Lam Sơn qua tác phẩm văn học tiêu biểu thế kỷ XV

   

Lễ hội Lam Kinh - Thanh Hóa.  Ảnh VOV
 

     1. Lam Sơn, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa đầu tiên mang tư tưởng nhân - nghĩa của Nho giáo

     Đến cuối đời Trần, vùng đất Lam Sơn được xem là Lộ Khả Lam, tên gọi khác là Sách Lam. Chữ Lam được cho là biến âm từ chữ Cham. Làng Cham (tên gọi theo tiếng Việt cổ) là quê hương của người anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi tiếp giáp với các làng mường (thuộc huyện Ngọc Lặc ngày nay), xa hơn về phía tây là địa bàn cư trú của người Thái (thuộc huyện Thường Xuân ngày nay). Vị trí địa văn hóa ấy đã tạo nên những đặc trưng riêng cho vùng đất Lam Sơn: với sự giao thoa văn hóa Thái - Mường - Việt cổ.

     Cho đến cuối thời nhà Trần, mặc dù Nho giáo đã dần thay thế vị trí của Phật giáo, ngày càng ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội, nhưng việc học hành (kinh điển Nho giáo), cơ chế giáo dục mới về đến phủ, lộ. Trong khi đó, Thanh Hóa vẫn là vùng đất trại, Lam Sơn là một vùng rừng núi mang đậm chất văn hóa bản địa Việt - Mường cổ, giữ khoảng cách khá xa với vùng đã hình thành truyền thống văn vật Nho giáo như Thăng Long.

     Sau thất bại của nhà Hồ trong cuộc chiến bảo vệ đất nước, phong trào khởi nghĩa chống giặc Minh vẫn tiếp tục lan rộng ở nhiều nơi. Tuy nhiên, các cuộc khởi nghĩa sau đó đều mang tính tự phát, nhanh chóng bị giặc Minh đàn áp. Khác với những cuộc khởi nghĩa trước đó, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã quy tụ được đông đảo các tầng lớp tham gia. Từ danh sách được ghi trong bản Văn thề Lũng Nhai (1416) cho thấy trong bộ tham mưu, số lượng người gốc Mường, Thái tại vùng Lam Sơn chiếm phần lớn. Đa số họ đều biết rất ít về chữ nghĩa, văn hóa Nho giáo. Mặc dù có số lượng khiêm tốn trong bộ tham mưu, nhưng không ai có thể phủ nhận vai trò của những trí thức Nho học đối với sự thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Họ đã mang đến cho vùng đất này những trí thức, văn hóa Nho giáo ngay từ những ngày đầu gia nhập cuộc khởi nghĩa. Trước hết, chữ Hán đã được sử dụng để ghi chép các việc quan trọng của bộ tham mưu, đặc biệt trong mặt trận ngoại giao với quan quân nhà Minh. Tiếp đến là những yếu tố tích cực của Nho giáo đã được vận dụng trong việc xây dựng tính chính nghĩa, tạo ra sức hội tụ rất khác biệt của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn so với các cuộc khởi nghĩa khác đang cùng diễn ra trên khắp cả nước.

     Khởi nghĩa Lam Sơn từ chỗ chỉ là một cuộc khởi nghĩa địa phương với mục đích ban đầu mong giữ được mạng mình như lời thành thực của Lê Lợi, đã trở thành cuộc khởi nghĩa mang ý nghĩa lịch sử trọng đại, không chỉ giành lại độc lập cho nước nhà mà còn cứu dân tộc thoát khỏi âm mưu đồng hóa văn hóa Hán thâm độc của vương triều nhà Minh. Những trí thức nho sĩ tham gia cuộc khởi nghĩa đã vận dụng tư tưởng cốt lõi của Nho giáo: tư tưởng nhân - nghĩa, kết hợp với truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc để tạo nên sức mạnh xuyên suốt cuộc kháng chiến. Tư tưởng nhân, nghĩa ấy vừa là cơ sở để bảo vệ sự chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đồng thời cũng là vũ khí công kích mạnh mẽ tính phi nghĩa, trái đạo lý trong cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Minh. Nhân nghĩa theo Nho giáo mặc dù là một chủ nghĩa nhân đạo chủ trương yêu thương con người, nhưng phải là con người nằm trong quan hệ luân thường. Nguyễn Trãi đã phát triển, mở rộng nội dung nhân nghĩa ấy thành đường lối sức mạnh của một dân tộc luôn phải thường trực chống chọi với những cuộc xâm lăng của người láng giềng lắm tham vọng phương Bắc. Với nhà nho, tính chính nghĩa là nhân tố quan trọng tạo nên sức mạnh tập hợp nhân tâm to lớn, làm nên chiến thắng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

