Tóm tắt: Chuyển đổi số được coi là một trụ cột quan trọng tạo nên sự tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước. Văn hóa số là một thành tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi số quốc gia. Bài viết phân tích, nghiên cứu sự hình thành của văn hóa số, những vấn đề của quá trình chuyển đổi số, đề xuất những chính sách nhằm thích ứng với quá trình chuyển đổi số, đưa văn hóa trở thành một động lực phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Từ khóa: văn hóa số, chuyển đổi số, kỷ nguyên vươn mình.
Abstract: Digital transformation is a key factor that drives economic and social growth in the context of national development. An essential component of this transformation is digital culture. This article examines the formation of digital culture and the challenges associated with the digital transformation process. It also suggests policies to adapt to these changes and emphasizes the role of culture as a catalyst for development in the current era of national progress.
Keywords: digital culture, digital transformation, the era of rising.
Số hóa không gian văn hóa, học tập tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh giúp thu hút du khách - Ảnh: vtv.vn
Trong bài viết và phát biểu, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh nhiều nội dung quan trọng trong quan điểm về “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, gắn liền với những định hướng chiến lược để Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ và bền vững trong bối cảnh mới. Kỷ nguyên mới được định hình là giai đoạn hiện thực hóa khát vọng xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Một trong những yếu tố cốt lõi để thúc đẩy kỷ nguyên vươn mình là phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trong đó chuyển đổi số được coi là xu thế tất yếu. Tổng Bí thư đề xuất thực hiện cách mạng chuyển đổi số mạnh mẽ, nhằm định hình phương thức sản xuất mới và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong thời đại công nghệ 4.0. Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tinh thần tự chủ, tự lực, và tự hào dân tộc, kết hợp với sức mạnh đoàn kết toàn dân và tận dụng xu thế thời đại để đạt những bước phát triển vượt bậc. Bên cạnh đó, các giá trị văn hóa và nhân văn Việt Nam cần được bảo tồn và phát triển trong tiến trình hội nhập quốc tế. Văn hóa được xem là nền tảng, với việc tập trung phát triển con người toàn diện, vừa đáp ứng nhu cầu của một xã hội hiện đại, vừa giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống. Đây là động lực để xây dựng một xã hội tiến bộ, văn minh và giàu bản sắc.
1. Quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam
Chuyển đổi số là quá trình tích hợp công nghệ số vào tất cả các lĩnh vực của tổ chức, doanh nghiệp, và cả xã hội, nhằm thay đổi cách thức hoạt động, tương tác và cung cấp giá trị cho người dân. Đây không chỉ là một xu hướng mà còn là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh kỷ nguyên số, khi công nghệ thông tin, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI) và internet vạn vật (IoT) cùng những công nghệ số khác đang làm thay đổi mọi khía cạnh của cuộc sống.
Tuy nhiên, chuyển đổi số không chỉ là việc áp dụng công nghệ mới mà còn đòi hỏi sự thay đổi về tư duy và văn hóa trong tổ chức. Các nhà lãnh đạo cần nhận thức rõ ràng rằng, công nghệ chỉ là công cụ, thành công thực sự đến từ khả năng thích nghi và đổi mới. Bên cạnh đó, đầu tư vào nâng cao kỹ năng số cho lực lượng lao động cũng là yếu tố quan trọng. Những kỹ năng như phân tích dữ liệu, lập trình, và quản lý dự án công nghệ là nền tảng để đảm bảo quá trình chuyển đổi số diễn ra suôn sẻ.
Việt Nam quan tâm đến quá trình chuyển đổi số, Cách mạng công nghiệp 4.0 khá sớm và quyết liệt ở tầm quản lý vĩ mô, thể hiện qua các chính sách chỉ đạo của Đảng và Chính phủ. Ngày 4-5-2017, Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, xác định 6 nhiệm vụ giải pháp nhằm chủ động tham gia vào công cuộc chuyển đổi số, phù hợp với bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.
Cuối năm 2019, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã ban hành nghị quyết chỉ đạo hướng tới mục tiêu định hướng phát triển kinh tế phù hợp với bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 ban hành ngày 27-9-2019. Bản Nghị quyết này hướng tới mục tiêu chủ động tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, mà quan trọng nhất là phát triển hạ tầng công nghệ, chuyển sang nền kinh tế số.
Ngày 3-6-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký và ban hành Quyết định số 749/QĐ-Ttg, phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Quyết định này định hướng đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Ngày 31-3-2022, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến 2025, định hướng đến 2030. Bản Chiến lược đề ra nhiệm vụ cùng các chỉ tiêu cụ thể phát triển kinh tế số và xã hội số theo phân kỳ giai đoạn 2025 và 2030.
Các cơ quan chính phủ, các bộ, ngành trong quá trình chuyển đổi số, cũng nỗ lực xây dựng các kênh giao tiếp trên không gian mạng, như là một kênh giao tiếp trực tiếp với người dân, thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chính sách mới, tiếp nhận ý kiến đóng góp của người dân về các văn bản luật, các chính sách sắp ban hành. Đặc biệt là việc mở rộng các dịch vụ công trực tuyến, tiết kiệm thời gian và công sức cho người dân, đồng thời tăng độ minh bạch, giảm các hiện tượng sách nhiễu, tham nhũng của hệ thống công quyền.
