Ngày 15-2-2025, tại Nxb Hội Nhà văn (65 Nguyễn Du, Hà Nội) đã diễn ra buổi ra mắt Trường ca “Lò mổ” và trưng bày bộ tranh “Nguyện cầu” (gồm 18 bức) của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.
Đông đảo các nhà văn, nhà thơ, các vị khách mời và độc giả đã đến tham dự buổi ra mắt
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng viết rất nhiều thể loại, từ truyện ngắn, kịch bản sân khấu, kịch bản phim, tiểu thuyết, tiểu luận, báo chí... nhưng với ông, thơ ca vẫn là "nơi duy nhất để tôi giải phóng tôi và để tôi trú ẩn". Sau tác phẩm, Nhật ký người xem đồng hồ xuất bản đầu năm 2024, ông tiếp tục ra mắt độc giả tập Trường ca Lò mổ (Nxb Hội Nhà văn ấn hành) với 18 chương và phụ bản là bộ tranh Nguyện cầu gồm 18 bức. Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, tập trường ca này không chỉ là câu chuyện về quá khứ mà là hành trình tự vấn, đi tìm câu trả lời cho những trăn trở về ý nghĩa cuộc sống và sự tồn tại. Ông mong muốn “khi độc giả tiếp cận với Lò mổ, họ sẽ dừng lại để suy ngẫm về con đường mà nhân loại đã và đang đi, để nhìn nhận lại cách chúng ta đối xử với nhau và với môi trường xung quanh”.
Trường ca Lò mổ được hoàn thành vào năm 2016, với ý tưởng được lên từ rất sớm, khi tác giả cùng cha ghé vào một lò mổ ở ngoại ô Hà Đông. Viết về cuộc ra đi của những con bò và cuộc ở lại đầy ám ảnh của người sống, Lò mổ là khúc bi ca đầy triết lý và tính nhân văn mà nhà thơ Nguyễn Quang Thiều dành cho những cuộc đời khi phải đối diện với số mệnh. Một khúc ca bi tráng: có bi thương, có day dứt, có bất lực nhưng đầy tiếng vọng của tự do và khát vọng sống.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ tại buổi ra mắt tác phẩm mới
"Lò mổ ấy đã khơi dậy trong tôi nhiều câu hỏi về sự sống và cái chết, về cách con người chúng ta đang tồn tại... Có thể, những bài thơ cụ thể nào đó không cứu rỗi được thế giới nhưng những gì mang tinh thần của thi ca đã và đang cứu rỗi thế giới" - Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã chia sẻ cùng người yêu thi ca và hội họa những điều đặc biệt của hai tác phẩm này trong buổi ra mắt Trường ca Lò mổ. Đó là sự đa dạng và thử nghiệm của ông cả về thi pháp, ngôn ngữ và hình thức: “Lò mổ không giống các tác phẩm thơ thông thường của tôi mà kết hợp rất nhiều thể loại: từ thư từ, bản nháp, cho đến biên bản và đối thoại, đôi khi là những đoạn đối thoại tưởng chừng rất rời rạc, nhưng lại có một sự liên kết rất tự nhiên. Đây không chỉ là câu chuyện của một cá nhân, mà còn là nhiều giọng nói, nhiều cuộc đời chồng chéo lên nhau, cùng hòa vào để tạo nên một bức tranh đa chiều về những vấn đề của thế kỷ XX. Chúng ta có thể thấy ở đó sự phản ánh về thù hận, chiến tranh, bệnh tật - tất cả những điều đó đã và đang ăn mòn con người. Nhưng Lò mổ không chỉ dừng lại ở sự u ám, đau thương, mà đằng sau đó là tiếng vọng của tình yêu và khát vọng sống. Mỗi con người trong đó, dù ở trong cảnh tối tăm, uất ức, nhưng vẫn cố gắng giữ lại chút gì đó là nhân bản, là niềm tin vào một ngày mai”.
Một thử nghiệm độc đáo của Trường ca Lò mổ là sự hòa quyện giữa thi ca và hội họa. Mỗi chương trong Lò mổ được tượng trưng bằng một bức tranh và tất cả đều mang tên Nguyện cầu. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bộc bạch, đây là cách ông thể hiện niềm mong mỏi rằng trong thế giới đầy rẫy sự hủy hoại, con người vẫn giữ được lòng thương yêu, lòng bao dung và khát khao một đời sống yên bình. Các bức tranh đều là tranh khổ lớn, kết hợp nhiều chất liệu như màu nước, sơn dầu, acrylic, và chì để tạo nên sự hòa quyện riêng của cá nhân, từng lớp màu, từng mảng hình ảnh đậm chất tâm linh. Ông khẳng định, Nguyện cầu không chỉ là một bộ tranh đi kèm với Lò mổ, mà chính là một phần sống động của tập trường ca này.
