Tín ngưỡng thờ Xuân Nương ở Hương Nha, Phú Thọ

Xuân Nương công chúa đại vương ưu trật thượng đẳng phúc thần là thần vị mà vua Lê đã gia phong cho bà - một nữ tướng thời Hai Bà Trưng có công đánh đuổi quân Hán vào những năm đầu công nguyên. Xuân Nương là nhân vật có lai lịch, công trạng cụ thể, sau khi hy sinh được nhân dân ở khắp nơi thờ phụng như một vị nữ thần, phúc thần, tổ nghề. Tuy nhiên, địa phương thờ phụng bà nhiều nhất là vùng Tam Nông - Phú Thọ, trong đó tiêu biểu là xã Hương Nha. Bài viết này, bước đầu nghiên cứu diện mạo và bản chất của tín ngưỡng thờ Xuân Nương ở xã Hương Nha, Phú Thọ như một điểm cụ thể để thấy được vai trò của tín ngưỡng thờ nữ thần trong bức tranh tín ngưỡng của cư dân Phú Thọ.

1. Con đường thiêng hóa Xuân Nương

Trong hệ thống các nữ thần của người Việt, Xuân Nương là một nhân thần - một vị thần - người có thật trong lịch sử với tên tuổi, quê quán gốc tích, công trạng khá đầy đủ. Bà tên là Xuân Nương sinh ngày 2 tháng giêng năm 24, mất ngày 15 - 2 năm 43. Vốn dòng dõi quyền quý, Xuân Nương là con út của chủ trưởng Hùng Sát và công chúa Đinh Thị Hiên Hoa ở vùng Châu Đại Man. Xuân Nương ra đời được ba tháng thì mẫu thân mất, ba năm thì phụ thân cũng qua đời, bà sống với các anh trai. Khi giặc phương Bắc sang xâm lược và cai trị nước Việt, người anh trai trưởng của bà là Hùng Thắng đã liên kết với Thi Sách để chống lại giặc. Sự việc bại lộ, Tô Định giết hại các anh của bà, Xuân Nương phải bỏ trốn, lánh nạn tại một ngôi chùa và ngày đêm luyện tập võ nghệ, triệu mộ hào kiệt trong vùng chờ thời cơ vùng lên. Khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, Xuân Nương trở thành một nữ tướng tài giỏi dưới trướng, được giao quản lĩnh một dinh trại lớn, lấy địa điểm xã Hương Nha ngày nay làm đồn chính (1). Khởi nghĩa thắng lợi, bà Trưng Trắc lên ngôi vua, phong Xuân Nương là công chúa và ban hôn cho kết duyên với Thi Bằng.

Không lâu sau, giặc Hán lại sai Mã Viện đem quân sang xâm lược nước ta, Thi Bằng lãnh quân ra ứng chiến và tử trận. Nghe tin dữ, Xuân Nương mặc áo giáp, giả nam trang, kéo binh ra trả thù, tuy nhiên, sức địch mạnh, Xuân Nương tuẫn tiết tại sông Thao.

Với những chi tiết đặc biệt trong tiểu sử, Xuân Nương đã bước vào đời sống dân gian và qua từng giai đoạn lịch sử lại mang nhiều chi tiết mới đậm nét huyền thoại. Nếu trong sử sách, Xuân Nương là một nữ tướng tài giỏi thì trong tâm thức dân gian, bà được hình dung như một vị nữ thần, tiên, thánh. Tương truyền, Xuân Nương là con gái Đông Phương Thanh Đế được Ngọc hoàng phái xuống trần làm việc thiện nên đầu thai vào nhà chủ trưởng Hùng Sát. Còn thần tích về Xuân Nương ghi rằng: một hôm, vào canh 3, lan phòng hương thơm ngào ngạt, bà Hiên Hoa mộng thấy một người con gái xinh đẹp tuyệt trần, ước khoảng 13 tuổi, đầu đội kim thoa, cưỡi mây vào cửa, từ đó bà hoài thai. Nếu như Xuân Nương là do con gái của Đông Phương Thanh Đế đầu thai, thì khi hóa cũng không thể giống người bình thường được. Tương truyền, khi Xuân Nương hóa, trời bỗng nổi sấm chớp, mây ngũ sắc kéo về tụ quanh ngọc thể bà; hay có truyền thuyết kể lại rằng sau khi Xuân Nương hóa, mối đùn lên tạo thành mồ bà. Sinh hóa mang màu sắc huyền thoại, nhưng ngay cả khi trở về thượng giới, Xuân Nương vẫn tiếp tục hiển hóa và giúp dân giúp nước (âm phù), tiêu biểu là truyền thuyết bà hiển linh âm phù vua Lê chống giặc Minh. Chính những công lao to lớn của bà nên nhân dân vùng Tam Nông đã dựng đền, đình, miếu để hương khói thờ phụng, các triều đại phong kiến cũng liên tiếp sắc phong thần vị, tôn làm thượng đẳng thần.

