Lễ hội khai hạ của dân tộc Mường (Hòa Bình)

Ngày 15-2-2025, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã diễn ra buổi tái hiện lễ hội khai hạ của đồng bào Mường, Hòa Bình. Chủ tịch nước Lương Cường đã tới dự, đánh trống khai hội, thực hiện nghi thức mở xá cày đầu tiên và nghi thức tưới những giọt nước đầu tiên xuống đồng cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, thái bình thịnh vượng.

Chủ tịch nước Lương Cường đánh trống khai hội

Lễ hội khai hạ là lễ hội dân gian truyền thống có từ lâu đời, thường được tổ chức vào tháng Giêng hằng năm với nhiều nghi thức độc đáo, tạo nên nét riêng trong lễ hội. Năm 2022, lễ hội khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội khai hạ gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp lúa nước, mang nhiều dấu ấn của nền văn minh Việt cổ; là hoạt động văn hóa - tín ngưỡng, có vị trí đặc biệt trong đời sống của đồng bào người Mường ở tỉnh Hòa Bình. Lễ hội khai hạ là sự khởi đầu cho một năm mới, cầu cho mùa màng một năm may mắn, thịnh vượng. Đồng thời, việc thực hiện những nghi lễ cúng mùa cũng là dịp để người Mường nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí và bày tỏ những ước vọng của mình về một cuộc sống tốt đẹp, bình yên.

Chủ tịch nước Lương Cường thực hiện nghi thức mở xá cày đầu tiên để khởi đầu cho một năm mới mùa màng bội thu, mọi người, mọi nhà đều bình an, thịnh vượng

Hằng năm lễ hội được tổ chức ở xóm Lũy Ải, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Nơi đây có miếu thờ Đức Mẹ Hoàng Bà - người có công truyền dạy cho dân Mường biết cày bừa, cấy hái lúa nước, trồng dâu, chăn tằm, dệt vải, khai mương mở nước dẫn thủy nhập điền. Miếu còn thờ Đức vị Vua Cả, 3 vị Vua Non, vua quân Thái Hậu, vua hai thành hoàng quan lang bản thổ.

Ngay từ sáng sớm, 3 mâm cỗ chính đã được chuẩn bị thịnh soạn, đưa từ nhà lang ra miếu. Trước đây, đồ tế lễ nhất thiết phải có 1 con hoẵng, nếu không có thì thay bằng 1 con bò, kiêng mổ trâu. Ngày nay, con hoẵng được thay bằng con vật khác, bên cạnh đó để một cuộn vải mộc dệt bằng tơ tằm. Cỗ lễ đã bày biện xong, chức sắc già làng, trưởng bản, đại biểu dân làng đã tề tựu đầy đủ, ông mo đọc bài cúng ướm hỏi Đức Mẹ Hoàng Bà đang rong ruổi bốn phương trời, mười phương đất đã về núi Tản Viên nơi Người ngự chính chưa, để được đón Người cùng các vị thần linh về dự lễ hội khai hạ. Khi các nghi thức đã được thực hiện đầy đủ, sẽ tiến hành rước Đức Mẹ Hoàng Bà ra Nà Mường để thực hiện nghi thức xuống đồng, cày luống cày đầu tiên, tưới những giọt nước đầu tiên xuống đồng cầu cho một năm mới mùa màng bội thu, mọi người, mọi nhà bình an, thịnh vượng.

Sau khi tiến hành xong phần lễ, tiếp đến là phần hội với nhiều hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian được tổ chức như: đánh chiêng, hát ví đối, đâm đuống, múa mõ, nhảy sạp, múa xòe, đánh mảng, đánh gậy…

Nghệ nhân Bùi Văn Hải cho biết, lễ hội khai hạ đã in sâu vào đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng người Mường, Hòa Bình. Cho đến nay, người dân vẫn bảo tồn, lưu giữ nhiều giá trị truyền thống của lễ hội. Vào mỗi mùa lễ hội, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách đến tham quan. Và cũng trong không khí vui nhộn của ngày hội tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, chị Bùi Thị Thanh Chiến chia sẻ, chị rất vui khi là một trong những người được theo đoàn từ Hòa Bình về Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam để biểu diễn tái hiện lễ hội khai hạ của dân tộc mình. Chị cũng hy vọng thông qua hoạt động này, nhiều du khách sẽ biết đến lễ hội truyền thống của dân tộc mình… Từ những chia sẻ chân tình của người dân nơi sản sinh ra lễ hội truyền thống này, ta có thể thấy được niềm tự hào, tình yêu của họ dành cho những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông.

Hiện nay, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, lễ hội khai hạ đã và đang được bảo tồn, duy trì, phát triển trên các vùng mường của tỉnh Hòa Bình, và trở thành một lễ hội lớn, thu hút đông đảo du khách gần xa đến với Hòa Bình mỗi dịp đầu năm.

TUỆ SAM - Ảnh: TUẤN MINH

;