Nhà thơ Mỹ Bruce Weigl đọc một trích đoạn trong tập Trường ca "Lò mổ" tại buổi ra mắt sách
Đặc biệt, Lò mổ có cả phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh. Ý tưởng dịch tác phẩm sang tiếng Anh là một đề xuất của nhà thơ Mỹ Bruce Weigl. Quá trình dịch diễn ra trong một thời gian dài, với sự chỉnh sửa và biên tập kỹ lưỡng của Nguyễn Quang Thiều và Bruce Weigl, giúp bảo đảm cho tác phẩm không chỉ giữ được hồn cốt nguyên bản mà còn dễ dàng tiếp cận với độc giả quốc tế. Có mặt trong buổi ra mắt sách, nhà thơ Bruce Weigl nhận định tác phẩm này như một “bi ca” về thế kỷ 20 và cho rằng “chỉ có sự thân thiết của tình bạn này mới có thể giúp cho việc dịch bản trường ca phức tạp này được thành công”.
Ông nhớ lại: "Tôi đã được mời đến làm khách tại nhà Nguyễn Quang Thiều ở ngoại thành Hà Nội vào một ngày thứ Bảy trong tháng 12. Hôm đó, chúng tôi ngồi trong phòng khách và nói chuyện về thi ca. Nguyễn Quang Thiều nói với tôi về việc ông đang viết một bài thơ dài. Ông đưa cho tôi xem bản thảo và tôi cảm thấy bị áp đảo bởi những hình ảnh trái ngược một cách lạ lùng. Tôi nhờ Nguyễn Quang Thiều giúp và chúng tôi ngồi dịch vài trang đầu sang một bản tiếng Anh nháp. Những thứ bắt đầu hiện ra khiến tôi choáng váng bởi sức mạnh tuyệt đối và năng lực sáng tạo. Tôi bảo ông dừng lại một lúc và xem những gì ông đã viết, dù chỉ là một đoạn dịch nháp, nhưng đã thể hiện là một trong những tác phẩm thơ nguyên tác và hấp dẫn nhất mà tôi đã từng đọc. Đó là bước đầu của cuộc phiêu lưu kéo dài 6 năm tìm kiếm phiên bản tiếng Anh tốt nhất cho trường ca dồi dào ý tưởng và vô cùng sắc bén, mà ít nhất có thể gần với sức mạnh và trí tưởng tượng vô biên của bản gốc".
Phát biểu tại buổi ra mắt sách, nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: “Đổi mới là việc canh cánh với mỗi người viết, đổi mới thì mới tồn tại được trong đời sống đương đại phát triển như bão lốc hiện nay. Trong số những tác giả đi tiên phong trong việc đổi mới, Nguyễn Quang Thiều đã tạo ra một trường thẩm mỹ mới trong đó bao gồm cả ngôn ngữ, cấu trúc, tư duy thơ, bởi vậy tôi gọi anh là “nhà thơ đổi mới”.
Bìa bản tiếng Việt và bản tiếng Anh của Trường ca "Lò mổ"
Nhà thơ Mai Văn Phấn đánh giá: “Tác giả đã khai mở cho mỗi chúng ta tầm nhìn, được thấy rõ thời đại mình, thấy các thế giới và không gian khác nữa. Khả năng khai mở ấy dường như đi xa hơn thi pháp trường ca này. Lò mổ thực sự là một tuyệt bút trong sự nghiệp văn chương của Nguyễn Quang Thiều. Những trường ca mà ông viết trước đây giờ đã ở lại lưng đèo, nhường lối cho những bước chân dũng mãnh của con tuấn mã phi lên tới đỉnh, đỉnh cao của sự sáng tạo”.
Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng nhận định: “Từ sau Sự mất ngủ của lửa, Nguyễn Quang Thiều trung thành với thế giới của mình: một thế giới thơ mộng, giận dữ. Như đứa trẻ bị tổn thương, Lò mổ phản ánh sự hoành hành của cái ác… Nỗi buồn của Lò mổ phát sáng. Ánh sáng tâm linh và cái đẹp nghệ thuật hướng dẫn chúng ta. Bố cục mười tám chương, trình tự kể, nhân vật, đa giọng điệu, tạo nên cấu trúc cân xứng. Nguyễn Quang Thiều viết Lò mổ như toàn bộ đời sống của anh phụ thuộc vào nó, và tôi nghĩ, đó là nguyên nhân của sự thành công của trường ca này!”.
Bài, ảnh: NGÔ HỒNG VÂN