Trong bối cảnh chung đó, Bộ VHTTDL đã có những kế hoạch và định hướng nhằm thực hiện các nhiệm vụ được giao liên quan tới nâng cao năng lực áp dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa như Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg tại Quyết định số 3888/QĐ-BVHTTDL ngày 19-10-2017 để nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị trong ngành về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; Quyết định số 4610/QĐ-BVHTTDL ngày 28-11-2017 về việc định hướng danh mục sản phẩm chủ lực của ngành VHTTDL; Quyết định số 3611/QĐ-BVHTTDL ngày 31-12-2021 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số của Bộ VHTTDL đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 949/QĐ-BVHTTDL ngày 22-4-2022 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ VHTTDL năm 2022.
2. Sự hình thành văn hóa số
Văn hóa số là một khái niệm mới mẻ, hình thành trong bối cảnh sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin và truyền thông đã làm thay đổi cách con người sống, làm việc và tương tác. Đây không chỉ là sự tiếp nối của văn hóa truyền thống trong môi trường số mà còn là một hệ sinh thái văn hóa độc lập, với những đặc trưng và đặc điểm riêng biệt.
Kỷ nguyên số, với sự xuất hiện của internet như một phương tiện truyền thông đại chúng cùng sự phổ biến của máy tính cá nhân, máy tính bảng, điện thoại thông minh và nhiều thiết bị công nghệ khác, đã tạo nên một ảnh hưởng sâu rộng đối với văn hóa. Công nghệ kỹ thuật số hiện diện trong hầu hết các lĩnh vực, đến mức văn hóa kỹ thuật số không chỉ bó hẹp trong internet hay các công nghệ truyền thông hiện đại mà còn bao trùm mọi khía cạnh của cuộc sống hằng ngày. Với sự lan tỏa mạnh mẽ này, nhiều người đã gọi thời đại hiện nay là “văn hóa kỹ thuật số” (1).
Phương tiện truyền thông kỹ thuật số không chỉ dừng lại ở vai trò là công cụ giao tiếp mà còn định hình một hệ sinh thái rộng lớn hơn - hệ sinh thái kỹ thuật số. Nó cung cấp cơ sở hạ tầng và phương tiện cho các hoạt động và tương tác theo những cách thức hoàn toàn mới mẻ, vượt xa những gì con người từng biết trước đây. Những thay đổi này tác động sâu sắc đến cá nhân, quan hệ xã hội, nghệ thuật, và cả môi trường sống. Chính nhờ phương tiện kỹ thuật số, thế giới đã và đang được chuyển mình trên nhiều phương diện.
Trong đời sống văn hóa, nghệ thuật, sáng tạo trên nền tảng số ngày càng phát triển mạnh mẽ. Các xuất bản phẩm kỹ thuật số như báo điện tử, sách điện tử và tạp chí trực tuyến đang dần thay thế các ấn phẩm in truyền thống. Các hoạt động như đọc tin tức, nghe nhạc, xem phim, tham quan triển lãm hoặc bảo tàng giờ đây có thể diễn ra dễ dàng trên môi trường số, mang lại trải nghiệm mới mẻ và tiện lợi cho con người.
Chúng ta đang chứng kiến một thời kỳ mà công nghệ thay đổi nhanh hơn khả năng thích nghi của xã hội. Sự thay đổi này đòi hỏi việc phát triển các chuẩn mực văn hóa và giải pháp mới để đối mặt với những thách thức do sự chuyển dịch nhanh chóng của công nghệ mang lại (2). Công nghệ kỹ thuật số không chỉ định hình lại cách con người sống mà còn đặt nền tảng cho một tương lai với những chuẩn mực văn hóa mới, phản ánh sự hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại.
Một trong những đặc trưng nổi bật nhất của văn hóa số là tính phi biên giới. Trong không gian số, mọi người có thể kết nối, giao tiếp và chia sẻ thông tin bất kể khoảng cách địa lý hay rào cản ngôn ngữ. Các nền tảng như mạng xã hội, diễn đàn trực tuyến và công cụ giao tiếp đã tạo nên một môi trường mà các giá trị văn hóa từ khắp nơi trên thế giới có thể hòa trộn và lan tỏa dễ dàng. Sự phi biên giới này mang lại cơ hội để các quốc gia quảng bá bản sắc văn hóa, nhưng cũng đặt ra thách thức trong việc bảo vệ sự đa dạng văn hóa trước sự “đồng hóa” văn hóa ngày càng mạnh mẽ.
Khác với văn hóa truyền thống, văn hóa số cho phép con người không chỉ tiếp nhận mà còn tham gia vào việc sáng tạo và lan tỏa nội dung. Các công cụ như mạng xã hội, blog và các nền tảng chia sẻ video đã biến người dùng từ những khán giả thụ động thành những nhà sản xuất nội dung. Điều này làm gia tăng tính dân chủ hóa trong văn hóa, khi mọi người đều có cơ hội thể hiện ý tưởng, quan điểm và giá trị cá nhân. Tuy nhiên, sự tương tác cao cũng đi kèm nguy cơ lan truyền thông tin sai lệch và các nội dung tiêu cực, phản văn hóa, ảnh hưởng đến môi trường văn hóa cộng đồng.
