CƠ THỂ, MỘT CÔNG CỤ CỦA NGHỆ THUẬT BIỂU DIỄN ĐÀN VIOLON

         Trong những năm gần đây, chúng ta đang chứng kiến một sự phục hồi thực sự về cơ thể con người. Vấn đề thân thể phát sinh trong tất cả các ngành khoa học về con người, điển hình là thể thao và các loại hình nghệ thuật như kịch câm, múa, âm nhạc, sân khấu... Sự phát triển mạnh mẽ của yoga, các môn võ thuật, một số hoạt động thư giãn... chứng minh nhu cầu tất yếu của con người về sự cân bằng cơ thể.

         Trong giảng dạy đàn dây, người ta hay lãng quên những vấn đề liên quan đến cơ thể con người. Người ta học chơi violon, alto, chơi nhạc mà lại quên rằng âm nhạc được biểu hiện trước hết bằng thân thể, khi ta không hòa hợp được với bản thân mình dễ dẫn đến biến chất trong biểu diễn, không truyền tải được nội dung tác phẩm. Tuy người chơi đàn sử dụng ngón tay để luyện tập hàng ngày, nhưng nó không phải bộ phận duy nhất trên cơ thể chịu trách nhiệm về sự linh hoạt, chính xác trong chơi đàn. Nói cách khác, hoạt động âm nhạc được thực hiện một cách chi tiết bởi chuyển động của ngón tay, nhưng toàn bộ cơ thể mới làm nên sự hài hòa, giao cảm của các xúc giác, tạo nên một tác phẩm trình diễn hoàn chỉnh.

         Một số không nhỏ người chơi violon khó khăn trong việc giao hòa giữa cơ thể và âm nhạc. Họ chỉ chú ý đến hoạt động máy móc của các ngón tay mà không có một chút ý thức nào về cơ thể mình, không nhận thức được tầm quan trọng của nó. Nếu người chơi đàn không nhận biết được những quy luật của cơ thể, mà cố ý vận động cứng nhắc sẽ tạo cảm giác khó chịu, gây cảm giác bất lực có thể kéo dài suốt cuộc đời. Nếu như một nghệ sĩ múa, một người leo dây, một nhà trượt tuyết, một kỵ sĩ, không nghĩ tới việc thiết lập một thế thăng bằng thân thể sẽ gây nên những hậu quả nặng nề. Nhưng với nghệ sĩ violon, sự thăng bằng thân thể không nguy hiểm đến sinh mạng, nhưng sẽ làm chất lượng âm thanh giảm sút nghiêm trọng, gây thất vọng cho người thưởng thức.

         Chỉ khi có nghiên cứu một cách hệ thống về thăng bằng cơ thể thì người chơi violon mới tìm thấy lời giải đáp cho những vấn đề khi chơi đàn. Những khó khăn đặt ra do các vấn đề về tiếng đàn về chuyển thế, về rung, sautillé... trong thực tế có thể giải quyết khi sự thăng bằng hoàn hảo về cơ thể được thực hiện. Một người chơi violon không thể biểu diễn và tập luyện trong tình trạng bản thân xa lạ với cơ thể của chính mình. Bởi họ sử dụng cơ thể làm công cụ tuyệt vời để giao tiếp với công chúng, để đắm mình trong nghệ thuật.

         Sự phong phú về nội tâm chỉ có thể biểu hiện ra bằng âm nhạc bởi một hoạt động cơ thể tự do, không gò bó, không gây phương hại cho bất cứ động tác nào. Do đó điều cần thiết tuyệt đối cho người violon là phải làm cho cơ thể của mình hài hòa với chính mình, tìm ra sự thăng bằng tĩnh và động. Nó là cơ sở cho tất cả những sự nghiên cứu khác về nhạc cụ.

      Không phải ai cũng nhận thức được tầm quan trọng của cơ thể, nó chính là một công cụ tuyệt diệu trong nghệ thuật violon. Đối với nhiều người, cơ thể là nơi chốn của những xung đột, trở ngại, là kẻ thù cần đánh bại. Trong trường hợp đó, cần bình tĩnh nghe ngóng và coi cơ thể như một người thể hiện hoàn hảo những ý đồ của ta. Dù đã được thừa nhận nhưng sự tái hợp giữa cơ thể và tinh thần vẫn gặp những khó khăn. Sự kiên trì không bao giờ làm ta thất vọng, bởi nó sẽ dẫn tới sự thống nhất bên trong, cơ thể và tinh thần đối thoại với nhau, bình đẳng, cùng tái tạo âm nhạc. Được khôi phục, cơ thể có thể đáp ứng, thể hiện được những yêu cầu về cảm xúc của người nghệ sĩ, trở thành hệ thống chuyển tải thông điệp của tác phẩm âm nhạc.

         Tầm quan trọng của cơ thể trong biểu diễn nhạc cụ chỉ có thể cảm nhận được trong thực tiễn, khi ta nhận thấy tồn tại sự bất ổn, khó khăn mà chỉ luyện tập các ngón tay không giải quyết được. Chính thói quen sa vào con đường mòn đã thôi thúc những bước đi đầu tiên trên con đường đặt lại vấn đề về sự thăng bằng cơ thể.

