TIẾP BIẾN VĂN HÓA TRONG DIỄN XƯỚNG THEN

Hát then là một loại hình sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian độc đáo của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở nước ta. Vùng văn hóa hát then trải dài từ Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đến Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn. Tuy nhiên, không chỉ có các tỉnh miền núi phía Bắc, mà hầu như nơi đâu có đồng bào Tày, Nùng, Thái cư trú lâu đời đều có hát then. Hát then đang được Bộ VHTTDL phối hợp cùng một số tỉnh lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.


1. Về tên gọi then

Người Thái trắng có nhiều nghi lễ tín ngưỡng khác nhau như cúng giải hạn, chữa bệnh, tang ma…, gọi chung là kin pang then, có nghĩa là lễ mừng mệnh then (1). Người Thái cho rằng then là trời (2), kin pang then là mừng mệnh trời. Người Nùng gọi lễ nghi tín ngưỡng cho việc cúng giải hạn, chữa bệnh, tang ma… là sliên, tức tiên, trời, mà trời là then. Người Nùng quan niệm, những người làm then có thể kết nối con người với Ngọc Hoàng, Long Vương. Còn theo người Tày, then là tiên, môn tiên, là trời (3). Mặc dù tên gọi chung cho các lễ nghi tín ngưỡng của người Tày, Nùng, Thái không hoàn toàn giống nhau, song nội hàm của tín ngưỡng và sự diễn giải về tên gọi then có sự tương đồng.

Theo nhiều tài liệu lịch sử, cuối năm 1592, sau khi thất thủ Thăng Long, quan quân nhà Mạc đã chạy về Sơn Tây, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng… xây thành lũy cố thủ chống chọi với nhà Lê - Trịnh. Nhà Mạc trấn giữ Cao Bằng đến năm 1677, mở trường quốc học, dạy chữ Hán, chữ Nôm. Trong sách Âm nhạc Tày, có viết: “… người Tày ngày nay thường dùng từ pỏ phạ để chỉ ông trời, chứ không dùng từ then như người Thái Tây Bắc, then đối với người Tày ám chỉ những người làm nghề mê tín”(4). Trong tiếng Thái, phạ là trời, đin là đất.

Trong hơn 80 năm trấn giữ Cao Bằng, nhà Mạc đã làm cho vùng đất này giàu có cả về kinh tế, văn hóa, nghệ thuật; sử dụng cả nghệ thuật cung đình Thăng Long, cả nghệ thuật dân gian địa phương phục vụ nhu cầu thưởng thức của mọi tầng lớp xã hội. Vua quan, quân sĩ và những người theo nhà Mạc về Cao Bằng, cùng nhân dân địa phương hòa chung những niềm vui trong hội hè đình đám, chia sẻ nỗi buồn trong ốm đau, bệnh tật, tang ma. Giao lưu văn hóa, tín ngưỡng, nghệ thuật tất yếu diễn ra. Nghi lễ cầu cúng trong then của người Tày có nhiều điểm tương đồng với nghi lễ chầu văn (hát văn) của người Kinh đồng bằng Bắc Bộ. Đức thánh chủ trong tín ngưỡng thờ mẫu là tiên, thượng thiên, con trời. Nhiều tài liệu cho biết, then xuất xứ từ Cao Bằng sau lan tỏa ra các cộng đồng Tày, Nùng, Thái ở các vùng miền núi nước ta. Vì thế, tên gọi then bắt nguồn từ chữ thiên, một từ Hán Việt đọc lái đi. Tín ngưỡng then có từ ngàn xưa, nhưng tên gọi xuất hiện sớm nhất vào đầu TK XVI.

2. Về tên gọi hát then

Trong ngôn ngữ Tày, Nùng, Thái không có từ hát, mà gọi là lượn, sli hay khắp. Trong quá trình giao lưu giữa người Kinh và người Tày, then là một danh từ chỉ tập hợp tín ngưỡng khi diễn xướng, người ta gọi là hát then. Do đó, then là hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh, là hiện tượng văn hóa dân gian tổng thể nguyên hợp, mang bản sắc văn hóa truyền thống của người Tày, Nùng, Thái. Còn hát then là thuật ngữ chỉ thể loại âm nhạc, xuất hiện sau then.