Văn hóa số được xây dựng trên nền tảng công nghệ hiện đại, cho phép thông tin được truyền tải và cập nhật trong thời gian thực. Các sự kiện văn hóa, tin tức hay xu hướng mới có thể lan tỏa ngay lập tức, tạo ra một dòng chảy thông tin liên tục và nhanh chóng. Tính thời gian thực này giúp tăng cường sự kết nối và khả năng phản hồi giữa các cá nhân, tổ chức và cộng đồng. Tuy nhiên, nó cũng có thể gây ra tình trạng quá tải thông tin hoặc làm giảm chất lượng nội dung do áp lực về tốc độ.
Một đặc trưng khác của văn hóa số là khả năng cá nhân hóa nội dung. Dựa trên dữ liệu hành vi và sở thích của người dùng, các nền tảng số có thể cung cấp thông tin, sản phẩm hoặc dịch vụ phù hợp với từng cá nhân. Điều này giúp nâng cao trải nghiệm người dùng, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số. Tuy nhiên, tính cá nhân hóa cũng đặt ra thách thức về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu, khi thông tin cá nhân của người dùng có nguy cơ bị lạm dụng hoặc xâm phạm.
Văn hóa số luôn ở trạng thái biến đổi, thích nghi với sự phát triển của công nghệ và thay đổi trong nhu cầu, sở thích của con người. Các xu hướng văn hóa số như video ngắn, meme hoặc livestreaming thường xuất hiện và biến mất trong thời gian ngắn, tạo nên một môi trường sôi động, nhưng cũng đầy tính tạm thời. Sự thay đổi nhanh chóng này yêu cầu con người phải liên tục cập nhật và thích nghi, đồng thời cũng đòi hỏi sự linh hoạt trong việc quản lý và điều chỉnh các chính sách văn hóa số.
Có thể nhận thấy một số xu hướng chính trong quá trình chuyển đổi số văn hóa trong thời gian vừa qua ở Việt Nam:
Thay đổi mô hình quản trị, hoạt động quản lý
Trước hết, có thể nhận thấy công nghệ số đang tạo ra những thay đổi trong mô hình quản trị và hoạt động quản lý của chính phủ và các tổ chức, doanh nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành đã làm thay đổi mô hình quản trị tổ chức, có thể dễ dàng nhận thấy qua một số những tác động đến hoạt động của các tổ chức, đơn vị hoạt động văn hóa thời gian qua.
Việc sử dụng công nghệ số và thiết bị hiện đại cho phép các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tương tác dễ dàng, đồng thời nhanh chóng tiếp cận được sự chỉ đạo điều hành trực tiếp của lãnh đạo đơn vị, từ đó chủ động tham mưu, đề xuất, triển khai hoạt động kịp thời công việc của các bộ phận và từng cá nhân. Bên cạnh đó, lãnh đạo đơn vị cũng có những công cụ mạnh mẽ hơn để tăng cường sự quản lý, giám sát việc thực hiện sự chỉ đạo của mình, nâng cao hiệu quả hoạt động, rút ngắn khoảng cách từ chỉ đạo điều hành đến tổ chức thực hiện.
Ứng dụng công nghệ số trong quản lý điều hành dẫn đến việc giảm tải và dần thay thế các văn bản bằng giấy, chữ ký mực bằng văn bản điện tử, chữ ký số, tiết kiệm chi phí, đồng thời tăng hiệu quả hoạt động quản lý điều hành.
Ứng dụng công nghệ số tại các đơn vị cung cấp dịch vụ công giúp các hành vi hành chính được lưu thông tin dưới dạng thức điện tử, có thể giám sát cán bộ, công chức, viên chức làm việc mẫn cán, đúng quy trình, quy định giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động hành chính, dịch vụ công.
Các đơn vị tổ chức, doanh nghiệp văn hóa, nghệ thuật, qua công nghệ số có thể cập nhật, hiểu được nhu cầu, mong muốn của công chúng, từ đó thiết kế và cung cấp sản phẩm, dịch vụ phù hợp, đáp ứng được mọi nhu cầu và kỳ vọng của khách hàng. Nếu ứng dụng tốt công nghệ sẽ tạo được môi trường kinh doanh hấp dẫn, chăm sóc khách hàng tốt hơn, chất lượng dịch vụ cao hơn.
Ứng dụng công nghệ số trong sáng tạo sản phẩm, cung cấp dịch vụ văn hóa
Một trong những tác động của chuyển đổi số tới hoạt động văn hóa, đó là việc ngày càng nhiều ứng dụng của các công nghệ số trong việc hỗ trợ hoạt động sáng tạo sản phẩm văn hóa cũng như cung cấp dịch vụ văn hóa.
Các công nghệ số hiện diện và làm thay đổi trong nhiều lĩnh vực từ điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, thư viện, bảo tàng và di sản…
Các công nghệ này cũng là những công nghệ số quan trọng đã, đang và sẽ làm thay đổi các sản phẩm và dịch vụ văn hóa cũng như các hoạt động tại các tổ chức, doanh nghiệp văn hóa.
