TRÒN VÀNH RÕ CHỮ TRONG NGHỆ THUẬT HÁT DÂN TỘC

Dưới góc độ kỹ thuật - nghệ thuật ca hát dân tộc, tròn vành, rõ chữ được xem xét với tính chất là những động tư, nhằm thực hành các động tác kỹ thuật trong quá trình ca hát.

Dù là người nước nào, trong khi nói hay trong khi hát cũng đều phải sử dụng và vận dụng bộ máy phát âm của mình, đó là sự hoạt động tổng hợp của cơ quan phát âm, bao gồm nhiều bộ phận làm việc gần như cùng một lúc, liên quan chặt chẽ với nhau và không thể tách rời nhau. Cơ chế của hoạt động sinh lý đối với bộ máy phát âm đã được các nhà khoa học khám phá, phân tích: “Âm thanh xuất hiện do tác động của luồng hơi thở từ phổi đẩy ra làm rung thanh đới, thanh đới rung lên bởi sự điều khiển chủ động của hệ thần kinh trung ương để thực hiện yêu cầu khi ta muốn nói hoặc muốn hát. Khi đó thanh đới phải căng ra ở một mức độ cần thiết tương ứng với áp lực của hơi thở ở dưới đáy phổi đẩy lên, để tạo nên một âm thanh mong muốn. Hai lực này phải luôn luôn phù hợp với nhau mới có được âm thanh chính xác và có chất lượng. Muốn chủ động điều khiển hoạt động này, người ca sĩ phải tập đẩy hơi và ghìm hơi thở bằng thanh đới rung, sao cho những hoạt động đó trở thành thói quen chính xác như những người nhạc công tập bấm đúng vị trí những phím đàn hoặc điều khiển môi khi thổi kèn đồng”(1).

Nói cách khác, hát tròn vành là khả năng đầu tiên khống chế và làm chủ hơi thở, là điểm xuất phát của quá trình phát âm. Bởi vậy, bất cứ một trường phái ca hát nào, bất kỳ loại hình nghệ thuật ca hát nào (chèo, tuồng, cải lương hay quan họ, ví giặm, ca trù, ca Huế…) cũng đều phải vận dụng bộ máy phát âm của con người nhằm tạo ra một hơi thở chắc chắn, đầy đặn, sung sức, thông qua quy trình phát âm vừa đề cập ở trên. Tuy nhiên, giọng hát có đảm bảo được các tiêu chí kỹ thuật hay không còn phụ thuộc vào cơ chế phát âm cụ thể của từng người nghệ sĩ, do cấu tạo bẩm sinh cũng như quá trình học tập, rèn luyện của người nghệ sĩ đó. Hát tròn vành cũng có nghĩa là sử dụng hơi thở khi hát của bản thân để phát âm các âm tiết, các ca từ một cách đầy đặn, rõ ràng, vang sáng bằng cách phát huy và cộng hưởng các khoảng vang tự nhiên do cấu tạo sinh học của con người. Tùy thuộc vào cấu tạo bẩm sinh của mỗi người, các yêu cầu kỹ thuật của mỗi loại hình ca hát quy định (như tuồng khác với chèo, cải lương khác với ca Huế, quan họ Bắc Ninh khác với ca trù...) mỗi người nghệ sĩ, mỗi dòng ca hát vận dụng các kỹ thuật hơi thở (hơi đan điền, hơi lá lách, hơi hòm, hơi mé) với lối hát cộng hưởng một cách thích ứng phù hợp với các đặc điểm nghệ thuật tiêu biểu mà họ theo đuổi… Đó là ý nghĩa của cụm từ tròn vành.

Bây giờ chúng ta sẽ xem xét cụm từ rõ chữ.

Ta biết rằng, ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp, thông tin trao đổi giữa con người với con người dưới dạng văn tự hay phát âm (nói, hát...).

Vậy, chất lượng của thông tin và quá trình giao tiếp, hiệu quả trong thực tiễn của mối giao tiếp ấy (cảm mến, yêu thương, đồng cảm, chia sẻ, xót xa hay tức giận, căm ghét…) đều phụ thuộc vào chất lượng của ngữ nghĩa trong quá trình phát âm. Đối với ca hát, vấn đề lại đặc biệt có giá trị quyết định hơn khi ca từ được thể hiện bằng âm nhạc, qua âm nhạc, nhờ âm nhạc... Như vậy, trong kỹ thuật ca hát, dù bất kỳ loại hình ca hát nào, dù ca hát hiện đại hay ca hát dân tộc đều có chung một đặc điểm: âm nhạc và lời ca gắn bó hữu cơ, mật thiết với nhau. Do đó phát âm với tư cách là một cơ chế hoạt động sinh lý của thanh đới con người trong ca hát chắc chắn là phức tạp, khó khăn và cũng tinh tế hơn rất nhiều động tác phát âm trong giao tiếp của chúng ta. Kỹ thuật đặt ra trong ca hát dân tộc là phải hát rõ chữ, tức là lời ca phải được phát âm rõ ràng, cụ thể, không bị mất nghĩa bởi các yếu tố chi phối của âm nhạc (giai điệu, tiết tấu, sắc thái…), không bị lạc nghĩa để người nghe tiếp nhận ngay được giá trị ngữ nghĩa của ca từ, nội dung của ca từ. Như vậy, rõ chữ với tư cách là trạng thái hoạt động cơ học của cơ quan phát âm trong kỹ thuật ca hát dân tộc của người Việt nói riêng, của các tộc người và nhân loại nói chung, lại còn xuất phát từ những đặc điểm cụ thể, rất sinh động, phong phú tới mức phức tạp của ngôn ngữ dân tộc, trong đó có sự phát âm, sự cấu tạo âm tiết với sự tác động và chi phối tích cực của hệ thống thanh điệu của tiếng Việt.

