Ngôn ngữ giàu tính tạo hình trong văn xuôi dân tộc thiểu số

Trong các sáng tác về đề tài miền núi, các nhà văn dân tộc thiểu số đã sử dụng đa dạng ngôn ngữ: ngôn ngữ kể chuyện của nhà văn, ngôn ngữ đối thoại, ngôn ngữ độc thoại nội tâm, đặc biệt là ngôn ngữ giàu tính tạo hình hay mang đậm tính dân tộc - ngôn ngữ của đồng bào vùng cao. Người miền núi vốn chân thật, mộc mạc, giản dị, song cách nói của họ không hề ngắn ngủi, khô khan. Trái lại, trong đời sống hằng ngày, họ thường nói những câu bóng bẩy, trau chuốt, giàu hình ảnh, đầy gợi cảm. Muốn người nghe hiểu cặn kẽ những điều mình nói, họ thường dẫn dắt, miêu tả kỹ lưỡng, tỉ mỉ. Chính thói quen ấy đã tạo nên sự phô diễn giàu hình ảnh trong lối nói của người dân tộc thiểu số.

    Biểu hiện đầu tiên của ngôn ngữ giàu tính tạo hình trong các sáng tác là việc nhiều tác giả đã vận dụng các thể văn học dân gian đặc sắc của người Tày, đó là puối pác, puối rọi. Puối pác là lời nói miệng bằng câu có vần, puối rọi là câu nói bằng một chuỗi vần như hát. Nó được coi là một kiểu ứng tác xuất khẩu thành chương, dùng để trao đổi nỗi niềm, khơi gợi tình nghĩa, kỷ niệm. Nhiều nhà văn đưa những ngôn từ có vần, nhịp như thế vào trong ngôn ngữ nhân vật để tạo ra một tiết tấu nhẹ nhàng, âm điệu hòa quyện, hiệu quả thẩm mỹ cao. Những nhà văn sử dụng lối nói này nhiều nhất là Vi Hồng, Nông Viết Toại, Hoàng Hạc, Nông Minh Châu. Lời văn trong tiểu thuyết của Vi Hồng vừa mộc mạc, giản dị, vừa phong phú, nhiều màu sắc, giàu hình ảnh. Đó là cách diễn đạt rất độc đáo, thân quen với đời sống, tâm lý người Tày. Viết về thiên nhiên cũng như cuộc sống con người, Vi Hồng hay sử dụng những câu nói giàu hình tượng, nhuần nhuyễn kiểu tư duy dân gian, hay những hình ảnh trau chuốt, gợi cảm giác như được lấy từ những làn điệu dân ca truyền thống. Như lời tán tỉnh của gã trai với cô gái Tày trong Núi cỏ yêu thương: “Nếu hoa kia quyết khép cánh, thì ong này nguyện đậu trên cánh hoa mà chết héo chết khô”, “Ong lượn trăm vòng không tiếc sức chỉ mong hoa rộng cánh cho ong về, rộng lối cho ong lại” (1) . Trong tiểu thuyết Lòng dạ đàn bà, cuộc đối thoại giữa Linh Thang Nghít với Lăng Thị Thu Lả mang đậm chất dân ca, tế nhị, kín đáo. Những “trai thanh gái nụ” sau khi đã trao nhau “những nụ cười như một lời mời mọc êm đềm”, họ lại dùng lời thăm dò tình cảm, cảm xúc của đối phương. Đây là một trích đoạn đối thoại giữa hai nhân vật:

    - Em có lời chào anh trai ngồi giường trên, chào anh quý đang uống rượu.

    - Chào em gái, bông đang nở trên cành, nụ đang hé trên cây, có cánh ong bay dập dìu! Không biết câu chào đẹp của anh, em có cho ngủ trọ trong tai phải, tai trái. Còn anh xin ngửa hai tay đón câu chào em quý bỏ vào túi gói mười lần khăn hoa (2).

    Những cách nói bay bướm, hoa mỹ ấy được nhà văn vận dụng từ cách khai thác các hình ảnh biểu trưng giàu ý vị trong dân ca, chính vì thế khi đọc tác phẩm của Vi Hồng, người đọc có cảm giác “ông là nhà thơ viết tiểu thuyết” (3). Một điểm đặc biệt cần phải nói tới trong ngôn ngữ văn xuôi Vi Hồng, đó là việc nhà văn sử dụng khá nhiều các thành ngữ, tục ngữ vào trong sáng tác của mình. Trên cơ sở khảo sát các tác phẩm của Vi Hồng, chúng tôi nhận thấy không có tác phẩm nào nhà văn lại không sử dụng thành ngữ, tục ngữ, không những thế, chúng được đưa vào với mật độ lớn. Truyện ngắn Pặm có khoảng 25 câu, Ké Ỳnh, Ké Àng có 22 câu, Chuyện xảy ra giữa mùa cá vật có 36 câu…

