Hoạt động đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực nghệ thuật đã được quan tâm ở Việt Nam, hầu hết các lĩnh vực đào tạo được thực hiện từ những năm 1960. Trong giai đoạn vừa qua, hoạt động đào tạo đã được triển khai thực hiện với sự phát triển mạnh của hệ thống cơ sở đào tạo, trình độ đào tạo, ngành, chuyên ngành đào tạo, các hình thức đào tạo cũng rất đa dạng và phong phú. Nhiều quy định, các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người học cũng đã được quan tâm. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề bất cập vẫn tồn tại ảnh hưởng đến việc thu hút người học, khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ phát huy năng lực, tài năng và sự cống hiến cho ngành, nghề.
Bài viết này khái quát về đặc điểm của đào tạo lĩnh vực nghệ thuật, hiện trạng các chính sách, chế độ và phân tích các vấn đề đặt ra, đề xuất một số định hướng, giải pháp trong thời gian tới.
Đặc điểm của đào tạo lĩnh vực nghệ thuật
Hệ thống các cơ sở đào tạo
Cho đến thời điểm hiện nay, theo thống kê của Bộ GDĐT, Bộ LĐTBXH tháng 8- 2024, cả nước có 56 cơ sở đào tạo đại học có đào tạo các ngành, chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có 26 cơ sở đào tạo các ngành, chuyên ngành chuyên sâu đặc thù; có 139 cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đào tạo các ngành, nghề chuyên môn liên quan đến nghệ thuật, trong đó có 43 cơ sở có đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù lĩnh vực nghệ thuật. Các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ VHTTDL có 16 cơ sở, gồm: 10 trường đại học, học viện; 3 trường cao đẳng; 2 trường trung cấp và 1 Viện nghiên cứu có chức năng đào tạo tiến sĩ.
Ngành, nghề đào tạo
Hiện nay, các cơ sở đào tạo đang triển khai đào tạo 138 ngành lĩnh vực nghệ thuật, gồm: 8 ngành trình độ thạc sĩ, 34 ngành trình độ đại học, 38 ngành trình độ cao đẳng và 54 ngành trình độ trung cấp; chưa tính các ngành thuộc lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng. Ngoài ra, tại các cơ sở đào tạo, nhiều chuyên ngành cũng được tổ chức đào tạo rất đa dạng và phong phú (Sơ đồ 1).
Mô hình đào tạo
Đào tạo nghệ thuật đã được hoàn thiện các trình độ từ trung cấp cho đến sau đại học. Việc đào tạo nghệ thuật được tổ chức theo hình chóp, số lượng các ngành giảm dần từ trình độ trung cấp đến trình độ tiến sĩ từ 54 ngành đến 4 ngành (Sơ đồ 1).
Chuyên nghiệp: Chuyên môn hóa, chỉ tổ chức đào tạo lĩnh vực nghệ thuật đặc thù hoặc văn hóa nghệ thuật. Gồm: các trường của Bộ (16 trường), Bộ ngành, địa phương: 1 trường.
Đào tạo đa ngành nghề: Cơ sở đào tạo đào tạo đa ngành, lĩnh vực trong đó có một khoa nghệ thuật tổ chức đào tạo một số ngành lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật (xem sơ đồ 1).
Sơ đồ 1. Hệ thống đào tạo nghệ thuật hiện nay ở Việt Nam - Nguồn: Vụ Đào tạo, Bộ VHTTDL
Tính đặc thù của hoạt động đào tạo nghệ thuật
Tính đặc thù thể hiện từ đối tượng tuyển sinh, thời gian đào tạo, quy trình tổ chức đào tạo, chế độ đối với người dạy, người học cũng khác biệt so với các ngành, nghề đại trà khác.
Theo đó, người học phải có năng khiếu nghệ thuật, tuyển sinh ở nhiều độ tuổi khác nhau phụ thuộc vào ngành, nghề và trình độ đào tạo; số lượng tuyển sinh rất ít, quy mô đào tạo nhỏ; cơ sở đào tạo đào tạo đồng thời nhiều trình độ; mô hình tổ chức lớp học linh hoạt (mô hình lớp học một thày một trò, hoặc có ngành, nghề mô hình hai, ba thày giảng dạy một trò là phổ biến); thời gian đào tạo trình độ trung cấp dài và có thể khác nhau đối với một ngành, nghề tùy thuộc vào mục tiêu và yêu cầu trình độ chuyên môn khi tốt nghiệp; kết hợp đào tạo chuyên môn nghệ thuật với giảng dạy kiến thức văn hóa; nhà giáo đồng thời giảng dạy nhiều trình độ; vừa giảng dạy vừa tham gia biểu diễn và sáng tạo nghệ thuật; người học tốt nghiệp bằng tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh của cá nhân hoặc của nhóm học sinh, sinh viên tùy theo ngành, nghề đào tạo.