Trên thực tiễn những năm vừa qua, có thể điểm qua một số những ứng dụng công nghệ số trong một số các hoạt động như:
Trong lĩnh vực điện ảnh, công nghệ số hiện diện ở hầu khắp các khâu, từ sản xuất đến phát hành và phổ biến phim. Các dịch vụ bán vé trực tuyến, quan hệ công chúng đều cho thấy tầm quan trọng của chuyển đổi số trong lĩnh vực này.
Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, công nghệ số hiện diện ở âm thanh, ánh sáng, hiệu ứng sân khấu, cho đến quan hệ công chúng… Công nghệ 3D Mapping (kết hợp giữa công nghệ 3D và công nghệ sản xuất phim) được ứng dụng tại một số sự kiện như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà hát Lớn Hà Nội… Ứng dụng 3D Mapping mang đến trải nghiệm ấn tượng trong một không gian cụ thể gắn liền với không gian văn hóa, lịch sử cũng là một cách tiếp cận mới thu hút người xem.
Công nghệ số ngày càng có ảnh hưởng đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Trước hết, đó là việc lập các hồ sơ số cho di sản, phục vụ công tác lưu trữ dữ liệu về di sản hiệu quả hơn, điều này đã và đang được quan tâm nhiều hơn và không còn xa lạ ở Việt Nam thời gian gần đây. Công việc này thường được gọi là số hóa di sản. Với các di tích, di sản vật thể, đó là việc đưa hồ sơ di sản từ dạng hồ sơ giấy sang số hóa, phục vụ công tác tra cứu, quản trị, lưu trữ tốt hơn. Các công nghệ như quay phim, chụp ảnh, quét 3D, lập bản đồ số… cũng được bổ sung vào hồ sơ di sản số hóa. Điều này giúp cho công tác bảo tồn di sản thuận tiện và hiệu quả hơn nhiều so với trước đây.
Với các di sản phi vật thể, việc quay phim, chụp ảnh, ghi âm, lưu giữ những thông tin, trình diễn của nghệ nhân, của cộng đồng chủ thể di sản… được quan tâm nhiều hơn trong thời gian gần đây. Các dữ liệu di sản dưới dạng số giúp lưu giữ, chia sẻ dữ liệu thuận tiện hơn trước rất nhiều.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với ứng dụng đa phương tiện iMusem VFA, (audio, photo, text) trợ giúp người dùng tham quan trực tuyến hoặc trực tiếp tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ứng dụng cũng tích hợp 8 ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp, Hàn, Nhật, Trung Quốc, Tây Ban Nha và Ý, thu hút đông đảo công chúng đến bảo tàng.
Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội đã đưa các ứng dụng thuyết minh tự động, hướng dẫn tham quan giúp công chúng dễ dàng hơn trong tìm hiểu tham quan các địa chỉ này. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh, khách tham quan có thể tải phần mềm ứng dụng và sẽ có hướng dẫn viên ảo giúp đỡ khám phá di tích.
Trong quản lý di sản, với khả năng lưu trữ được dung lượng lớn dữ liệu, hệ thống GIS đóng vai trò là công nghệ hỗ trợ tổ chức kế hoạch, các chiến lược bảo tồn, quản lý di sản văn hóa, công cụ đắc lực không chỉ trong việc thực hiện kiểm kê, rà soát thông tin di sản văn hóa. Ví dụ như việc ứng dụng hệ thống GIS để rà soát thông tin các thành phần của di sản như các công trình kiến trúc hiện tồn tại trên mặt đất, các dấu tích kiến trúc tìm thấy qua khai quật khảo cổ Hoàng thành Thăng Long, hay tại di tích Cố đô Huế với toàn bộ 1.500 cây xanh trong khu vực Đại Nội… Việc ứng dụng công nghệ quét Laze mặt đất (được gọi là LiDAR) và quan trắc bằng thiết bị bay không người lái đã khảo sát để thiết lập thông số kỹ thuật của các đối tượng lớn, bề mặt phức tạp đã được ứng dụng đối với di tích Cố đô Huế, Mỹ Sơn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội...
Trong lĩnh vực thư viện, để xây dựng, hoàn thiện thư viện điện tử, Thư viện Quốc gia Việt Nam bước đầu đã tiến hành những dự án số hóa tài liệu đối với những bộ tài liệu quý, có ý nghĩa lịch sử, văn hóa quan trọng, chẳng hạn Dự án số hóa Kho tư liệu Hán - Nôm, Dự án bộ sưu tập số Thăng Long, Hà Nội, nghìn năm văn hiến, số hóa kho Luận án Tiến sĩ… Đây là những hoạt động rất quan trọng bước đầu tạo dựng cho thư viện số trong tương lai.
Cung cấp sản phẩm, dịch vụ văn hóa trên môi trường số
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, việc dành thời gian cho các hoạt động của mỗi cá nhân hiện tại đang có xu hướng ngày càng nhiều hơn trong việc gắn với các thiết bị kỹ thuật số, kể cả trong công việc, hoạt động kinh tế hay giải trí của họ.