     2. Đất Lam Sơn, nơi sinh ra vị vua đầu tiên hội tụ đầy đủ tiêu chí của Nho giáo

     Nho giáo du nhập vào nước ta từ rất sớm, khoảng từ đời Hán. Đến giai đoạn Lý - Trần, Nho giáo bắt đầu được các triều đại coi trọng, sử dụng. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, khi cơ tầng xã hội vẫn còn bị phân tán, chưa vị vua nào, kể cả ông vua mang tư tưởng Nho giáo Hồ Quý Ly, có được quyền lực tuyệt đối. Nho giáo vẫn chưa có môi trường thuận lợi nhất để có thể trở thành ý thức hệ tư tưởng chính trị độc tôn. Trong bối cảnh ấy, tầng lớp nho sĩ vẫn phải tìm kiếm người mang thiên mệnh đảm bảo đầy đủ những phẩm chất cần có của một hoàng đế theo lý thuyết của Nho giáo.

     So với các chủ soái của những cuộc khởi nghĩa khác diễn ra cùng giai đoạn với khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Lợi hẳn có những điểm khác biệt rất lớn để đông đảo các tầng lớp, trong đó có tầng lớp trí thức Nho học theo về phò trợ. Mặc dù chưa đủ cứ liệu để biết đích xác tri thức Nho học của Lê Lợi trước khi ông dựng cờ khởi nghĩa, nhưng chắc rằng ông được sinh ra trong một gia đình có truyền thống. Theo Lam Sơn thực lục, cụ cố của Lê Lợi là Lê Hối vốn làm nghề dạy học, ông nội Lê Lợi là Lê Đinh, nối nghiệp nhà, theo chí tổ tiên. Trong cách đối xử, ông rất hiền từ, hòa nhã, khoan thân, yêu thương mọi người, kẻ gần, người xa đều có bụng tin theo, nên tay chân có đến hàng trăm ngàn. Thân phụ của Lê Lợi là Lê Khoáng cũng vui vẻ hiền lành, thích làm điều tốt, ham việc thiện, mến khách thương dân, vì thế ai cũng cảm phục ân đức. Lê Lợi là con út trong gia đình nhưng lại là người nối nghiệp cha anh cũng bởi do người anh cả là Lê Học mất sớm, người anh thứ Lê Trừ lại không có khả năng điều hành công việc cha ông để lại. Với vị trí cai quản một vùng người Kinh sống xen kẽ với nhóm người dân tộc Mường, Thái, hẳn việc ông phải dụng đến tri thức của Nho giáo là không nhiều (1).

     Riêng việc trọng dụng nhà nho Nguyễn Trãi (Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần) trong suốt thời kỳ kháng chiến đã cho thấy tầm nhìn, sự đánh giá cao của ông với tầng lớp trí thức này. Sự trọng dụng ấy càng thể hiện rõ hơn ở ý đồ vĩ mô của vị động chủ Lam Sơn khi cuộc kháng chiến gần về giai đoạn cuối. Khi cục diện chiến tranh thay đổi, bộ tham mưu với định hướng ngày càng rõ sẽ trở thành một nhà nước, Lê Lợi hẳn đã thấy việc bổ sung, tuyển chọn thêm những trí thức Nho học với ưu thế vượt trội so với các tầng lớp khác trong giai đoạn đương thời về tổ chức, quản lý một xã hội dân sự càng trở nên cấp thiết. Việc ông cho mở kỳ thi ở dinh Bồ Đề năm 1426 đối với nhân sĩ trong nước đã thể hiện rõ nhu cầu đó. Ngược lại, việc các trí thức nho sĩ tìm về vùng đất Lam Sơn để tham gia cuộc khởi nghĩa do vị chủ soái Lê Lợi khởi xướng đã cho thấy họ có cái nhìn rất tinh tường về vùng đất đặc biệt này.

