Thiên nhiên trong thơ dân tộc Dao từ góc nhìn phê bình sinh thái

Từ xa xưa, hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp, hiền hòa luôn xuất hiện trong các lời ca, tiếng hát; cũng ngay từ khi đó, người Dao cũng đã ý thức được thiên nhiên ấy chỉ hòa hợp với cuộc sống khi họ biết lắng nghe, bảo vệ nó. Sau này nối tiếp ý thức đó, các nhà thơ dân tộc Dao cũng đã luôn chú ý tới mối quan hệ cộng sinh giữa con người với thiên nhiên, đồng thời chỉ ra mối nguy hại lớn khi thiên nhiên biến mất đi, để người Dao từ bỏ lối sống du canh du cư, bảo vệ thiên nhiên tươi đẹp trước nguy cơ bị khai thác một cách tận diệt.

1. Sự hòa hợp thiên nhiên với con người

Bàn Hộ - trường ca dân tộc Dao, cuốn dân ca được người Dao dùng để hát trong mỗi dịp thực hành nghi lễ, năm hết, Tết đến, có 32 bài, sắp xếp theo trình tự từ khi người Dao xuất hiện trong vũ trụ, Bình Vương, Cao Vương chế tạo ra trời đất, Bàn Hộ giúp người Dao thoát khỏi trận đại hồng thủy, định cư trên vùng núi cao. Từ đó, mối quan hệ cộng sinh giữa những người Dao với thiên nhiên được xác lập. Có thể thấy, sau trận đại hồng thủy, vạn vật trong tự nhiên bị nhấn chìm, nhưng nhờ có một ngọn núi cao, anh em Phục Hy đã thoát chết (1). Cũng từ ngọn núi ấy, người Dao ra đời, sống ở khắp nơi “với những dòng họ khác nhau: họ Bàn, họ Triệu, họ Hoàng, họ Đặng, họ Chu…” (2), hòa mình, thuận theo và trân trọng tự nhiên.

Quan niệm sống hòa hợp, thuận theo thiên nhiên của người Dao hết sức đơn giản: nếu sống hòa hợp với thiên nhiên, thì các thần cai quản thiên nhiên sẽ bao bọc, che chở cuộc sống của họ:

Đỉnh núi Thái Bạch có Bảo tân

Đào Nguyên động đầu có Sáp trắng (3)

A líu biết được cây trên rừng

Diêm vương biết hết người thế gian (4)

Ngay từ khi “chế tạo ra trời đất” Ngọc Hoàng, Bàn Vương đã để cho “vạn vật hữu linh”, đỉnh núi thì có ma Bảo tân cai quản, A líu là linh hồn của cây cối, Sáp trắng quản lý hang động, ma Duần phiu miến (ma rừng) cai quản toàn bộ các loài sinh vật sống trong rừng, bảo vệ mùa màng, nương rẫy, cuộc sống con người. Chính vì thế, mà người Dao quan niệm mọi vật sống xung quanh họ đều là những thực thể sống, nếu không tôn trọng bảo vệ nhau thì cũng sẽ như Đèng bó sung (ma ác) chuyên sống lẩn khuất trong những thân gỗ mục để chực chờ làm hại người khác.

Người Dao sinh sống ở lưng chừng núi, cuộc sống hoàn toàn dựa vào tự nhiên theo lối du canh, du cư, hòa mình với thiên nhiên, coi thiên nhiên, núi rừng là nhà, là nơi cung cấp lương thực, thực phẩm. Xuất phát từ quan niệm đó mà người Dao có câu tục ngữ Dáng cang zạ zàng thủ chái diền, tạm dịch là Người Dao ta là hoa của đất (5), chỉ bảy chữ nhưng chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa, bởi con người chính là mạch sống của đất trời, là trung tâm kết nối của vũ trụ ba tầng. Từ khi tạo ra con người (6), Bình Vương đã ban cho họ một hình thể, một bản năng, một trí tuệ, đó chính là sự khác biệt lớn nhất của con người với vạn vật trong thế giới tự nhiên.