2. Miếu Bà - không gian thiêng thờ Xuân Nương

Miếu Bà (miếu Hạ) nằm trong quần thể khu di tích đình - đền - miếu Hạ ở thôn Hạ, xã Hương Nha. Theo các bậc cao niên xã Hương Nha, miếu Bà được xây dựng từ thời Trưng Vương - những năm đầu CN. Miếu Bà hiện nay không còn mang dấu vết của thời kỳ đầu xây dựng mà đã được xây lại. Nhưng căn cứ vào chữ Hán khắc trên câu đầu của miếu: “Tuế thứ canh thìn niên, thập nhị nguyệt, thập nhị nhật thụ trụ thương lương đại cát” (tức ngày 12 - 12 năm Canh Thìn -1880 dựng cột cất nóc) thì miếu Bà được xây dựng lại vào thời Nguyễn, cuối TK XIX.

Miếu Bà gồm 3 gian thờ và hậu cung, gồm gian chính điện, tả gian và hữu gian, hậu cung thông với tiền tế; kết cấu theo kiểu chồng rường, giá chiêng, ngoại thất xây tường sơn màu vàng, mái chảy lợp ngói mũi hài, các đầu đao uốn cong có đắp đôi rồng chầu nguyệt. Toàn bộ miếu được dựng bằng khung gỗ lim và xà cừ. Trang trí chủ yếu là các con vật linh thiêng, trong đó nổi bật là hình tượng rồng. Ở bộ vì gian giữa miếu được làm theo kiểu cốn mê đục chạm nổi hổ phù che kín vì nóc. Gian hậu cung có hai cửa khám đóng kín. Nơi này một năm chỉ mở cửa một lần để cụ thủ từ vào thay nước, tụng kinh. Trong cung cấm có thờ long ngai bằng gỗ, trong ngai có đặt bài vị bà Xuân Nương, bài vị ghi chữ Hán: “Bản cảnh Đông cung đệ bát vị Xuân Nương công chúa đại vương”, bên dưới là một lư hương bằng gốm thời Nguyễn và nhiều đồ thờ khác.

3. Lễ hội

Lễ hội thờ Xuân Nương còn được gọi là lễ hội làng Hương Nha diễn ra từ ngày 2 đến ngày 11 tháng giêng âm lịch hàng năm tại di tích đình - đền - miếu Bà nhằm mục đích tưởng nhớ công lao của đức bà Xuân Nương và các vị thánh thần đã có công với nhân dân làng Hương Nha.

Ngày đầu tiên của lễ hội là lễ cầu trâu tổ chức vào đêm mồng 2. Để chuẩn bị cho lễ cầu trâu, ngay từ 20 tháng chạp năm trước, dân làng Hương Nha đã họp bàn cử người đi tậu trâu, mua gà lễ và cử người nuôi. Trâu được chọn là trâu đực đen tuyền, chưa hoạn, sừng bằng vai, béo, khỏe, dáng đẹp, lưng bằng, còn người nhận nuôi trâu gọi là chứa lềnh. Chứa lềnh phải là người có uy tín trong làng xã, gia đình hòa thuận, hạnh phúc, không có tang, kinh tế khá giả. Trước khi rước trâu về, nhà chứa lềnh dựng lán nuôi trâu, gà bằng vật liệu mới cùng toàn bộ các dụng cụ cần thiết cho lễ cầu trâu như: lạt cật, cột buộc trâu, đuốc rước trâu, cây đình liệu để thắp sáng khi cầu trâu, đan mâm tre để bày cỗ cúng, một hũ rượu mộng và hai cái duộc bằng nứa để múc rượu mộng… đặc biệt là 12 cái vồ đập trâu bằng gỗ sở hoặc gỗ nhãn dài 20cm, rộng 6cm, được đẽo vát hai đầu có cán bằng tre tươi dài 80cm (2). Ngoài ra, nhà chứa lềnh còn chuẩn bị cỗ chay gồm: gạo nếp hoa vàng, củ mài, mía, đậu xanh, chè lam, chuối tiêu, cam, bưởi… để cúng đức bà Xuân Nương. Ngày 25 tháng chạp, trâu và gà được giao cho nhà chứa lềnh chăn dắt nuôi. Trong suốt thời gian chăn trâu, nuôi gà, nhà chứa lềnh phải ăn chay nên còn gọi là nhà chay, nhà chuốc. Hàng ngày, vào mỗi buổi chiều, chủ chứa lềnh phải đem trâu ra sông tắm, sau đó tắm cho mình.