Nhờ công nghệ số ngày càng phổ biến và người dân dành nhiều thời gian hơn trên không gian số, các sáng tạo văn học, nghệ thuật trực tiếp trên không gian số cũng ngày càng nở rộ. Các xuất bản phẩm như báo, tạp chí, sách điện tử đang thay thế các ấn phẩm in trên giấy truyền thống. Việc đọc tin tức, văn chương, sách học thuật, nghe nhạc, xem phim, thăm quan triển lãm, bảo tàng… đều có thể diễn ra trên môi trường kỹ thuật số.
Những thay đổi công nghệ dẫn tới việc các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa, nghệ thuật ngày càng có xu hướng chuyển sang cung cấp các sản phẩm, dịch vụ văn hóa trực tiếp trên môi trường số. Trên thế giới, việc ứng dụng công nghệ trong cung cấp các sản phẩm, dịch vụ văn hóa đang được các nước triệt để sử dụng, chẳng hạn như Netflix, nhà cung cấp phim trực tuyến lớn nhất thế giới có mặt tại Việt Nam năm 2016, người dùng có thể tiếp cận tới kho phim và có thể linh hoạt trong việc chọn lựa thiết bị xem, từ máy tính, ứng dụng di động đến Apple TV, Google TV, hay cả các máy chơi game như Xbox, Play Station.
Các nền tảng nghe nhạc trực tuyến như Spotify, Apple music của thế giới, hay Zing Mp3, nhaccuatui của Việt Nam… trở nên ngày càng phổ biến hơn với công chúng yêu nhạc.
Thị trường văn hóa, nghệ thuật trực tuyến cũng ngày càng phổ biến hơn. Internet giúp kết nối trực tiếp công chúng tới từng nghệ sĩ mà không qua các sàn giao dịch. Công nghệ thực tế ảo giúp nhà sưu tập xem tác phẩm từ xa sẽ giúp hình thành các sàn giao dịch, hoặc đấu giá tác phẩm nghệ thuật trực tuyến. Một số sàn giao dịch tranh như The Art Exchange, Vietnam Contemporary Art, Viet Art Now… cũng đã xuất hiện thời gian gần đây.
Các bảo tàng ảo dành cho công chúng tham quan trực tuyến, các hình ảnh 3D của hiện vật, công nghệ thuyết minh tự động với nhiều ngôn ngữ khác nhau. Việc phục chế, nhân bản, sản xuất các hiện vật, di sản cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau từ trưng bày, nghiên cứu, hay bán hàng lưu niệm bằng công nghệ quét và in 3D đã có thể trở thành thực tế. Tham quan bảo tàng ảo, hay du lịch trên không gian số ngày càng trở nên quen thuộc. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính được kết nối
internet, công chúng có thể dễ dàng tiếp cận các dữ liệu, thông tin liên quan đến di sản, tìm hiểu các chỉ dẫn liên quan, hay thậm chí trải nghiệm trên không gian số bằng công nghệ thực tế ảo…
3. Những vấn đề đặt ra và đề xuất
Đầu tư hạ tầng kỹ thuật số
Mặc dù được đầu tư rộng khắp, song với nguồn lực hạn chế, cơ sở hạ tầng kỹ thuật văn hóa hiện còn nghèo nàn lạc hậu, nhiều nơi xuống cấp, không được sửa chữa, bảo dưỡng, trang thiết bị lạc hậu. Tình trạng thiếu thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở vẫn còn phổ biến ở nhiều vùng nông thôn nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nhiều địa phương, các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng chưa hoàn chỉnh hoặc đã quá lâu, không đúng quy định về quy mô và kiến trúc hoặc xuống cấp trầm trọng; cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo nàn. Hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được nhu cầu của bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng hiện nay.
Văn hóa số phát triển mạnh mẽ nhờ sự hỗ trợ của các công nghệ như internet, trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR). Công nghệ không chỉ là phương tiện mà còn là nền tảng định hình cách con người tiếp cận, sáng tạo và trải nghiệm văn hóa. Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào công nghệ cũng tạo ra những rào cản nhất định, đặc biệt là đối với những người hoặc khu vực chưa có điều kiện tiếp cận công nghệ hiện đại.
Yêu cầu chuyển đổi số đang diễn ra ngày một mạnh mẽ, tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật số là cơ hội hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả về tổ chức, hoạt động, chất lượng sản phẩm, quản lý… trong các hoạt động văn hóa.
Kỷ nguyên số sẽ tạo ra sự thay đổi mô hình kinh doanh, thay đổi mô hình quản trị không chỉ của doanh nghiệp mà còn của nhà nước, thay đổi thói quen của xã hội. Quá trình này cũng tạo ra nhiều mô hình kinh doanh mới và phổ biến nhất hiện nay là kinh tế chia sẻ. Trong bối cảnh đó, việc tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật số là yêu cầu tất yếu nhằm đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số sẽ tạo động năng mới, tăng cơ hội phát triển và hội nhập cho các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp văn hóa, nghệ thuật trong bối cảnh mới.