Ứng dụng hát tròn vành rõ chữ vào nghệ thuật hát mới.

Trước hết đó là rèn luyện kỹ thuật hơi thở. Hơi thở là yếu tố kỹ thuật cơ bản, có vị trí then chốt trong hoạt động của người nghệ sĩ thanh nhạc, bất kể thuộc trường phái ca hát nào, loại hình ca hát nào hơi thở tốt sẽ cho ra đời những âm thanh tròn, gọn, vang, sáng. Vì “hơi thở là điểm xuất phát của quá trình phát âm nói riêng và quá trình ca hát nói chung..., phát âm là một quá trình hoạt động phối hợp giữa các bộ phận khác nhau của các cơ quan phát âm. Hơi thở là một khâu quan trọng trong quá trình đó, cũng phải có sự phối hợp chính xác của các động tác hít hơi, đẩy hơi với các hoạt động khác của cơ quan phát âm, cụ thể như phối hợp với thanh quản, với bộ phận truyền âm (cuống họng, mồm). Đó là những hoạt động tương hỗ có tác dụng qua lại với nhau, tất cả mọi hoạt động đều phải đúng, phải chính xác, phải phù hợp với nhau mới tạo nên được những âm thanh đúng tiêu chuẩn, đáp ứng được yêu cầu của nghệ thuật. Đối với hơi thở thanh nhạc đó là một công việc phải luyện tập thường xuyên không nên xem thường và nôn nóng. Sự luyện tập từng ngày với sự kiên trì, bền bỉ và một phương pháp đúng, khoa học và cứ như vậy hơi thở sẽ theo chúng ta suốt chặng đường ca hát”(2). Hơi thở thanh nhạc luôn gắn liền với những hoạt động của thanh quản và các bộ phận truyền âm. Vì vậy công việc luyện tập hơi thở phải kết hợp với việc luyện giọng, nghĩa là tập hơi thở với âm thanh, kiểm tra hoạt động của hơi thở qua chất lượng âm thanh, như vậy việc luyện tập mới mang lại kết quả cụ thể. Một âm thanh tốt bao gồm một hơi thở đúng, đặt vị trí âm thanh đúng sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho việc đẩy hơi, tiết kiệm được hơi thở. Hơi thở nóng, ghìm hơi yếu là một nguyên nhân gây ra những nhược điểm của âm thanh như sâu, tối, không tập trung (tỏa, bẹt)… Hơi thở và vị trí của âm thanh là hai yêu cầu kỹ thuật tạo nên chất lượng của âm thanh, nhưng lại liên quan mật thiết với nhau, tác động tương hỗ cho nhau vì vậy khi luyện tập không nên tách rời từng hoạt động riêng lẻ.

Bản chất tiếng nói (sự phát âm) của tiếng Việt là loại âm thanh đóng, khép, dẹp, được phát âm bằng môi và ở điểm mặt ngoài của lưỡi là chính. Sự phát âm của tiếng Việt nhìn chung không có âm thanh cuống họng (và nếu có, chỉ là hãn hữu). Người châu Âu thường lấn lướt nhiều thành phần âm tiết, âm tố và họ chỉ chú trọng đến việc nhấn mạnh những âm tiết có trọng âm là đủ, và người nghe hoàn toàn có thể hiểu được, nắm bắt được nội dung và ý nghĩa của ca từ. Ngược lại, đối với hệ thống đơn âm, đa thanh như tiếng Việt của chúng ta, mỗi âm tiết độc lập đều có một ngữ nghĩa rõ ràng, cụ thể; mỗi âm tiết ấy lại có thể có từ một đến năm thành tố bao gồm các nguyên âm, phụ âm và thanh điệu hợp thành. Do đó, nghệ thuật gói chữ, mở chữ của kỹ thuật ca hát dân tộc, mà điển hình là kỹ thuật hát âm ngậm chiếm một vị trí quan trọng và có một giá trị rất lớn trong nghệ thuật ca hát dân tộc cổ truyền Việt Nam.