Hát then là hình thức diễn xướng tổng hợp của nhiều loại hình, thể loại nghệ thuật, nhưng âm nhạc là yếu tố chính, quan trọng nhất. Trong hát then, âm nhạc tác động mạnh mẽ tới then để có những giây phút nhập, thăng, thoát hồn.

3. Các thành tố tín ngưỡng nguyên thủy trong then

Người Tày, Nùng, Thái ở nước ta, vào thời cổ đại, quan niệm tồn tại cả thế giới trần gian và ngoài trần gian (trên trời, dưới mặt đất…). Thế giới ngoài trần gian của mỗi dân tộc có những hình dung, tên gọi, thế lực siêu nhiên khác nhau. Con người cho rằng, những vật thể tự nhiên như mặt trời, mặt trăng, sông núi, cây cỏ…, cùng những hiện tượng thiên nhiên như mây, mưa, sấm, chớp… đều có liên quan đến sự sống chết, bệnh tật con người. Như vậy, ẩn chứa trong tự nhiên là một thế lực vô hình. Từ đó, hình thành nên tín ngưỡng thờ thần tự nhiên, cổ nhất của nhân loại. Người Tày, Nùng, Thái ở nước ta có những lễ hội biểu hiện tín ngưỡng này như: lễ hội Nàng Hai, lồng tồng, cầu mưa… Những người làm then, tào, pụt, mo có khả năng liên hệ với thần linh, làm cầu nối giữa con người với thế giới siêu nhiên.

Trong diễn xướng then có những yếu tố của tín ngưỡng tôtem. Các then dùng lời ca, tiếng tính tảu, cùng chùm xóc nhạc dẫn đường đến với các đấng siêu nhiên để thỉnh cầu hay cảm tạ. Những vật tự nhiên như quả trứng, chim én, chùm xóc nhạc... trở thành vật thiêng, được sử dụng trong diễn xướng then. Trước mỗi cuộc diễn xướng then, người ta đều dâng lễ vật lên bàn thờ tổ tiên để cầu xin mọi sự. Trong then cấp sắc, nghi lễ chính do thày then chủ trì được thực hiện trước bàn thờ tổ tiên, với các thủ tục như trình báo, dâng lễ, tạ ơn.

4. Du nhập và biến đổi Đạo giáo trong diễn xướng then

Học thuyết Đạo giáo bắt nguồn từ truyền thuyết dân gian về thần tiên, cõi tiên, những hoạt động phù phép, cầu đảo, phép luyện đan... Đạo giáo tôn Lão Tử, một nhà tư tưởng lớn của Đạo gia làm giáo chủ, đồng thời lấy sách Đạo đức kinh làm cốt lõi kinh điển. Dân gian gọi Đạo giáo là Đạo tu tiên, bói toán chữa bệnh. Đích cuối cùng của người tu hành theo Đạo giáo là thành tiên, thoát ly cuộc sống trần gian, nhưng vẫn theo dõi mọi việc ở trần gian, có nhiều phép thuật, vân du khắp nơi, trừng trị kẻ ác, giúp đỡ người hiền... Mọi người trên trần gian nếu tu luyện đều có thể thành tiên. Đạo giáo có rất nhiều thần tiên, ngọc nữ cư ngụ trên trời. Trời có 3 cõi (tam thanh) do ba vị thần tiên (tam thanh tôn thần) cư ngụ, cai quản. Trong điện thờ Đạo giáo, dưới tam thanh tôn thần là 4 vị thiên đế: Ngọc hoàng đại đế, Tử vi đại đế, Câu Trần thiên hoàng đại đế, Hậu thổ hoàng địa kỳ.

