THỰC TRẠNG HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VỀ VĂN HÓA, GIA ĐÌNH VÀ MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG TRONG THỜI GIAN TỚI

Lĩnh vực văn hóa, gia đình hiện nay đang có 5 Luật, 1 Pháp lệnh, 42 Nghị định, 14 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và khoảng trên 100 Thông tư, Thông tư liên tịch điều chỉnh trực tiếp. Như vậy trong 10 lĩnh vực quản lý chuyên ngành về văn hóa, gia đình (Nghị định 792017/NĐ-CP ngày 17-7-2017 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ VHTTDL) thì hiện mới có 5 lĩnh vực có luật điều chỉnh gồm: Luật Điện ảnh, Luật Di sản văn hóa, Luật Quảng cáo, Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (Luật này chỉ điều chỉnh 1 nhánh của công tác gia đình); 1 lĩnh vực có pháp lệnh điều chỉnh là thư viện, 4 lĩnh vực chuyên môn còn lại được điều chỉnh bằng Nghị định gồm nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; văn hóa quần chúng, văn hóa dân tộc và tuyên truyền cổ động; quản lý văn học chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh trực tiếp.

1. Những mặt đạt được

 Hệ thống văn bản pháp luật về văn hóa (HTVBPL), gia đình đã từng bước được hoàn thiện, bước đầu phát huy vai trò là nền tảng của sự phát triển

HTVBPL tác động sâu rộng đến đời sống của nhân dân, tích cực thể chế hóa chủ trương, đường lối về văn hóa, gia đình, ghi nhận và cụ thể hóa các quyền và nghĩa vụ của nhân dân về văn hóa, gia đình; đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân - những chủ thể của văn  hóa - tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. Nhờ vậy, bức tranh tổng thể của văn hóa đã mang những sắc thái mới, đa dạng và năng động hơn, đáng chú ý là sự đa dạng hóa về các chủ thể văn hóa, sự chuyển đổi từ nguồn lực đơn tuyến của Nhà nước cho văn hóa đến sự nhập cuộc, hiệp lực và phối hợp đa chiều, đa thành phần từ nhiều chủ thể khác nhau trong xã hội cho các hoạt động văn hóa. Quan điểm văn hóa, văn nghệ là sự nghiệp của toàn xã hội, huy động tiềm năng, nguồn lực của mọi lực lượng xã hội cùng tham gia phát triển sự nghiệp văn hóa đã dẫn đến những chuyển biến tích cực trong thực tiễn. Các công đoạn khác nhau của văn hóa trước đây chỉ thuộc trách nhiệm của Nhà nước (từ khâu sáng tạo, sản xuất đến phân phối) nay trở thành hoạt động thu hút được sự tham gia của nhiều chủ thể khác nhau trong xã hội, như cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài, nhà tài trợ nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận của Việt Nam và quốc tế. Sự tham gia của nhiều chủ thể văn hóa đã thúc đẩy sự đa dạng trong loại hình, ý tưởng, xu hướng và phong cách của các biểu đạt văn hóa, đem đến cho công chúng những món ăn tinh thần phong phú hơn.

HTVBPL trong lĩnh vực văn hóa, gia đình góp phần thúc đẩy các nguồn lực xã hội tham gia tích cực hơn vào lĩnh vực văn hóa, gia đình

Pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, gia đình đã đóng vai trò là phương tiện để thực hiện chủ trương của Đảng về xã hội hóa hoạt động văn hóa, thu hút đầu tư cho văn hóa, gia đình, từng bước triển khai chủ trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Vì vậy hệ thống cơ sở vật chất về văn hóa từng bước được củng cố, phát triển; đời sống văn hóa từng bước được nâng cao; số lượng các tác phẩm văn học nghệ thuật ngày càng nhiều, năm sau cao hơn năm trước; các tác phẩm do nhà nước đặt hàng và tài trợ về đề tài chiến tranh cách mạng, phản ánh quá khứ hào hùng của dân tộc đạt chất lượng cao, thành công về nghệ thuật và có tính nhân văn, đạt giải tại các kỳ liên hoan, hội thi, hội diễn trong nước và quốc tế.

