TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ SƯU TẬP BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM 1925-1945

Nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (1945-2015), nhằm giới thiệu với đông đảo công chúng về sưu tập báo chí cách mạng giai đoạn 1925-1945, mà với vai trò góp phần không nhỏ vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tổ chức trưng bày chuyên đề Sưu tập Báo chí cách mạng Việt Nam 1925-1945 vào ngày 28-8-2015. Nội dung trưng bày gồm 5 phần:

Báo chí cách mạng giai đoạn 1925-1930 với những tờ báo tiêu biểu như: Thanh niên, Bôn sê vích, Công nông binh, Thân ái, Búa liềm, tạp chí Công hội đỏ, Lao động, Hầm mỏ, Dân cày, Giải thoát, Sao đỏ... 

Báo chí cách mạng giai đoạn 1930-1936 với các tờ: tạp chí Đỏ, Tranh đấu, Tiến lên, Cờ vô sản, Giác ngộ, Tin tranh đấu Bắc kỳ, Người lao khổ, Công nông binh, Giải phóng, Đỏ, Hồn lao động, Phấn đấu, Dân cày, Lưỡi cày, Con đường sống, Xích xinh, Học sinh... 

Báo chí cách mạng giai đoạn 1936-1939 với các tờ: Le Travail, Tân xã hội, Nhành lúa, Rasemblement, Kinh tế Tân văn, L'anant garde, Le Peuple, En avant, Tiến hóa, Tin tức, Dân chúng, Thế giới, Dân tiến, Lao động, Dân muốn, Notre voix, Đông phương, Tiến lên, Mới, Hồn trẻ, Bạn dân, Hà thành thời báo, Phổ thông, Đời nay... 

Báo chí cách mạng giai đoạn 1939-1945 với một số tờ tiêu biểu như: Việt Nam Độc lập, Cờ giải phóng, Cứu quốc... 

Sưu tập truyền đơn thời kỳ Cách mạng tháng Tám năm 1945 gồm các truyền đơn của Đảng Cộng sản Đông Dương, Mặt trận Việt Minh, Việt Nam Công giáo kháng Nhật cứu quốc hội... 

 
         Với gần 200 hình ảnh, tài liệu, hiện vật quý hiếm, đặc biệt sưu tập gần 90 đầu báo, tạp chí cách mạng thời kỳ 1925-1945 hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Thái Nguyên, Bảo tàng Sơn La..., trưng bày đã giúp khách tham quan hiểu hơn về một thời kỳ biên tập, in ấn, phát hành đầy khó khăn, gian khổ, hy sinh của các thế hệ người làm báo.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 375, tháng 9-2015

Tác giả : PHẠM LỰ

;