Người Dao sống gắn bó với giới tự nhiên, dựa vào tự nhiên và đối mặt với tự nhiên nhưng không phải lúc nào giới tự nhiên cũng chiều theo ý muốn của con người. Mối quan hệ giữa những người Dao với giới tự nhiên từ xưa tới nay là mối quan hệ máu thịt, không tách rời nhau, con người (vũ trụ nhỏ), luôn nằm trọn trong vũ trụ lớn (tự nhiên). Cho dù tự nhiên là vũ trụ lớn song trong mối quan hệ thiên nhân hợp nhất ấy, con người lại luôn đứng ở vị trí trung tâm:

Tạo thành mặt trời ngôi thứ nhất

Ra đời mặt trăng ngôi thứ hai

Thiên tử ở cao người bé nhỏ

Mặt trăng trên trời ngôi thứ nhất

Thiên tử ở cao nhỏ bé người

Ngôi sao ở trời ngôi thứ hai (7)

Người Dao luôn xác định được vai trò trung tâm của mình trong vũ trụ nên họ có nhận thức tích cực, tác động và thích ứng với giới tự nhiên.

Tuy nhiên, từ khi di cư đến vùng đất mới do nhận thức còn hạn chế, công cụ lao động còn thô sơ, lại quá nhỏ bé trước thiên nhiên hùng vĩ, trước vũ trụ bao la và bí hiểm, nên người Dao khi đó không có khả năng chi phối tự nhiên, họ luôn lo sợ trước các hiện tượng tự nhiên. Do lo sợ sự giận dữ của các hiện tượng tự nhiên nên người Dao phải cầu viện đến sức mạnh của các vị thần (ma lành), để rồi từ đó họ xây dựng niềm tin tâm linh vào thế giới siêu nhiên cho riêng mình. Chẳng hạn, trước hiện tượng mưa lũ, họ không thể giải thích tại sao mưa lũ lại tàn phá cuộc sống của họ mạnh đến thế, họ lúng túng, loay hoay để tìm câu trả lời nhưng họ đã không tìm ra, cuối cùng họ nghĩ rằng do con người đã làm điều gì đó sai với các vị thần ở cõi trời nên các thần nổi cơn sấm sét để trừng phạt:

Năm hơi triều Nguyên sấm sét đánh

Biết phải là sấm nghe không rõ

Kích động thiên sư tiên trời đến (8)

Có thể thấy, trong cách suy nghĩ của người Dao dù đã bộc lộ yếu tố thần linh chủ nghĩa, duy tâm, siêu hình nhưng những yếu tố tích cực vẫn là chủ đạo, đó là tinh thần lạc quan, yêu đời, là ý thức được rõ về sự tác động của con người đến tự nhiên, nếu con người yêu thương tự nhiên, ắt sẽ được sự bao bọc che chở của các vị thần. Bởi vậy, người Dao thường lựa chọn cách sống hài hòa với tự nhiên để có được cuộc sống thanh thản, đủ đầy.

Muốn có được cuộc sống thanh thản, đầy đủ người Dao thường nhắc nhở con cháu mình phải biết lắng nghe tiếng nói từ tự nhiên. Điều này thoạt nghe có vẻ như phi lôgic bởi tự nhiên đâu có phải là con người mà có khả năng nghe nói, song trên thực tế:

Chân đạp gốc cây tai nghe tiếng

Nhủ em tai hóng tiếng ca vang (9)

Xuất phát từ quan niệm vạn vật trong thiên nhiên đều có linh hồn, tiếng nói riêng nên người Dao luôn có các khu rừng thiêng, có những kiêng kỵ nhất định bởi họ cho rằng sống hòa thuận với thiên nhiên không đồng nghĩa với việc chỉ coi tự nhiên là bạn mà còn phải cảm nhận, lắng nghe tự nhiên giao tiếp với con người. Điều này đồng nhất với quan điểm của các nhà phê bình sinh thái, bởi họ cho rằng “quan điểm coi tự nhiên là câm lặng, không có tiếng nói cũng chủ yếu cho thấy về sự khước từ lắng nghe của chính chúng ta chứ không phải là về năng lực giao tiếp của tự nhiên…” (10). Người Dao là một tộc người có ngôn ngữ, chữ viết riêng, song không vì thế mà họ xem thường tiếng nói của vạn vật trong tự nhiên. “Chúng ta cứ tưởng rằng những con vật không có ngôn ngữ, bởi vì chúng ta không hiểu những tiếng kêu của chúng” (11). Trên thực tế, vạn vật giao tiếp bằng ngôn ngữ riêng của nó, nếu con người biết lắng nghe, thấu hiểu nó, thiên nhiên ắt sẽ không nổi giận.