Trên cơ sở các quy định pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chủ động, trách nhiệm hơn trong việc chung tay xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đảm bảo để văn hóa phát triển phong phú, đa dạng hơn theo đúng các nguyên tắc, chuẩn mực pháp luật quy định, bảo đảm yêu cầu hội nhập và mở rộng giao lưu với các nước trên thế giới. Các quy định pháp luật trong lĩnh vực văn hóa cũng tạo cơ sở pháp lý cho việc phát triển quy mô, số lượng tác phẩm được xây dựng, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu; cơ sở vật chất kỹ thuật, nhà hát, nhà triển lãm đã từng bước được đầu tư, số lượng rạp chiếu phim đạt tiêu chuẩn quốc tế ngày càng tăng, hoạt động điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, di sản văn hóa... trong thời kỳ này đã bắt đầu hình thành các yếu tố để trở thành một bộ phận trong nền công nghiệp văn hóa. Khán giả được thưởng thức các tác phẩm điện ảnh mới đồng thời với các nước khác trên thế giới. Người đẹp, người mẫu Việt Nam được tham gia biểu diễn tại các cuộc thi, thị trường biểu diễn lớn của quốc tế. Ngày càng nhiều di sản văn hóa Việt Nam được UNESCO công nhận, vinh danh là di sản tiêu biểu của thế giới. Vấn đề thực thi bản quyền tương đối tốt, tạo uy tín cho các đối tác nước ngoài trong việc duy trì và phát triển mối quan hệ hợp tác về văn hóa...

HTVBPL trong lĩnh vực văn hóa, gia đình tương đối phù hợp với hệ thống pháp luật nói chung, công khai, minh bạch

Trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, HTVBPL trong lĩnh vực văn hóa, gia đình đảm bảo nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật lập pháp. Các văn bản luật, nghị định, thông tư đều cơ bản bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật.

HTVBPL trong lĩnh vực văn hóa, gia đình từng bước phù hợp, tương thích với pháp luật quốc tế

Trong thời gian qua, Việt Nam đã tích cực và sớm tham gia các công ước, điều ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực văn hóa, gia đình và kịp thời thể chế hóa các nguyên tắc, chuẩn mực về các hoạt động liên quan đến ngành trong pháp luật quốc gia, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp luật cho việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

HTVBPL trong lĩnh vực văn hóa, gia đình có nhiều tiến bộ hơn trong vấn đề phân cấp và kiểm soát thủ tục hành chính

Với tổng số 207 thủ tục hành chính, đã phân cấp về địa phương 121 thủ tục đơn giản, dễ tiếp cận, dễ thực hiện và ít thủ tục, tạo điều kiện cho người dân khi tham gia thực hiện quy định của pháp luật về văn hóa, gia đình.

2. Những hạn chế, tồn tại

HTVBPL về văn hóa, gia đình có số lượng lớn, cồng kềnh nhiều văn bản có hiệu lực pháp lý và tính quy phạm chưa cao, thiếu những quy tắc xử sự cụ thể để các chủ thể phải thực hiện, nhiều văn bản chứa đựng những quy định mang tính tuyên ngôn hơn là quy phạm pháp luật

HTVBPL về văn hóa, gia đình có khoảng 160 văn bản quy phạm pháp luật, gồm nhiều loại khác nhau từ luật, pháp lệnh đến thông tư (chưa tính văn bản quy phạm pháp luật do chính quyền địa phương ban hành), với số lượng văn bản lớn như vậy thì việc tồn tại sự mâu thuẫn, chồng chéo là khó tránh khỏi, tính minh bạch giảm khiến cho pháp luật trở nên phức tạp, khó áp dụng. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình còn thể hiện sự thiếu đồng bộ, theo đó có lĩnh vực có luật điều chỉnh, có lĩnh vực là nghị định, thậm chí nhiều nội dung quản lý nhà nước chỉ được điều chỉnh bởi một thông tư.

