Truyền thống, đạo đức và văn hóa công vụ ở Nhật Bản

Đưa các chuẩn mực đạo đức, văn hóa vào pháp luật

Ở Nhật Bản, hành vi của các công chức, chịu ảnh hưởng đáng kể bởi văn hóa và tính cách dân tộc của người Nhật: làm việc chăm chỉ, kỷ luật cao, chủ nghĩa tập thể, tinh thần trách nhiệm cao, sự tôn trọng quyền lực, nhu cầu hài hòa mối quan hệ giữa các cá nhân, sự mong muốn hoàn thiện bản thân.

Người Nhật Bản đặc biệt tôn trọng truyền thống. Họ cố gắng không thay đổi các chuẩn mực hành vi hay hình thức văn hóa được kế thừa từ thế hệ trước. Các giá trị truyền thống như tôn trọng mọi người, thực hiện các nghĩa vụ một cách có lương tâm… được thể hiện trong các quy định pháp luật Nhật Bản về văn hóa, đạo đức công vụ. Chìa khóa của hiệu quả nền công vụ cũng như hiệu quả hoạt động kinh doanh ở Nhật Bản được đánh giá là nằm ở việc người Nhật đưa các chuẩn mực của văn hóa truyền thống vào các quy định pháp luật về đạo đức, văn hóa công vụ, vào các quy tắc về đạo đức, văn hóa kinh doanh (1).

Kỷ luật cao, chủ nghĩa tập thể vốn là truyền thống của người Nhật, được ghi nhận ngay trong bản Hiến pháp. Theo Hiến pháp, mỗi cá nhân, khi được tuyển dụng vào cơ quan công quyền, đều có nghĩa vụ tuyên thệ tuân thủ tất cả các yêu cầu của công vụ, tuân thủ các chỉ đạo của cấp trên và luật pháp Nhật Bản, không tiết lộ các thông tin được xếp loại bí mật, kể cả trong trường hợp đã rời khỏi công vụ. Việc hiến định nghĩa vụ tuyên thệ của cá nhân công chức khi được tuyển dụng vào cơ quan công quyền nâng tầm quan trọng của trách nhiệm phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước.

Nền công vụ của Nhật Bản, nhờ vào kỷ luật của người lao động, sự tập trung vào kết quả chung, là trụ cột cho sức mạnh kinh tế của nhà nước và là bảo đảm cho sự phát triển thành công, hiệu quả trong tương lai.

Hình thành nền công vụ dân chủ vì nhân dân

Người Nhật Bản đặc biệt tôn trọng truyền thống, họ cố gắng không thay đổi các chuẩn mực hành vi, các hình thức văn hóa được kế thừa từ thế hệ trước. Các giá trị truyền thống như tôn trọng mọi người, thực hiện nghĩa vụ một cách có lương tâm… được thể hiện trong các quy định pháp luật Nhật Bản về văn hóa, đạo đức công vụ.

Bên cạnh đó, sự kết hợp giữa các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống và các giá trị từ phương Tây có truyền thống dân chủ sâu sắc cũng thể hiện rõ nét trong Hiến pháp, pháp luật của Nhật Bản.

Hiến pháp Nhật Bản năm 1947 đặt ra một số tiêu chuẩn đạo đức liên quan đến trách nhiệm của công chức đối với xã hội, đặt nền móng vững chắc cho một nền công vụ dân chủ và vì nhân dân.

Điều 14 quy định: không công nhận giai cấp quý tộc hay chức tước quý tộc. Khi tặng chức tước, huy chương cho một cá nhân trong hiện tại hay trong tương lai, Chính phủ không công nhận đặc ân nào có giá trị quá cuộc đời của người đó.

Điều 15 quy định: người dân có quyền bất khả xâm phạm trong việc lựa chọn hay bãi nhiệm các quan chức. Tất cả các quan chức phục vụ toàn xã hội, chứ không phục vụ một nhóm người nào trong xã hội.

Theo Điều 16, mọi người đều có quyền nộp đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại, cách chức các công chức nhà nước, kiến nghị ban hành, bãi bỏ hoặc sửa đổi luật của Nghị viện, văn bản pháp luật của Chính phủ, cũng như các vấn đề khác; không ai bị phân biệt đối xử vì các yêu cầu, kiến nghị này.

Kỷ luật cao vốn là truyền thống của người Nhật, được ghi nhận ngay trong bản Hiến pháp. Theo Hiến pháp, mỗi cá nhân khi được tuyển dụng vào cơ quan công quyền đều có nghĩa vụ tuyên thệ tuân thủ tất cả các yêu cầu của công vụ, tuân thủ các chỉ đạo của cấp trên và luật pháp Nhật Bản, không tiết lộ thông tin được xếp loại bí mật, kể cả trong trường hợp đã rời khỏi công vụ. Việc hiến định nghĩa vụ tuyên thệ của cá nhân công chức khi được tuyển dụng vào cơ quan công quyền nâng tầm quan trọng của trách nhiệm phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước.