Để việc phát âm trong ca hát đạt yêu cầu tròn vành, rõ chữ, ca sĩ trước hết phải nắm được nguyên tắc phát âm ngữ âm, phải hiểu được cách cấu tạo từ vựng tiếng Việt, trong đó có những âm vị dùng để nhấn từ, có âm vị chính giữ vai trò trung tâm của từ, có âm vị dùng để khép chọn từ, xác định rõ ý nghĩa của từ ấy...; lại còn thanh điệu với sự nhấn nhá, luyến láy, day, nhả của các hư từ, từ đệm ra sao nhằm làm cho từ rõ ràng hơn, chính xác hơn đồng thời cũng đẹp hơn, linh hoạt huyền ảo hơn...

NSND Trần Hiếu đã từng không ít lần nhắc lại cho các thế hệ học trò của ông lời giáo huấn của bác Sáu Lai, vốn là nghệ nhân tuồng nổi tiếng về kinh nghiệm trong việc xử lý thanh điệu trong ca hát: “Cháu phải hát sao cho dấu sắc bớt sắc đi và dấu nặng bớt nặng đi”. Một câu nói tưởng như đơn giản, nhưng đã bao hàm một nguyên tắc rất sâu sắc và tinh tế của cha ông ta trong việc xử lý ngôn ngữ của kỹ thuật ca hát dân tộc. Và, không chỉ có ý nghĩa và giá trị trong ca hát dân tộc, nó có thể được coi như một kinh nghiệm quý báu, một phương châm cho các thế hệ ca sĩ thanh nhạc Việt Nam hiện đại suy ngẫm và ứng dụng trong cách hát của mình. Bởi vì, dù là học theo phương pháp nào, ở đâu, hát loại tác phẩm nào..., chúng ta cũng không được xa rời tiếng mẹ đẻ của dân tộc Việt Nam, của nhân dân Việt Nam.

Tròn vành, rõ chữ phải đi đôi với nhau, là hệ quả của nhau và tác động hỗ trợ cho nhau chứ không được coi nhẹ hay xem trọng vế này mà bỏ qua vế kia. Nó như một cặp động tác, một cặp phạm trù, một cặp khái niệm không thể tách rời. Ý nghĩa khoa học, thẩm mỹ và thực tiễn của tròn vành, rõ chữ cần phải được lĩnh hội một cách đầy đủ, thấu đáo đối với tất cả các thể loại thanh nhạc dân tộc. Đồng thời, kỹ thuật tròn vành, rõ chữ còn có ý nghĩa rất quan trọng cho tất cả những ai làm công tác giảng dạy hay biểu diễn ca hát, kể cả trường phái thanh nhạc chuyên nghiệp đang được đào tạo tại các trung tâm âm nhạc trên cả nước hiện nay. Tiếp thu các nền tảng khoa học của kỹ thuật thanh nhạc cổ điển châu Âu và thế giới, kết hợp hài hòa, có chọn lọc các yếu tố tiến bộ, các yếu tố khoa học với phương châm nói trên của kỹ thuật thanh nhạc dân tộc chính là hướng đi đúng đắn làm cho vẻ đẹp của tiếng hát Việt Nam ngày càng vươn tới tầm cao quốc tế, nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc của giọng hát dân tộc mình.

Về vấn đề này, PGS, NSND Trung Kiên, một trong những chuyên gia hàng đầu của nền thanh nhạc hiện đại Việt Nam, đã nhấn mạnh: “Để xây dựng một nền nghệ thuật ca hát mới, đáp ứng các yêu cầu của thời đại, chúng ta rất trân trọng học tập, tiếp thu những kinh nghiệm có cơ sở khoa học của nền nghệ thuật ca hát các nước. Trong việc tiếp thu kinh nghiệm nước ngoài, chúng ta cần nghiên cứu kỹ càng để áp dụng vào cách hát của ta sao cho phù hợp với các đặc điểm về ngôn ngữ, tập quán, tâm lý, tình cảm của dân tộc. Như vậy, phương pháp của ta mới thực sự khoa học. Tiếng hát hay được quần chúng ưa thích, thừa nhận, phải là tiếng hát mang tâm hồn người Việt Nam, phản ánh được thực tế xã hội, tâm lý, tính cách của người Việt Nam trong thời đại mới. Tuy nhiên không phải là tiếng hát chỉ có kỹ thuật đơn thuần, hoặc có cách xử lý ngôn ngữ xa lạ nào khác”(3).

_______________

            1, 2, 3. Nguyễn Trung Kiên, Phương pháp sư phạm thanh nhạc, Viện Âm nhạc xb, 2001.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 320, tháng 2-2011

Tác giả : Võ Văn Lý

;