Vạn vật trong tự nhiên giao tiếp với người Dao bằng ngôn ngữ riêng, mong muốn người Dao bảo vệ yêu thương chúng như chính máu thịt của mình:

Vào rừng đốn cây động đến đất

Xuống nước chèo thuyền động bến sông (12)

Người Dao luôn tìm cách bảo vệ, đối thoại với thiên nhiên đặc biệt là những sự vật hiện tượng sống xung quanh mình như: rừng, sông, đất, đá… Họ luôn sợ tự nhiên bị tổn thương, sợ các thần cai quản tự nhiên nổi giận, nên khi chặt cây, đốt rừng làm nương rẫy họ luôn phải cúng ma rừng, cúng các vị thần cai quản trong tự nhiên (13). Vạn vật trong tự nhiên được sinh ra là để phục vụ cho cuộc sống con người, vì thế nếu không bảo vệ chúng, trần gian sẽ lấy gì để dùng? Chính vì thế, lễ khoi kìm (cúng rừng) của người Dao được tổ chức rất chu đáo. Trong lễ cúng, bao giờ thày cúng cũng khấn: “Hôm nay chúng ta chọn khu rừng này làm nương, ngày mai chúng ta sẽ đem hồn cây đến nơi ở mới trong cánh rừng bên cạnh” (14). Có thể thấy, thiên nhiên hoang dã nơi người Dao sinh sống là một người bạn, là nguồn cảm hứng bất tận cho cuộc sống của họ, tự nhiên như một ngôi nhà lớn, che chở, bao bọc cuộc sống của người Dao. Tự nhiên nơi người Dao sinh sống không đòi hỏi ở họ bất kỳ điều gì, ngoài việc mong muốn người Dao hãy hiểu, bảo vệ tự nhiên để tự nhiên có thể đáp ứng được nguồn sống, sức khỏe, môi trường sinh thái trong lành cho cuộc sống của người Dao ngày một sung túc, tươi đẹp hơn.

2. Khi con người hủy hoại môi trường sinh thái

Người Dao sinh sống trong thời hiện đại đang đối mặt với nguy cơ mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng. Môi trường sống của người Dao ngày một nóng lên, nếu khi xưa khi đi làm nương, cái nắng như muốn thiêu họ, họ chỉ cần ra bờ suối nhờ làn nước suối vỗ về, mơn man, hay họ chỉ cần vào tán lá xanh rì của những vòm cây cổ thụ, mặt trời sẽ không thể thiêu đốt họ được. Song ngày nay, cái nóng, mưa lũ đã dày xéo cuộc sống của họ, họ đã đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Điều gì khiến cho trái đất ngày càng trở nên kiệt quệ, môi trường ngày càng nóng hơn? Người Dao chỉ có thể giải thích một cách đơn giản, nếu không bảo vệ rừng thì cuộc sống của họ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nguyên nhân sâu xa của khủng hoảng môi trường nơi cư trú của người Dao cũng nằm trong sự khủng hoảng môi trường của cả thế giới nói chung, của Việt Nam nói riêng. Thông qua “tra vấn lại những chuẩn mực văn học từ điểm nhìn phê bình sinh thái” (15), các nhà thơ dân tộc Dao, tiêu biểu là nhà thơ Bàn Tài Đoàn, đã có nhiều đóng góp trong phê phán việc khai thác, sử dụng tự nhiên một cách bừa bãi khiến cho tự nhiên ngày một xa rời cuộc sống của người Dao.

Trong thơ Bàn Tài Đoàn, tự nhiên không chỉ là đề tài sáng tác mà còn là người bạn gắn bó máu thịt với đồng bào Dao. Ông luôn xác định tự nhiên có những lôgic huyền bí của nó, nếu con người cư xử ngỗ ngược thì sẽ bị trừng phạt thê thảm. Chính vì yêu quý, gắn bó với thiên nhiên, với quê hương nên ông đau xót khi chứng kiến cảnh đồng bào chặt cây, phá rừng bừa bãi mà nguyên nhân chính là do lối sống du canh, du cư. Rừng núi như bạn thân, chim chóc, muông thú như những người thân của ông - giờ đây tất cả đã rời xa ông mãi mãi:

Trèo lên núi nhìn không thấy

Lên tiếng gọi to chẳng thấy thưa (16)