Tuyển dụng, đào tạo, sử dụng công chức

Văn bản chủ yếu xác định cụ thể nền tảng pháp lý của nền công vụ Nhật Bản là Luật về công chức nhà nước năm 1947. Luật này chứa nhiều điều khoản về đạo đức.

Theo quy định của luật này, việc tuyển dụng công dân vào công vụ phải căn cứ công trạng, chuyên môn được đào tạo và phẩm chất chuyên nghiệp của công dân. Trong thực tế, những điều này được xác định tại các kỳ thi có tính cạnh tranh. Văn hóa, đạo đức công vụ thể hiện ngay từ khâu tuyển dụng công chức.

Ở Nhật Bản, không có sự tách biệt viên chức với công chức. Nói cách khác, không có khái niệm viên chức. Quy trình tuyển dụng vào cơ quan nhà nước được áp dụng chung cho tất cả trong các đợt tuyển dụng công chức, không phân biệt tuyển dụng vào cơ quan hành chính hay vào bệnh viện, trường học… Nội dung của các kỳ thi cạnh tranh giống nhau cho hầu hết các cơ quan nhà nước.

Công vụ Nhật Bản thực sự ưu tú. Các quan chức ở Nhật Bản là sinh viên tốt nghiệp loại giỏi nhất thuộc các trường đại học nổi tiếng nhất. Trong khi số còn lại làm việc trong lĩnh vực kinh doanh, giáo dục… Vòng phỏng vấn đầu tiên đối với sinh viên tốt nghiệp Đại học Tokyo danh tiếng nhất cả nước chính là để tuyển chọn công chức làm việc trong chính phủ, các bộ, và các tổng cục. Việc xét tuyển vào công chức được thực hiện trên cơ sở thi tuyển. Bằng cách này, bộ máy hành chính Nhật Bản tuyển dụng được bộ phận sinh viên được đào tạo kỹ lưỡng nhất từ ​​các trường đại học ưu tú (2).

Nhằm đảm bảo sự khách quan, công bằng, ở Nhật Bản, trong tuyển dụng công chức, thi tuyển là phương thức chủ yếu. Quy định về tuyển dụng công bằng, khách quan giúp nhà nước tuyển dụng được những nhân viên có năng lực cao, phẩm chất tốt, đồng thời đảm bảo sự công bằng xã hội, sự tôn trọng, đồng thuận của người dân đối với nền công vụ.

Ở Nhật Bản, công chức được phân thành 2 loại: công chức quốc gia và công chức địa phương. Kỳ thi tuyển dụng công chức quốc gia do Cơ quan Nhân sự quốc gia tổ chức. Cơ quan này là đơn vị duy nhất được phép xây dựng đề thi phục vụ cho kỳ thi tuyển công chức quốc gia. Ngay sau ngày kỳ thi kết thúc, toàn bộ số câu hỏi (2.700 câu hỏi) sẽ được công bố rộng rãi cùng với đáp án để thí sinh đối chiếu với bài thi của mình cũng như sử dụng làm tài liệu ôn tập và tham khảo. Tất cả các câu hỏi đã được công bố rộng rãi sẽ không được sử dụng trong các kỳ thi tiếp theo. Kỳ thi tuyển dụng công chức quốc gia được tổ chức trong một ngày tại 9 địa điểm khác nhau, đảm bảo sự công bằng cho tất cả các thí sinh tham dự kỳ thi.

Tuyển dụng công chức địa phương do các địa phương tự tổ chức thi. Các địa phương có quyền hạn độc lập: tự ra đề thi, tự tổ chức thi. Cơ quan Nhân sự quốc gia không can thiệp được vào kỳ thi của địa phương.

Công chức Nhật Bản thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng và được trả lương xứng đáng. Mỗi Bộ quản lý phải định kỳ theo kế hoạch giảm nhân viên. Ứng xử đạo đức của các công chức là vấn đề được chú ý đặc biệt.

Trong nội bộ hệ thống cơ quan nhà nước, gần như không có sự luân chuyển nhân sự theo chiều dọc cũng như chiều ngang. Điều này giúp xây dựng hệ thống tuyển dụng suốt đời, tạo nên sự gắn bó, sự ổn định trong nền công vụ, trong cơ quan, tổ chức nhà nước cũng như sự “ổn định trong tư tưởng” của công chức.