     Qua đánh giá của các nhà nho, Lê Lợi chính là vị vua đầu tiên ở nước ta mang đầy đủ những tiêu chí của một ông vua theo quan điểm Nho giáo. Mặc dù tư tưởng thiên mệnh này đã tồn tại ở các triều đại Lý, Trần, nhưng những vị vua trước đó, dù cũng có công lãnh đạo xâm lược, song họ không được trao thiên mệnh như Lê Lợi mà chỉ thuận theo ý trời. Thực ra, Lê Lợi chưa bao giờ tự nhận mình là đại thiên hành hóa: “Trẫm xưa kia gặp buổi loạn lạc, nương mình ở Lam Sơn, vốn chỉ mong giữ được mạng mình thôi, chứ không có ý muốn lấy thiên hạ. Đến khi giặc tàn ngược quá quắt, dân không sống nổi. Những ai có tri thức đều bị chúng giết hại. Trẫm tuy đem hết của cải để thờ phụng chúng, mong khỏi tai họa, nhưng tim đen chúng muốn hại Trẫm vẫn không bớt chút nào. Việc dấy nghĩa binh thực là bất đắc dĩ mà thôi” (2). Thế nên, việc trao cho Lê Lợi sứ mệnh đại thiên hành hóa ấy, thực chất là một biểu hiện của nỗ lực xây dựng hình tượng nhân cách quân vương theo tiêu chí Nho gia của tầng lớp nho sĩ đương thời. Theo các tiêu chí của Nho giáo, người muốn giữ được thiên mệnh thì phải có trí, đức. Với phẩm chất này, Lê Lợi đã được tập trung ngợi ca ở hầu hết các tác phẩm viết về đề tài Lam Sơn. Đức hiếu sinh của vị vua ấy được thể hiện rộng khắp, ngay cả với quân xâm lược, khi chúng đã biết cúi đầu. Đối với người làm vua, Nho giáo luôn đề cao, nhấn mạnh phẩm chất trí đức, người được trao mệnh thiên tử phải công bố được đại nghĩa, đại công, đại đức. Trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, theo Trần Ngọc Vương nhận định: “Chắc chắn chỉ những triều đại được lập nên thông qua con đường dẹp loạn thành công, quy giang sơn về một mối, hoặc ra đời sau một cuộc chiến chống ngoại xâm, hoàn thành sứ mạng giải phóng dân tộc thì mới đắc nhân tâm, mới có điều kiện tồn tại lâu dài” (3).

     3. Lam Sơn đã được Nho hóa, biểu tượng hóa cho một triều đại phong kiến đạt tới trạng thái cổ điển

     Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Minh, bộ tham mưu của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trở thành triều đình nhà Lê Sơ. Căn cứ vào danh sách khai quốc công thần qua các đợt tấn phong (được ghi trong Lam Sơn thực lục), số lượng võ tướng là chủ yếu, hầu hết đều có nguồn gốc Lam Sơn. Công lao làm nên chiến thắng được ghi nhận nghiêng về dòng họ vua, cả các tộc người ở vùng Lam Sơn. Trong triều đình Lê Sơ giai đoạn đầu đã hình thành hai thế lực xung đột, một bên là các võ tướng, đại thần có gốc gác Lam Sơn với nền học vấn Nho học còn nhiều hạn chế, một bên là các trí thức Nho học đang nỗ lực đưa Nho giáo lên vị trí độc tôn. Mặc dù trong giai đoạn 1430 - 1459, quyền bính trong triều đa phần vẫn nằm trong tay các đại thần là võ tướng Lam Sơn, nhưng vị trí, vai trò của nhà nho đã ngày càng gia tăng. Cùng với các đợt liên tục xuống chiếu cầu hiền kể từ thời Lê Lợi cho đến thời Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, đội ngũ nhà nho không ngừng được bổ sung vào hàng ngũ triều thần, thông qua việc giới thiệu, tiến cử, qua các kỳ thi an khoa, hoành từ, minh kinh, thi tuyển thông thường. Bên cạnh đó, hiện tượng Nho hóa cũng diễn ra với tốc độ khá nhanh chóng ở vua chúa, quan lại có nguồn gốc Lam Sơn, trực tiếp hạn chế sự phát triển, ảnh hưởng của dòng văn hóa Lam Sơn. Văn hóa, tín ngưỡng đậm sắc thái ma thuật, dân gian như yểm bùa, trừ tà, cầu xin âm đức… của vùng Lam Sơn trước đây theo các đại thần vào chốn cung đình, nay đều bị xem là văn hóa dị đoan, là trọng tội. Không những vậy, văn hóa ở vùng Lam Sơn cũng có những thay đổi mạnh mẽ nhất là sau những lần các vua Lê về bái kiến Sơn Lăng, đã ra lệnh cấm diễn xướng lối hát rí ren, đồng thời ban chỉ dụ xem xét nhằm trừ bỏ các loại hình sinh hoạt bị coi là dâm dục. Việc từng bước định hướng ý thức văn hóa của tất cả các quan lại, kể cả các công thần khai quốc, theo hướng Nho hóa lối sống đã có tác dụng mở đường để Nho giáo được tiếp nhận ở quy mô lớn. Đặc biệt đến đời Lê Thánh Tông, xu hướng Nho giáo hóa cả triều đình, xã hội ngày càng rõ nét. Trong khi đó, số lượng quan lại xuất thân khoa bảng lại liên tục được bổ sung mỗi đợt khá đáng kể. Là người sùng Nho, Lê Thánh Tông đã nhanh chóng thực thi các biện pháp để độc tôn Nho học. Ông hạn chế tối đa ảnh hưởng của Đạo, Thích, ra những sắc chỉ có nội dung quyết liệt như trục xuất các tín đồ của học thuyết này ra ngoài cung đình.