Đặc biệt, trong lĩnh vực văn hóa, còn rất nhiều lĩnh vực chuyên môn chưa có luật hoặc pháp lệnh điều chỉnh (nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, xây dựng môi trường văn hóa, thiết chế văn hóa, tuyên truyền cổ động chính trị, quyền và nghĩa vụ của văn nghệ sĩ...) thậm chí chưa có văn bản điều chỉnh (lĩnh vực văn học, quản lý hoạt động trò chơi...), điều này ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý nhà nước về từng lĩnh vực vì mỗi lĩnh vực cần hệ thống chính sách để phát triển. Hiện nay theo số liệu thống kê, giai đoạn 2006-2010, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 111 luật, pháp lệnh, trong đó lĩnh vực lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, môi trường có 51 luật thì lĩnh vực văn hóa chỉ có 1 luật được ban hành mới (Luật phòng, chống bạo lực gia đình), 2 luật được sửa đổi, bổ sung (Luật điện ảnh và Luật di sản văn hóa); giai đoạn 2011- 2016 có 114 văn bản được ban hành, lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, môi trường có 48 văn bản thì lĩnh vực văn hóa chỉ có 1 luật được ban hành (Luật quảng cáo). Đây là số lượng quá ít so với lĩnh vực quản lý nhà nước về văn hóa, gia đình tương đối rộng của Bộ VHTTDL.

HTVBPL về văn hóa, gia đình chưa thể chế hóa đầy đủ, toàn diện chủ trương của Đảng XII và Hiến pháp 2013 về phát triển văn hóa, gia đình và mục tiêu xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước

Nghị quyết 33 và Nghị quyết Đại hội XII xác định phương hướng, mục tiêu phát triển văn hóa, gia đình và xây dựng con người mới với nhiều nội dung có tính định hướng mới. Theo đó, phương hướng mục tiêu chung là xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để thực hiện các mục tiêu này, Đảng đề ra các nhiệm vụ cụ thể như: xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; phát triển công nghiệp văn hóa; chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa. Hiến pháp 2013 khẳng định mọi người đều có quyền sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó; mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa... Với các mục tiêu định hướng nêu trên có thể thấy rằng hệ thống pháp luật hiện hành về văn hóa, gia đình còn nhiều hạn chế, cụ thể như sau:

Thứ nhất, HTVBPL hiện hành về văn hóa, gia đình chưa thực sự tạo được nền tảng, hành lang pháp lý căn bản để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, chất lượng. Hiệu quả hoạt động văn hóa còn chưa tương xứng với yêu cầu, điều này làm giảm đáng kể hiệu quản quản lý nhà nước của ngành, làm phát sinh nhiều bất cập nrong các hoạt động thực tiễn như: nạn mê tín dị đoan, lợi dụng tín ngưỡng, tâm linh, ngoại cảm để trục lợi, các hủ tục cũ, mới tràn lan, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội… có chiều hướng gia tăng; việc phục hồi và phát huy văn hóa truyền thống, nhất là việc tổ chức lễ hội còn mang tính tự phát, theo phong trào, thiếu chọn lọc, chưa khai thác, phát huy được đầy đủ nét độc đáo, bản sắc riêng và giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống. Đồng thời cũng chưa chú ý phát huy tính chủ động của quần chúng, vai trò chủ thể văn hóa của cộng đồng chưa thật sự được coi trọng, ảnh hưởng tới chất lượng việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc. Trong sáng tác, biểu diễn, truyền bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật còn không ít tác phẩm và hoạt động chưa thể hiện được tính chất tiên tiến và bản sắc dân tộc. Số lượng tác phẩm văn học, nghệ thuật xuất hiện ngày một nhiều, song còn ít tác phẩm đạt đỉnh cao, tương xứng với sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc và thành tựu của công cuộc đổi mới. Giáo dục, định hướng thẩm mỹ cho giới trẻ chưa được quan tâm đúng mức. Sáng tác kiến trúc trong thời gian dài không rõ định hướng, lúng túng trong việc thể hiện bản sắc truyền thống trong công trình kiến trúc hiện đại Việt Nam, tạo nên tình trạng lai tạp, lộn xộn trong bộ mặt kiến trúc đô thị hiện nay.

Thứ hai, HTVBPL về văn hóa, gia đình chưa triển khai đầy đủ nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế. Đây là nhiệm vụ khó khăn đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới trong việc xây dựng pháp luật và chính sách văn hóa.