Một số hạn chế được áp dụng đối với công chức: công chức không được đồng thời làm việc trong các cơ quan nhà nước khác, không được tham gia đình công…

Đạo đức công vụ và cuộc chiến chống tham nhũng

Tham nhũng cũng là mối họa đối với hệ thống quan chức Nhật Bản. Các phương tiện truyền thông Nhật Bản liên tục thông tin về các vụ hối lộ tầm thường, các hành vi bất hợp pháp hoặc phi đạo đức khác của các chính trị gia lớn cũng như quan chức cấp cao của Nhật Bản. Các vụ bê bối thường được cho là liên quan đến việc nhận một số tiền lớn từ những tập đoàn kinh doanh cho các mục đích chính trị (3). Tại Nhật Bản, các mối quan hệ chặt chẽ giữa các chính trị gia, bộ máy hành chính giới tài chính và công nghiệp (cái gọi là bộ ba thép) được hình thành.

Thực tế, ở Nhật Bản, trong hoạt động công vụ cũng như trong tất cả các loại hình hoạt động khác, sự thăng tiến theo nấc thang sự nghiệp khá chậm chạp với sự kết thúc công vụ tương đối sớm. Các quan chức thường nghỉ hưu ở tuổi 55, không phụ thuộc vào mức độ thành công trong sự nghiệp. Khi nghỉ hưu kiếm việc làm ở đâu trở thành vấn đề đối với nhiều người. Trong khi đó, tuổi thọ của người Nhật khá cao. Do đó, nhiều quan chức luôn tìm cách thiết lập các mối quan hệ đặc biệt với các doanh nghiệp mà họ giám sát trong thời gian thực hiện công vụ nhà nước. Để tri ân đối với sự nâng đỡ trước đó, các doanh nghiệp thuê quan chức sau khi nghỉ hưu làm cố vấn hoặc phó giám đốc. Các doanh nghiệp này được hưởng lợi từ quan chức ngay cả sau khi người này đã rời khỏi công vụ bởi ông ta duy trì mối quan hệ chặt chẽ với đồng nghiệp của mình tại nơi làm việc. Kết quả là, có sự đan xen khá chặt chẽ giữa các doanh nghiệp tư nhân và bộ máy hành chính nhà nước.

Phòng, chống tham nhũng là một phần quan trọng trong chương trình nghị sự chính trị - xã hội của Nhật Bản. Trong những năm gần đây, Nhật Bản đạt nhiều thành tựu về phòng, chống tham nhũng.

Trong những năm gần đây, Nhật Bản đạt nhiều thành tựu về chống tham nhũng. Chính sách chống tham nhũng của Nhật Bản rất thú vị ở chỗ họ có rất nhiều biện pháp ngăn ngừa tham nhũng. Người Nhật tích cực nghiên cứu kinh nghiệm cuộc chiến chống tham nhũng ở các quốc gia có truyền thống dân chủ sâu sắc.

Pháp luật về chống tham nhũng ở Nhật Bản có đặc trưng riêng. Ở Nhật Bản, không có một đạo luật thống nhất về chống tham nhũng. Các quy định về chống tham nhũng được chứa đựng trong các đạo luật khác nhau: Luật bầu cử đại biểu nhân dân (1950), Luật về Nghị viện (1950), Luật về các quỹ chính trị (1948), Luật về công chức nhà nước (1947), Luật về đạo đức công chức (2000), Luật về chính quyền địa phương (1947).

Đối tượng của pháp luật chống tham nhũng của Nhật Bản bao gồm: các nghị sĩ, thành viên nội các, người đứng đầu chính quyền địa phương (thống đốc, thị trưởng thành phố) và đại biểu của hội đồng địa phương; công chức Chính phủ và công chức địa phương.

Ở Nhật Bản, Luật về đạo đức công chức (năm 2000) quy định các điều cấm và các hạn chế đối với công chức trong việc nhận quà tặng và dịch vụ từ các doanh nhân nếu họ (các doanh nhân) có liên quan đến hoạt động nghề nghiệp của các công chức. Luật đồng thời thiết lập một quy trình nghiêm ngặt để giám sát việc tuân thủ các quy định cấm và hạn chế này.

Nhân viên, bắt đầu từ trợ lý trưởng bộ phận trở lên, có nghĩa vụ phải báo cáo định kỳ ba tháng cho người đứng đầu Bộ hoặc Tổng cục về tất cả các trường hợp nhận dịch vụ và quà tặng từ các doanh nhân với số tiền từ 5 nghìn yên trở lên. Các quan chức cấp cao có nghĩa vụ báo cáo với cấp trên về thu nhập của họ trong năm trước, thông tin này phải được công khai trước công chúng. Một Ủy ban điều tra đạo đức được thành lập trong cơ quan, có quyền tiến hành điều tra và xử phạt hành chính.

Luật về đạo đức công chức quy định một danh mục chi tiết các hành động phi đạo đức, điều này loại trừ việc giải thích tùy tiện các yêu cầu của pháp luật. Tất cả các trường hợp vi phạm đạo đức của công chức đều phải bị xử phạt hành chính (cảnh cáo, hạ lương, tạm đình chỉ công việc, sa thải).