Trong lẩu then (hội then), người ta trình diễn một câu chuyện dài về hành trình của đoàn quan quân nhà then vượt qua ba cõi trời đất: mang lễ vật hành quân từ trần gian, xuống âm thủy phủ, lên mường trời dâng lễ vật cho Ngọc hoàng thượng đế. Theo quan niệm dân gian, vũ trụ được chia làm ba cõi: cõi trời là thế giới thần tiên; cõi trần gian là thế giới của người sống trên mặt đất; dưới lòng đất, sông suối là cõi âm phủ, thế giới của ma quỷ. Thế giới quan về vũ trụ trong diễn xướng then cũng có ba cõi, song ba cõi Đạo giáo ở trên trời, còn ba cõi trong then gần với đời thực. Đặc biệt là cõi trần gian, cảnh diễn đoàn quan quân đi lên cõi trời: đầu bản thì có giếng nước nguồn, trên cánh đồng thì có nơi thả vịt, có đàn lợn, đàn trâu, có chợ để mua bán... Điều đó phản ánh sự nhận thức một cách hồn nhiên, giản dị về thế giới quan trong then. Lễ vật dâng Ngọc hoàng là những sản vật do người dân làm ra, biến hóa theo trí tưởng tượng, con lợn được hình dung từ quả bí xanh, con gà trống từ hoa chuối rừng, bẹ chuối tượng trưng cho con thuyền... Cõi trời trong then là hình ảnh bản làng thân quen, khác với cung điện nguy nga trên mây của Đạo giáo.

Then có bói toán như Đạo giáo nhưng chủ yếu là bói duyên cho nam nữ. Đạo giáo có phép tử vi, qua ngày, tháng, năm sinh mà đoán định toàn bộ vận mệnh đời người. Hỉn én (chơi én) trong then mượn hình tượng chim én biểu thị cho người, chim én đậu vào một cây nào đó thì ứng với duyên phận may rủi của người đó... Bói toán trong Đạo giáo không có diễn xướng. Còn khi bói trong then, kết hợp giữa gảy tính tảu và hát, sau mỗi câu hát nói một điều. Diễn xướng then đã du nhập một số yếu tố của Đạo giáo, biến đổi theo tư duy riêng về vũ trụ quan, gần với hiện thực đời sống.

5. Du nhập và biến đổi Phật giáo trong then

Đầu thiên niên kỷ thứ nhất trước CN, các bộ lạc người Arian từ miền núi rừng Inđucútxơ và cao nguyên Pamia tràn vào bán đảo Ấn Độ, mang theo các tín ngưỡng nguyên thủy như tôn sùng vật tổ (tôtem), sùng bái các hiện tượng thiên nhiên (mây mưa, sấm, chớp...). Những người làm nghề bói toán, ma thuật trong các tín ngưỡng này được coi trọng, đó là tiền đề cho việc hình thành đạo Bà la môn. Vào thời kỳ đầu CN, các nhà sư Ấn Độ đã truyền bá Phật giáo vào nước ta, từ Buddha được phiên âm thành bụt.

Diễn xướng then có một nhạc cụ rất độc đáo, đặc sắc là cây tính tảu. Trong dân gian có câu: Không tính tảu không thành hát then. Người Tày còn truyền nhau câu chuyện Pủt Luông - Bụt lớn sai con gái dạy cho loài người biết lượn và làm đàn tính (5). Truyền thuyết về cây tính tảu của đồng bào Tày được lưu truyền như sau: “Ngày xưa có một chàng trai tên là Xiên Câm đã 30 tuổi mà vẫn chưa lấy được vợ, Xiên Câm lấy âm nhạc làm niềm vui và được tiên giúp làm ra tính tảu. Tính tảu của Xiên Câm làm ra có 12 dây, khi gảy lên chim muông mê say mà chết. Pủt Luông xét thấy, nếu để 12 dây, tiếng đàn của Xiên Câm sẽ giết chết muôn loài, nên đã cắt đi 9 dây, chỉ để lại cho đàn của Xiên Câm có 3 dây. Vì thế cây đàn tính tảu cho đến nay chỉ có 3 dây” (6).

Đức Buddha, Phật tổ trong đạo Phật, luôn ngự trên tầng trời cao, cai quản các cõi trời đất, song mọi việc của trần gian như cứu độ và trừng phạt chúng sinh là do các vị bồ tát. Trong khi đó, quan niệm về đức Phật tổ trong then rất gần gũi với đời thường, ngài giúp con người làm công việc đời thường, biểu hiện của sự du nhập và biến đổi Phật giáo trong then.

Khi hành lễ then cấp sắc, nếu là việc thuộc nội bộ hàng ngũ nhà then, cấp sắc thì vào cửa tam bảo (7). Về diễn xướng then, tác giả Hoàng Nam (8) và Nguyễn Thị Yên (9) đã viết khá rõ về sự giống nhau trong việc trình báo với Ngọc hoàng, bồ tát và đức phật.