Chiều mồng 2 tháng giêng, 12 con chùa (tức là 12 thanh niên khỏe mạnh) cùng dân làng đến rước trâu từ nhà chứa lềnh ra bến sông tắm lần cuối. Lễ rước được tổ chức tưng bừng náo nhiệt với sự tham dự của toàn bộ nhân dân xã Hương Nha. Tiếp đó, nhà chứa lềnh chuẩn bị làm cỗ chay và cỗ mặn, khi làm cỗ phải bịt mặt bằng vải đỏ chỉ hở đôi mắt. Theo các già làng Hương Nha, tục lệ này đã có từ xưa, với ý nghĩa để cỗ thờ không bị uế tạp. Cỗ chay gồm: 5 bó mía đã dóc vỏ (mỗi bó 5 khúc mía dài 10cm đặt trong bát); 5 bó củ mài đã gọt vỏ (mỗi bó 5 khúc dài 10cm đem xôi chín đặt trong bát), 5 bát đậu xanh bỏ vỏ rang chín nấu với mật ong, 5 thanh chè lam, 3 cặp bánh dầy, 5 quả cam, 5 quả quýt, chuối tiêu, bưởi. Tất cả xếp đẹp đẽ trên mâm để tối rước ra miếu Bà làm lễ. Cỗ mặn gồm: gạo nếp thơm ngon và một con gà trống. Khi mổ gà nhà chuốc phải cắt tiết gà bằng nứa vót nhọn, không được dùng dao sắt. Xôi và gà được bày lên mâm để tối rước ra đền làm lễ.

Tối ngày mồng 2, 12 con chùa cùng dân làng đến nhà chứa lềnh rước trâu, cỗ mặn và cỗ chay ra đền, miếu làm lễ. Đi đầu đám rước là đội cờ đi hàng đôi, rồi đến đội bát âm, theo sau là kiệu rước cỗ chay, kiệu rước cỗ mặn, sau cùng là trâu, đi bên cạnh là nhà sát vác chiếc rìu và 12 con chùa đi bảo vệ trâu. Đám rước được thắp sáng bằng hàng trăm bó đuốc dẫn đường. Khi đến địa điểm cầu trâu ở đền Hạ (đền Ông), cỗ chay được đưa vào miếu Bà và khấn lai lâm khám quá, lai lâm hiến hương. Khi cỗ chay được lên bàn thờ ở miếu Bà, thì từ lúc đó không ai được qua lại miếu Bà.

Ở đền Hạ có chôn sẵn một cột dài khoảng 2m để buộc trâu, khi làm lễ cầu trâu, người ta đốt bên cạnh cột buộc trâu 2 bó đuốc bằng nứa khô gọi là 2 cây đình liệu. Trong đền, ông chủ tế gieo tiền đài xin âm dương bằng hai đồng tiền làm bằng nứa. Sau đó, ông chủ tế ra trước sân đền hô lễ cầu trâu được tiến hành. Lúc này, nhà sát buộc trâu vào cọc bằng lạt tre, sao cho khi trâu bị đập, trâu vẫn chạy được vòng quanh cột mà không bị tuột. Tiếp đến, nhà sát và 12 con chùa làm lễ trước cửa đền Hạ theo nghi thức vừa cúng, vừa múa. Làm lễ xong, 12 con chùa reo hò chạy vòng quanh cột buộc trâu, còn nhà sát đứng trước đầu trâu vỗ về và nói rằng:

Kim chú mệnh ngã mệnh ngã trảm nhữ

Nhữ đắc chầu thiên

Kim nhật khai hạ, nhân vật thịnh an

Tái hô tam thứ, dĩ đao yếm chi

Dịch:

Nay chủ ta sai ta chém mày

Mày được về chầu trời

Hôm nay là ngày nhân dân khai hạ tế thân

Cầu cho người và muôn vật được thịnh

Sau đó, nhà sát hô liền 3 lần, cầm rìu ướm vào đầu trâu và căn dặn 12 con chùa chỉ được đánh vào đầu trâu. Tiếp đến, 12 con chùa đập trâu. Khi trâu bị đập gục, nhà sát châm lửa vào bó đuốc để vào bộ phận sinh dục của trâu xem trâu đã gục hẳn chưa. Nếu trâu chưa gục phải đợi trâu đứng dậy, nhà sát lại cho 12 con chùa đập cho tới khi trâu chết thì mới mổ trâu. Theo các bậc cao niên xã Hương Nha, khi trâu chết nếu trâu quay đầu về phía trong làng thì năm đó làng được mùa. Còn nếu trâu chết quay đầu về phía sông thì năm đó nước lớn, lũ lụt thường xảy ra, mất mùa…

Trâu chết, dân làng lột da xẻ thịt, chọn 4 chiếc cọc căng da trâu làm nồi da nấu thịt tái hiện lại hình thức sinh hoạt của nữ tướng Xuân Nương xưa. Mổ trâu, nhà sát lấy phần thịt ngon (thịt bắp) chia làm 12 miếng, mỗi miếng khoảng 2 lạng gọi là 12 quả đài xinh, lấy gan, phổi, tim, lòng, thận nấu chín bày trên 11 mâm tre lót lá ngõa hoặc lá bàng làm cỗ tế thần, còn 1 mâm cúng lễ trại chài. Đầu trâu và 4 chân trâu được đặt lên bệ thờ ngoài sân đền để tế quan đương niên hành khiển. Khi đặt đầu trâu nhất thiết phải hướng vào trong đền. Tiếp theo, ban tế lễ tiến hành lễ tế thần.

Sau lễ cầu trâu kết thúc, rạng sáng ngày mồng 3 diễn ra lễ trại chài. Tương truyền, xưa kia ở bến Đồng Khao có một trại lính gác cảnh giới quân giặc của nữ tướng Xuân Nương, hàng ngày nhân dân Hương Nha thường đem cơm cho trại lính ăn, do vậy ngày nay trong lễ hội có lễ trại chài để tưởng nhớ các vị lính hy sinh vì nước. Lễ vật dâng cúng gồm: thịt trâu và lòng trâu đã nấu chín đặt trên mâm tre lót lá ngõa. Đầu tiên, ông chủ tế và nhà sát làm lễ cáo yết tại đền. Sau đó nhà sát đội cỗ trại chài cùng đội trống, chiêng, thanh la hòa nhịp trong tiếng reo hò của nhân dân rước ra bến sông làm lễ cúng. Ra đến bến sông, đến một mô đất cao ở bến Đồng Khao nhà sát đặt cỗ xuống và thắp hương cúng các thần linh. Cúng xong, đợi khi hương tàn nhà sát tung cỗ cho nhân dân tranh cướp nhau. Theo quan niệm của người dân Hương Nha, nếu ai cướp được lễ vật trong lễ trại chài sẽ được thần linh phù hộ, làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn.

Sau khi cướp lễ xong, nhà sát về đến cửa đền, ông chủ tế hỏi: Ngươi là thằng chi?; nhà sát đáp: Tao là thằng bây; chủ tế lại hỏi: Vua cha chúa mẹ dạy người làm sao?; nhà sát lại đáp: Vua cha chúa mẹ dạy tao tằm tơ, lúa má tốt nhất cả làng này.

Kết thúc lễ trại chài, số thịt trâu còn lại được chia cho các phe giáp và dân làng. Người dân được chia thịt trâu đem về làm cỗ cúng gia tiên. Cỗ thờ chia cho cụ cao tuổi, 12 quả đài xinh biếu các chức sắc trong làng.

Lễ cầu trâu và lễ trại chài chỉ là hai lễ mở đầu cho lễ hội làng Hương Nha, còn chính hội diễn ra vào ngày 10. Ngày 6, nhân dân trong làng quét dọn, sửa sang lại đường làng; ngày 8 - 9, nhà chứa lềnh chuẩn bị làm bánh chưng tày, bánh rán, bánh mật, chè lam và mua cam, bưởi, chuối… cho lễ cúng ngày 10.