    Trong Tháng năm biết nói có 22 câu thành ngữ như: “Dốt chữ dốt nghĩa bồ chật thóc/ Giỏi chữ giỏi nghĩa bồ rỗng tuyếch”, “Người giỏi chữ, càng giỏi giang”, “Cái đồ lông cánh, lông đuôi cun củn còn cố mà bay”, “Càng già càng thấy chuyện lạ, thấy con trâu biết đứng lại biết ngồi”, “Uống nước còn phải nhai”, “Quả tim nổi lên đầu, cho óc lặn xuống bụng”, “Bí theo dòng, mướp theo giống”, “Mướp có tông, bầu có giống” (4).

Thiếu nữ Tày - Ảnh: Nam Trần

 

    Với việc sử dụng đậm đặc những thành ngữ, tục ngữ như vậy, Vi Hồng đã phần nào đưa ngôn ngữ văn xuôi của mình gần hơn với lối biểu đạt của dân gian truyền thống, càng tạo ra tính đa dạng, giàu hình ảnh cho lời văn nghệ thuật trong các tác phẩm.

    Đối với Cao Duy Sơn, dấu ấn trong ngôn ngữ mà nhà văn sử dụng chủ yếu là thứ ngôn ngữ giàu tính tạo hình. Ông cũng thể hiện cách tư duy rất riêng của đồng bào các dân tộc vùng cao qua những câu nói đầy hình ảnh. Chẳng hạn, lời đáp của Ban khi từ chối tình yêu của Khuề: “Nhưng giờ tôi đã như cái cây cho quả, già quá rồi, cũng đã khô héo như cái trăng trên trời, già quá rồi, muộn quá rồi không còn tròn nữa. Ngày ấy không dám cướp lấy tôi như trái cây chín mọng mà không ăn, như cái trăng lúc tròn mà không ngắm, giờ quả chỉ còn xơ, trăng giờ đã héo. Ăn không được nhìn chỉ buồn…” (5). Vương Trung trong tiểu thuyết Đất bản quê cha đã vận dụng một cách điêu luyện vốn ngôn ngữ nhẹ nhàng, đầy hình ảnh, dễ đi vào lòng người của dân tộc Thái. Trong đó, thứ ngôn ngữ được biểu đạt dưới hình thức văn vần được sử dụng khá phổ biến, với những câu nói đầy tính tạo hình như: “Mười bản không bằng bản rụng rốn/ Mười mường không bằng mường treo cau…” (6). Bởi thế, nhà văn Cầm Hùng đã từng nhận xét: “Ngôn ngữ của Đất bản quê cha là ngôn ngữ thể hiện của truyện thơ cổ, ảnh hưởng của Sống chụ Xon Sao” (7).

    Trong Suối làng (Hà Lâm Kỳ), Vua phỉ (Lù Dín Siềng), ngôn ngữ đậm dấu ấn miền núi được thể hiện qua một hệ thống những từ địa phương: “Các nọong nhĩnh (em gái) à, nọong nhĩnh quấn váy trên đầu chặt vào nhé, nặm nõng mứa đáy (nước lũ về đấy)… Áp nặm huổi nỗ trên thơi (tắm nước suối đành chịu thôi)” (8), “Nặm hảnh mật kin pa lạu (suối cạn kiến ăn cá rồi)” (9), “Dia má hữu páo dung (tôi không biết hát)” (10). Nhờ những từ ngữ trên, cuộc đối thoại giữa các nhân vật trở nên chân thực, khách quan mà vẫn tinh tế. Với vốn ngôn ngữ là tiếng mẹ đẻ kết hợp việc vận dụng khá xuất sắc vốn văn học truyền thống, qua những sáng tác văn xuôi của mình, Nông Viết Toại đã đóng góp không nhỏ trong việc làm cho tiếng Tày ngày càng trong sáng, phổ biến. Trong nhiều tác phẩm của ông, từ ngữ địa phương được dùng với tỉ lệ cần thiết, thỏa đáng. Đặc biệt, nhà văn thích vận dụng những thành ngữ, tục ngữ của người dân tộc trong các sáng tác nhằm tạo ra sự hấp dẫn, lôi cuốn cho tác phẩm như: “Bấu slứn slẩy lục slao, bấu slứn đao bươn hả (Không tin bụng con gái, không tin sao tháng năm)” (11), “Kin nặm căt nhằng lèo kẹo (Uống nước lã còn phải nhai)” (12)… Ngôn ngữ của Hlinh Niê lại thể hiện vẻ đẹp mê hồn vừa hoang dã, vừa tươi mát, đầy quyến rũ, đậm chất Tây Nguyên qua hình ảnh hoa cà phê thơm ngát đến từng sợi gió, làm nức lòng những người đi xa trong Mùa xuân ơi tới đi.

