Sáng 15-2, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) - "ngôi nhà chung" của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, Bộ VHTTDL tổ chức Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc" năm 2025. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Lương Cường tham dự Ngày hội.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Lương Cường và các đại biểu tham dự Ngày hội
Cùng tham dự Ngày hội có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; các Ủy viên T.Ư Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải.
Về phía Bộ VHTTDL có các Thứ trưởng: Trịnh Thị Thủy, Tạ Quang Đông, Hồ An Phong; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.
Tham dự Ngày hội còn có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, địa phương; đại diện 29 cộng đồng các dân tộc đang sinh sống tại Làng và tại các địa phương về tham dự Ngày hội.
Phát biểu khai mạc Ngày hội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, Ngày hội Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc là dịp để chúng ta cùng nhau tôn vinh, giới thiệu những nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng, phong tục của các dân tộc trên khắp mọi miền đất nước, góp phần thúc đẩy việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đồng thời mở ra một không gian giao lưu đậm đà bản sắc, để các chủ thể tự giới thiệu về văn hóa của dân tộc mình, theo đúng quan điểm của Đảng ta: Nhân dân là chủ thể sáng tạo. Đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng trong việc chấn hưng và phát triển văn hóa.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy phát biểu khai mạc Ngày hội
Trong kỷ nguyên mới của đất nước, văn hóa truyền thống của các dân tộc ngày càng được phát huy mạnh mẽ, trở thành yếu tố quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc và khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Sự giao thoa, kết hợp giữa các giá trị văn hóa truyền thống với hiện đại không chỉ giúp bảo tồn những giá trị quý báu mà còn tạo động lực cho sự sáng tạo, đổi mới để phát triển.
“Mỗi dân tộc, từ dân tộc Kinh đến đồng bào các dân tộc thiếu số cùng nhau đóng góp, làm nên bức tranh sinh động, thể hiện sự đoàn kết, thống nhất trong đa dạng, đồng lòng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững trong kỷ nguyên mới” – Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, trong khuôn khổ Ngày hội, chúng ta sẽ được thưởng thức những chương trình đặc sắc mang đậm bản sắc các dân tộc, với sự tham gia của hơn 200 nghệ nhân từ 26 cộng đồng dân tộc, 29 cộng đồng huy động từ 14 tỉnh đại diện cho các dân tộc, vùng miền trên cả nước. Thông qua các hoạt động của Ngày hội để giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc của từng vùng, miền đến với bạn bè quốc tế, góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam tươi đẹp, năng động và giàu bản sắc.
Các tiết mục dân ca, dân vũ do các dân tộc biểu diễn chào mừng tại Ngày hội
Đến với Ngày hội, người dân, du khách sẽ được hòa mình vào không gian đậm đà bản sắc để cảm nhận sâu sắc hơn những giá trị, nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam trong hoạt động đón Tết vui xuân đã có từ ngàn đời nay, với những hoạt động nối bật như: Nghi thức mở cửa Tháp của dân tộc Chăm tỉnh Ninh Thuận, một nghi lễ mang đậm dấu ấn văn hóa tâm linh đặc sắc của cộng đồng dân tộc Chăm; Lễ hội khai hạ và giới thiệu, trình diễn lịch tre - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình, với những phong tục tập quán độc đáo, gắn liền với mùa màng và sự giao hòa giữa con người với thiên nhiên; Tái hiện lễ ăn mừng đầu lúa mới của dân tộc Raglai tỉnh Ninh Thuận với những điệu múa, lời ca và những nghi lễ mang đậm tinh thần tôn vinh những giá trị cao đẹp, sự gắn kết cộng đồng.
“Từ những hoạt động cụ thể này, mỗi người dân, du khách sẽ cảm nhận được sức mạnh của truyền thống, sự đa dạng và phong phú của văn hóa dân tộc, từ đó phát huy tinh thần yêu nước và trách nhiệm đối với việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa trong quá trình phát triển đất nước” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, còn có nhiều chương trình giao lưu văn hóa, biểu diễn nghệ thuật truyền thống, tái hiện lễ hội, giới thiệu ẩm thực, trò chơi dân gian tại làng dân tộc Thái, dân tộc Raglai, dân tộc Mường… Thông qua các hoạt động này, tăng cường đoàn kết cộng đồng, thúc đẩy tình đoàn kết dân tộc, đồng thời gửi gắm lời chúc năm mới, niềm tin, khát vọng sự phát triển: An khang – Thịnh vượng. Đồng thời, người dân, du khách được trải nghiệm phong phú, sâu sắc về một nền văn hóa đa dạng, thống nhất của dân tộc Việt Nam.