Sáng ngày 10, lễ rước kiệu linh thiêng diễn ra. Thành phần tham gia kiệu gồm: ông chánh tế, đội nữ quan, nam quan, các bậc cao niên, ban nhạc lễ, chân cờ, chân kiệu. Đi đầu lễ rước là nghi trượng, đội cờ tuyết mao, theo sau là phường bát âm, kế đến là phường đồng văn đánh trống, thanh la hòa quyện, có một trống cái và ba trống con hòa nhịp. Trống đại đánh thì ba trống con họa lại. Tiếp đó, là một nhang án trên đặt hai lọ lục bình do bốn thanh niên khỏe mạnh khiêng, theo ngay sau là kiệu rước cỗ chay và kiệu rước hòm sắt. Trước Cách mạng tháng 8 -1945, lễ rước kiệu chia làm hai đoàn rước, một đoàn từ đình Thượng lên, một đoàn từ đình Hạ xuống bến Lão Châu để làm lễ tế cộng đồng, ngày nay chỉ có một đoàn rước. Đoàn rước đến cổng bến Lão Châu thì dừng lại, ban tế lễ chỉ đạo các chân kiệu đặt nhang án và kiệu lên bệ xây theo đúng quy định, rồi tổ chức tế lễ cộng đồng.

4. Bản chất tín ngưỡng thờ phụng Xuân Nương

Hiện tượng thờ Xuân Nương công chúa mang nhiều nét chung của các hình thức tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Bà là một nhân vật có thật trong lịch sử với tên họ, phụ mẫu, công trạng cụ thể, nhưng khi hóa được suy tôn và thờ phụng như một vị thánh thần. Sự tôn kính và ngưỡng vọng đối với đức bà Xuân Nương thể hiện sự biết ơn và cũng vì sợ (sợ vì những sức mạnh huyền diệu của bà khi chiến đấu chống giặc ngoại xâm; sự siêu nhiên, linh thiêng khi Bà về cõi tiên thánh nhưng vẫn hiển linh phù trợ vua chúa, nhân dân).

Tục thờ Xuân Nương với cội nguồn là tín ngưỡng thờ thần của người Việt, trong đó có sự đan xen của nhiều sắc thái tín ngưỡng dân gian như thờ cúng tổ nghề, thành hoàng và cả các tôn giáo lớn như: Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo, nhưng nét đặc trưng nhất của tục thờ Xuân Nương là tín ngưỡng thờ nữ thần phúc thần. Đối với người dân Hương Nha, bà Xuân Nương là vị nữ thần phúc thần che chở, bảo hộ đời sống vật chất và tinh thần, đặc biệt là đời sống sản xuất nông nghiệp. Trong những sắc phong của các vua thời Hậu Lê, Nguyễn đều có ghi “Thượng đẳng phúc thần”, ý chỉ Xuân Nương công chúa chính là một vị phúc thần tối linh thiêng...

Tín ngưỡng thờ Xuân Nương có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của cư dân vùng đất Hương Nha, Tam Nông, Phú Thọ. Những ký ức trao truyền, thần tích, sắc phong, di tích thờ phụng, đặc biệt là phong tục và lễ hội gắn liền với bà Xuân Nương đã khẳng định đây là một dạng thức thờ thần nữ thần đặc trưng của cư dân nông nghiệp. Mặc dù, do sự thay đổi về kinh tế, chính trị, xã hội cũng như quan niệm, nhận thức của các chủ thể văn hóa về tín ngưỡng tâm linh đã dẫn đến sự biến đổi về không gian thờ phụng, sự thực hành tín ngưỡng thờ Xuân Nương nhưng sự ngưỡng vọng, niềm tin vào sự linh thiêng của tín ngưỡng này vẫn bền vững với thời gian và những biến thiên của lịch sử, xã hội. Không những vậy, mức độ lan tỏa của tín ngưỡng còn có xu hướng rộng hơn so với truyền thống.

_______________

1. Vũ Ngọc Khánh, Mai Ngọc Chúc, Phạm Hồng Hà, Nữ thần và Thánh Mẫu Việt Nam, Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 2002, tr.274.

2. Lưu Thị Phát, Dự án điều tra, sưu tầm và bảo tồn lễ hội làng Hương Nha, xã Hương Nha, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, Sở Văn hóa Thông tin Phú Thọ thực hiện năm 2003.

 

Tác giả: Đỗ Thị Nhung - Mai Quý Tùng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 413, tháng 11 - 2018

;