Quy mô tuyển sinh và đào tạo
Theo báo cáo 5 năm công tác đào tạo văn hóa nghệ thuật được triển khai tổng kết năm 2022:
Đối với hệ thống trường của Bộ VHTTDL
Quy mô chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm 5.526 học sinh, sinh viên.
Quy mô đào tạo 18.581 học sinh, sinh viên; tỷ lệ học sinh, sinh viên nhập học so với chỉ tiêu tuyển sinh chiếm tỷ lệ 77%; tốt nghiệp đạt 97%.
Đối với hệ thống trường thuộc các Bộ, ngành và địa phương
Các trường địa phương: quy mô tuyển sinh hằng năm 2.800; tốt nghiệp hằng năm khoảng 800 học sinh, sinh viên.
Trường thuộc Bộ, ngành khác: quy mô tuyển sinh hằng năm 3.100 học sinh, sinh viên; tốt nghiệp hằng năm khoảng 800 học sinh, sinh viên.
Bình quân có khoảng 70-80% sinh viên sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm đúng chuyên ngành được đào tạo.
Những chế độ chính sách, quy định đối với đào tạo lĩnh vực nghệ thuật
Các chính sách ưu đãi
Nhằm thu hút nguồn tuyển và nâng cao chất lượng đào tạo các ngành nghệ thuật chuyên sâu đặc thù, những năm qua Nhà nước đã có chính sách thiết thực, hỗ trợ miễn giảm học phí, bồi dưỡng nghề, hỗ trợ trang thiết bị cho học sinh, sinh viên học các ngành nghệ thuật trong các trường văn hóa, nghệ thuật. Chính sách đã tạo điều kiện, khuyến khích học sinh, sinh viên có năng khiếu, tài năng, vùng sâu, vùng xa hoặc có hoàn cảnh khó khăn tham gia học tập... góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và bảo tồn, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống, dân tộc ở các vùng miền trong cả nước.
Cụ thể: Ngày 18-4-2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 82/2005/QĐ-TTg về chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các bộ môn nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa - nghệ thuật, Ngày 21-7-2014 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 41/2014/QĐ-TTg về chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa - nghệ thuật. Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27-8-2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo đã quy định 8 đối tượng ưu đãi thuộc Quyết định số 41/2014/QĐ-TTg vào Nghị định.
Các đề án, chương trình
Đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Quyết định số 1341/QĐ-TTg, ngày 8-7-2016). Đề án “Đào tạo nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030” (Quyết định số 1437/QĐ-TTg, ngày 19-7-2016) đã được Bộ VHTTDL đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Học sinh, sinh viên được tuyển sinh theo đề xuất được hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí của khóa học từ ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành (Thông tư số 54/2022/TT-BTC). Hiện nay, các đề án này đã và đang được được tổ chức triển khai thực hiện.
Bộ VHTTDL đã xây dựng và tổ chức thực hiện Dự án đào tạo, bồi dưỡng diễn viên và nhạc công cho 4 nhà hát trực thuộc Bộ theo cơ chế đặt hàng (giai đoạn 2014-2020). Tổng số diễn viên, nhạc công được đào tạo trình độ trung cấp: 110 người, trong đó: Nhà hát Tuồng Việt Nam (31), Nhà hát Chèo Việt Nam (20), Nhà hát Cải lương Việt Nam (18) và Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam (41). Đồng thời, đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xây dựng Đề án “Đào tạo các ngành nghệ thuật hiếm, khó tuyển sinh và đặc thù đến năm 2030”. Hiện nay, Bộ đang chỉ đạo các cơ quan tham mưu phối hợp với các cơ sở đào tạo xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật để có căn cứ tổ chức thực hiện. Đề án sẽ được triển khai đến năm 2030 cho đến khi hết chỉ tiêu.
Xây dựng hệ thống pháp luật
Bộ VHTTDL đã phối hợp với Bộ GDĐT, Bộ LĐTBXH xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp hơn với tính đặc thù của lĩnh vực nghệ thuật.
Đề xuất Bộ LĐTBXH bổ sung, ban hành danh mục các ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, gồm: 23 ngành, nghề trình độ trung cấp và 13 ngành, nghề trình độ cao đẳng (Thông tư số 05/2023/TT-BLĐTBXH ngày 15-6-2023).
Đề xuất quy định pháp luật về đào tạo lĩnh vực nghệ thuật đặc thù: Xây dựng và đề xuất Chính phủ xem xét ban hành Nghị định quy định về đào tạo các ngành chuyên sâu, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật. Hiện nay, dự thảo đã lấy ý kiến thành viên Chính phủ, Bộ VHTTDL đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện dự thảo để trình Chính phủ ban hành.
Một số vấn đề đặt ra và định hướng trong thời gian tới
Một số vấn đề đặt ra
Khó khăn trong giải quyết các điểm nghẽn trong đào tạo nghệ thuật
Các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có những bất cập không phù hợp với tính chất đặc thù của ngành, chuyên ngành đào tạo. Bộ VHTTDL đã đề xuất dự thảo quy định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù lĩnh vực nghệ thuật, tuy nhiên, các Bộ, ngành còn có quan điểm khác nhau.