Tại buổi lễ, ông Đàng Chí Quyết dân tộc Chăm- đại diện đồng bào dân tộc chia sẻ, đến với Ngày hội sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc là dịp để đồng bào các dân tộc chúng tôi cùng hội tụ, giao lưu và giới thiệu những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Mỗi dân tộc có một nền văn hóa truyền thống phong phú, đặc sắc được lưu giữ qua nhiều thế hệ, vì vậy chúng tôi luôn tự hào về bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình.
Theo ông Đàng Chí Quyết, những năm qua, nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều đổi thay, bà con được hỗ trợ về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đặc biệt là trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống.
Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam – “ngôi nhà chung”, nơi hội tụ những nét đẹp văn hóa đặc sắc từ các vùng miền trên khắp đất nước, là biểu tượng của sự đoàn kết, hòa hợp giữa các dân tộc. Đồng bào các dân tộc chúng tôi phấn khởi khi được về làng, về với ngôi nhà của dân tộc mình, được giới thiệu, quảng bá những văn hóa đặc trưng, phong tục tập quán độc đáo từ những lễ hội, điệu múa, dân ca, trang phục đến các món ăn truyền thống tới du khách. Thông qua các chương trình, hoạt động được gặp gỡ, giao lưu và học hỏi với các dân tộc anh em, giúp hiểu biết hơn về sự đa dạng văn hóa, phong tục tập quán các dân tộc; trao truyền tới thế hệ trẻ về nét đẹp văn hóa truyền thống, thêm tự hào về cội nguồn và tinh thần đoàn kết dân tộc…
Ông Đàng Chí Quyết dân tộc Chăm đại diện các đồng bào dân tộc phát biểu tại buổi lễ
Bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành trung ương, địa phương đã luôn quan tâm, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số, ông Đàng Chí Quyết cũng mong muốn trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều chính sách hỗ trợ các nghệ nhân, người có uy tín, già làng, trưởng bản – những người đang gìn giữ và trao truyền di sản văn hóa dân tộc. “Chúng tôi xin hứa sẽ tiếp tục nỗ lực, chung tay gìn giữ phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc sẽ luôn được bảo tồn và lan tỏa, từ đó góp phần vào sự phát triển chung của xã hội, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, phồn thịnh” – ông Đàng Chí Quyết nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo tại Ngày hội, Chủ tịch nước Lương Cường khẳng định, Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, mỗi dân tộc đều có những giá trị văn hóa đặc sắc, phong phú, độc đáo, đã tạo nên bức tranh văn hóa vừa đa dạng, trong sự thống nhất cao, phản ánh sự sáng tạo và bản lĩnh của người Việt qua các thời kỳ lịch sử. Một trong những giá trị quan trọng nhất của nền văn hóa truyền thống 54 dân tộc anh em chính là tinh thần đại đoàn kết, tương thân tương ái, đã tạo sức mạnh nội sinh, là nền tảng giúp dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước, đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta ngày nay.
Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu chỉ đạo tại Ngày hội "Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc" năm 2025
Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh: Trong những năm qua, Bộ VHTTDL đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương tổ chức nhiều sự kiện văn hóa có ý nghĩa chính trị sâu sắc tại Làng Văn hóa -Du lịch các dân tộc Việt Nam, trong đó hội tụ về “Ngôi nhà chung” với những hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; các nghi thức, lễ hội độc đáo đậm sắc màu được hình thành sống động trong dòng chảy văn hóa các dân tộc, đã làm nổi bật những vẻ đẹp đa sắc của văn hóa Việt Nam, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm văn hóa, du lịch cộng đồng; qua đó tiếp tục khẳng định, lan tỏa sức sống giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trong phát triển, giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế.
"Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” không chỉ là một sự kiện mừng xuân, mà còn là một sự kiện văn hóa, chính trị mang nhiều ý nghĩa. Là dịp để mỗi người dân Việt Nam ôn lại, giữ gìn và làm sâu sắc hơn những giá trị văn hóa dân tộc, qua đó thắt chặt hơn nữa tỉnh đoàn kết, tăng cường sự hiểu biết và đồng hành cùng nhau trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Với những thông điệp và tinh thần ấy, sự kiện này thực sự đã trở thành nguồn động viên, khích lệ, tạo thành sức mạnh tổng hợp to lớn để đất nước ta vươn tới những thành công mới, giàu mạnh và thịnh vượng"- Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước trao quà tặng tới đại diện đồng bào các dân tộc tham dự Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc"
Chủ tịch nước Lương Cường biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực cố gắng tích cực của Bộ VHTTDL, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, cùng cộng đồng các dân tộc đã có nhiều sáng kiến, duy trì và phát triển các hoạt động tại Làng Văn hóa -Du lịch các dân tộc Việt Nam giữa lòng Thủ đô Hà Nội để nhân dân, du khách được chiêm ngưỡng những vẻ đẹp văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc, trong đại gia đình cộng đồng các dân tộc Việt Nam thân yêu của chúng ta.
