TS Triệu Minh Lâm và nỗ lực tái hiện tinh thần lịch sử trong không gian công cộng

Tượng đài không chỉ là những khối tạo hình bằng vật chất, mà còn là những câu chuyện, những ký ức được khắc tạc vào không gian, trở thành điểm tựa tinh thần cho các thế hệ mai sau. Tượng đài Bà Triệu, với mẫu phác thảo của TS, họa sĩ, đạo diễn truyền hình Triệu Minh Lâm, một người con xứ Thanh luôn nặng lòng với quê hương, là sự nỗ lực kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật điêu khắc và tinh thần truyền thống văn hóa - lịch sử dân tộc.

TS, họa sĩ, đạo diễn truyền hình Triệu Minh Lâm bên phác thảo tượng đài Bà Triệu đoạt giải Nhì - Ảnh: NVCC

Núi Gai, nơi có Đền Bà Triệu (ở xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) và cũng là nơi dự kiến đặt tượng, là đầu bài mà Triệu Minh Lâm trăn trở nhiều ngày, nỗ lực sáng tạo trong cuộc thi “Sáng tác mẫu phác thảo tượng đài Bà Triệu chất liệu đồng” do tỉnh Thanh Hóa phát động, trao giải cuối tháng 12-2024. Phác thảo của Triệu Minh Lâm – một trong số các tác giả trẻ tham gia cuộc thi - đã đoạt giải Nhì.

Công trình này không chỉ mang ý nghĩa tôn vinh một nữ anh hùng dân tộc kiệt xuất, biểu tượng cho lòng yêu nước nồng nàn, mà còn mở ra một không gian văn hóa mới, nơi quá khứ và hiện tại giao hòa qua đường nét điêu khắc.

Hình tượng Bà Triệu trong không gian công cộng mang tính biểu tượng cao, vừa thể hiện lòng tri ân của hậu thế với nữ anh hùng dân tộc, vừa góp phần tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập .

Với chiều cao 36m theo phác thảo, chất liệu đồng nguyên khối, công trình của TS Triệu Minh Lâm được chế tác bằng công nghệ đúc đồng tiên tiến từ Nhật Bản, đảm bảo độ chính xác và độ bền vững theo thời gian. Quan trọng hơn, tượng đài không chỉ là một vật thể đứng đơn lẻ, mà còn hài hòa với cảnh quan thiên nhiên và không gian tâm linh xung quanh, tạo nên một tổng thể giàu sức sống.

Nghệ thuật điêu khắc trong tác phẩm này là một sự kết hợp khéo léo giữa tính hiện thực và tính biểu tượng. Hình ảnh Bà Triệu cưỡi voi xung trận, một tay cầm kiếm, một tay phất cờ, với tà áo và dải lụa bay trong gió, không chỉ tái hiện lại khí phách oai hùng của nữ tướng mà còn mang lại cảm giác chuyển động mạnh mẽ.

Voi chiến – một hình tượng gắn liền với truyền thống kháng chiến của người Việt – được khắc họa dũng mãnh, đầu ngẩng cao, chân trước giơ lên đầy uy nghiêm, như một biểu tượng của sức mạnh và tinh thần kiên cường. Hình tượng voi chiến càng làm nổi bật nét đặc trưng độc đáo của nghệ thuật điêu khắc Á Đông, khác biệt với những bức tượng chiến binh cưỡi ngựa ở châu Âu.

Tượng đài không chỉ đòi hỏi sự tinh tế trong tạo hình mà còn là thách thức lớn về kỹ thuật chế tác. Chất liệu đồng được đề xuất là phương pháp, tạo tác tượng đồng bằng công nghệ gia công áp lực cao tiêu chuẩn châu Âu, đã áp dụng thành công ở một số công trình tượng lớn. Khung xương kết cấu chịu lực là chất liệu thép không gỉ… 

Đây là một lựa chọn đầy tính toán, không chỉ vì độ bền vững trước thời gian và thời tiết khắc nghiệt, mà còn bởi đồng mang đến một sắc thái đặc biệt, vừa cổ kính, vừa trang trọng. Công nghệ đúc hiện đại từ Nhật Bản sẽ đảm bảo độ chính xác đến từng chi tiết nhỏ nhất, giúp bề mặt tượng đạt độ mịn, sắc nét, phản chiếu ánh sáng theo cách tạo nên hiệu ứng thị giác đặc biệt. Khi nhìn từ xa, tượng đài sẽ như một ngọn hải đăng của lịch sử.

Chủ trương xây dựng tượng đài Bà Triệu của tỉnh Thanh Hóa không chỉ đơn thuần là một dự án nghệ thuật mà còn mang ý nghĩa lịch sử - văn hóa sâu sắc. Bà Triệu là một biểu tượng vĩ đại của lòng yêu nước, của tinh thần bất khuất trước kẻ thù. Những câu chuyện về bà không chỉ là những trang sử hào hùng mà còn là niềm tự hào của bao thế hệ người Việt Nam.

TS, họa sĩ Triệu Minh Lâm tâm sự: Trong bối cảnh hiện nay, khi du lịch văn hóa – tâm linh ngày càng trở thành một xu hướng quan trọng, phác thảo này của tôi không chỉ mong muốn góp phần nhỏ bé vào nghệ thuật điêu khắc công cộng, mà còn muốn tăng sức hút cho khu di tích Đền Bà Triệu nói chung và du lịch xứ Thanh nói riêng.

Triệu Minh Lâm cho biết: Từ nhỏ anh đã say mê đọc những trang viết về nữ tướng Bà Triệu – một biểu tượng tự hào của quê hương Thanh Hóa. Năm 2008, khi có cuộc thi thiết kế tượng đài Bà Triệu, khi còn đang theo học ở Trường Mỹ thuật Công nghiệp, Minh Lâm cùng các anh khóa trên sôi nổi tham gia . Dù chưa đạt kết quả mong muốn, nhưng đây là cơ hội giúp anh hiểu sâu hơn về văn hóa, lịch sử.

15 năm sau, vào năm 2023, khi cuộc thi sáng tác mẫu tượng đồng Bà Triệu được tổ chức lại, Triệu Minh Lâm đã dốc hết tâm huyết sáng tác, xây dựng phác thảo mới với nhiều cảm xúc hơn. Tác phẩm của anh đã giành giải Nhì – một thành quả xứng đáng sau nhiều năm trăn trở với hình tượng nữ tướng anh hùng.

TS Triệu Minh Lâm hiện đang công tác tại Truyền hình Công an nhân dân ANTV, với vai trò biên tập và đạo diễn truyền hình. Đặc biệt, chương trình “Giai điệu bình yên”, một chương trình nghệ thuật về người chiến sĩ Công an nhân dân do anh thực hiện mỗi tháng, đã để lại nhiều dấu ấn cho khán giả.

PHƯƠNG THẢO

 

 

;