 (Trên núi vẫn là nơi ta ở)

Ông đã cất tiếng gọi những người Dao giữ lấy rừng xanh, phê phán gay gắt những người đã làm rừng biến mất. Rừng mất, đất dốc càng trở nên gầy hơn khiến ông đau đớn khôn nguôi, bởi ông luôn coi rừng là người bạn tri ân của người Dao. Ông luôn mong muốn rừng sẽ trở về cùng chung sống vui vẻ, thân thiết với người Dao quê ông như khi xưa:

Rừng ơi hãy về thương ta với

Cùng ta chung sống xanh trên núi (17)

 (Tìm bạn rừng)

Phải là một người con thật sự của núi rừng, một người con bằng máu thịt của dân tộc Dao đích thực, Bàn Tài Đoàn mới có được những lời thơ kêu gọi người Dao bảo vệ tự nhiên thấm thía, sâu đậm tình cảm đối với cỏ cây, muông thú, núi rừng đến vậy. Nỗi nhớ quê hương nguồn cội, nỗi nhớ về những người thân yêu trong thơ ông bao giờ cũng được bao bọc bởi thiên nhiên. Họ sống chan hòa, thân thiết, quấn quýt bên nhau, cùng chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, cùng nhau thêu những chiếc áo chàm chứa đựng bao tình nghĩa:

Nhớ đến làng xưa những bạn thân…

Nhớ đến trong làng chị em bạn (18)

 (Nhớ làng xưa)

Chỉ có sống trong những truyền thống văn hóa của người Dao, nhà thơ mới cảm nhận đầy đủ, sâu sắc về sự gắn bó mật thiết giữa thiên nhiên với con người, giữa con người với con người núi rừng. Mỗi ngọn núi, dòng suối, thửa ruộng bậc thang, tiếng hát, điệu múa, đường thêu... nơi đây đều gắn bó thân thiết với đời sống của đồng bào Dao.

Có thể thấy, các bài thơ, ca của dân tộc Dao luôn gắn liền với sự thức tỉnh về tình yêu, tôn trọng, đối xử công bằng với tự nhiên. Khi con người không đặt mình ở địa vị thống trị, không khai thác, chiếm đoạt, đối xử bất công, thiếu trách nhiệm với tự nhiên thì sẽ có cuộc sống bình yên. Khi con người tàn phá tự nhiên, phá hủy ngôi nhà sinh thái, thì những thảm họa, thiên tai, những biến đổi thời tiết, khí hậu… sẽ đổ ập lên cuộc sống của họ. Vì thế, dù hôm nay hay mai sau, con người cần ý thức về vai trò, trách nhiệm của mình trong mối quan hệ với tự nhiên.

_______________

1, 4, 6, 7, 12, 13. Triệu Hữu Lý, Bàn Hộ - Trường ca dân tộc Dao, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1982, tr.27, 48, 31, 29, 19, 34.

2. Bàn Tuấn Năng, Truyện cổ dân tộc Dao, Nxb Dân trí, Hà Nội, 2013, tr.12.

3. Sáp trắng: chỉ cánh kiến trắng.

5. Ghi theo lời bà Bàn Thị Xuân, sinh năm 1945, tại Phong Hải, Bảo Thắng, Lào Cai.

8. Bùi Mạnh Nhị (chủ biên), Văn học dân gian - những công trình nghiên cứu, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1999.

9. Đỗ Quang Tụ, Nguyễn Liễn, Câu đố, tục ngữ, dân ca dân tộc Dao, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2007, tr.164, 165.

10. Rigby K., Chapter 7: Ecocritisim, Introducing Criticism at the Twenty First Century, Edinburgh UP, 2014, Đặng Thị Thái Hà dịch.

11. Fontenay E, Khi con vật nhìn ta, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2013, tr.39.

14. Ghi theo lời thày cúng Bàn Văn Sang, sinh năm 1949, Cốc Đán, Ngân Sơn, Bắc Kạn.

15. Lã Nguyên, Văn học kỳ ảo: nhìn từ hệ hình thế giới quan, Tạp chí Văn học nước ngoài, số 6 (12 - 2007), tr.203.

16, 17, 18. Dẫn trong Bàn Tài Đoàn - tuyển tập thơ văn, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2006.

Tác giả: Bàn Thị Quỳnh Giao

Nguồn: Tạp chí VHNT số 428, tháng 2-2020

;