J.P.Sartre phân tích chữ của nhà thơ bằng hiện tượng học và đọc thơ bằng sự mẫn cảm với kiến giải bác học của ngữ học hiện tượng. Cụ thể, nhà thơ không nhận biết sự vật bằng tên gọi hằng ngày của nó, mà âm thầm tiếp xúc với sự vật trước, rồi mới quay lại mân mê một sự vật khác là chữ. Khi nhà thơ thấy chúng loé ra một độ sáng riêng, tương ứng dị kỳ với nước, trời, vạn vật... thì những chữ mà ông ta dùng không có vai trò chỉ định tên hoặc một vẻ của sự vật nữa mà chính là hình ảnh của một trong những vẻ ấy. Như ông ngụ ý, ngôn ngữ hình ảnh mà nhà thơ chọn cho cây liễu, cây tùng không nhất thiết phải là những chữ mà chúng ta dùng để chỉ cây liễu, cây tùng. Mỗi chữ trong thơ là một vũ trụ nhỏ được nhà thơ chắp nối lại với nhau để tạo ra một vật thể chữ, chúng kết hợp với nhau trong sự pha trộn nhiệm màu giữa tương hợp và tương phản, hệt như màu sắc và âm thanh, chúng cuốn hút, đưa đẩy nhau, đốt cháy trong nhau để tạo thành đơn vị thơ, đó là vật thể - câu...

Lý giải trên chứng tỏ những mờ tối và ẩn ý trong quá trình bày tỏ ý tưởng và tái tạo thế giới của nhà thơ là cả một quá trình họ vừa bộc lộ (dùng ngôn ngữ), vừa ẩn mình (đặc trưng ngôn ngữ thơ) để dấn thân vào dòng chảy của loài người. Khó khăn của nhà thơ khi dùng ngôn ngữ bộc lộ cũng chính là ưu thế của họ khi vị thế bị lịch sử kẹp đứng giữa những góc cạnh chật hẹp và tù túng. Những ẩn ý che giấu bớt đã giữ nhà thơ an toàn trước quan điểm vạch trần nhiều ác ý của đối thủ, khi mà họ chưa đủ mạnh để đương đầu trực diện. Tuy vậy, đó cũng chính là viết để mất cho đến chết và khi chết đi là anh ta có được. Đó là nét độc đáo của nhà thơ dấn thân.

Quan niệm văn chương dấn thân của J.P.Sartre bắt đầu từ nhận thức có tính cách hữu thể học về ngôn ngữ. Ông đã bắt đầu và hoàn tất sự nghiệp viết văn bằng cách nghĩ này. J.P.Sartre luôn đề cao ba mệnh lệnh: phải nói sự thật, phải tìm cái đẹp, phải bênh vực tự do. Một nhà văn dấn thân, phải là một nhà văn tham dự, nhà văn bút chiến, phải luôn có một đời sống đầy nhiệt thành và mầm sáng tạo căng tràn dữ dội trong cơ thể, tâm hồn, trái tim cuồn cuộn đam mê. Cần sẵn lòng lao vào nhập hóa với cuộc đời, bật lên tiếng nói lương tri trước hiện tượng đớn đau của nhân loại. Với J.P.Sartre, văn chương đã trở thành một tác động cứu rỗi của con người đã mất niềm tin nơi thượng đế; văn chương trở thành cái tuyệt đối khi chính cái tuyệt đối không còn.

Với J.P.Sartre, số phận các tác phẩm văn chương phải gắn chặt với số phận nước Pháp đang lâm nguy, nên sứ mệnh của nhà văn dấn thân một cách nghiêm túc và nhiệt thành. Văn học là nơi giúp ông hiện sinh hóa các triết lý, các quan niệm. Sự gắn liền chặt chẽ và nhuần nhuyễn giữa triết học và văn học đã tạo nên những đặc điểm độc đáo và làm nên nét riêng của ông.

J.P.Sartre xem sáng tạo nghệ thuật là sự trải nghiệm tuyệt vời để đạt đến mức độ bộc lộ cao nhất tự do cá nhân, vừa khám phá thế giới vừa khám phá bản thân: “niềm vui thẩm mỹ sinh ra từ tầm mức ý thức của tôi (...), chức năng chủ yếu và tự nguyện ưng thuận của niềm tự do của tôi chính thị là đem đến cho tồn tại đối tượng duy nhất và tuyệt đối là vũ trụ trong một vận hành vô điều kiện” (6). Cuộc vượt lên và giải thoát này vừa tạo nên giá trị văn chương vừa tạo nên giá trị nhân vị.