    Bằng đường nét ngôn ngữ dịu dàng, mảnh mai, Cầm Hùng trong Sói mặt người đã vẽ nên dáng hình mềm mại, thanh khiết của cánh đồng lúa mùa thu giống như người thiếu nữ đang tuổi xuân đầy quyến rũ: “Mùa thu đến, rừng núi Sơn La trở nên khô ráo, mát mẻ. Sương sớm thường phủ lên ướt đẫm mặt lá rừng như một cơn mưa nhẹ vừa dứt. Lúa trên nương rẫy đang ngả màu vàng của mùa gặt hái. Từ trên núi nhìn xuống, cánh đồng lúa đã trổ bông. Gió lướt trên mặt cánh đồng. Bông lúa uốn lượn nhấp nhô như làn sóng” (13).

    Ma Trường Nguyên cũng là tác giả sử dụng khá nhiều ngôn ngữ giàu tính tạo hình trong các sáng tác của mình, khi ví giọng hát của người con gái miền núi với những cánh hoa đang nở: “Lời hát bay ra từ đôi môi tươi ngời như ngàn vạn cánh hoa cứ tung nở tung nở ngạt ngào, ngây ngất. Lại như những chùm quả ngọt cứ mọng muồi bay ra tách nở giọt giọt nước ngọt lịm chảy mãi vào không gian bồng bềnh bồng bềnh trôi” (14), nói đến nỗi đau thì mượn hình ảnh chùm gai rừng để thể hiện: “Thôi anh đừng nói nữa. Anh càng nói, lòng em càng đau như ai mang cả chùm gai rừng chà sát vào lòng em đây này” (15). Trong tín ngưỡng của người dân tộc, cặp hình ảnh hoa - bướm thường đi đôi với nhau, bởi đó là hai hình ảnh tượng trưng cho đôi lứa gắn bó, quấn quýt bên nhau.

    Bằng cảm quan miền núi, tình yêu quê hương, bản làng sâu sắc, các nhà văn dân tộc thiểu số đã góp phần làm nên một diện mạo riêng, rất đặc trưng cho mảng sáng tác về đề tài miền núi bằng vốn liếng ngôn ngữ của chính dân tộc mình. Đó là ngôn ngữ sử dụng lối viết hoa mỹ, bóng bẩy, những biểu hiện của ngôn ngữ giàu tính tạo hình. Qua đó, khẳng định sự trường tồn vĩnh cửu của một khu vực văn học đầy hương sắc, văn xuôi dân tộc thiểu số miền núi Việt Nam.

______________

1. Vi Hồng, Núi cỏ yêu thương, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1984, tr. 117.

2. Vi Hồng, Lòng dạ đàn bà, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1992, tr.25.

3. Nhiều tác giả, Kỷ yếu hội thảo nhà văn Vi Hồng, Hội Văn học nghệ thuật Thái Nguyên, 2006, tr. 11.

4. Vi Hồng, Tháng năm biết nói, Nxb Hội Văn học nghệ thuật Bắc Thái, 1993, tr.57, 65, 84, 86, 320, 65, 73, 85.

5. Cao Duy Sơn, Những đám mây hình người, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2002, tr.64.

6. Vương Trung, Ngầm kể, Văn nghệ Sơn La, số 4 - 2002, tr.16 - 27.

7. Cầm Hùng, Cảm nhận ban đầu khi đọc tiểu thuyết Đất bản quê cha của nhà thơ Vương Trung, Văn nghệ Sơn La, số 3 - 2002, tr.81 - 86.

8, 9. Nhiều tác giả, Tuyển tập văn học dân tộc và miền núi, tập 7, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr.63, 64.

10. Nhiều tác giả, Nhà văn dân tộc thiểu số Việt Nam - đời và văn, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2004, tr.555.

11, 12. Nhiều tác giả, Tuyển tập Nông Viết Toại, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2005, tr.27, 29.

13. Cầm Hùng, Con thuyền lá, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995, tr.130.

14. Ma Trường Nguyên, Trăng yêu, Nxb Hội Văn nghệ Bắc Thái, 1993, tr.56.

15. Ma Trường Nguyên, Mũi tên ám khói, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1991, tr.60.

Tác giả: Cao Thị Thu Hoài

Nguồn: Tạp chí VHNT số 423, tháng 9-2019

;