6. Du nhập và biến đổi Nho giáo trong diễn xướng then

Thời Ân Thương (khoảng TK XIV trước CN), là thời kỳ cực thịnh của chế độ chiếm hữu nô lệ ở xã hội Trung Hoa cổ đại. Quý tộc nhà Ân Thương rất coi trọng việc cúng lễ và tế tự tổ tiên. Cũng vào thời kỳ này, người ta phát hiện chữ tượng hình. Đầu thời Tây Chu (TK XII - TK VII, trước CN), Chu Công Đán, một quý tộc nhà Chu và những người có học vấn đã tiếp thu, phát triển những thành quả thời Ân Thương. Những người này được gọi là nhà nho, người có học thức. Tương truyền, các nghi lễ thứ bậc xã hội do Chu Công chế tác, quy định, trong đó có vai trò của vua, xưng là thiên tử và dạy bảo người sống hợp luân thường, đạo lý. Người được coi là tổ sư của Nho gia là Khổng Tử, tên Khâu, tự Trọng Ni. Trung tâm học thuyết của Khổng Tử là chữ nhân, là hiếu đễ, gắn liền với lễ là những quy phạm đạo đức, lễ nghi. Trong học thuyết Nho giáo có tam cương, ngũ thường.

Diễn xướng then miêu thuật những chặng đường qua đồng ruộng, sông núi, biển cả… để đến cõi trời, nơi ngự trị của Ngọc hoàng. Quan niệm dân gian trời là Ngọc hoàng và Ngọc hoàng là trời. Thiên tử là con trời. Nho giáo đề cao vai trò của vua - thiên tử. Nhưng trong diễn xướng then, vai trò của thiên tử bị bỏ qua, tiếp cận thẳng tới Ngọc hoàng.

Nho giáo coi trọng chữ hiếu, coi là nền tảng cho đạo đức xã hội. Trong lễ tang cha mẹ, then than bằng những bài văn, từ bài Thập Nguyệt hoài thai đến Nhị thập tứ hiếu, phỏng theo Thọ mai gia lễ (10). Hành trình của then đến cửa Ngọc Hoàng coi trọng tính thiện tương tự Nho giáo: “Bên dưới có chữ thọ, chữ nguyên/ Bên trên có chữ thiện, chữ đức” (11). Tình nghĩa vợ chồng trong Nho giáo cũng được nâng lên thành đạo vợ chồng, diễn xướng then cũng đề cập đến: “Đừng chung đụng vợ người nên nợ/ Đừng tham đường ích kỷ chơi rong”, “Chồng dặn vợ, đừng lo em hỡi/ Đạo vợ chồng nghĩa trọng đôi ta” (12).