Thứ ba, phát triển công nghiệp văn hóa là chủ trương quan trọng, mang tính chiến lược trong phát triển văn hóa giai đoạn hiện nay trên tinh thần khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa mà vẫn bảo đảm xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, tuy nhiên HTVBPL hiện hành về văn hóa, gia đình chưa cải thiện tốt môi trường kinh doanh sản phẩm, dịch vụ văn hóa để thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh; chính sách ưu đãi, khuyến khích sáng tạo, khởi nghiệp còn chưa đáp ứng được yêu cầu; cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành và phân cấp quản lý hành chính cho chính quyền địa phương chưa hiệu quả.

HTVBPL về văn hóa, gia đình trong quá trình thực thi còn nhiều hạn chế, bất cập về mặt nội dung

Các hạn chế, bất cập này được thể hiện ở các quy định về từng lĩnh vực quản lý chuyên ngành cụ thể, nhiều quy định đã lạc hậu, không còn phù hợp với thực tiễn, nhiều quan hệ xã hội mới phát sinh chưa được điều chỉnh, định hướng hoặc có điều chỉnh nhưng quá chung chung dẫn đến nhiều lúng túng trong quá trình quản lý như: nghệ thuật biểu diễn, quản lý hoạt động văn học, suy tôn danh nhân, quản lý hoạt động vui chơi, giải trí, khu vui chơi giải trí nói chung…

3. Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế

Về chủ quan

Nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của quản lý nhà nước bằng pháp luật nói chung và quản lý nhà nước về văn hóa, gia đình bằng pháp luật nói riêng của một số cơ quan quản lý nhà nước còn hạn chế, thói quen sử dụng văn bản hành chính thông thường trong điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực văn hóa, gia đình vẫn còn phổ biến, do đó chưa quan tâm công tác nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật.

Phân định giữa chức năng quản lý nhà nước và việc triển khai các hoạt động sự nghiệp ở một số cơ quan, đơn vị có chức năng tham mưu quản lý nhà nước về văn hóa, gia đình còn chưa rõ ràng, rành mạch dẫn đến việc đầu tư thời gian, nguồn lực để tổ chức triển khai các công việc tác nghiệp, sự vụ còn lớn mà xem nhẹ công tác quản lý nhà nước, công tác nghiên cứu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Trình độ, năng lực về nghiên cứu, xây dựng văn bản của đội ngũ cán bộ chuyên môn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước bằng pháp luật trong tình hình mới.

Về khách quan

Văn hóa, gia đình là lĩnh vực rộng, phức tạp và nhạy cảm, vừa là những vấn đề hết sức trừu tượng nhưng đồng thời cũng là những nội dung cụ thể, hàng ngày của đời sống xã hội. Định hình các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực văn hóa, gia đình để điều chỉnh bằng pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong tình hình mới không phải là vấn đề đơn giản, các chuẩn mực chung trong lĩnh vực văn hóa, gia đình rất khó định lượng. Do vậy việc nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh lĩnh vực này cũng hết sức khó khăn, dễ thay đổi, lỗi thời, lạc hậu, khó bảo đảm được tính khái quát cao của quy phạm pháp luật.

Thực tiễn công tác quản lý nhà nước về văn hóa, gia đình hiện nay đặt ra nhiều yêu cầu, thách thức trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế. Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế, nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng và hoàn thiện thị trường văn hóa là những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng và phát triển văn hóa hiện nay, mà hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình không thể thể chế hóa đầy đủ và toàn diện trong một khoảng thời gian ngắn.

4. Định hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình

Xây dựng luật, pháp lệnh để điều chỉnh những lĩnh vực quan trọng nhằm cụ thể hóa các nội dung của Hiến pháp 2013 về văn hóa và quyền con người, quyền công dân về văn hóa, đặc biệt những lĩnh vực hiện đang được điều chỉnh bằng nghị định như: nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, hoạt động văn hóa công cộng và kinh doanh dịch vụ văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa, quyền và nghĩa vụ của văn nghệ sĩ…