Theo Chủ tịch nước Lương Cường, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc là một nhiệm vụ chiến lược, nhất quán có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Đảng và Nhà nước ta, trong suốt quá trình cách mạng và trong thời kỳ mới, nhằm đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
Đại diện đồng bào các dân tộc trân trọng tặng Chủ tịch nước các sản phẩm văn hóa đặc sắc
Văn hóa truyền thống của 54 dân tộc là tài sản vô giá, là nguồn lực vô cùng quý báu để chúng ta xây dựng một Việt Nam hùng mạnh. Nhờ vào sự đa dạng và phong phú của nền văn hóa, cùng với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, chúng ta đã, đang và sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức vươn tới những thành tựu vĩ đại trong công cuộc phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta.
“Các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể từ Trung ương đến địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, ban hành và tổ chức thực hiện tốt chính sách dân tộc, đảm bảo quyền lợi và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc; đồng thời có những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ và tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các cộng đồng dân tộc, gìn giữ vẻ đẹp văn hóa riêng biệt của mỗi dân tộc, trong đó cần đặc biệt chú trọng tôn vinh và trân trọng sự đóng góp quan trọng của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc - đó là những người tiêu biểu, gương mẫu, cốt cán trong các phong trào của địa phương, và đang là “điểm tựa cho mọi điểm tựa khác” của bản làng” – Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh.
Chủ tịch nước dự nghi thức mở cửa tháp của đồng bào dân tộc Chăm Ninh Thuận
Chủ tịch nước Lương Cường đề nghị các địa phương cần tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức chặt chẽ, hiệu quả việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là cơ sở hạ tầng nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào, có những giải pháp, việc làm cụ thể, thiết thực để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất tinh thần của đồng bào các dân tộc; đồng thời cần chăm lo giáo dục, văn hóa, y tế, phúc lợi xã hội, quan tâm nhiều hơn nữa vấn đề đào tạo cán bộ, việc làm cho thanh niên, chủ động tích cực trong góp phần tiếp tục hoàn thiện chính sách đối với đồng bào dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để đồng bào tham gia ngày càng sâu và có hiệu quả vào quá trình phát triển chung của đất nước.
Trong không khí vui tươi ngày hội đầu xuân, Chủ tịch nước Lương Cường đề nghị và mong muốn toàn thể đồng bào, đồng chí, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang hãy đem hết sức lực, nhiệt huyết, bằng hành động cụ thể, thiết thực đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước, tạo dựng sự gắn kết, hun đúc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần vun đắp nền văn hóa Việt Nam, sức mạnh Việt Nam, giá trị Việt Nam - nguồn lực nội sinh mạnh mẽ để phát triển đất nước.
Thăm Làng dân tộc Mường, Chủ tịch nước dự Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường hay còn gọi là lễ hội Khuống mùa và đánh trống Khai hạ
“Với niềm tin vững chắc vào công cuộc đổi mới và sự lãnh đạo của Đảng, cùng với sự chung sức đồng lòng, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhất định chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước ta tự tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển giàu mạnh và thịnh vượng”- Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước trao quà tặng đại diện đồng bào các dân tộc tham dự "Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc". Đại diện đồng bào các dân tộc cũng mang đến những sản phẩm văn hóa đặc sắc của dân tộc mình trân trọng gửi tới Chủ tịch nước.
Chủ tịch nước thực hiện các nghi thức Khai hạ
Chủ tịch nước chung vui cùng đồng bào tại Lễ Khai hạ của dân tộc Mường
Cũng trong khuôn khổ Ngày hội sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc năm 2025, Chủ tịch nước Lương Cường đã tham dự nghi thức mở cửa tháp của dân tộc Chăm Ninh Thuận tại Quần thể tháp Chăm, khu các làng dân tộc III. Thăm Làng dân tộc Mường, Chủ tịch nước dự Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường hay còn gọi là lễ hội Khuống mùa. Sau phần đánh trống Khai hạ, Chủ tịch nước trực tiếp thực hiện nghi thức cày ruộng, cùng các đại biểu trồng cây lưu niệm và trải nghiệm các trò chơi dân gian truyền thống.
Chủ tịch nước Lương Cường và các đại biểu trồng cây lưu niệm
Chủ tịch nước Lương Cường tặng quà cho Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
NGỌC BÍCH- Ảnh: TUẤN MINH