7. Hát then trong thời kỳ hiện đại

Then mang tính cộng đồng cao, tính nghệ thuật độc đáo, đặc sắc. Mỗi khi tiếng tính tảu vang lên cùng những làn điệu then, ta như thấy tiếng nước suối róc rách chảy, tiếng chim queng thánh thót, dồn dập tiếng ngựa phi, tiếng gió ngàn hun hút. Thấy rõ được sức cuốn hút mạnh mẽ của những bài bản, làn điệu then trong kháng chiến chống Pháp, nhiều cán bộ, bộ đội ta mang theo cây tính tảu, hát những lời ca mới theo làn điệu then trong hành quân, trong gặp gỡ đồng bào. Tiếng tính tảu cùng điệu then, đã góp phần động viên tinh thần và gắn kết tình quân dân. Các nhạc sĩ, những người tiên phong cho việc phát huy các giá trị đặc sắc, độc đáo của âm nhạc then, đã phổ những lời ca mới, lấy những chất liệu, âm điệu then sáng tác ca khúc, âm nhạc cho múa phục vụ đời sống tinh thần của quân dân, ca ngợi cuộc kháng chiến chống Pháp. Các bản nhạc có nguồn gốc từ bài hát, điệu múa của kin pang then khá nổi tiếng. Dựa trên chất liệu, âm điệu then Tày, Nùng, Thái các nhạc sĩ đã sáng tác nhiều bài hát, bản nhạc kịp thời phục vụ cho cách mạng: Pi noọng ơi (Văn Chung), Bông lau (Đỗ Nhuận), Chiến thắng Phủ Thông (Đinh Ngọc Liên), Đường lên Tây Bắc (Văn An), Tiếng hát bên rừng (Đức Bằng), Em bé Mường La (Trần Ngọc Xương), Tây Bắc sáng lại (Trọng Bằng), Suối Lê nin (Hoàng Đạm, Hà Té), Việt Bắc nhớ Bác Hồ (Phạm Tuyên), Bên hang Pác pó (Khắc Tuế), Tiếng hát giữa rừng Pác pó (Nguyễn Tài Tuệ), Tình ca Tây Bắc (Bùi Đức Hạnh), Em đi làm tín dụng (Nguyễn Văn Tý), Địu con đi nhà trẻ (Đào Ngọc Dung), Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi (Văn Ký), Người Châu Yên em bắn máy bay (Trọng Loan)… Từ những thập kỷ cuối TK XX đến nay, nhiều tác giả đã soạn lời mới mang tính thời sự, thời đại cho những làn điệu then ca ngợi quê hương, cuộc sống mới: Ai lên xứ Lạng (soạn lời Kim Bông), Non xa xa (soạn lời Hoa Cương), Quê em vào mùa gặt (soạn lời Hà Thuấn - Hà Vân), Tiếng chim Khảm Khắc (soạn lời Thủy Tiên - Đinh Quang Hải)… Cùng với đó, các nhạc sĩ cũng sáng tạo bằng cách biến đổi âm điệu, bài bản then. Lạng sơn quê em (Hoàng Tuấn), Đường về Bắc Cạn (Trần Hoàn), Trở lại Cao Bằng (Hạ Vân), Đường về Tân Trào (Tân Điều), Chín bậc tình yêu (An Thuyên), Điện Biên trang sử anh hùng (Trọng Toàn), Đi học (Bùi Đình Thảo)…

Theo dòng chảy lịch sử, văn hóa then có những thăng trầm. Từ một hình thức diễn xướng tín ngưỡng mang đậm dấu ấn bản địa, then đã du nhập những yếu tố của các tôn giáo ngoại lai, biến đổi nó theo lối tư duy, thẩm mỹ riêng để hình thành một thể loại nghệ thuật có tên hát then. Nếu như hát then là một thể loại âm nhạc mang những nét đặc trưng độc đáo, thì diễn xướng hát then lại là nghệ thuật tổng hợp gồm cả đàn, hát, múa, trò diễn. Ngày nay không còn chỉ có đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái sở hữu diễn xướng hát then, mà đã lan tỏa tới đồng bào các dân tộc khác như Kinh, Mường, Dao, Ba na, Gia rai, Ê đê... Hát then ngày nay không chỉ diễn xướng ở vùng rừng núi, mà nó được hát ở ngay trung tâm đô thị. Vẫn với làn điệu then cùng tiếng tính tảu, lời ca cổ, lối diễn xướng một người, nhưng ngày nay hát then được đưa lên sân khấu biểu diễn, dựng thành các tiết mục tốp ca, hợp ca, hoạt cảnh đông người. Người ta dùng các phương tiện điện tử để kích âm tiếng đàn, giọng hát, phục vụ cho nhiều người nghe ở nhà hát, quảng trường. Việc sử dụng các phương tiện hiện đại để trình diễn hát then không phải vấn đề quá quan trọng, bởi hồn cốt của hát then là âm vang của tiếng tính tảu và đặc trưng của làn điệu. Diễn xướng then hội tụ những giá trị văn hóa, nghệ thuật độc đáo, xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

______________

1. Tô Ngọc Thanh, Âm nhạc dân gian Thái Tây Bắc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 1998, tr.40.

2, 3, 4, 5, 6, 7, 11, 12. Hoàng Tuấn, Âm nhạc Tày, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 2000, tr.88, 137, 93, 98, 101.

8. Hoàng Nam, Then - cái nhìn từ hệ thống tín ngưỡng, Báo Dân tộc học, số 3, 2006, tr.4.

9. Nguyễn Thị Yên, Then Tày, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2006, tr.51.

10. Nông Thị Nhình, Âm nhạc dân gian các dân tộc Tày, Nùng, Dao Lạng Sơn, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2000, tr.37.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 385, tháng 7-2016

Tác giả : PHẠM TRỌNG TOÀN

;