Đối với việc thực hiện các đề án của Thủ tướng Chính phủ lĩnh vực nghệ thuật
Quy định hiện hành về chế độ tài chính hỗ trợ cho người học còn có những bất cập, chưa thật sự phù hợp. Thủ tục và các yêu cầu liên quan đến chi phí học tập của mỗi cơ sở đào tạo nước ngoài là khác nhau, dẫn đến công tác thanh quyết toán gặp nhiều khó khăn.
Cần sự đồng bộ trong các chính sách
Hiện nay, chính sách đối với đội ngũ văn nghệ sĩ còn nhiều bất cập, chưa thật sự phù hợp, để phát huy sở trường, tài năng và sống với nghề còn nhiều khó khăn; tuổi nghề ngắn đối với một số lĩnh vực như xiếc, múa, người làm nghề chỉ có thể phát huy năng lực đến độ tuổi nhất định, do đó, việc học tập, nâng cao trình độ để chuyển đổi nghề nghiệp và lĩnh vực hoạt động cho họ là cần thiết. Sự đồng bộ trong các chính sách pháp luật, chế độ ưu đãi đối với người học, đội ngũ văn nghệ sĩ cần được quan tâm rà soát, hoàn thiện để thu hút, khuyến khích người học và người làm nghề phát huy tài năng của họ.
Một số vấn đề khác
Thực hiện chủ trương đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, nhiều địa phương đã tiến hành rà soát, sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có một số trường trung cấp, cao đẳng văn hóa nghệ thuật đã được sáp nhập, trở thành một khoa nghệ thuật của một trường đại học, hay trường cao đẳng đa ngành trên địa bàn, dẫn đến làm giảm năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo địa phương.
Những bất cập của các quy định pháp luật hiện hành về thời gian đào tạo trình độ trung cấp, việc các trường đại học không được đào tạo trình độ trung cấp... sẽ ảnh hưởng lớn đối với việc đào tạo, bổ sung đội ngũ cán bộ, nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; nguy cơ sẽ dẫn đến tình trạng vừa thiếu, vừa yếu đối với nhân lực có trình độ, chất lượng hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trong thời gian tới.
Định hướng giải pháp trong thời gian tới
Rà soát, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật, để tạo hành lang pháp lý đối với hoạt động đào tạo nghệ thuật; Hệ thống chế độ chính sách, ưu đãi, hỗ trợ đối với đào tạo, sử dụng đội ngũ văn nghệ sĩ, nhằm đảm bảo đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực nghệ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển ngành; Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật. Thực hiện đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng ở trong và ngoài nước. Mở rộng hợp tác và giao lưu quốc tế về đào tạo văn hóa nghệ thuật; Xây dựng chính sách đãi ngộ phù hợp đối với đội ngũ giáo viên, giảng viên, đối với nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật. Có chính sách thu hút, trọng dụng người có trình độ, năng lực về công tác trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; Tăng cường đầu tư nâng cao năng lực của các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật, thực hiện tốt các đề án, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đối với đào tạo và phát triển nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật; Mở rộng hợp tác với các đối tác có năng lực, uy tín về đào tạo nghệ thuật tại nước ngoài, thống nhất tạo cơ chế đào tạo phù hợp với ứng viên Việt Nam.
Kết luận
Thời gian qua, hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nghệ thuật được quan tâm ở Việt Nam, hệ thống cơ sở đào tạo, ngành đào tạo đã có những bước phát triển mạnh mẽ, chế độ, chính sách ưu đãi đối với người học được quan tâm triển khai. Tuy nhiên, thực tiễn vẫn đặt ra nhiều vấn đề cần được quan tâm, điều chỉnh bổ sung cho phù hợp, tạo ra sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, hành lang pháp lý, chế độ chính sách ưu đãi từ đào tạo, phát triển và sử dụng nguồn nhân lực nghệ thuật, góp phần phát triển lĩnh vực văn hóa nghệ thuật theo đúng mục tiêu của Đảng và Nhà nước đã đặt ra.
____________________
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Tài chính, Thông tư số 54/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính: Quy định về quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước để thực hiện các Đề án đào tạo, bồi dưỡng tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và thể dục thể thao.
2. Chính phủ, Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27-8-2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.
3. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 82/2005/QĐ-TTg về chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các bộ môn nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa - nghệ thuật.
4. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 41/2014/QĐTTg về chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa - nghệ thuật.
5. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1341/QĐ-TTg, ngày 8-7-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
6. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1437/QĐ-TTg, ngày 19-7-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đào tạo nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030.
7. Các báo cáo của Bộ VHTTDL.
____________________
Tham luận Hội thảo “Tài năng trẻ - Nguồn lực sáng tạo và phát triển văn hóa, nghệ thuật” do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức tháng 11-2024.
PGS, TS LÊ ANH TUẤN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 590, tháng 12-2024