Một trong những ưu điểm lớn của văn hóa số là khả năng tiếp cận rộng rãi. Chỉ cần có thiết bị kết nối internet, mọi người đều có thể tham gia vào không gian văn hóa số. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn tồn tại sự chênh lệch lớn giữa các nhóm dân cư về khả năng tiếp cận này. Những khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa hoặc những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn thường gặp nhiều rào cản trong việc tiếp cận công nghệ và hưởng lợi từ văn hóa số. Đây là một thách thức lớn cần được giải quyết để đảm bảo sự công bằng trong việc phát triển văn hóa số.
Thời gian tới, để hình thành, xây dựng và phát triển môi trường sáng tạo trong xã hội, nhất thiết cần tăng mức đầu tư cho các cơ sở hạ tầng văn hóa, nghệ thuật, như là cơ sở vật chất, không gian tồn tại và phát triển cho các hoạt động sáng tạo, kích thích tiềm năng sáng tạo của cộng đồng và xã hội.
Đào tạo kỹ năng số
Trước bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra với tốc độ rất nhanh hiện nay, các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp sáng tạo cũng đang đứng trước thách thức của bối cảnh mới, mà nếu không kịp thời thích ứng họ có thể bị tụt hậu, thậm chí biến mất trên thị trường. Điều này thách thức các tổ chức doanh nghiệp cần thay đổi nhằm thích ứng phù hợp bắt kịp với môi trường mới.
Văn hóa số vừa mang tính toàn cầu, vừa giữ được yếu tố địa phương. Các nền tảng số như YouTube, TikTok hay Facebook là không gian toàn cầu, nơi các nội dung văn hóa từ khắp nơi có thể được chia sẻ và lan tỏa. Tuy nhiên, sự phổ biến của văn hóa số cũng khuyến khích các nhà sáng tạo khai thác yếu tố địa phương, từ ngôn ngữ, phong tục đến các giá trị văn hóa bản địa, để tạo nên sự khác biệt và thu hút khán giả.
Văn hóa số khuyến khích sự sáng tạo và linh hoạt, cho phép mọi người thể hiện bản thân qua nhiều hình thức khác nhau. Từ sáng tác nghệ thuật, viết lách, làm video, đến thiết kế game hoặc ứng dụng không gian số mang đến nhiều cơ hội để con người thử nghiệm và phát triển ý tưởng mới. Tuy nhiên, sự sáng tạo này cũng cần được định hướng đúng đắn để tránh tình trạng nội dung kém chất lượng, sao chép hoặc vi phạm bản quyền.
Từ thực tế đó, nhu cầu đào tạo kỹ năng số cho các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp hay các nghệ sĩ, những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa sẽ ngày càng trở nên cần thiết. Cần có những chính sách, nhằm chủ động đào tạo kỹ năng số cho các tổ chức, doanh nghiệp và nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và các lĩnh vực liên quan.
Bên cạnh đó, cần chú ý các hoạt động giáo dục nghệ thuật của các đơn vị tổ chức nghệ thuật. Mỗi một tổ chức nghệ thuật cần xây dựng bộ phận giáo dục nghệ thuật, coi đây là chìa khóa/ công cụ phát triển khán, thính giả tiềm năng. Quan tâm đầu tư kinh phí và các chương trình giáo dục nghệ thuật trong các nhà hát, các cơ sở điện ảnh, các doanh nghiệp sản xuất âm nhạc. Cần có chiến lược gắn kết với truyền thông trong các hoạt động giáo dục nghệ thuật, nâng cao thị hiếu nghệ thuật và sự quan tâm tới nghệ thuật của công chúng, đặc biệt thông qua các phương tiện truyền thông mới, môi trường số để có các chiến lược giáo dục nghệ thuật.
Thực thi hiệu quả luật sở hữu trí tuệ
Trong bối cảnh chuyển đổi số, thị trường văn hóa đang tồn tại tình trạng vi phạm bản quyền ở phạm vi rộng ở hầu hết các lĩnh vực văn hóa như âm nhạc, điện ảnh, game online, thời trang, thiết kế... Vi phạm bản quyền khiến người sáng tạo, các nhà sản xuất sản phẩm và dịch vụ ít cơ hội thu được lợi nhuận từ việc sản xuất và phân phối sản phẩm, phá hỏng các mô hình kinh doanh và gây khó khăn cho sự phát triển các doanh nghiệp.
Để phát triển thị trường văn hóa lành mạnh, việc nâng cao hiệu lực thi hành của Luật Sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi của nghệ sĩ, những người sáng tạo cũng như các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị tham gia trong lĩnh vực văn hóa là rất cấp bách trong thời gian tới.
Xây dựng, hoàn thiện các công cụ quản lý phù hợp
Các giao dịch trên thị trường sản phẩm văn hóa trên không gian số cũng đang đặt ra nhiều vấn đề quản lý và pháp lý. Các hợp đồng giao dịch, mua bán tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, chữ ký điện tử đang ngày một phổ biến. Trong tương lai, các sáng tạo trên không gian số sẽ ngày càng nhiều và đa dạng.
