VĂN HÓA VÀ BẢN SẮC VĂN HÓA VIỆT NAM THỜI KỲ HỘI NHẬP

Khoảng hai thập kỷ gần đây, văn hóa được nhắc tới như một khái niệm có tính thời đại, đội lên mình những chiếc mũ đủ kích cỡ, màu sắc: văn hóa là phát triển, phát triển trên cơ sở văn hóa, văn hóa là động lực, văn hóa là mục tiêu, văn hóa đi đôi cùng sáng tạo, văn hóa là tổng hòa các giá trị vật chất và tinh thần theo tiêu chí chân - thiện - mỹ... Từ năm 1943, khi chưa giành được chính quyền, chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam đã ban hành Đề cương văn hóa Việt Nam, định hướng cho văn hóa Việt Nam phát triển trong hơn 70 năm qua. Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh cũng nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa, coi giáo dục văn hóa cho nhân dân là một nhiệm vụ cách mạng, coi mù chữ là kẻ thù nguy hiểm của dân tộc. Người đã kêu gọi mọi người diệt giặc dốt ngay trong khi đang tiến hành kháng chiến chống giặc ngoại xâm, nhấn mạnh “văn hóa văn nghệ là một mặt trận, văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

Trong những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, khẩu hiệu văn hóa là chìa khóa mọi mặt được treo khắp các vùng, từ thành phố, thị xã cho đến nông thôn, hải đảo. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ ba và những bài viết của Tổng bí thư Lê Duẩn vào những năm 60 TK XX đã coi cách mạng văn hóa là một trong ba cuộc cách mạng lớn (cách mạng quan hệ sản xuất, khoa học kỹ thuật, tư tưởng và văn hóa), phải tiến hành đồng thời. Ba cuộc cách mạng đó là nội hàm của khái niệm cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc lúc bấy giờ. Trong đó, cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt, cách mạng quan hệ sản xuất là mở đường, cách mạng tư tưởng, văn hóa là động lực.

Hơn nửa thế kỷ nay, văn hóa luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm một cách đặc biệt, bộ máy tổ chức hoạt động có tính hệ thống từ cấp trung ương đến cơ sở. Từ những năm 1980 trở về trước, văn hóa được coi là một ngành, có một ban của Đảng đặc trách theo dõi (ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương, ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương). Dưới góc độ quản lý nhà nước, qua nhiều lần đổi tên, hiện nay hoạt động văn hóa chịu sự quản lý của Bộ VHTTDL, Sở VHTTDL, Phòng Văn hóa Thông tin, Ban Văn hóa xã.

Nghị quyết của Liên hiệp quốc coi thập kỷ 1988 - 1997 là thập kỷ phát triển văn hóa thế giới, điều đó tác động mạnh đến xã hội Việt Nam thời kỳ đổi mới. Năm 1991, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ bảy của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Văn  hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển”. Đồng thời, mở rộng hơn: “Mọi hoạt động văn hóa, văn nghệ phải nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam về tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cho sự phát triển xã hội”. Nghị quyết Đại hội Đảng qua các kỳ, đặc biệt là khóa XI, XII tiếp tục tư tưởng chỉ đạo các cấp, các ngành phải nhận thức đầy đủ và thực hiện có kết quả mục tiêu: “xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh”, “xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học” (1), làm cho văn  hóa trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững của tổ quốc.

Cuối TK XX đến nay, văn hóa trở thành chủ đề của nhiều cuộc hội thảo, đề tài khoa học, luận văn, luận án, nhiều trung tâm, CLB văn hóa ra đời. Văn hóa được quan tâm trên hầu hết các lĩnh vực xã hội, do các nguyên nhân chủ yếu sau:

Thứ nhất, xuất phát từ nhu cầu hiện đại hóa, quốc tế hóa của Việt Nam. Từ đầu những năm 90 TK XX, Việt Nam bước vào giai đoạn lịch sử mới, giai đoạn hòa nhập với cộng đồng quốc tế, trở thành một mắt xích trong hệ thống toàn cầu. Quan điểm đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ quốc tế đã tạo cơ hội để các học giả, chính khách trong nước tiếp xúc rộng rãi, nghiêm túc hơn với các vấn đề toàn cầu. Thế giới được nhìn từ một góc nhìn mới, khác một cách căn bản so với góc nhìn của hệ tư tưởng trước đây.

Thứ hai, thế giới ngày nay đã thừa nhận vai trò quyết định của văn hóa đối với kinh tế, muốn phát triển kinh tế trong thời đại khoa học kỹ thuật vũ bão này thì phải sử dụng văn hóa như một thứ đòn bẩy.