Mẫu người dấn thân được ông minh họa trong Buồn nôn là nhân vật Roquentin. Khi phải tồn tại trong thế giới cô đơn và phi lý, anh ta chán chường và buồn nôn vô cớ. Nỗi ray rứt như trở thành tàn nhẫn trong sự cảm nhận thế giới diễn ra liên tục nơi Roquentin. Để thoát khỏi trạng thái đó, để tìm thấy ý nghĩa và giá trị của bản thân, anh ta quyết tâm sáng tác: “sẽ có một lúc mà cuốn sách được viết xong, cuốn sách ở đằng sau tôi và tôi nghĩ rằng một chút ánh sáng của nó sẽ rọi xuống quãng đời quá khứ của tôi” (7). Từ khắc khoải đau đớn và khát vọng, cuối cùng nhân vật đã dấn thân. Khúc nhạc cuối tác phẩm song hành với nhận thức của Roquentin: nghệ thuật là điều tất yếu duy nhất của con người. Giá trị lập thuyết này đưa Buồn nôn lên hàng những cuốn sách khó đọc, nhưng có giá trị nhất của nhân loại trong TK XX. Tác phẩm đã có ảnh hưởng nhất định đến trí thức Sài Gòn trong những năm trước 1975.

Cuộc đời dấn thân của J.P.Sartre

J.P.Sartre dấn thân trong tư tưởng triết học, trong sáng tác văn học và cả mọi hoạt động xã hội. Ý thức về thân phận của trí thức yêu nước khi nước Pháp đang trong cơn binh biến, đã thúc đẩy ông dấn thân từ việc dạy học, cầm súng trong quân đội, đến cả những năm tháng tù binh, giải ngũ, rồi tiếp tục viết, dạy…

J.P.Sartre bắt đầu dấn thân bằng việc tham gia vào cuộc biểu tình của mặt trận Bình Dân (1935), tham gia thành lập nhóm kháng chiến “Chủ nghĩa xã hội và Tự do” (1941). Thất bại, ông quyết định viết văn. Ba tác phẩm Hữu thể và hư vô (tiểu luận triết học, 1943), Ruồi (kịch, 1943) và Kín cửa (kịch, 1944) là hình mẫu của dòng văn chương dấn thân. Năm 1945, ông chủ bút tạp chí Thời hiện đại làm diễn đàn tranh đấu cho những lý tưởng xã hội. Trong bài giới thiệu tạp chí, ông chứng minh vai trò của nhà văn với thời đại của mình bằng chính tác phẩm và mình là nhà văn. Tác phẩm Những con đường của tự do (tiểu thuyết, 1945-1949) làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận học thuật với nhiều trí thức tên tuổi trên thế giới. Bên cạnh đó, ông còn chủ nhiệm tờ nhật báo chính trị Giải phóng và tờ báo Chính nghĩa của nhân dân.

Các hoạt động xã hội của ông là một hành trình dấn thân không ngừng nghỉ. Tinh thần ái hữu vô vị lợi của ông với những dân tộc, những người dân chịu sự xâm lược của các thế lực mạnh hơn, thể hiện rõ qua các việc ông làm, trong đó, với Việt Nam, ông ký tên vào Bản Tuyên Ngôn 121 lên án tội ác chiến tranh của Mỹ (1966), nêu cao lập trường đấu tranh cho dân tộc Việt Nam (1973)... Những thái độ đó thể hiện sự nhất quán trong tư tưởng J.P.Sartre về tự do, là quyền tự chủ của cá nhân con người. Ông luôn giữ một thế đứng độc lập của những thành phần thuộc lực lượng thứ 3, không chính phủ, đảng phái, chịu sự lên án của cả hai phe tả - hữu. Ông khẳng định, tính nhân bản của thuyết hiện sinh là đứng về phía những ai muốn thay đổi, cả điều kiện xã hội lẫn quan niệm cả con người về chính mình và không phục vụ cho bất kỳ đảng phái nào. Ông từ chối giải Nobel cũng vì cho rằng chính việc chấp nhận vinh quang sẽ làm nên những cản trở con đường dấn thân.

Mặc dù tư tưởng của ông có dấu ấn của I.Kant, G.W.F.Hegel, S.Kierkergaard, E.Husserl và M.Heidegger... nhưng chính J.P.Sartre mới là nhân vật tiêu biểu cho thuyết hiện sinh, là điển hình của người trí thức dấn thân, luôn đứng về phía những thành phần yếu thế, đấu tranh không ngừng cho tự do của con người. J.P.Sartre được dành cho những danh hiệu đẹp: “thiên tài”, “trí thức toàn diện”, “lương tâm của thời đại”, “triết gia luôn đứng về phía những kẻ bị áp bức”, “người luôn dấn thân hết mình vào quần chúng”…

Tinh thần dấn thân của J.P.Sartre đã ảnh hưởng sâu sắc đến trí thức miền Nam trước năm 1975. Trong hoàn cảnh lịch sử, xã hội, đặc biệt ở miền Nam, những vấn đề ông đặt ra trở thành tâm thức thời đại; và từ đó triết học, văn học của vùng đất này có nhiều bước ngoặt mới.