Các sản phẩm ngày càng nhiều trên không gian số, dưới hình thức sản phẩm định dạng số, đây là hình thức khó kiểm soát việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Trong điều kiện như vậy, Việt Nam cần có các chính sách bản quyền về liên quan đến tác quyền và tài sản số hóa, các chính sách để kiểm soát, điều phối thị trường trao đổi, mua bán, cung cấp sản phẩm dịch vụ văn hóa, nghệ thuật trên không gian số. Cần sử dụng công nghệ để nâng cao năng lực của công tác bảo vệ bản quyền trên không gian số.
Quá trình chuyển đổi số tạo ra một loại hình tài sản mới, tài sản số. Các mô hình kinh doanh trên không gian số cũng ngày một phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh của Việt Nam lại chưa có quy định đầy đủ về các mô hình kinh doanh mới. Điều đó gây khó khăn cho doanh nghiệp khi đăng ký thành lập doanh nghiệp. Các doanh nghiệp liên quan đến sáng tạo, văn hóa, nghệ thuật cũng vấp phải những rào cản tương tự. Chẳng hạn các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật dưới hình thức NFT hiện chưa được công nhận, các giao dịch đang ngày càng sôi động, song lại thiếu đi sự công nhận và kiểm soát của các cơ quan quản lý thị trường.
Việc xây dựng các khung pháp lý, các công cụ quản lý mới nhằm thích ứng với thực tế chuyển đổi số đang diễn ra là một công việc quan trọng cần phải quan tâm trong thời gian tới.
Nhu cầu cải cách công tác thẩm định nội dung trước khi cấp phép phổ biến tác phẩm nhằm phát huy tiềm năng sáng tạo văn hóa, nghệ thuật
Công tác thẩm định nội dung trước khi cấp phép phổ biến tác phẩm trong một số trường hợp gây khó khăn cho những đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật vì tiềm ẩn những rủi ro khi phân phối sản phẩm văn hóa, nghệ thuật tới công chúng. Những sản phẩm có thể đầu tư rất nhiều trong khâu sản xuất, nhưng có thể không vượt qua được quy trình thẩm định, cấp phép, gây thiệt hại cho các tổ chức doanh nghiệp hay cá nhân các nghệ sĩ. Muốn phát huy tiềm năng sáng tạo, xây dựng hệ sinh thái sáng tạo, nhất thiết xem xét, cải thiện công tác thẩm định, cấp phép hiện hành.
Hiện tại, việc sáng tạo, phát hành sản phẩm văn hóa, nghệ thuật trên không gian số ngày càng nhiều dẫn đến các quy định về thẩm định, cấp phép hiện hành trở nên lạc hậu và không đáp ứng được hết các nhu cầu thực tiễn đặt ra. Các buổi hòa nhạc, các triển lãm nghệ thuật trực tuyến trên không gian mạng nở rộ, đặc biệt từ sau đại dịch COVID-19, cho thấy các quy định về thẩm định, cấp phép phát hành các sản phẩm văn hóa hiện hành trở nên bị vô hiệu hóa. Trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ của các hoạt động trên không gian số, các tương tác, ý tưởng, hay triển khai công việc gần như được tiến hành trong thời gian thực với tốc độ nhanh, cơ chế thẩm định, cấp phép như hiện tại sẽ tạo ra những bất cập, kìm hãm khả năng sáng tạo của các cá nhân trong không gian số. Nên chăng cần thay đổi cơ chế từ tiền kiểm sang cơ chế hậu kiểm dựa trên quan điểm khuyến khích tối đa sự sáng tạo của các cá nhân.
Xây dựng, hoàn thiện các chính sách thuế, khuyến khích đầu tư, tài trợ, hiến tặng phù hợp bối cảnh chuyển đổi số
Trước bối cảnh chuyển đổi số, nhiều chính sách không theo kịp sự thay đổi của thực tiễn, tạo nhiều rào cản đối với sự phát triển của các sản phẩm và dịch vụ văn hóa trên môi trường số. Cần rà soát, đổi mới hoàn thiện các chính sách, như các chính sách thuế, ưu đãi tài chính... nhằm khuyến khích, hỗ trợ các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh mới, bối cảnh chuyển đổi số.
Hiện tại, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa còn nhỏ, chủ yếu chỉ là các hoạt động dịch vụ, khâu sản xuất chất lượng còn thấp. Ít có doanh nghiệp có vốn đầu tư từ FDI (trừ các rạp chiếu phim). Đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật thường có nhu cầu vốn lớn, mang lại lợi nhuận thấp, thời gian thu hồi vốn chậm, nên ít hấp dẫn các nhà đầu tư. Cần có những chính sách tạo điều kiện, ưu đãi các nhà đầu tư tham gia đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật thông qua các chính sách như ưu đãi thuế, giảm lãi suất vay vốn, giúp các doanh nghiệp văn hóa có thể tiếp cận các nguồn tài chính để tăng cơ hội phát triển. Cần bổ sung các luật về thuế, luật về hiến tặng và tài trợ cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật nhằm huy động các nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này.