Thứ ba, muốn phát triển kinh tế trong giai đoạn hội nhập, toàn cầu hóa thì phải mở rộng quan hệ ngoại giao, thương mại với các nước, phải học hỏi các nước phát triển trên cơ sở trao đổi, giao lưu. Trong bối cảnh đó, những nền văn hóa kém bản sắc, thiếu sức sống sẽ bị lãng quên, bị lấn át, hòa tan.

Thứ tư, giao lưu văn hóa quốc tế ngày càng được mở rộng thì bản sắc văn hóa dân tộc càng có nguy cơ bị tấn công. Khả năng tự vệ, khả năng đề kháng của văn hóa dân tộc cần phải được tăng cường.

Bên cạnh văn hóa, thuật ngữ bản sắc văn hóa xuất hiện ở nước ta vào những năm cuối của TK XX, trong lĩnh vực văn hóa học. Nó được hiểu là những đặc trưng riêng, tạo nên bản sắc Việt Nam, là mặt bất biến của văn hóa trong quá trình phát triển lịch sử. Có khá nhiều quan điểm khác nhau xung quanh khái niệm bản sắc văn hóa. Tựu chung lại, có thể hiểu bản sắc văn hóa gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của các cộng đồng dân tộc Việt Nam được vun đắp trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước. Nó được biểu hiện trên các khía cạnh cơ bản: những giá trị truyền thống, cái khác biệt của dân tộc, những mặt tốt đẹp được giữ gìn, lưu truyền.

Vì vậy, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam đã trở thành vấn đề cấp thiết, có vai trò quan trọng không chỉ trên phương diện văn hóa mà trên mọi mặt đời sống, thậm chí gắn với sự tồn vong của một dân tộc. Trong thời gian gần đây, vấn đề này được quan tâm hơn hết, đặc biệt kể từ Nghị quyết TW 5 khóa VIII về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó, nhấn mạnh những quan điểm chỉ đạo cụ thể: Vǎn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội; Nền vǎn hóa mà chúng ta xây dựng là nền vǎn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nền vǎn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; Xây dựng và phát triển vǎn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng; Vǎn hóa là một mặt trận, xây dựng, phát triển vǎn hóa là một sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì thận trọng.

Bàn về nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc, nhiều tác giả nói đến tư tưởng học đòi trong thanh niên, nói đến văn học nghệ thuật phi dân tộc, khoa học, giáo dục, đạo đức thiếu định hướng... Thậm chí, không chỉ trong lối sống có tính tự phát, mà cả trong các công trình tự giác do Nhà nước và Chính phủ đầu tư xây dựng. Điều đó chứng tỏ, văn hóa với tư cách là linh hồn của quốc gia, dân tộc cần có sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa. Trước hết là về nghiên cứu, hoạch định trên phương diện tổng thể, phương diện chuyên ngành, sau đó là những chính sách vĩ mô để quản lý và xây dựng xã hội theo mô hình văn hóa tiên tiến, hiện đại nhưng không mất đi bản sắc dân tộc.

Vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đã được các nhà văn hóa, văn nghệ nói đến từ lâu, thường dùng các khái niệm tính dân tộc, quốc hồn, quốc túy. Sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, người ta lo lắng nhiều hơn về việc đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc. Nhất là vào những năm cuối TK XX, bản sắc văn hóa dân tộc bị đe dọa bởi những trào lưu văn hóa hiện đại.

Bảo tồn, phát huy những di sản vǎn hóa tốt đẹp của dân tộc, sáng tạo những giá trị vǎn hóa mới, làm nó thấm sâu vào cuộc sống, trở thành tâm lý, tập quán tiến bộ, vǎn minh, là một quá trình cách mạng đầy khó khǎn, phức tạp. Trong công cuộc đó, xây đi đôi với chống, lấy xây làm chính. Bên cạnh việc giữ gìn, phát huy những di sản vǎn hóa quý báu của dân tộc, tiếp thu những tinh hoa vǎn hóa thế giới, sáng tạo, vun đắp nên những giá trị mới, chúng ta cần phải kiên quyến đấu tranh bài trừ các hủ tục, thói hư tật xấu, nâng cao tính chiến đấu, chống mọi mưu toan lợi dụng vǎn hóa để thực hiện diễn biến hòa bình.