Trong khi phạm vi đối tượng của pháp luật phòng, chống tham nhũng rất rộng, bao gồm cả các quan chức cấp cao, Luật về đạo đức công chức không được áp dụng đối với các nghị sĩ, người được bổ nhiệm vào các chức vụ trong Chính phủ. Dư luận ở Nhật Bản đánh giá rằng Luật về đạo đức công chức còn có kẽ hở cho sự lạm dụng.

Hiện tại, Nhật Bản đang có kế hoạch cải cách hành chính, nhắm đến kiềm chế việc các quan chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc cấp phép, kiểm tra và thực hiện các công việc khác với các doanh nghiệp. Luật pháp quy định: trong vòng 2 năm sau khi rời khỏi công vụ, quan chức đã nghỉ hưu không được phép nắm giữ vị trí trong một doanh nghiệp tư nhân thuộc khu vực mà người này đã giám sát trong 5 năm phục vụ cuối.

Bộ luật Hình sự Nhật Bản năm 1907, được sửa đổi vào năm 1995, có một chương riêng (Chương 25) quy định về đưa và nhận hối lộ và các hành vi lạm quyền khác của công chức nhà nước và nhân viên thuộc tổ chức xã hội.

Ngoài ra, một hệ thống kiểm soát xã hội đối với hành vi của các quan chức được thiết lập bên cạnh việc các cơ quan bảo vệ pháp luật thực thi pháp luật chống tham nhũng theo quy định của pháp luật hình sự.

Công chức nhà nước không bị thiệt thòi về tài chính so với lao động khu vực tư nhân. Hội đồng về nhân lực hằng năm báo cáo trước Nghị viện và Chính phủ về xu hướng trả lương trong nước. Nếu phát hiện sự gia tăng đáng kể về tiền lương trong khu vực tư nhân (ít nhất 5%), Hội đồng có nghĩa vụ đưa ra khuyến nghị về những thay đổi tương ứng về mức lương của công chức nhà nước. Các khuyến nghị này thường được Nghị viện phê chuẩn.

Một số bài học kinh nghiệm

Kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc tạo ra nền tảng đạo đức công vụ cho thấy một số điều quan trọng cần suy nghĩ.

Thứ nhất, giáo dục cộng đồng dân cư không khoan dung đối với các hành vi vi phạm đạo đức của các quan chức, công chức là vô cùng quan trọng. Cùng với đó, pháp luật cần quy định đồng thời nhiều biện pháp chống tham nhũng. Công khai thông tin về thu nhập năm trước của quan chức trước công chúng là một biện pháp hữu hiệu. Những điều này góp phần đảm bảo công chức “không dám tham nhũng”.

Thứ hai, Nhà nước cần hướng tới đảm bảo mức lương tối thiểu cho công chức để công chức “không muốn tham nhũng”.

Thứ ba, kỷ luật cao phải là một nội dung quan trọng trong các quy định về công vụ.

Thứ tư, sự ổn định về tổ chức trong công vụ và “ổn định trong tư tưởng” của công chức là vấn đề cần quan tâm sâu sắc.

Thứ năm, cần quy định các Bộ quản lý ngành định kỳ theo kế hoạch giảm nhân viên, nhằm loại thải các nhân viên không đáp ứng yêu cầu về năng lực, phẩm chất.

 ______________

1, 2. Irkhyn Iu.V., Возрастающая роль этических кодексов государственной службы в управленческих парадигмах и практиках: сравнительный анализ (tạm dịch: Vai trò ngày càng tăng của quy tắc đạo đức công vụ trong các mô hình và thực hành quản lý: phân tích so sánh), cyberleninka.ru.

3. Система государственной службы в Японии (tạm dịch: Hệ thống công vụ ở Nhật Bản), studme.org.

Tài liệu tham khảo

1. Văn phòng Quốc hội, Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học, Tuyển tập hiến pháp một số nước trên thế giới (phần về Hiến pháp Nhật Bản), Nxb Thống kê, Hà Nội, 2009.

2. Конституция Японии (Hiến pháp Nhật Bản), legalns.com.

3. Законодательство Японии в сфере борьбы с коррупцией (Pháp luật Nhật Bản trong lĩnh vực chống tham nhũng), vlasti.biz.

4. Lykh M.A. Лих М.А., Роль традиционных ценностей в формировании этики государственных служащих в Японии (Vai trò của các giá trị truyền thống trong hình thành đạo đức công vụ ở Nhật Bản), cyberleninka.ru.

Tác giả: TS, Trần Thúy Vân

Nguồn: Tạp chí VHNT số 464, tháng 6-2021

;