Triết học hiện sinh và các tác phẩm của ông phổ biến mạnh mẽ ở miền Nam, dấn thân là một từ gần như ở trên môi và trên trang viết của các trí thức văn nghệ sĩ. Tuy rằng, tinh thần dấn thân đã được hình thành từ rất lâu trong lịch sử văn học Việt Nam. Thanh Lãng trong Văn học Việt Nam, thế hệ dấn thân yêu đời, đã khẳng định: “Văn học dấn thân yêu đời kéo dài và phủ lợp hầu cả TK XV, tức từ năm 1428 đến năm 1505” (8). Đó là quãng thời gian dân tộc được hưởng sự thịnh trị, hòa bình. Các văn bản còn lại cho thấy, văn học giai đoạn Lê sơ là tiếng nói dựng xây, cải cách, tất cả vì vận mệnh và quyền lợi của nhân dân: vua đức độ, quan yêu dân, tiến cử hiền thần, lấy đức trị dân, trên hưng thịnh dưới ôn hòa. Theo cách đó, khái niệm văn học dấn thân yêu đời chính là văn học tích cực góp mình vào sự phát triển của xã hội. Như vậy, có thể khẳng định, tiền đề nền tảng của sự hình thành và phát triển kiểu văn học dấn thân quy vào mục đích tốt đẹp: cất tiếng nói của lương tri, đồng hành với nhân dân, thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

Văn học dấn thân hầu như đều được tiến hành trong một hoàn cảnh ngược dòng. Xã hội miền Nam, trong thời kỳ chiến tranh đã dung chứa rất nhiều điều bất ổn, nên đó là lý do mà những nhà thơ dấn thân ra đời. Có một nghịch lý cần phải xác định, đó là thiết chế xã hội miền Nam đã cho phép xuất hiện sự phản kháng, đối đầu, trong chính trị và văn học. Những cây bút yêu nước tiến bộ giai đoạn này đã tích cực tham gia vào công việc thay đổi xã hội, con người, trong đó dấn thân văn hóa, dấn thân chính trị là hai phương diện phổ biến hơn cả.

Từ những phân tích của ông về lẽ “được/ mất”; những “vận rủi”, “tai họa”; “cái nghĩa sáng rõ và xã hội” của văn xuôi và cái “âm vang mờ tối” của thơ; “sự bộc lộ” và “ẩn mình” của người cấm bút; có thể khẳng định, văn học yêu nước miền Nam là bộ phận văn học dấn thân. Các cây bút ấy đã tự nguyện chọn lựa, hoàn toàn tự do, tự giác và tràn đầy tinh thần trách nhiệm; họ đã vượt lên chính mình, đảm nhiệm tốt công việc sáng tạo, làm ra những giá trị mới mang tính thẩm mỹ, tính xã hội cao. Điều đó đã mang lại cho văn học miền Nam những giá trị độc đáo từ năng lực tra vấn về bản thân và về tình thế vây quanh, từ thái độ dám bóc trần xã hội để nói lên điều chưa ai dám nói của những người cầm bút. Những điều đó cũng đã mang lại cho văn học giá trị tích cực cho xã hội.

_______________

Tài liệu tham khảo

1. Friedrich Nietzsche, Buổi hoàng hôn của những thần tượng (Nguyễn Hữu Hiệu dịch và giới thiệu), Nxb Văn học, Hà Nội, 2008, tr.28.

2. Jean-Paul Sartre, Tình thế (Situation), Éditions Gallimard, 1948, tr.12.

3,4,5. Jean-Paul Sartre, Văn học là gì (Nguyên Ngọc dịch), Nxb Hội nhà văn, 1999, tr.45, 102, 49.

6. Đỗ Ngọc Thạch, Sartre và văn học, dothach.blogspot.com

7. Jean-Paul Sartre, Buồn nôn (Phùng Thăng dịch), Nxb Văn hóa, Sài Gòn, 1938, tr.437.

8. Thanh Lãng, Văn học Việt Nam - thế hệ dấn thân yêu đời, 1971, tr.7.

Tác giả: Trần Thanh Bình

Nguồn: Tạp chí VHNT số 431, tháng 5-2020

;