Tuy Phước - Miền quê văn hiến

Tiểu chủng viện Làng Sông, tự hào là 1 trong 3 nơi có nhà in sách Quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam

 

Nằm trong tour du lịch khám phá di tích văn hóa lịch sử và ẩm thực Tuy Phước (Bình Định), chúng tôi chọn điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến hành trình là Quán Bánh xèo bà Năm (thôn Mỹ Cang, xã Phước Sơn). Tại đây, mọi người được dùng điểm tâm với món bánh xèo tôm nhảy - một món ăn đặc trưng dân dã, mộc mạc, đậm đà hương vị thôn quê. Những chiếc bánh khoác chiếc áo vàng ruộm thơm giòn pha sắc đỏ tươi của những chú tôm đất nằm cong cong duyên dáng, điểm sắc xanh của những cọng hành và màu trắng của giá đỗ vừa chín tới... Bên cạnh đĩa rau thơm xanh mơn mởn, chén nước mắm ớt đỏ sóng sánh, lát bánh xèo quả là một món ăn ngon mà ta không thể cầm được lòng. Sau khi điểm tâm, chuyến hành trình thật sự đã bắt đầu, Tiểu Chủng viện Làng Sông (thôn Quảng Vân, xã Phước Thuận) là nơi dừng chân tiếp theo. Tiểu Chủng viện nằm lặng lẽ dưới những tán sao xanh trầm mặc, nghiêng mình bên cửa Phú Hòa đổ ra đầm Thị Nại. Nơi đây, hiện còn hai dãy nhà được xây dựng theo kiến trúc Gothic cổ kính, uy nghiêm. Tại Làng Sông, không chỉ có Tiểu Chủng viện mà còn có cả một quần thể giáo phủ của Giáo phận Đông Đàng Trong. Đặc biệt, có một nhà in do Đức Cha Eugene Charbonnier Trí (1864 – 1878) thành lập. Nhà in Làng Sông ấn hành rất nhiều sách báo, tạp chí và các ấn phẩm khác, làm cho chữ quốc ngữ ngày càng được phổ biến rộng khắp, góp phần to lớn vào việc lưu giữ và lưu truyền văn hóa Việt.

Bánh xèo Mỹ Cang - Phước Sơn

 

Cùng trong chuyến hành trình, chúng tôi đã tìm về với cội nguồn của Võ thuật Cổ truyền Bình Đình. Thật khó có vùng đất nào hội đủ 2 yếu tố văn - võ như Tuy Phước, văn lưu trên từng trang giấy còn võ vươn xa theo từng đường roi, bài quyền. Câu lạc bộ Võ thuật Chùa Long Phước (thôn Phổ Trạch, xã Phước Thuận) - cái nôi của Võ thuật Cổ truyền, một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, là niềm tự hào của người dân Bình Định nói chung và Tuy Phước nói riêng. CLB Võ thuật Chùa Long Phước đã trở thành điểm hội ngộ của các võ sư, võ sinh trong nước lẫn quốc tế. Trong tiếng kinh kệ, chúng tôi được nghe kể về lịch sử hình thành và phát triển võ thuật cổ truyền, chiêm ngưỡng những đường roi, bài quyền, tuyệt kỹ tinh hoa võ thuật. Đi về hướng Đông Bắc của huyện, tìm về vạn Gò Bồi, nơi “Ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu sinh ra và có nhiều năm tháng gắn bó với quê mẹ. Được xếp hạng là di tích văn hóa, lịch sử cấp tỉnh, Nhà lưu niệm Nhà thơ Xuân Diệu được thiết kế theo kiến trúc Pháp với mái ngói và cửa vòm. Phía sân bên phải còn đó cây khế cổ thụ có từ thời bà ngoại ông còn sống. Phía bên trái, cây sứ trắng được trồng bởi nhà thơ Huy Cận - người bạn thân thiết suốt đời của Xuân Diệu - vẫn đang tỏa hương thơm dịu. Mỗi đồ vật trong ngôi nhà đều gắn liền với tuổi thơ của ông: cây mận quanh năm sai trĩu quả, giếng nước nhuốm màu thời gian tất cả đều đơn sơ, mộc mạc song lại đầy cảm xúc.

CLB Võ thuật Chùa Long Phước

Điểm dừng chân tiếp theo của chúng tôi là Tháp Bánh Ít (xã Phước Hiệp). 4 ngọn tháp soi bóng xuống dòng sông Kôn, được xây dựng từ cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII với kiến trúc nguy nga, hùng vĩ, mang đậm dấu ấn cổ xưa, đứng từ xa trông giống như chiếc bánh ít. Mỗi tháp là một kiến trúc riêng biệt mang sắc thái khác nhau, trên đỉnh mỗi tháp đều có tượng thần Siva làm bằng đá. Tháp Bánh Ít đã và đang hấp dẫn nhiều du khách đến thăm bởi sự hùng vĩ và trường tồn với thời gian qua gần một nghìn năm.

Dọc theo đường tỉnh lộ 630 xuôi về hướng Đông của huyện, chúng tôi cùng khám phá khu sinh thái Cồn Chim (thôn Vinh Quang, xã Phước Sơn). Nằm khép mình bên đầm Thị Nại, Cồn Chim mang nét đẹp hoang sơ, như một miền Tây thu nhỏ giữa trời miền Trung. Xa xa theo hướng Đông là cửa đầm Thị Nại. Ở hướng Tây, cầu Nhơn Hội như dải lụa vắt ngang. Gió biển nhè nhẹ ru lòng du khách. Cồn Chim lúc về chiều là cả một bức tranh thiên nhiên sinh động, những con thuyền được nắng chiều ôm trọn in bóng xuống mặt nước. Trên các ngọn cây, từng đàn cò trắng đua nhau bay về. Trong không gian miền sông nước, ngồi tận hưởng những món hải sản được chế biến mang đậm hương vị địa phương, khó mà quên được. Lẩu Cua là đặc sản nổi tiếng của Cồn Chim. Cua ở đây rất chắc thịt, ăn vào không bị bở, ăn tới đâu là ngon tới đó. Nhưng chỉ mỗi cua thì vẫn chưa đủ để tạo nên một lẩu cua nức tiếng nếu không nhắc tới cách chế biến nước dùng bao gồm gạch cua và cà chua để tạo độ ngọt thanh, một ít ớt tươi để tạo vị cay hấp dẫn, thêm chút hành lá và nêm nếm gia vị thật vừa tay, bảo đảm thực khách ăn là thích mê.

Chắc rằng chuyến hành trình này của chúng tôi sẽ không thể khám phá hết nét đẹp của miền quê Tuy Phước. Song, chỉ chừng đó thôi cũng giúp chúng tôi cũng cảm nhận được nét độc đáo, thú vị khi trải nghiệm những di tích văn hóa, lịch sử đầy ý nghĩa, những danh lam thắng cảnh, đặc sản ẩm thực không thể nào quên. Tuy Phước thật đúng là vùng quê văn hiến.

Khu sinh thái Cồn Chim (thôn Vinh Quang, xã Phước Sơn)

 

HUỲNH NAM VIỆT

Nguồn: Tạp chí VHNT số 549, tháng 10-2023

 

;