Xây dựng, ban hành chính sách kinh tế trong vǎn hóa nhằm gắn vǎn hóa với các hoạt động kinh tế, khai thác tiềm nǎng kinh tế, tài chính hỗ trợ cho phát triển vǎn hóa, đồng thời bảo đảm yêu cầu chính trị, tư tưởng của hoạt động vǎn hóa, giữ gìn bản sắc vǎn hóa dân tộc. Thực hiện cơ chế mở rộng hoạt động kinh doanh dịch vụ (hoạt động thể thao, dịch vụ vǎn hóa...), tạo nguồn thu hỗ trợ cho hoạt động sự nghiệp của các đơn vị vǎn hóa - nghệ thuật. Cải tiến chế độ tài trợ, đặt hàng đối với điện ảnh, biểu diễn nghệ thuật. Quy định cụ thể chế độ cho các doanh nghiệp đặc thù của ngành vǎn hóa (hãng phim, rạp chiếu bóng, hiệu sách, khu vui chơi giải trí, nhà xuất bản, trung tâm triển lãm, tu bổ di tích...) được hưởng mức thuế ưu đãi trong hoạt động kinh doanh (thuế đất, thuế vốn khấu hao cơ bản...). Cho phép các thành phần kinh tế, kể cả tư nhân trong nước và nước ngoài, thực hiện một số hình thức liên doanh, liên kết với một số cơ sở hoạt động vǎn hóa theo quy định của pháp luật nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ và tham gia tổ chức một số hoạt động vǎn hóa có nội dung lành mạnh, bổ ích.

Xây dựng, ban hành chính sách vǎn hóa trong kinh tế bảo đảm cho vǎn hóa thể hiện rõ trong các hoạt động kinh tế, đồng thời thúc đẩy các hoạt động kinh tế tạo điều kiện nhiều hơn cho sự nghiệp phát triển vǎn hóa. Việc xây dựng các mục tiêu, giải pháp kinh tế phải gắn với các mục tiêu, giải pháp vǎn hóa, chǎm lo con người, nêu cao đạo đức trong sản xuất kinh doanh. Xây dựng vǎn minh thương mại, đạo đức nghề nghiệp, vǎn hóa kinh doanh, chú ý tính thẩm mỹ, bản sắc dân tộc và tính hiện đại của kiến trúc trong xây dựng các khu dân cư, khu công nghiệp...

Hoàn thiện chính sách xã hội hóa hoạt động vǎn hóa nhằm động viên sức người, sức của của các tầng lớp nhân dân, tổ chức xã hội để xây dựng và phát triển vǎn hóa được tiến hành đồng thời với việc nâng cao vai trò và trách nhiệm của Nhà nước. Các cơ quan chủ quản về vǎn hóa của Nhà nước phải làm tốt chức nǎng quản lý và hướng dẫn nghiệp vụ đối với các hoạt động xã hội về vǎn hóa.

Bổ sung, hoàn thiện chính sách bảo tồn, phát huy di sản vǎn hóa dân tộc, hướng vào cả vǎn hóa vật thể và phi vật thể. Tiến hành việc kiểm kê, sưu tầm, chỉnh lý vốn vǎn hóa truyền thống của người Việt và các dân tộc thiểu số; dịch và giới thiệu kho tàng vǎn hóa Hán Nôm, bảo tồn các di tích lịch sử, vǎn hóa và các danh lam thắng cảnh, làng nghề truyền thống.

Xây dựng chính sách khuyến khích sáng tạo trong các hoạt động vǎn hóa đòi hỏi tǎng nguồn đầu tư thích đáng cho khu vực sáng tạo vǎn hóa, vǎn học, nghệ thuật. Chú trọng đầu tư hỗ trợ cho những tác giả có uy tín cao, những tài nǎng trẻ, đầu tư cho lực lượng chuyên nghiệp và cả cho phong trào quần chúng. Có chính sách chǎm sóc đặc biệt đối với các vǎn nghệ sĩ cao tuổi tiêu biểu, các mầm non nghệ thuật xuất sắc. Sửa đổi chế độ nhuận bút phù hợp với tình hình mới; có chính sách khuyến khích đối với lao động nghệ thuật và báo chí. Thành lập quỹ vǎn hóa quốc gia và quỹ sáng tác của các hội vǎn học, nghệ thuật, tạo thêm nguồn hỗ trợ tài chính cho xây dựng các tác phẩm. Có chính sách khuyến khích các vǎn nghệ sĩ gắn bó với cơ sở, với thực tiễn lao động sản xuất.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 407, tháng 5 - 2018

Tác giả : LÊ THANH LIÊM

;