 
 
 
Những động tác của nghệ sĩ biểu diễn dàn nhạc dây.
Ảnh Hương Thu 
 

         Để thức tỉnh lối mòn trong cách thức chơi đàn bấy lâu, cần làm cho người ta nhận ra sự mất thăng bằng của mình, chỉ ra những sai lầm trong nhận thức. Để làm được điều đó, đôi khi chỉ cần rút cây đàn violon và archet ra khỏi tay học sinh trong khi đang chơi đàn, yêu cầu họ giữ nguyên tư thế. Người học sinh này nhìn vào hình ảnh của mình trong gương, có thể thấy bức tranh biếm họa về tư thế mà sự có mặt của cây đàn   violon đã che dấu đi. Giảng viên lúc đó sẽ phân tích và xác định giới hạn những khó khăn, phát hiện những sự bù trừ tinh vi mà họ thực hiện để tự xoay xở, chơi đàn bất kể tư thế nào.

         Những người chơi violon cố gắng bằng các cách riêng của mình, tìm ra những khó khăn riêng của bản thân. Tuy nhiên, họ không thể có được thái độ khách quan để tự xem xét và tự làm thày giáo bản thân. Sự thử nghiệm được tiến hành không có hỗ trợ từ bên ngoài chỉ làm trầm trọng thêm sự mất thăng bằng tiềm ẩn. Người thày giáo có vai trò như một chiếc gương, có thể đối chiếu cái thực tế mà ông quan sát được từ bên ngoài với ý tưởng mà người học sinh tự tạo ra về bản thân và cơ thể của họ. Giảng viên có thể giúp đỡ học sinh vượt qua một số vấn đề về tâm lý. Chỉ sau khi có sự tổng kết một cách hệ thống thì những nỗ lực áp dụng để điều hòa thân thể người chơi đàn mới có kết quả, được áp dụng vào tình huống thực tiễn chứ không phải cho những nhận thức hão huyền.

         Những vấn đề về thăng bằng cơ thể dường như liên quan nhiều đến nghệ sĩ violon hơn là đến những nghệ sĩ khác, bởi nó tác động nặng nề đến lối chơi của họ. Không nên quên rằng, trái với một số nhạc cụ khác, đặc biệt là piano hay violoncelle, đàn violon không có một điểm tựa nào trên mặt đất. Ngoài sự phức tạp nội tại và sự nhạy bén tinh tế mà nó đòi hỏi, đây chính là một trong lý do chính khiến violon trở thành một nhạc cụ khó chơi. Ta phải duy trì cây violon trong thế thăng bằng, gắn bó chặt chẽ với cơ thể. Ngoài việc giữ đàn, các ngón tay phải rung, di chuyển dọc theo cần đàn và bấm các hợp âm, quãng phức tạp. Hơn nữa, đàn violon và archet tiếp xúc với thân thể một cách mật thiết đến mức mọi sự căng thẳng, co cứng của cơ thể đều cảm thấy ảnh hưởng trực tiếp đến diễn tấu. Chúng ta thường quy trách nhiệm cho cây đàn về sự bất ổn định mà thực ra, đó chính là sự bất ổn định của bản thân.

         Khi nói đàn violon của tôi không ổn, nhưng trong thực tế chính ta không có một sự thiết lập vững chắc. Khi ta vấp phải một vấn đề kỹ thuật nào đó, ta thường nhầm lẫn về nguyên nhân thực sự gây ra khó khăn. Chính vì điểm tiếp xúc của người chơi với cây đàn quá chật hẹp, nên mọi động tác cơ thể đều ảnh hưởng đến chất lượng nghệ thuật.

         Sự ổn định của đàn violon cho phép ta thả mình không nao núng vào những cuộc nhào lộn dũng cảm nhất, lối chơi chủ yếu dựa trên nền tảng của sự thăng bằng cơ thể. Từ thăng bằng có lẽ được dùng đúng hơn từ tư thế. Bởi, người ta xem xét một tư thế xấu hay tốt trên những tiêu chí bề ngoài, mang tính chủ quan. Thăng bằng, bản thân nó là một trạng thái nghỉ ngơi của cơ thể, chịu tác động của các lực ngang bằng và tương phản. Trạng thái này do đó không có sự xáo động, căng thẳng, hay quá hưng phấn, là kết quả của sự hiểu biết sâu sắc các quy luật chi phối cơ thể. Tư thế là hạ tầng cơ sở, chỉ lộ ra bên ngoài đối với những người quan sát lịch lãm, diễn giải được những dấu hiệu của nó. Điều đó cắt nghĩa vì sao sự quan sát các bậc thày lớn không làm cho ta chơi đàn vượt bậc hơn. Ta có thể luôn luôn ghi nhớ “nghệ sĩ đó khuỷu tay nâng cao, cổ tay thẳng, đầu nghiêng” và cố gắng làm theo đúng như thế, nhưng sự quan sát này chỉ là bề ngoài. Sự thăng bằng toàn diện của cơ thể, là cảm xúc trải nghiệm ở nội tâm chứ không phải là một động tác hay một chi tiết quan sát được từ bên ngoài.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 382, tháng 4-2016

Tác giả : NGÔ HOÀNG LINH

;