     Trong xu hướng đưa Nho giáo lên vị trí độc tôn ở triều đại nhà Lê Sơ, việc Nho giáo hóa vùng đất Lam Sơn, quê hương của dòng họ nhà Lê là tất yếu. Quá trình Nho hóa ấy không nằm ngoài mục đích khẳng định Lam Sơn là vùng đất địa linh nhân kiệt.

     Trong những năm đầu lên ngôi vua, Lê Lợi đã quan tâm đến quy hoạch để xây các phần mộ tổ tiên, nhà thờ họ Lê ở vùng Lam Sơn. Đến khi Lam Sơn được đặt tên là Lam Kinh, không ngừng được tu sửa qua các đời vua tiếp theo thì văn hóa vùng đất này đã có những biến đổi ngày càng mạnh mẽ, nhất là mỗi đợt các vua chúa về thăm Thanh Hóa. Từ khi chính thức trở thành Lam Kinh với cung điện nguy nga, bề thế, vùng đất này thường được đón tiếp các phái đoàn của triều đình về làm lễ, gọi là quốc tế. Những lần các vua Lê xa giá về Lam Kinh là những lần nơi đây diễn ra các sinh hoạt, nghi lễ của cung đình mang đậm màu sắc văn hóa Nho giáo. Theo các sử liệu ghi lại, thường cứ ba năm một lần, vua phải đem các quan về bái yết đất tổ Lam Sơn. Tư tưởng Nho giáo là bảo vệ sự liên kết gia đình, dòng họ, xung quanh một triều đình, giữ gìn sự phân chia đẳng cấp, xã hội phức tạp theo danh phận. Việc phong thưởng ruộng cho công thần từ thời Lê Lợi hẳn không chỉ nhằm mục đích là đền đáp công lao của những vị tướng lĩnh đã có nhiều công trong sự nghiệp giải phóng Tổ quốc mà còn nhằm gắn các công thần vào sự nghiệp xây dựng đất nước trong thời bình, gắn chặt hơn nữa những con người đó vào sự tồn vong của vương triều Lê. Các vị vua về sau, nhất là Lê Thánh Tông hẳn rất hiểu điều đó. Dưới thời Lê Thánh Tông, địa vị nhà nho đã được tôn vinh tới cực điểm. Tầng lớp trí thức nho sĩ thông qua con đường khoa bảng bằng tài năng, đức độ đều được lưu danh thiên cổ. Các nho sĩ đỗ đạt cao đều được tổ chức lễ vinh quy bái tổ. Vì vậy, việc thờ cúng tổ tiên, việc được về quê hương để báo công trạng càng có ý nghĩa trọng đại với các nhà nho.

     Có thể nói cho đến đời Lê Thánh Tông, Lam Sơn đã có những dấu ấn Nho giáo khá đậm nét. Mặc dù sau triều Lê Thánh Tông không lâu, triều đại nhà Hậu Lê ngày càng sa sút, dẫn đến loạn Nam - Bắc triều, rồi những triều đại mới ra đời, nhưng Lam Sơn vẫn là biểu tượng, là thành trì văn hóa vững chắc của vương triều nhà Hậu Lê mà trí thức Nho sĩ hướng về: “Vương triều Lê Sơ tính cho đến thời Lê Thánh Tông đã đạt đến đỉnh cao về võ công, văn trị mà các triều đại sau không thể sánh kịp. Hơn nữa ở giai đoạn Lê Thánh Tông, mô hình tổ chức, quản lý xã hội trong lịch sử Việt Nam, như đã rõ, đã đạt tới trạng thái cổ điển của một hình thái lịch sử” (4).

     Trải qua bao biến động, thăng trầm của lịch sử, Lam Sơn ngày nay vẫn là vùng đất, vùng văn hóa đặc trưng, đậm nét với những giá trị văn hóa Nho giáo, văn hóa bản địa Việt - Mường cổ cần tiếp tục được tìm hiểu, nghiên cứu, khai thác nhằm phát huy tiềm năng của vùng văn hóa Lam Sơn nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung.

______________

1. Lam Sơn thực lục, Ty Văn hóa Thanh Hóa, 1976, tr.236.

2. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Nxb Văn học, Hà Nội, 2006, tr.99.

3, 4. Trần Ngọc Vương, Thực thể Việt nhìn từ các tọa độ chữ, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2010, tr.126, 212.

 

Tác giả: Nguyễn Đình Nghĩa

Nguồn: Tạp chí VHNT số 417, tháng 3-2019

 

;