Trong xu thế hội nhập, thế giới đã chứng kiến bước thay đổi căn bản về quan niệm phát triển. Khi sự phát triển còn ở giai đoạn manh nha, các vấn đề toàn cầu chưa xuất hiện. Khi tốc độ phát triển đã tăng vọt, những biến đổi của thế giới đã và đang kéo theo các vấn đề như chênh lệch giàu nghèo, vấn đề sinh thái, an ninh quốc tế... đòi hỏi nhân loại phải chung sức giải quyết. Mặt tiêu cực lớn nhất của phát triển chính là sự cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, bất bình đẳng... Sự suy thoái văn hóa là kết quả không thể tránh khỏi của những mục tiêu phát triển ngắn hạn. Việc tôn sùng các chỉ tiêu vật chất, bỏ qua hoặc không đánh giá đúng vai trò của văn hóa và bản sắc văn hóa đối với sự phát triển đã dẫn đến rất nhiều vấn đề xã hội. Ở nhiều nước công nghiệp phát triển, sự đổ vỡ của gia đình và các quan hệ xã hội truyền thống xảy ra như một tình trạng chung.

Những vấn đề phát sinh buộc con người phải nhìn nhận lại mục tiêu của phát triển. Nếu như tiếp tục lấy tăng trưởng làm mục tiêu của phát triển, chúng ta sẽ phá vỡ sự cân bằng của trái đất, không chỉ trên khía cạnh sinh thái, sự mất cân bằng sẽ làm kiệt quệ tiềm năng của tương lai. Việt Nam không đứng ngoài bối cảnh của thế giới phẳng hiện nay. Việc nhìn nhận đúng mức tầm quan trọng của văn hóa, đề cao việc giữ gìn bản sắc văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa và ý nghĩa của nó đối với sự phát triển là mục tiêu không thể chậm trễ. Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập là sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển bền vững. Muốn làm được điều đó, cần thiết quan tâm đến các khía cạnh sau:

Thứ nhất, phải nhận thức văn hóa là đối thoại, là sự xâm nhập, đan xen, trao đổi, tác động qua lại và có chút pha trộn giữa các yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Không có nền văn hóa nào trên thế giới lại tuyệt đối đơn lẻ, thuần khiết, không bị ảnh hưởng bởi bất cứ nền văn hóa nào khác. Những bài học, kinh nghiệm của Việt Nam cũng như của thế giới thời cổ, trung, cận đại đều được đo bằng việc có giao lưu hay co vào cố thủ, đóng kín.

Thứ hai, quan tâm đến cách thức mở mang, giao lưu văn hóa với thế giới như thế nào. Đây là vấn đề có tính quy luật cơ bản trong đời sống con người, nếu tiếp cận tốt sẽ mang lại hiệu quả và ngược lại.

Thứ ba, biết chắt lọc, mở cửa, đóng cửa đúng thời điểm sẽ thành công. Văn hóa có thể mang các cộng đồng đến gần nhau, cũng có thể san bằng, đồng nhất hóa các hệ thống giá trị, tiêu chuẩn, làm suy kiệt khả năng sáng tạo của các nền văn hóa. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, di sản văn hóa có thể biến thành hàng hóa, cần phải tỉnh táo nhận thức đầy đủ về những giá trị cốt lõi của dân tộc. Đồng thời, dám nhìn thẳng vào sự thật, giác ngộ về những yếu kém, lạc hậu của mình.

Thứ tư, không e ngại sự áp đảo của toàn cầu hóa, không “dị ứng” với mọi biểu hiện của văn hóa ngoại lai, thâm nhập vào thế giới một cách chủ động, tự tin, tự nhiên, sẵn sàng đối thoại với các nền văn hóa. Muốn vậy phải lấy văn hóa dân tộc làm gốc, chỉ trên cơ sở nhận thức đúng đắn về việc giữ gìn, phát huy cốt cách văn hóa dân tộc mới hội nhập được với văn hóa nhân loại.

Thứ năm, giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống trên nền tảng tư duy phương Đông. Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là một ý thức chính trị dân tộc, cần xây dựng tâm lý cộng đồng với nội dung độc lập, tự cường, tự chủ. Chủ động tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm phong phú thêm nền văn hóa bản địa.

Thứ sáu, tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế, giới thiệu sự đa sắc của văn hóa Việt Nam ra toàn thế giới bằng nhiều con đường. Đây vừa là trách nhiệm, vừa là vinh dự của dân tộc.

Thiết nghĩ, phát triển văn hóa xây dựng con người vừa là định hướng chung, đồng thời là phương hướng, nhiệm vụ cụ thể để mỗi người có ý thức, trách nhiệm trước bối cảnh hội nhập của đất nước.

_____________

1. Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 387, tháng 9-2016

Tác giả : NGUYỄN THỊ THANH THỦY

;