Quan tâm đến lưu giữ, bảo tồn di sản số
Trong bối cảnh hiện tại, các hoạt động của cá nhân từ công việc cho đến vui chơi giải trí hay sáng tạo nghệ thuật đều có sự hiện diện của kỹ thuật số. Và do vậy, khi thực hành những hoạt động sống, làm việc, giải trí hay sáng tạo trong môi trường số hóa đó, họ đã để lại những kho dữ liệu cá nhân khổng lồ và đa dạng, cũng ở dạng số hóa, tồn tại trong môi trường số. Những dữ liệu này sẽ trở thành di sản để lại cho thế hệ tương lai. Với nền văn hóa in ấn hay trước nữa, di sản của các thế hệ trước là vật chất, hay là các di sản tồn tại dưới dạng vật lý. Nhưng trong nền văn hóa số, di sản mà thế hệ hiện nay để lại sẽ ở dạng di sản số, hiện hữu trong không gian số. Mỗi hình thái kinh tế, xã hội sẽ tạo ra sản phẩm văn hóa và để lại di sản của mình với hình thức tồn tại tương ứng của nó. Kỷ nguyên số đi cùng với nó là sự hình thành văn hóa số sẽ để lại di sản số tương ứng cho thế hệ mai sau.
Theo UNESCO, di sản số là di sản được tạo thành từ các dữ liệu vi tính, cho dù được tạo ra từ các dữ liệu số hay số hóa từ các định dạng khác, sản sinh bởi các cộng đồng, các ngành nghề, lĩnh vực, khu vực khác nhau và đòi hỏi phương pháp bảo quản tích cực để đảm bảo tính xác thực, khả năng tiếp cận và sử dụng qua thời gian (3). UNESCO đã khuyến nghị các quốc gia thành viên có trách nhiệm xem xét lưu trữ và bảo vệ các di sản số cho thế hệ mai sau. Văn hóa số phải được coi như là một loại hình di sản văn hóa cho thế hệ tương lai cần được quan tâm lưu trữ và bảo vệ.
4. Kết luận
Văn hóa số không chỉ định hình cách chúng ta sống và làm việc mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của xã hội. Các đặc trưng và đặc điểm của văn hóa số mang lại nhiều lợi ích, từ việc thúc đẩy sáng tạo, tăng cường kết nối cộng đồng, đến hỗ trợ bảo tồn và quảng bá giá trị văn hóa.
Tuy nhiên, những vấn đề như quyền riêng tư, an ninh mạng và chênh lệch số hóa cũng cần được quan tâm giải quyết để văn hóa số phát triển bền vững và lành mạnh. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, việc bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong không gian số là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng.
Dù mang lại nhiều cơ hội, chuyển đổi số cũng đối mặt với không ít thách thức. Một trong những vấn đề lớn là sự chênh lệch về mức độ sẵn sàng tiếp cận công nghệ giữa các khu vực và các tổ chức. Tại các quốc gia hoặc doanh nghiệp nhỏ, nguồn lực hạn chế có thể cản trở việc đầu tư vào công nghệ và phát triển hạ tầng. Bên cạnh đó, nguy cơ mất an toàn thông tin và vi phạm quyền riêng tư cũng gia tăng trong môi trường số.
Ngoài ra, sự phát triển của chuyển đổi số cũng đặt ra yêu cầu đối với chính sách quản lý và pháp lý. Cần có những quy định rõ ràng để bảo vệ quyền lợi người dùng, đảm bảo cạnh tranh công bằng và khuyến khích đổi mới sáng tạo.
Chuyển đổi số không chỉ là cơ hội để doanh nghiệp và tổ chức phát triển mà còn là động lực thúc đẩy sự tiến bộ của toàn xã hội. Để thành công, các bên cần hợp tác chặt chẽ, từ nhà nước, doanh nghiệp đến người dân, nhằm xây dựng một môi trường số an toàn, hiệu quả và bền vững. Trong tương lai, những tổ chức biết tận dụng và dẫn đầu xu thế chuyển đổi số sẽ có lợi thế vượt trội trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Văn hóa số là một phần không thể tách rời cuộc sống hiện đại, phản ánh những thay đổi sâu sắc trong cách con người tương tác, sáng tạo và tiếp nhận văn hóa. Hiểu rõ các đặc trưng và đặc điểm của văn hóa số không chỉ giúp chúng ta thích nghi mà còn mở ra cơ hội để khai thác tiềm năng của nó trong việc xây dựng một xã hội số bền vững, nhân văn và đa dạng. Trong tương lai, văn hóa số sẽ tiếp tục là cầu nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa địa phương và toàn cầu, góp phần làm giàu thêm bản sắc và vị thế của dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế.
___________________
1. Vincent Miller, Understanding Digital Culture (Hiểu về văn hóa số), SAGE Publications Ltd, London, 2011.
2. Daniel Rowles, Thomas Brown, Building Digital Culture: A Practical Guide to Successful Digital Transformation (Xây dựng văn hóa số: Hướng dẫn thực hành để chuyển đổi số thành công), Nxb Kogan Page, 2017.
3. UNESCO/PERSIST, Hướng dẫn lựa chọn Di sản số để bảo quản lâu dài, dsvh.gov.vn.
Ngày Tòa soạn nhận bài:5-12-2024; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa:2-1-2025; Ngày duyệt đăng:7-1-2025.
Ths NGUYỄN LÂM TUẤN ANH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 593, tháng 1-2025